Chuyên gia giáo dục Mỹ hiến kế giúp Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Giáo dụcThứ Tư, 27/04/2016 08:26:00 +07:00

Chuyên gia giáo dục Mỹ cho rằng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang đi đúng hướng trong giáo dục đại học.

(VTC News) - Chuyên gia giáo dục Mỹ đã đưa ra nhiều góp ý quan trọng cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quản lý giáo dục đại học.

Ông Trần Đức Cảnh là một người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách cho các Chương trình Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực tại bang Massachusetts (Hoa Kỳ).
Chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh
Chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh 

- Ông đánh giá sự đổi mới về giáo dục đại học của Việt Nam thời gian qua ?

Có thể diễn tả sự thay đổi trong giáo dục đại học thời gian qua như một vùng sáng tối lẫn lộn (twice-light zone), không rõ rệt và dứt khoát.

Chúng ta đã bàn về tự chủ đại học (tài chính, nhân sự, học thuật), nhưng cũng chỉ dừng ở mức chọn lựa vài trường công lập làm thí điểm. Tự chủ đại học là chìa khóa mở cánh cửa  cho giáo dục Việt Nam ra thế giới bên ngoài.

Nên mạnh dạn cấu trúc toàn bộ hệ thống giáo dục đại học theo hướng này, thay vì chắp vá như hiện nay, như thế mới phát triển được.

Nhập kỳ thi đại học và tốt nghiệp THPT lại thành một là một bước tiến, nhưng chưa có đột phá trong phương thức thi cử, thời gian thi kéo dài nhiều ngày gây tốn kém không cần thiết.

Tôi rất quan tâm cách tổ chức thi mới của đại học Quốc gia Hà Nội năm rồi, hy vọng kỳ thi THPT trong những năm tới sẽ có những đột phá về phương thức.

Chưa rõ ràng trong việc định hướng các trường đại học lớn theo xét tuyển hay thi tuyển.

- Gợi ý của ông cho vấn đề này như thế nào?

Theo tôi các trường nên đầu tư nhiều hơn vào việc xét tuyển, điểm thi là một trong những yếu tố quan trọng, nhưng không phải là tất cả, như vậy mới chọn ra sinh viên tương lai phù hợp với điều kiện, văn hóa của trường.

Xét tuyển là khởi điểm quan trọng để chọn, đào tạo và phát triển tiềm năng một con người.

Câu nói bất hủ của Văn hào Shakespeare “phung phí trí tuệ là tội lỗi”. Đôi lúc phí phạm trí tuệ trong đào tạo còn lớn hơn bao lần, nếu như không có nó.

Các vấn đề lớn mà xã hội búc xúc từ nhiều năm như cấu trúc chương trình và giáo trình đại học, phương thức giảng dạy rất lạc hậu và phản tác dụng .. nhưng chưa có dấu hiệu thay đổi gì mấy.       

- Để gạch đầu dòng về những hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam trong thời kỳ vừa qua, ông sẽ lưu ý những gì?


Bắt đầu từ triết lý giáo dục, từ đó chuyển tải đến hệ thống giáo dục và toàn xã hội. Thời chúng tôi đi học, triết lý giáo dục bao hàm trong 6 từ: Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng. 

Nhân bản là tiền đề của sự thành hình một xã hội tích cực, phải được đào tạo, nung đúc từ lúc bắt đầu lớp mẫu giáo .. liên hệ giữa người với người, người với thiên nhiên, với động vật và môi trường xung quanh ..

Nhìn kỹ những gì đang xảy ra hàng ngày, vấn đề trầm trọng nhất trong xã hội hiện nay là tính nhân bản, nhân văn. Vai trò và trách nhiệm của giáo dục không hề nhỏ trong việc này.

Trong một thế giới hội nhập, tính dân tộc càng phải được gìn giử. Phát huy dân tộc tính không có nghĩa cực đoan, mà là khẳng định cái gốc, nền tảng, giá trị tinh hoa của một dân tộc trong dòng chảy hội nhập thế giới.

Nước Do Thái đất không nhiều, dân không đông nhưng họ gìn giữ cho dân tộc họ một sắc thái riêng...

Khai phóng là yếu tố tối cần thiết trong nến giáo dục, hơn một 100 năm trước ông Phan Châu Trinh đã đặt tiền đề “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, một nền giáo dục mở,  luôn đón nhận những giá trị, kiến thức phổ quát của thế giới. Tự do học thuật là nền tảng của giáo dục khai phóng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận được rất nhiều góp ý của các chuyên gia giáo dục

- Trong rất nhiều cuộc họp có đại diện của Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thường nhấn mạnh “Giáo dục đại học Việt Nam không thể thoát khỏi xu thế của giáo dục đại học thế giới”. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Quan điểm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là rất đúng. Trong thế giới hội nhập ngày nay, ngay cả những bộ lạc sống lâu đời trong rừng Amazon ở Brazil, cũng không thoát được xu thế này huống hồ một nước như Việt nam có hơn 90 triệu dân, có trên 4% người Việt hay gốc Việt sống ở khắp nơi trên thế giới.

Chúng ta nên nhìn xu thế hội nhập một cách tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay.

Riêng về giáo dục thì hơn bao giờ hết chúng ta “cần hội nhập”, vì thế giới chung quanh đã đi xa hơn chúng ta rất nhiều về cách dạy và học, phương thức truyền đạt kiến thức và thông tin, cách phân tích, xử lý và ứng dụng thông tin hiệu quả.

Với số lượng thông tin  hàng ngày trên thế giới, không một bộ óc nào dù thông minh xuất chúng đến mấy, cũng không thể tiếp nhận nổi.

Do đó học cách học, học phương pháp tiếp cận, xử lý và ứng dụng khoa học .. thay vì thuộc bài và lặp lại theo cách dạy và học trong nước hiện nay.

Chúng ta cần “hội nhập” với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới về cấu trúc và phương pháp hơn là kiến thức.


Video: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chất vấn Bộ GD-ĐT ngay tại hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục ĐH công lập


- Với 3 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học liệu có đủ sức kiểm định chất lượng tất cả các trường đại học trên toàn quốc ?

Hiện nay cả nước có khoảng 450 trường đại học, cao đẳng, trung bình mỗi vùng có 150 đơn vị trường.

Ở Mỹ có 7 tồ chức Kiểm định vùng, trung bình mỗi vùng có khoảng 500 đơn vị trường. Nếu theo mô hình Hội đồng thẩm định (tổ chức độc lập) của vùng của Mỹ thì Việt Nam có thể chia làm 3 vùng, mỗi vùng có một Hội đồng Thẩm định.

Theo tôi thì 1 hay 3 trung tâm kiểm định không quan trọng, nhưng tổ chức này phải độc lập,  không nên nằm trong đại học quốc gia để tránh trường hợp vừa đá bóng vừa thổi còi, còn việc mỗi đại học Quốc gia tự thành lập đơn vị kiểm định nội bộ lại là chuyện khác.

- Liệu rằng Bộ GD-ĐT có cần phải mở ra cơ chế cho phép thành lập thêm nhiều tổ chức kiểm định độc lập nữa không, thưa ông?

Có thể thành lập tổ chức kiểm định các trường nghề, còn các đơn vị trường theo tôi thì chỉ cần 3 trung tâm là đủ. Quy trình và tiêu chí đánh giá cần phải rõ ràng minh bạch và công khai, mục tiêu là giúp các trường nâng cao chuẩn chất lượng, nếu không thì các trường lại sợ có thêm một tổ chức thanh tra nữa phải “đối phó”.

- Phải chăng hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn quá tập trung vào kiểm định chất lượng đầu vào, trong khi đó chất lượng đầu ra vẫn còn bỏ ngỏ?

Tôi đã trình bày nhiều lần trên các diễn đàn trong nước là khi xác định đầu ra là mục tiệu, thì sẽ tác động ngược vào khâu đào tạo, rồi đến đầu vào.

Hiện nay chúng ta đang làm quy trình ngược .. cố chọn đầu vào thật tốt nhưng không xác định được mục tiêu đầu ra .. cuối cùng giống như “đem con bỏ chợ” rồi “đổ lỗi cho nạn nhân”. 

Bản thân tôi từng làm chính sách và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, tôi rất quan trọng chất lượng đầu ra, song song với việc nghiên cứu hướng phát triển kinh tế-xã hội từng giai đoạn, và từng ngành nghề cụ thể.

Làm được như thế, chúng ta cần nghiên cứu, cập nhật và phổ biến, chia sẻ dữ liệu tin cậy đến các trường đại học, cao đẳng và trung tâm đào tạo để họ sử dụng cho mục đích lập kế hoạch.

Trong nền kinh tế thị trường, bao gồm giáo dục đại học, sản phẩm đầu ra là yếu tố quyết định sự tồn tại lâu dài của chính tổ chức đó.

- Tại sao thời hạn các trường đại học phải có phương án tuyển sinh riêng vào năm 2017 đã sắp đến, nhưng có vẻ rất ít trường thực sự chuẩn bị cho điều đó?

Theo tôi khâu tuyển sinh là quan trọng nhất trong giáo dục đại học, đặt biệt các trường lớn, nhưng cách tuyển sinh các trường trong nước đầu tư chưa đủ thời gian công sức để chọn các ứng viên phù hợp, đào tạo một con người đúng nghĩa .. Trong tình trạng giáo dục đại học hiện nay, cũng không quá khó để hiểu.

Giáo dục là việc lớn cần đầu tư lâu dài từ Nhà nước, nhà trường và người học. Mọi thay đổi trong giáo dục cần được nghiên cứu, phân tích, cân nhắc giải pháp và thời gian là yếu tố quan trọng.

Tôi rất khó đồng ý với những gì xảyra vì phần lớn là giải pháp tình thế, cảm tính, ngắn hạn và chấp vá. Đã đến lúc hệ thống giáo dục cần xây dựng một định hướng và kế hoạch lâu dài và bền vững, có sự tin tưởng của toàn xã hội.

Quan sát việc tuyển sinh của các trường, kể cả các trường lớn, mang tính đối phó hơn là kế hoạch lâu dài và bền vững ..

Trong tiếng Anh có hai từ rất chính xác là đối phó (reactive) và chuẩn bị lâu dài (proactive). Tuyển sinh trong đại học phải là chuyện lâu dài và bến vững.. không phải là nghe ngóng và phản ứng như thị trường chứng khoán.

- Ông kỳ vọng gì vào tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau khi nhậm chức?

Tôi đồng tình với tân Bộ trưởng với câu phát biểu “Giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người”. Từ góc nhìn này tôi cho là phù hợp và đúng hướng.

Tôi chỉ mong trong nhiệm kỳ này, Bộ GD-ĐT thực hiện được mấy việc chính để mở cánh cửa đại học Việt Nam ra thế giới như .. xây dựng được cơ chế tự chủ đại học đúng nghĩa.

Mỗi đại học như một người trưởng thành có đủ ý thức trách nhiệm.

Phần còn lại để cơ chế thị trường giáo dục đại học tự điều tiết. Như thế, nền giáo dục đại học nước nhà mới cất cánh được.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn