Đua nhau nâng cấp lên đại học, Bộ trưởng Luận ‘ra tay’

Giáo dụcThứ Năm, 12/09/2013 11:22:00 +07:00

(VTC News)- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có những chấn chỉnh quyết liệt về tình trạng hàng loạt trường trung cấp, cao đẳng đua nhau xin nâng cấp.

(VTC News)- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có những chấn chỉnh quyết liệt về tình trạng hàng loạt trường trung cấp, cao đẳng đua nhau xin nâng cấp.

Hiện nay, giáo dục nước nhà đang tồn tại một thực tế các trường trung cấp, cao đẳng sau 3-5 năm thành lập lại đua nhau lập đề án xin nâng cấp lên thành trường cao đẳng, đại học. Điều này đã khiến cho việc phân luồng học sinh ngày càng khó khăn và mất cân đối giữa thầy và thợ.

Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có những chỉ đạo mạnh mẽ về vấn đề này.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chấn chỉnh quyết liệt việc nâng cấp các trường trung cấp, cao đẳng (Ảnh: Phạm Thịnh)
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chấn chỉnh quyết liệt việc nâng cấp các trường trung cấp, cao đẳng (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Tiếp thu ý kiến phản ánh trường cao đẳng khó tuyển sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng thời lưu ý các trường trước vấn đề này nên quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Bộ GD-ĐT.

Vấn đề nâng cấp trường trung cấp, cao đẳng lên cao đẳng, đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kiên quyết với quan điểm cần giữ sự ổn định trong hệ thống.

Người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà cho rằng các trường trung học, cao đẳng cấp luôn trong tâm trạng thành lập 3- 5 năm thì lên cao đẳng, đại học. Việc các trường "đứng núi này trông núi nọ" sẽ khiến cả hệ thống không ổn định và không mạnh.

“Các trường trung cấp mạnh lại thành một trường cao đẳng yếu. Trường cao đẳng xây dựng vài năm, đứng được bằng hai chân mình rồi lại nhấp nhổm muốn trở thành trường đại học. Trường đại học được vài năm cố xin bằng được để đào tạo thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Như vậy, tình trạng mất cân đối giữa các trình độ đào tạo luôn luôn đặt ra và Bộ GD-ĐT luôn luôn đứng trước sức ép" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

 

Mục tiêu cuối cùng từ việc thành lập trường đại học bắt đầu từ các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Như vậy sẽ nguy hiểm vô cùng

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
 
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Luận cho biết đã chỉ đạo Vụ Đại học và Vụ Kế hoạch Tài chính tổng kết lại việc nâng cấp các nhà trường giai đoạn vừa rồi.
Tinh thần là tổng kết nhưng Bộ sẽ không nhận các hồ sơ nâng cấp trường. Bởi, trường trung cấp, cao đẳng có sứ mạng, vị trí, vai trò, vinh quang và có khó khăn thách thức riêng.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, việc nâng cấp nếu có đặt ra là do nhu cầu xã hội, do đòi hỏi khách qua bên ngoài và các bộ ngành, các địa phương.

“Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục nâng cấp như trước sẽ không giữ được hệ thống ổn định và Bộ GD-ĐT mang tiếng xin - cho mà vấn đề xin - cho là có thật. Do vậy, Bộ đang thay đổi tư duy quản lý. Mục tiêu cuối cùng từ việc thành lập trường đại học bắt đầu từ các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Như vậy sẽ nguy hiểm vô cùng” - Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.

Đối với những ý kiến phản ánh về tình trạng các trường cao đẳng hiện nay khó tuyển sinh, Bộ trưởng Luận cho rằng: “Vấn đề quan trọng nhất là phân luồng, làm sao để đưa thí sinh học nghề, sang học cao đẳng, để tạo lực lượng lao động ở các cấp độ khác nhau, chứ không phải học nghề rồi thi tiếp lên cao đẳng, tốt nghiệp cao đẳng rồi thi vào đại học, thành ra đây là con đường vòng để vào đại học”.

“Mục đích là tạo cho các cháu học xong, có một nghề ra trường đi làm, khi nào có điều kiện thuận lợi thì đi học tiếp. Do vậy, các trường cao đẳng không được lấy mục tiêu tuyển sinh khó khăn để kiến nghị thay đổi.

Chúng ta phải nhìn sâu hơn không tuyển sinh được vì sao? Nếu học sinh vào trường trung cấp, cao đẳng chỉ để vào học đại học thì các trường này không thực hiện được sứ mệnh và chúng ta tiếp tục mất cân đối giữa thầy và thợ” - Bộ trưởng Luận nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, ngành Giáo dục đã có chủ trương cho rà soát, tính toán lại thực trạng mạng lưới đào tạo giáo viên các cấp trong cả nước để quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm; khuyến khích việc chuyển đổi và công nhận tín chỉ giữa các trường.

Vấn đề đào tạo nhân lực y tế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định nếu cần thiết sẽ có văn bản quy định riêng vì đây là ngành đào tạo đặc biệt.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn