Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Vẫn run, toát mồ hôi nhớ cảnh đi thi

Giáo dụcThứ Bảy, 28/12/2013 01:48:00 +07:00

(VTC News)- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, nhớ lại cảm giác học đại học ngày trước khó khăn và khổ vô cùng, toát mồ hôi trong những giấc mơ lặn lội đi thi.

(VTC News)- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, nhớ lại cảm giác học đại học ngày trước khó khăn và khổ vô cùng, toát mồ hôi trong những giấc mơ lặn lội đi thi.

Sáng nay, tới dự và chủ trì Hội nghị Quán triệt Nghị quyết T.Ư 8, khóa XI và Tổng kết năm học 2012- 2013 các trường ĐH, CĐ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu rất chân thành.

Bắt đầu bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mang lên một túi nhỏ trong đó có những chiếc dây điện, ổ cắm, USB. Ông chia sẻ câu chuyện đầy ý nghĩa với tất cả các đại biểu trong hội trường một cách rất nhẹ nhàng.


Phó Thủ tướng Vũ Đức đam chia sẻ rằng từ ngày nhận nhiệm vụ mới, ông đã dành rất nhiều thời gian làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về tình hình giáo dục nước nhà. Nghĩ về giáo dục nước nhà, vị Phó Thủ tướng đã mất “nhiều đêm không ngủ” và nhớ lại thời đi học ngày xưa nhất là thời học đại học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra ví dụ về chiếc ổ điện, chiếc USB để cho thấy rằng giáo dục cần phải đào tạo theo chuẩn quốc tế  (Ảnh: Phạm Thịnh)
“Thú  thực với các thầy cô giáo, tôi đứng ở nhiều nơi không run nhưng ở đây lại run, bởi vẫn nhớ lại cảm giác học đại học ngày đó khó khăn và khổ vô cùng, toát mồ hôi trong những giấc mơ lặn lội đi thi”, ông Đam nhớ lại.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng kể rằng, trước đây khi kinh tế còn khó khăn, khi đi nước ngoài, ông cũng không dám là quần áo ở khách sạn, phải mang bàn là sang nhưng  khi sang lại không cắm điện được.

“Ngày đó  anh em chỉ mang cái dây điện, tất cả mọi thứ chỉ cắm vào hai đầu, và quấn băng dính. Nhưng có lần là bị chập điện, ngắt mất cầu chì thế là cả khách sạn họ chạy lên. Saunày khá hơn thì mình mua một cái ổ điện nhỏ nhỏ. Sau đó mấy năm,  anh em đi nước ngoài nhiều thì bảo nhau và mua cho nhau một cái ổ điện đa năng. Bây giờ những ổ điện kiểu này thì doanh nghiệp Điện Quang cũng đã làm được”, Phó Thủ tướng kể lại.

Ông cũng lấy thêm ví dụ về chiếc USB với khả năng tiện dụng,đi đâu cũng đều dùng được, máy nào cũng cắm vào được. Vì vậy, vị Phó thủ tướng cũng khuyên các trường phải đào tạo theo chuẩn quốc tế để sinh viên ra trường có thể làm việc ở môi trường khu vực và toàn cầu.

"Ta đã cởi mở hết và khi vào hệ thống của ta sẽ thấy đủ, cả những dây điện của ngày xưa, cả hệ thống hiện đại hôm nay", ông Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nhận định: “Tôi cứ nghĩ trước hết trong giáo dục, đầu tiên là giáo dục đại học chúng ta phải có chuẩn, đây là trách nhiệm của Bộ và Hiệp hội. Tất cả phải có chuẩn theo hướng quốc tế, nhưng chúng ta phải hướng tới nó, với một tinh thần quyết liệt nhanh nhất có thể, vì lợi ích liên quan đến các vấn đề lớn của đất nước.

Chậm nhưng không có nghĩa là chắc chắn, khẩn trương không có nghĩa là ẩu. Nếu chúng ta xách một xô nước đi từng bước đã khó, nhưng xách một xô nước mà phải chạy nhanh để đuổi kịp người khác thì khó hơn nhưng vẫn cố mà làm”.

Các đại biểu rất tâm đắc với những chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 
Bàn về câu chuyện đổi mới giáo dục, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, mọi người đều nhận thấy yêu cầu phải đổi mới toàn diện, đổi mới căn bản nền giáo dục.

“Không phải mình xóa tất cả cái cũ đi mình làm lại, nhưng rõ ràng phải đổi mới căn bản và toàn diện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, giáo dục liên quan đến tất cả mọi người dân. Một sự đổi mới, một thay đổi nếu không phù hợp thì ảnh hưởng cả tương lại của một đời người, tương lai của một dân tộc.

Phó Thủ tướng khẳng định, việc đổi mới trong giáo dục “phải quyết liệt, phải đi trước một bước”.

Trong giáo dục đào tạo, ông Đam cũng cho rằng đổi mới tổng thể nhưng có lẽ giải phải quyết liệt nhất mà có thể mang lại kỳ vọng nhiều nhất là từ giáo dục đại học, từ trên xuống.

“Bởi lẽ đối tượng của chúng ta kể các những người làm công tác quản lý, giảng dạy đến sinh viên đều có nhận thức cao hơn so với bậc phổ thông. Chúng ta đã quen với tự chủ và chúng ta phải làm sao đào tạo sát với đầu ra của xã hội nhất. Suy cho cùng mục đích của giáo dục chính là cung cấp nguồn nhân lực”.

Vị Phó thủ tướng cũng khẳng định việc đào tạo đại học, cao đẳng là để tạo ra kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ  nhưng phải đáp ứng yêu cầu của công việc.




Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn