Bộ trưởng Luận nói thật: ‘học giả, bằng thật’

Giáo dụcChủ Nhật, 02/03/2014 11:36:00 +07:00

(VTC News)- Phát ngôn đầy mạnh mẽ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về vấn nạn “học giả, bằng thật” được xem là ấn tượng nhất trong tuần.

Học giả, bằng thật
Trong phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực ngày 25/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Việc học giả, bằng giả, rồi bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào hệ thống chính trị của chúng ta thôi, không chui được vào doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đâu. Nếu không làm được vấn đề tuyển dụng thì cái thực học còn khó”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (Ảnh: Phạm Thịnh)

Vì vậy, ông Luận cho rằng Bộ Nội vụ nên sớm có đề án đổi mới tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức để thực sự lựa chọn được những người có trình độ.
Phát biểu này của Bộ trưởng Luận được nhiều chuyên gia đồng tình và cho rằng đây là cách nhìn thẳng thắn vào thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay. Nhiều chuyên gia cũng mong sẽ có thêm nhiều lời nói thẳng, nói thật của các Bộ trưởng về thực trạng của ngành để có những biện pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ: "Sự chân thành của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là một đóng góp vào tranh luận cho vấn đề "bằng giả" và hệ thống".
Cũng trong phiên họp này, về việc thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo, Thủ tướng cho biết dự kiến Chính phủ sẽ ban hành quyết định trong tháng 3/2014.
Xác định hệ thống, viết SGK
Cũng trong phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực ngày 25/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Đúng ra chúng ta phải xác định lại hệ thống giáo dục như thế nào, cơ cấu ra sao, rồi dẫn đến thống nhất chương trình chuẩn, chương trình khung, từ đó mới viết sách giáo khoa”.
sach giao khoa

 

Ông Đam tiếp tục chia sẻ: “Song song với sách giáo khoa là đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn với đó là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên, ứng dụng công nghệ rồi đến kiểm tra, thi cử. Nhưng chúng ta không thể làm tuần tự được. Như trong dự thảo đề án đã đặt ra làm sách giáo khoa. Tuy nhiên, dù sao cũng phải khẩn trương xác định hệ thống giáo dục của chúng ta, nếu không xác định hệ thống mà lao ngay vào viết sách, rồi làm chương trình thì sẽ có những trục trặc”.
Ông Phan Thanh Bình, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng việc soạn sách giáo khoa không nên chỉ có các giáo sư, tiến sĩ trong trường đại học, nên mời thêm các chuyên gia từ các hiệp hội, các thầy giáo đang trực tiếp dạy các em.
Thảo luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định làm sách giáo khoa mới lần này là với hệ thống 12 năm, nhưng sẽ phải triển khai nghiên cứu hệ thống để hoàn thiện.
Thi tốt nghiệp 4 môn
Chiều 24/2, Bộ GD-ĐT thông báo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014: thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn và Toán học; còn lại thì được phép tự chọn 2 môn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ và Sinh học.
thi tốt nghiệp thpt 4 môn

Năm 2014, học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn

Một nét mới nữa là việc xét tốt nghiệp sẽ tính cả kết quả học của lớp 12, theo tỷ lệ 50: 50 (50% là điểm thi + 50% là kết quả học).
Ngoài ra, Bộ cũng cho biết, lộ trình đổi mới thi cử sẽ điều chỉnh đến thời điểm phù hợp từ 4 môn thi sẽ chuyển thành 4 bài thi.
Với việc quyết định thi tốt nghiệp 4 môn, đa số học sinh đều tỏ ra vui mừng vì không phải học quá nhiều và có quyền lựa chọn theo sở trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia vẫn tỏ ra băn khoăn khi các môn khoa học xã hội ít được các em lựa chọn.
Nói về những đổi mới thi tốt nghiệp THPT, PGS Văn Như Cương  đoán tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ lên tới 99,9%. Hiện tại, PGS Văn Như Cương cũng cho biết toàn trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) không có học sinh nào đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử.
Bình luận
vtcnews.vn