Điểm sàn 2 mức, 3 điểm/môn vẫn đỗ đại học?

Giáo dụcThứ Năm, 04/04/2013 12:16:00 +07:00

(VTC News)- Nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ GD-ĐT đưa ra 2 mức điểm sàn sẽ nảy sinh tình trạng mất công bằng trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013.

(VTC News)- Nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ GD-ĐT đưa ra 2 mức điểm sàn sẽ nảy sinh tình trạng mất công bằng trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013.



3 điểm/môn vẫn đỗ đại học


Nhiều độc giả cho rằng, điểm sàn là mức điểm tối thiểu để các thí sinh vào học ĐH, CĐ. Hiện nay, điểm sàn đã ở mức thấp và có thể chấp nhận được trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ.

Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để xác định học sinh đó có được học đại học, cao đẳng hay là không. Vì vậy, việc có 2 mức điểm sàn trên và điểm sàn dưới không khác nào việc hạ điểm sàn để cứu một số trường tuyển sinh khó.

“Điều này là trái với tuyên bố của lãnh đạo Bộ GD-ĐT trước đây rằng sẽ không hạ điểm sàn để cứu một số trường khó tuyển sinh”. Độc giả Xuân Trường chia sẻ.
Hai mức điểm sàn sẽ khó thực hiện trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013?

Thậm chí, một độc giả còn đưa ra cách tính:  “Với mức điểm sàn dưới theo dự kiến của Bộ GD-ĐT chỉ từ 11-12 điểm là quá thấp. Nếu học sinh nào được ưu tiên tối đa 1,5 điểm thì học sinh chỉ cần khoảng 3 điểm/môn là có thể đỗ vào đại học”.

Nhiều ý kiến cho rằng với 3 điểm/môn là mức điểm quá thấp để vào đại học. Nếu xét tuyển với mức điểm như vậy cũng không cần duy trì mức điểm sàn đại học và không tạo sự rắc rối trong cách xét tuyển.

Trước ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, các trường nếu áp dụng mức điểm sàn dưới sẽ phải xét thêm điểm thi tốt nghiệp THPT 2013, nhiều bạn đọc cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý.

 

Không biết nếu thí sinh đủ điểm sàn dưới thì sẽ phải đạt bao nhiêu điểm thi tốt nghiệp THPT mới có thể đỗ đại học?

Độc giả Hoàng Anh chia sẻ
 
Hiện nay, do chúng ta chưa quản lý được chất lượng giáo dục phổ thông nên chưa thể áp dụng hình thức xét tuyển để vào ĐH, CĐ như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang làm.

Độc giả Hoàng Anh tỏ ra băn khoăn: "Không biết nếu thí sinh đủ điểm sàn dưới thì sẽ phải đạt bao nhiêu điểm thi tốt nghiệp THPT mới có thể đỗ đại học? Liệu rằng, điểm thi tốt nghiệp đã phản ánh đúng trình độ của thí sinh".

Vì vậy, nếu để các trường xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT cùng với mức điểm sàn dưới sẽ khiến công tác tuyển sinh càng trở nên thiếu căn cứ.

“Bộ cho rằng đây là giải pháp công bằng nhưng thực ra lại là điểm thiếu công bằng nhất. Ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương lại có các điều kiện kinh tế xã hội khác nhau nên chất lượng giáo dục cũng khác nhau. Trong quá trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT sẽ có nơi thực hiện nghiêm túc, nhưng cũng có nơi buông lỏng. Trường hợp gian lận thi cử ở trường THPT Dân lập Đồi Ngô năm trước là một ví dụ”. Độc giả Hoàng Anh phân tích thêm.

Phải có giới hạn tuyển

Việc Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra hai mức điểm sàn được xem là chưa giải quyết đúng “bệnh” của các trường thiếu nguồn tuyển sinh hiện nay.
Liệu có 2 mức điểm sàn, các trường có tuyển đủ chỉ tiêu? 

Việc các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, các trường ĐH vùng, miền chưa tuyển được đủ thí sinh do nhiều nguyên nhân. Trong đó, cần phải nhìn vào thực tế các trường này thường mới được thành lập, hoặc nâng cấp từ các trường Cao đẳng ở địa phương nên cơ sở vật chất còn nghèo nàn, tạm bợ.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên ở các trường này đa phần còn thiếu và yếu về trình độ. Vì vậy, rõ ràng thí sinh sẽ không lựa chọn những trường này cho công việc học tập của mình.

“Trong khi đó, hàng năm các trường đại học này vẫn đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hàng nghìn sinh viên mà thực chất nhu cầu học của thí sinh chỉ là hàng trăm đến một nghìn sinh viên nên việc không tuyển sinh đủ là điều dễ hiểu” . Độc giả Hoàng Anh phân tích.

Thậm chí, việc Bộ GD-ĐT cho rằng việc xét mức điểm sàn dưới có lợi đối với những trường đại học top dưới và khó tuyển sinh cũng không được bạn đọc ủng hộ.

 

Bộ GD-ĐT nên quy định các trường khi xét đến mức điểm sàn dưới thì chỉ được xét tuyển 50-70% chỉ tiêu còn thiếu để tránh trường hợp xét tuyển tràn lan

Một độc giả chia sẻ
 
Hiện nay, do Bộ GD-ĐT chưa có sự phân tầng đại học nên khó có thể xác định được đâu là trường đại học top trên, đâu là trường đại học top dưới.

Vì vậy, dù một số trường có danh tiếng và không thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn tham gia xét điểm sàn dưới thì sẽ gây bất lợi cho những trường thiếu chỉ tiêu thực sự.

Rõ ràng, thí sinh sẽ chỉ lựa chọn vào những trường uy tín nhưng có mức điểm thấp và không chọn những trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

Vì vậy, theo nhiều độc giả nếu Bộ GD-ĐT vẫn muốn áp dụng 2 mức điểm sàn trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 cũng cần phải rất thận trọng.

Một độc giả cho rằng: “Bộ GD-ĐT nên quy định các trường khi xét đến mức điểm sàn dưới thì chỉ được xét tuyển 50-70% chỉ tiêu còn thiếu để tránh trường hợp xét tuyển tràn lan”.

Một ý kiến khác lại cho rằng cần phải hạn chế số lượng trường được tham gia vào việc xét tuyển điểm sàn dưới. Việc xét tuyển điểm sàn dưới chỉ nên áp dụng cho một số các trường ĐH, CĐ ngoài công lập và một số ngành khó tuyển của một số trường.

Liệu phương án 2 mức điểm sàn có thực sự khả thi trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013. Ý kiến góp ý của bạn đọc xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!

Phạm Thịnh(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn