Con trai nhà 'quét rác' đỗ đại học lớn

Giáo dụcThứ Hai, 19/08/2013 07:58:00 +07:00

Dù chỉ học bổ túc, nhưng Nguyễn Văn Việt Thắng vẫn đỗ vào đại học Công nghiệp TP.HCM.

Dù chỉ học bổ túc, nhưng Nguyễn Văn Việt Thắng vẫn đỗ vào đại học Công nghiệp TP.HCM.

Căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM tối thui. Cầu thang dẫn lên gác nơi gia đình sáu người của Nguyễn Văn Việt Thắng sinh sống cũng tối, đến nỗi Thắng phải bật chiếc điện thoại “cùi bắp” lên soi đường cho khách đi.

Việt Thắng là con trai lớn trong một gia đình có truyền thống... quét rác lâu đời. Đậu vào Đại học Công nghiệp TP.HCM và Cao đẳng Cao Thắng là nỗ lực phi thường của chàng trai này khi mà năm 12 tuổi đã nghỉ học, sau này đi làm kiếm sống, học bổ túc và đi thi,  tìm con đường tươi sáng cho gia đình mình.

Nghèo ơi là nghèo!

Cả căn gác đầy nghẹt những bao những bịch, đồ đạc lỉnh kỉnh từ sàn tới nóc nhà. Ở một góc có ánh sáng, bố mẹ Thắng đang ngồi giữa khoảng không chừng 2m2, xung quanh nhiều vỏ nhựa, bao nilông...

Đó là đồ ve chai, quần áo cũ người ta cho và bố mẹ Thắng để dành đã nhiều năm, như một loại của cải để dành, khi hữu sự mới đem bán!

Việt Thắng chỉ em học. Căn gác nhỏ xíu bề bộn vỏ xe cũ, chai lọ, quần áo cũ... - của để dành của gia đình -
Việt Thắng chỉ em học. Căn gác nhỏ xíu bề bộn vỏ xe cũ, chai lọ, quần áo cũ... - của để dành của gia đình

Bố mẹ Thắng đều là công nhân vệ sinh, quét rác ngoài đường. Mẹ Thắng bệnh tim, lại sinh nhiều con nên mất sức lao động, phải nghỉ việc sớm.

Bố Thắng ốm yếu, nghỉ hưu gần hai năm nay, ngày ngày đẩy xe đi lượm ve chai. Căn nhà nhỏ xíu này của ông bà ngoại, có thời điểm hơn 30 người sống chen chúc nhưng bây giờ chỉ còn ba hộ, 12 người.

 

Em chỉ mong được đi học, ra trường, có việc làm ổn định. Đó là con đường duy nhất để em có thể mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, cho các em có một con đường đi khác - dù là con đường mòn - để thoát khỏi cảnh nghèo đã đeo đẳng gia đình em bấy lâu nay

Nguyễn Văn Việt Thắng
 
Giang sơn của Thắng và mấy đứa em chỉ gói gọn trong một cái giường, vừa là nơi học tập, nơi nuôi mèo cũng là nơi ngả lưng buổi tối.


Năm 12 tuổi, do chẳng ai quan tâm và ham chơi, Thắng đã nghỉ ngang lớp 6. Ba đứa em Thắng cũng dần nối gót theo anh hai.

Cho đến khi chú Chiến - một người quen trong xóm - thấy xót cảnh mấy đứa trẻ thất học, lang thang kiếm sống đã nhận anh em Thắng làm công việc may giày dép gia công mà ông đang làm, kèm theo một điều kiện: phải đi học trở lại.

Ban đầu là Thắng, ngày đi làm đêm đi học bổ túc ở trung tâm giáo dục thường xuyên của quận.

Sau mấy đứa em cũng đi theo anh, vừa làm vừa học. Lợi (sinh năm 1996) đang học lớp 11, Lộc (1998) học lớp 6 (riêng đứa út nghỉ học từ năm lớp 3 vẫn không chịu đi học lại).


Ân nhân tốt bụng

Tin Thắng đậu đại học đã lan đi khắp xóm vì mấy đời nhà Thắng chưa ai làm được điều đó. Hỏi mẹ Thắng có vui không, có tính cho Thắng đi học tiếp không, bà cúi mặt nói nhỏ: “Tụi nó tự kiếm tiền tự sống tự học. Tui chỉ lo được cơm ngày hai buổi thôi, không có tiền thì biết làm sao”.

Còn với Thắng, đó là bài toán dài chưa có lời giải. “Dạo này hàng gia công ngày càng ít, tiền làm còn không đủ ăn - chú Lương Công Chiến, người tạo công ăn việc làm cho Thắng, chặc lưỡi - Trước khi đi thi, tui đã cho Thắng mượn hơn 10 triệu đồng để đóng tiền luyện thi, lệ phí thi cử, mới trả được một ít nhưng tôi đã xóa nợ, coi như quà thưởng cháu đậu đại học. Còn học phí đại học thì chưa biết tính sao...”.


Theo Thi Ngôn/Tuổi trẻ

Bình luận
vtcnews.vn