Du học sinh đưa quan điểm sốc: ‘Đạo văn là một nét văn hóa?’

Giáo dụcThứ Sáu, 26/02/2016 07:28:00 +07:00

Du học sinh tài năng tại Mỹ băn khoăn đặt câu hỏi liệu có quá nếu bảo đạo văn là một nét văn hóa hay không?

(VTC News) – Du học sinh tài năng tại Mỹ băn khoăn đặt câu hỏi liệu có quá nếu bảo đạo văn là một nét văn hóa hay không?

Mai Đức Anh, Sinh viên tại Truman State University, Missouri, Mỹ đã gửi cho VTC News bài viết về quan điểm cá nhân liên quan đến vấn đề “Đạo văn” nhìn từ góc độ văn hóa Việt và văn hóa Mỹ.
Mai Đức Anh, sinh viên tại Truman State University, Missouri, Mỹ
Mai Đức Anh, sinh viên tại Truman State University, Missouri, Mỹ  

"Mỹ là một nước “ki bo”, sống chẳng chịu chia sẻ. Chẳng thế nên những vấn đề liên quan đến sản phẩm trí tuệ, từ việc sao chép trái phép dữ liệu, phần mềm thiếu bản quyền cho đến điều lớn hơn như đạo văn đều bị coi là phạm pháp.

Nếu như phần mềm hay dữ liệu tải xuống trái phép chỉ mới dừng lại ở phạt hành chính, nộp tiền là xong thì trái lại, đạo văn là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều.

Từ nhỏ, trẻ em Mỹ đã được dạy về không được sao chép, đánh cắp ý tưởng của người khác. Những thông tin hay sản phẩm này được coi là sở hữu trí tuệ, thuộc bản quyền của tác giả và việc muốn sử dụng chúng đều phải trích dẫn một cách đầy đủ chính xác. Đây là đạo đức trong học tập.

Lên đến đại học, những du học sinh chân ướt chân ráo như mình và cả sinh viên bản địa đều được dặn kỹ điều này. Các trường đại học có lớp viết mà tất cả sinh viên phải lấy. Trong lớp này, giáo sư có trách nhiệm nói về đạo văn, dạy trích dẫn nguồn cho đúng và trợ giúp sinh viên tránh vi phạm.

Không chỉ sao chép thiếu trích dẫn, ngay cả khi đã trích dẫn mà không chính xác hay thiếu thông tin cũng là đạo văn. Một khi bị phát hiện, nhẹ thì bài viết dính đạo văn không có điểm, nặng hơn, sinh viên sẽ trượt lớp hoặc lên hội đồng kỉ luật. Ra khỏi phạm vi trường học, hành động này có thể phải trả giá đắt hơn nhiều. Nhìn chung lại, với Mỹ hay các nước phát triển, đây là một việc không chấp nhận được.

Người Mỹ, ích kỷ chẳng chịu chia sẻ tri thức thế kia, bảo sao mãi không phát triển.
Đạo văn ở Việt Nam đã trở thành hệ thống?
Đạo văn ở Việt Nam đã trở thành hệ thống? 

Chúng ta thì khác.


Từ bé, chúng ta đã được dạy về sống có tinh thần cộng đồng nên con người đều rất rộng lượng sẵn sàng chia sẻ. Bạn không tin? Hãy cùng lật lại lịch sử để xem. Suốt thời gian dài, học theo các vị Thánh hiền và nhớ vanh vách những điều này là một chuẩn mực đạo đức. Trí thức và học giả phong kiến không ai khác là những người có kiến thức sách vở uyên thâm, những người thuộc làu kinh sử, không sai chữ nào.

Rồi Tam tự kinh, Tứ thư, Ngũ kinh, Tứ sử và Tứ đại kỳ thư, ai bảo đó không phải sách gối đầu giường của bậc nho sĩ? Lấy ý tưởng của người khác, cụ thể là Thánh nhân, sao chép nguyên si không sai một chữ, đó là gì?

Gác lịch sử sang một bên, tinh thần chia sẻ của chúng ta còn được lưu giữ tận ngày nay. Trên lớp, thầy cứ đọc, trò cứ chép, thuộc hết tinh hoa của thầy và viết lại trên bài thi. Không những thế, càng đúng ý thầy, càng chi tiết bao nhiêu điểm lại nhiều bấy nhiêu, đó là khuyến khích điều gì?
Mai Đức Anh: "Liệu có sai khi nói đạo văn đã trở thành hệ thống?"

Bước vào các kì thi, từ nhỏ đến to, từ trường lớp, địa phương đến toàn quốc, đã bao giờ phân tích tác phẩm không được kê vào dòng chủ đạo? Phân tích học trò biết lấy ý ở đâu, có phải lại là khuyến khích không? Bao năm trời vẫn chừng ấy câu hỏi, lại không phải những câu chú trọng khả năng sáng tạo và phản biện cá nhân, chúng ta đang tìm gì ở học sinh, ngoài tinh thần chia sẻ và học hỏi một cách vô tư ấy?

Liệu có sai khi nói đạo văn đã trở thành hệ thống? Liệu có quá nếu bảo đó là một nét văn hóa hay không?

Đến đây, chợt nhớ, tài liệu gắn bó nhất suốt đời học Văn có lẽ là “Để học tốt” chứ không phải SGK của bộ và chuẩn mực Văn học về cái đẹp của người phụ nữ em yêu, từ cô giáo, đến chị hàng xóm vẫn luôn là ”mũi dọc dừa bên thừa bên thiếu, mắt bồ câu con đậu con bay và môi trái tim bên chìm bên nổi.”

Mai Đức Anh
Sinh viên tại Truman State University, Missouri, USA
GPA: 3.9/4.0
Học bổng President’s Honorary Scholarship cho sinh viên quốc tế xuất sắc
Cựu học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm
Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Truman State University 2014-2015
Đại biểu hội đồng Đông Nam Á tại VYMUN 2015
Top 10 kì thi Toán học bang Missouri (Missouri Collegiate Mathematics Competition) 2013, 2014 và 2015
BTC chương trình IChallenged 2013, thành viên tổ chức YVS Vietnam
Phó bí thư BCH Đoàn trường THPT chuyên ĐHSP 2011 - 2012
Chủ tịch CLB âm nhạc MCCM (Music Club – CSP Melody) 2011 – 2012
Phó Chủ tịch Tổ chức truyền thông PTCMedia 2011 – 2012


Mai Đức Anh
Bình luận
vtcnews.vn