Thầy của GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về đạo lý 'mùng 3 Tết thầy'

Giáo dụcThứ Tư, 10/02/2016 07:36:00 +07:00

"Mùng 3 là tết Thầy, điều này cho thấy người Thầy có một vị trí cao trong quan niệm của dân gian, cho thấy đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc ta rất tốt đẹp"

"Mùng 3 là tết Thầy, điều này cho thấy người Thầy có một vị trí cao trong quan niệm của dân gian, cho thấy đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc ta rất tốt đẹp" - PGS.TSKH Vũ Đình Hòa chia sẻ cảm nghĩ của mình về tết cổ truyền dân tộc.

Người thầy của những tấm huy chương

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa được biết đến là người thầy đào tạo ra nhiều thế hệ học trò xuất sắc, giành nhiều tấm huy chương quốc tế, trong đó tiêu biểu nhất là GS Ngô Bảo Châu. Năm 2012, thầy đã dạy và giúp 6 học sinh dự thi Olympic toán quốc tế, tất cả đều đoạt giải, đưa đoàn Việt Nam trở lại vị trí top 10 thế giới sau nhiều năm. 

Nói về "Mùng 3 Tết Thầy", PGS Hòa cho hay: "Người xưa có câu “Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy”, câu nói dân gian ấy dường như đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam mỗi khi Tết về. 
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa trao đổi với PV Infonet.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa trao đổi với PV Infonet. 

Cả một năm dài các thành viên trong gia đình thường là mỗi người một việc, ít có thời gian để ngồi quây quần bên nhau. Chính vì vậy mà dịp tết là thời gian để mọi người cùng ôn lại chuyện xưa và cầu chúc cho nhau thêm một năm mới bình an và hạnh phúc. Câu nói “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” chính là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày tết.

Nhà cha là nhà bên họ nội. Ngày mùng Một thiêng liêng nhất nên ai cũng về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng. Theo thông lệ, người con cả, người anh cả, người cháu đích tôn vào trước, sau đó đến hàng em út vào sau, lần lượt nói lời chúc tụng ông bà, cha, mẹ sức khoẻ và những điều tốt lành.

Ông bà cha mẹ bên nội chúc tết con cháu kèm theo những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều gọi là cho lộc con cháu để con cháu lấy may.

Sang đến ngày mùng 2, cả gia đình sẽ sang nhà bên ngoại. Nghi thức cũng tương tự như bên nội. Con cháu chúc tụng ông bà cha mẹ và ông bà cha mẹ mừng tuổi con cháu bằng những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều tượng trưng.

Còn ngày mùng 3 là tết Thầy, điều này cho thấy người Thầy có một vị trí cao trong quan niệm của dân gian, cho thấy đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc ta rất tốt đẹp. Vào ngày này, học trò đến thăm Thầy Cô giáo, chúc mừng năm mới và chúc sức khỏe Thầy Cô. Đây là dịp để các học trò cũ đến thăm thầy cô giáo một thời và để ôn lại kỷ niệm xưa.

Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm, quả là một khoảng thời gian đẹp để mọi người gặp gỡ, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Tết còn với một ý nghĩa sum họp, sum vầy gắn kết mọi người gần nhau hơn, cũng là dịp để nghỉ ngơi sau một năm bận rộn trong công việc. Tôi rất thích khoảng thời gian nghỉ Tết".

Vẫn đi tìm những đáp số của bài toán cuộc đời.

 

“Vào năm 2002, tôi về công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội, tham gia lựa chọn và bồi dưỡng học trò thi Olympic toán quốc tế. Khi đó, một trong những học trò tiêu biểu của tôi là Ngô Bảo Châu, người sau này giành giải thưởng Fields danh giá nhất về toán học. Khi đó, tôi nhận lời mời của bố mẹ Ngô Bảo Châu và dạy cậu học trò này từ năm lớp 10 đến hết lớp 12. Điều ấn tượng nhất của người thầy với cậu học trò Ngô Bảo Châu, là ngoài năng lực đặc biệt, còn là sự kiên trì với những bài toán khó”.

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa
 
Còn nói về bản thân mình, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa chia sẻ: “Tôi ra đời trong đêm đông Hà Nội 11/1955. Mẹ bế tôi về nhà, lúc đó ở 53 phố Huế. Tôi lớn lên trong vòng tay của mẹ và trong vòng tay của anh chị em. Rồi biết ngồi, biết đi, biết đánh ruồi, phủi bụi, biết làm toán, trồng hoa. Toán đến với tôi rất tự nhiên, thân quen như người bạn thời thơ ấu. 
 
Bài toán đầu tiên là câu đố của cha: “Vừa gà vừa chó/Bó lại cho tròn/Ba mươi sáu con/Một trăm chân chẵn/Hỏi mấy gà, mấy chó?”. Câu đó của cha khi đó, tôi đang học lớp 1, nhưng bản thân vẫn kiên trì tìm đáp án cho bài toán này, chứ không chịu bó tay.

Vào cuối năm lớp 1, tôi được thầy giáo dạy lúc đó phát hiện bị cận thị nhưng nhà nghèo, đến năm lớp bảy mới có kính đeo. Lúc ấy, tôi đã cận nặng 8 đi-ốp. Tôi coi việc đeo kính là điềm báo cuộc đời mình sẽ gắn liền việc học. Lên lớp 6, tôi đỗ chuyên Toán, cũng là trường năng khiếu đầu tiên của Hà Nội, rồi tham gia đội tuyển thành phố năm lớp 7. Đây là lúc tôi bước vào con đường toán chuyên nghiệp".

Năm 1974, thầy Hòa dự thi toán quốc tế tại Cộng hòa Nhân dân Đức và giành được tấm huy chương bạc đầu tiên của Việt Nam. Trong nhiều năm liền, thầy là trưởng đoàn dẫn đội tuyển toán Việt Nam dự thi Olympic quốc tế. Năm 2012, PGS giúp 6 học sinh dự thi đều đoạt giải, đưa đoàn Việt Nam trở lại vị trí top 10 thế giới sau nhiều năm. 

Đến hôm nay thầy vẫn say mê khoa học, theo đuổi giải quyết những vấn đề còn chưa giải được. Ông nói: “Trong cuộc đời, tôi thấy có rất nhiều bài toán chưa tìm ra đáp số. Theo tôi thì kiến thức như một vòng tròn, khi càng biết nhiều thì biên giới những điều mới mẻ càng mở rộng. Mục đích cuộc sống là giải đáp những bí mật của thiên nhiên và của con người.”

Nguồn: Infornet
Bình luận
vtcnews.vn