'Đi du học bằng tiền nhà nước thì phải trở về trả nợ người dân'

Giáo dụcThứ Sáu, 11/12/2015 07:49:00 +07:00

những người đã đi du học bằng tiền ngân sách nhà nước thì nhất thiết phải quay trở về để trả nợ người dân, phục vụ đất nước.

(VTC News) – Chuyên gia giáo dục cho rằng đối với những người đã đi du học bằng tiền ngân sách nhà nước thì nhất thiết phải quay trở về để trả nợ người dân, phục vụ đất nước.

Gần đây, câu chuyện lùm xùm của giảng viên Doãn Minh Đăng và ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ đã xới lên cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề trọng dụng, sử dụng nhân tài ở Việt Nam.

PV VTC News đã trao đổi với TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) để có thêm góc nhìn về sự việc này.
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội)
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội)  

- Theo dõi vụ lùm xùm liên quan đến giảng viên Doãn Minh Đăng với trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ thời gian vừa qua, bà có nhận định như thế nào?

Qua theo dõi thông tin trên báo chí, tôi nghĩ rằng cả 2 phía đều sai. Mỗi bên đã sai một số việc và dẫn đến lùm xùm không đáng có.

Đối với ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, chúng ta đã thấy rõ vấn đề khi thuyên chuyển cán bộ thiếu hợp lý và kỉ luật cán bộ với lí do thiếu thuyết phục dẫn đến những bức xúc không đáng có.

Đối với giảng viên Doãn Minh Đăng, anh này đã có một số hành động vi phạm quy định của cơ quan.

Ví dụ: tự ý nghỉ việc khi vợ sinh con khi xin nghỉ không được sự chấp thuận của cấp trên. Đây là hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác bởi vì giảng viên Doãn Minh Đăng đang tham gia giảng dạy. Việc bỏ vị trí suốt 14 ngày sẽ gây hậu quả nặng nề đến nhà trường và các em sinh viên đang theo học.
Vụ lùm xùm của giảng viên Doãn Minh Đăng và ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ đã khởi đầu cho câu chuyện lớn hơn là trọng dụng nhân tài
Vụ lùm xùm của giảng viên Doãn Minh Đăng và ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ đã khởi đầu cho câu chuyện lớn hơn là trọng dụng nhân tài  
- Dư luận cho rằng sự việc của giảng viên Doãn Minh Đăng chỉ là “giọt nước làm tràn ly” và mở rộng tranh luận gay gắt về vấn đề về hay ở của các du học sinh?

Theo tôi, có 3 vấn đề chúng ta cần phải ngay lập tức thay đổi.

Một là việc giáo dục ý thức cống hiến cho đất nước với toàn bộ thanh thiếu niên nhi đồng trên cả nước. Chúng ta phải có những yêu cầu bắt buộc để các bạn thanh thiếu niên có ý thức cống hiến và xây dựng đất nước chứ không phải chỉ có đi học để kiếm một nghề nghiệp tương lai rồi chăm lo cho cuộc sống cá nhân.

Đất nước này được xây dựng từ xương máu của các anh hùng. Vì thế, là những hậu thế, chúng ta không có quyền coi thường sự hy sinh đó.

Trách nhiệm cống hiến, xây dựng đất nước là bắt buộc đối với mọi công dân được nuôi dạy từ nhỏ đến hết 18 tuổi trên đất nước này.

Hai là chúng ta cần xem xét để bố trí các bạn trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài vào những vị trí phù hợp hơn. Các bạn trẻ đi học ở nước ngoài sẽ thiếu hụt những kiến thức xã hội do không sống ở Việt Nam một thời gian dài.

Vì thế, chúng ta cần có những hoạt động tạo điều kiện cho các bạn hòa nhập nhanh chóng và có điều kiện cống hiến cho đất nước.

Thứ ba, những quy định trong cơ quan sử dụng lao động cũng cần được phổ biến và tuân thủ chặt chẽ hơn để tạo điều kiện thoải mái nhất cho mọi lao động ở mọi vị trí.

Dù là các bạn tiến sĩ ở nước ngoài về hay những cán bộ công nhân… cũng đều cần những quy định chặt chẽ, hợp lý và áp dụng nghiêm túc để không xảy ra những bức xúc không đáng có.

- Tại sao bà lại nhấn mạnh vào ý thức cống hiến cho đất nước của thanh niên?

Như tôi đã nói ở trên, việc giáo dục các bạn trẻ ý thức cống hiến cho đất nước còn chưa được coi trọng.
 
Vì thế, các bạn đã không nhận thức hết được vai trò của mình. Nhiều bạn tự đặt mình ở vị trí cao, cho phép mình được có những kì vọng, yêu cầu với đất nước khi các bạn trở về.

Điều này là vô lý và thiếu công bằng với mọi tầng lớp lao động trong nước, những người vẫn ngày đêm cống hiến cho Tổ quốc mà trong số họ rất nhiều bạn còn chưa bao giờ có cơ hội được đặt chân ra nước ngoài.

- Có nhiều người cho rằng đối với những du học sinh đi du học bằng tiền của gia đình hoặc xin được học bổng thì không quá đặt nặng vấn đề về hay ở?


Bạn đã sống ở đất nước này 18 năm trước khi ra nước ngoài. Như vậy, bạn đã hưởng thụ cuộc sống bình an mà biết bao người phải đổi bằng máu. Bạn đã ăn những hạt cơm từ những nông dân chân lấm tay bùn. Bạn đã thừa hưởng một nền giáo dục mà đóng góp là nhưng thầy cô giáo cặm cụi giảng dạy với đồng lương ít ỏi.

Vì thế, đừng nói rằng bạn không có trách nhiệm gì khi đi du học bằng học bổng nước ngoài hoặc bằng tiền của gia đình. Đất nước Việt Nam mình đã được xây đắp bằng cái giá vô cùng đắt đỏ.

Vì thế, các thế hệ tương lai phải biết và trân trọng nó chứ không thể tuyên bố những câu nói vô trách nhiệm được.

Du học sinh Việt : Về hay ở? (Nguồn: VTV)

- Đối với những du học sinh đi học bằng tiền ngân sách của nhà nước như trường hợp giảng viên Doãn Minh Đăng, phải chăng họ đang có một “món nợ” với đất nước này?

Dĩ nhiên, trong trường hợp của giảng viên Doãn Minh Đăng, chắc chắn bạn ấy đã nợ đất nước, và cụ thể là nhân dân đồng bằng sông Cửu Long một món nợ rất lớn.

Bạn không thể nói  sẽ trả tiền để đáp lại yêu cầu của họ. Họ đầu tư cho bạn đi học với điều kiện bạn phải về đóng góp cho quê hương chứ không phải đem tiền về trả cho họ. Họ không cần tiền, thứ họ cần là sự đóng góp của bạn với lòng nhiệt huyết và tuân thủ kỉ luật, quy định của nhà nước.

Những bạn du học sinh đi theo chương trình 322 của bộ GD-ĐT ngày trước đều được phổ biến rất rõ về những yêu cầu bắt buộc và được yêu cầu cam kết trở về cống hiến đất nước sau khi học xong trở về.

Và tôi nghĩ các học bổng khác cũng vậy. Có điều các du học sinh có thực hiện đúng những cam kết đó hay không.

- Nhân nói đến việc này, gần đây Đà Nẵng đã khởi kiện hàng loạt nhân tài vì phá vỡ hợp đồng. Việc này phải chăng là cũng không giúp có thể níu giữ các nhân tài về nước?

Tôi rất thích câu nói của anh Đỗ Hoài Nam, cựu CEO Emotiv: ‘Nhân tài đời thực phải được chứng minh bằng thành quả đời thực’.

Việc chúng ta gọi họ là nhân tài đã tạo ra những hiểu nhầm khi đánh giá chính mình và mọi người xung quanh. Theo tôi, nhân tài chỉ được sử dụng cho những người đã có những cống hiến lớn cho đất nước.

Khi không gọi họ là nhân tài, nghĩa là họ là người lao động như mọi người khác, chắc chắn thái độ làm việc của họ cũng sẽ có trách nhiệm hơn và câu chuyện phá vỡ hợp đồng hay vi phạm các quy định sẽ giảm đến mức tối thiểu.

- Thực tế vẫn có những người đi du học bằng ngân sách nhà nước nhưng không về?

Đặc biệt với những ai đã đi học bằng tiền của nhà nước thì nhất thiết phải trở về để trả nợ người dân và sau đó là cống hiến xây dựng đất nước.

Điều đó theo tôi nghĩ là việc đương nhiên rồi. Những ai không trở về chắc chắn cần nhìn nhận lại hành động và suy nghĩ của mình.

- Họ thường đưa ra những bất cập trong cơ chế, chính sách, điều kiện thu nhập để biện minh. Phải chăng cũng là một lý do chính đáng?


Bất cập trong cơ chế, chính sách, điều kiện thu nhập là điều mà toàn dân Việt Nam đang phải chịu đựng.  Vì thế, lý do gì để các bạn ấy coi đó là nguyên nhân không trở về.

Những bất cập nêu trên đến từ con người, đất nước đưa họ đi học để nâng cao chất lượng con người nhằm quay trở về giải quyết các bất cập trên.

Vì thế, tại sao họ lại coi đó là nguyên nhân có thể chấp nhận được để không quay trở về? Theo tôi, suy nghĩ đó là không thể chấp nhận được.

- Nhiều ý kiến cho rằng trong xã hội toàn cầu hóa, thì làm việc ở đâu cũng có thể cống hiến cho đất nước và thậm chí làm việc ở nước ngoài còn giúp ích cho đất nước nhiều hơn nếu về trong nước. Có thể lấy ví dụ hàng loạt trường hợp như GS Trần Thanh Vân, GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn, GS Vũ Hà Văn…đang góp phần đưa các nhà khoa học thế giới đến với Việt Nam bằng uy tín của bản thân?

Theo tôi, Việt Nam còn rất cần những sự cống hiến cụ thể ngay trong đất nước này. Nếu đã được gọi là nhân tài, các bạn cần thể hiện tài năng ở những điều kiện khó khăn chứ không phải là chỉ có thể làm việc được ở điều kiện tốt nhất.

Những đóng góp của các giáo sư vừa nêu là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ở tại Việt Nam thì không thể đóng góp.

Tôi lấy ví dụ Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí, người có công giúp đất nước có được 8 khu vực được coi là khu dự trữ sinh quyển của nhân loại do UNESCO công nhận.

 Giáo sư đã được nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt. Những đóng góp này vô cùng có giá trị với đất nước chúng ta.

Vì vậy, chúng ta đang rất chờ đợi ở các bạn du học sinh du học và trở về.

Xin cảm ơn bà!


Phạm Thịnh
    

Bình luận
vtcnews.vn