Sách mình, cờ nước khác: Quá dở

Giáo dụcThứ Sáu, 08/03/2013 03:01:00 +07:00

(VTC News)- “Việc mình tạo cho trẻ dấu ấn ban đầu là rất quan trọng, rất cần chính xác. Việc đưa lá cờ của một quốc gia khác sẽ làm cho trẻ hoang mang”

(VTC News)- “Việc mình tạo cho trẻ dấu ấn ban đầu là rất quan trọng, rất cần chính xác. Việc đưa lá cờ của một quốc gia khác sẽ làm cho trẻ hoang mang”. TS tâm lý Vũ Thu Hương chia sẻ.





Xung quanh sự việc phát hiện hai cuốn sách dành cho trẻ Việt Nam (cuốn Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ và cuốn Bé làm quen với chữ cái) lại in hình minh họa cờ Trung Quốc, TS Vũ Thu Hương (Khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) đã chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này dưới góc độ tâm lý học.
 Trang sách dạy các em học chữ C (trong cuốn Bé làm quen với chữ cái) có in lá cờ của Trung Quốc gây bức xúc trong dư luận

Ở lứa tuổi mầm non trẻ sẽ tư duy như thế nào thưa bà?

Thực ra trẻ tiểu học, mần non không có tư duy gì quá sâu sắc cả. Bởi mọi thứ còn đang mới hình thành.

Não của con người được xây dựng gồm hai mảng là cảm nhận và tư duy logic. Đối với trẻ mầm non và tiểu học, mảng tư duy logic hầu như chưa phát triển. Có nhiều cháu có thể phát triển sớm nhưng hầu như là chưa phát triển. Mảng cảm nhận của các trẻ ở lứa tuổi này phát triển mạnh nhất.Ví dụ như dạy trẻ cảm nhận màu sắc, hình dáng của đồ vật.

Vậy ở lứa tuổi này, khi đưa hình ảnh để dạy cho các em chúng ta cần phải lưu ý điều gì?


Việc cảm nhận như vậy ghi dấu ấn vào đầu trẻ con rất lâu, chính vì vậy khi mình đưa một hình ảnh nào cho trẻ mình phải rất cân nhắc.

Tôi vẫn vẫn khuyên với các phụ huynh là ngay cả cách nói chuyện mình cũng không bao giờ được dùng những từ nói bậy. Việc đó sẽ tạo dấu ấn xấu và tạo thói quen cho trẻ cũng nói bậy.
Cổng trường cắm cờ Trung Quốc gây bức xúc trong dư luận

Gần đây các bậc phụ huynh phát hiện ra hai cuốn sách là cuốn Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ và cuốn Bé làm quen với chữ cái đều có sử dụng hình ảnh minh họa là cờ Trung Quốc. Liệu đối với trẻ mầm non điều đó có tác dụng?

Việc đưa quốc kỳ của nước khác vào cuốn sách của trẻ con là việc hoàn toàn không nên. Bởi dù mình ở bất cứ nơi nào thì việc đầu tiên mình cũng phải yêu quê hương của mình, cũng giống như yêu chính bản thân của mình.

Việc cần thiết là hãy tạo cho trẻ con biết được mình là ai, mình ở đâu.

Về chuyện cái lá cờ, quan trọng nhất là mình nên đưa lá cờ Tổ quốc của mình. Còn lá cờ nước ngoài nếu cần tham khảo thì cái tuổi nó lớn hơn một chút. Ví dụ như cấp 2, cấp 3 hoặc cuối cấp 1 khoảng lớp 4, lớp 5 thì hoàn toàn có thể giới thiệu đến các con đây là đất nước này, đất nước kia.

Nhưng đối với các em bé mầm non khi chưa có một nhận thức rõ ràng thì mình nên chỉ ra cái gì là quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất này rõ ràng là đất nước của trẻ rồi. Việc đưa cho trẻ một đất nước khác sẽ làm cho nó không hiểu là cuối cùng nơi nào là nơi của nó. Rõ ràng về mặt tâm lý trẻ con điều này là không tốt.

Phải chăng là trẻ sẽ có những ảnh hưởng nhất định khi tiếp xúc đầu tiên không phải là Quốc kỳ của đất nước mình mà lại là cờ của một nước khác?


 

Việc đưa quốc kỳ của nước khác vào cuốn sách của trẻ con là việc hoàn toàn không nên. Bởi dù mình ở bất cứ nơi nào thì việc đầu tiên mình cũng phải yêu quê hương của mình, cũng giống như yêu chính bản thân của mình.

TS tâm lý Vũ Thu Hương
 
Khi trẻ còn nhỏ, cái gì là cơ bản sẽ ăn vào đầu trẻ rất lâu. Ví dụ như mình bây giờ lớn như thế này rồi nhưng vẫn nhớ được ngày xưa khi mình bé mọi người đã dạy mình bài hát chú ếch con chẳng hạn.


Đến bây giờ, mặc dù mình là người thành phố nhưng vẫn hình dung được trong đầu con ếch nó như thế nào từ bài hát đó. Nhiều khi hình dung đó của mình nó sai vì nó không hoàn toàn giống thật nhưng hình dung ấy vẫn in đến tận bây giờ.

Vì vậy, việc mình tạo cho trẻ dấu ấn ban đầu là rất quan trọng, rất cần chính xác.

Việc đưa Quốc kỳ của một nước khác cho trẻ học mầm non sẽ có những tác hại như thế nào thưa bà?


Việc đưa lá cờ của một quốc gia khác sẽ làm cho trẻ hoang mang. Nhất là khi sau này các con ra ngoài đường nhìn thấy người ta treo cờ Tổ quốc sẽ hỏi ngay tại sao lại không giống lá cờ trong sách đã học. Cuối cùng, các em nhỏ không hiểu được đâu là lá cờ của đất nước mình. Rõ ràng cái đó là cái dở.

Bà có lời khuyên gì cho các phụ huynh?


Và việc tạo cho trẻ tình yêu quê hương đất nước là điều rất nên làm, điều đầu tiên đó là bằng chính hình ảnh lá cờ quê hương của trẻ, còn sau đó khi lớn lên rồi mình cho trẻ liên tưởng không giới hạn.

Đối với lứa tuổi này mọi thứ các cháu đều thông qua sự cảm nhận. Vì thế mọi thứ cần phải chính xác để tự bản thân các cháu có thể tô vẽ một bầu trời màu đỏ theo ý của trẻ, nhưng bức tranh của mình đưa ra thì mình phải đưa cho nó bầu trời màu xanh.

Cái gì cũng rất phải chính xác. Để cho trẻ khỏi bị lệch lạc về nhận thức.

Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, chỉ nên có một hình ảnh lá cờ thôi, còn nếu đưa hình ảnh lá cờ của nước ngoài thì rõ ràng trẻ con bối rối lắm rồi.

 Bạn đọc chia sẻ về sự việc xin gửi ý kiến vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!

Phạm Thịnh(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn