Đỗ ĐH vẫn phải nhập ngũ: Bộ Quốc phòng, GD&ĐT nói gì?

Giáo dụcThứ Bảy, 23/02/2013 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Sau khi có quy định về nhập ngũ mới, đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này để rộng đường dư luận.

(VTC News) - Sau khi có quy định về nhập ngũ mới, đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này để rộng đường dư luận.





Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư liên tịch số 13 sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ.

Từ 7/3, nếu công dân cùng nhận giấy báo nhập học và lệnh gọi nhập ngũ, dù thời hạn nhập học quy định có mặt trước thời gian nhập ngũ, vẫn phải thực hiện lệnh gọi nhập ngũ. Kết quả thi đại học, cao đẳng được bảo lưu.
Quy định nhập ngũ mới: Học sinh có giấy báo đỗ đại học khi có giấy gọi nhập ngũ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự (Ảnh: Nghĩa Bình/VTC News) 

Không để học sinh dốt mới đi bộ đội

Trả lời Vnexpress, Đại tá Nguyễn Minh Diệp, Cục Quân lực (Bộ Quốc phòng) khẳng định: “Tháng 8 là thời gian các trường gọi nhập học, cũng là thời điểm địa phương gọi thanh niên đi bộ đội. Nếu trong tháng ấy, các em vừa nhận được giấy báo nhập học, vừa nhận được giấy gọi nhập ngũ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự”.

 

Việc sửa đổi vừa tăng chất lượng, số lượng bộ đội vừa giải quyết công bằng xã hội, không để người học giỏi đi học đại học, chỉ người học dốt đi bộ đội...

Đại tá Nguyễn Minh Diệp
 
Nói về việc ban hành thông tư liên tịch số 13, Đại tá Nguyễn Minh Diệp cho biết trong quá trình thực hiện thông tư 175 nhiều tiêu cực đã xảy ra. Hiện nay các trường đại học mọc lên nhiều, thậm chí một số cao đẳng, trung cấp thí sinh không cần thi vẫn có giấy báo trúng tuyển. Một số em đã dùng những giấy báo này nộp lên địa phương (thực chất không đi học) để qua đợt tuyển quân.


Mặt khác, phần lớn học sinh tốt nghiệp trung học đều đi học đại học, cao đẳng, thanh niên tòng quân nhập ngũ ít, chất lượng lại không cao.

Việc sửa đổi vừa tăng chất lượng, số lượng bộ đội vừa giải quyết công bằng xã hội, không để người học giỏi đi học đại học, chỉ người học dốt đi bộ đội, đến khi học xong thì hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Bên cạnh đó, đại diện của Bộ quốc phòng cũng nêu lên ý kiến của nhiều địa phương cũng đã phản đối thông tư 175 vì nguồn tuyển ít, việc gọi công dân đi bộ đội cũng khó khăn.
Thanh niên trẻ bịn rịn chia tay bạn gái trước khi lên đường nhập ngũ

Cũng có cùng quan điểm này, trả lời Vietnamnet, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng (Bộ GD&ĐT), Đại tá Nguyễn Thiện Minh nhấn mạnh: “Quân đội ta phải mạnh. Không tuyển chọn lực lượng có trình độ cao, quân đội ta không thể lớn mạnh được. Đã qua rồi thời kì chống Mĩ, nay là tác chiến điện tử, là bản đồ số,…cơ động lắm. Từ tính chất và cách đánh khác hẳn ngày xưa, đòi hỏi mỗi chiến sĩ phải có trình độ học vấn cao”.

Bên cạnh đó, Đại tá Nguyễn Thiện Minh cũng chia sẻ nếu đã qua thời gian học tập ở giảng đường đại học việc làm quen với các loại vũ khí mới sẽ rất nhanh.

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng cho rằng khoảng thời gian trong quân ngũ là thời gian quý báu để rèn luyện bản lĩnh cho mỗi con người.

Một số sinh viên khi bước vào giảng đường đại học có lối sống buông thả hay chưa khoa học. Môi trường quân đội sẽ giúp các em chỉnh trang lối sống, phong cách nhiều.

“Quân đội cũng là trường học lớn. Vào đó, mỗi người sẽ cảm thấy mình thay đổi và lớn hẳn lên”. Đại tá Nguyễn Thiện Minh chia sẻ.

Học tập là việc suốt đời
Nhập ngũ không có nghĩa là ngừng học

Nhiều ý kiến của các bậc phụ huynh, các em học sinh hiện nay đang tỏ ra băn khoăn khi sau thời gian 2 năm tham gia quân đội, các em sẽ bị rơi rụng kiến thức, không bắt nhp được với việc học tập hiện nay. Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT, BQuốc phòng đều khẳng định việc quá trình học tập suốt đời và môi trường quân đội cũng là ngôi "trường học lớn".

Nhấn mạnh về quá trình học tập của thanh niên, Đại tá Nguyễn Minh Diệp cho rằng việc học tập là suốt đời, và đảm bảo kiến thức là trách nhiệm của công dân, kể cả khi đi học ngay, nếu không chú ý cũng không thể theo kịp.

“Các trường có nghĩa vụ tiếp nhận học sinh đã đỗ sau khi làm nghĩa vụ quân sự thì công dân có nghĩa vụ rèn luyện, học tập thật tốt”, đại tá Nguyễn Minh Diệp nhấn mạnh.

 

Quân đội cũng là trường học lớn. Vào đó, mỗi người sẽ cảm thấy mình thay đổi và lớn hẳn lên

Đại tá Nguyễn Thiện Minh
 
Cùng quan điểm này, Vụ trưởng Nguyễn Thiện Minh chia sẻ: Các em cần hiểu rằng cơ hội tham gia vào lực lượng thường trực đối với một công dân chỉ có 2 năm, còn việc học tập là suốt đời. Quá trình đó có thể anh quên kiến thức một chút nhưng anh có cả một thời gian sau này để ôn tập, học tập.


Xác định được việc gì cần làm trước, việc gì có thể tạm gác lại làm sau sẽ không ảnh hưởng gì đến ước mơ, khát vọng theo ngành mình đã lựa chọn khi thi đại học.

Đại tá Nguyễn Thiện Minh lấy ví dụ thực tế, một số nước không khó khăn như chúng ta, điển hình như Hàn Quốc, Israel đã làm việc này từ lâu. Họ quy định anh làm nghĩa vụ xong rồi muốn học gì thì làm sau đó. Việt Nam mới bắt đầu làm việc đó. Ta đang đi học cái tốt của họ đã làm rồi.

Nhiều ngày nay, trước những ý kiến của dư luận, đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT đều mong các bậc phụ huynh, các em học sinh, các nhà trường sẽ hiểu và chia sẻ trách nhiệm thiêng liêng này.

Bạn đọc chia sẻ về quy định nhập ngũ mới xin gửi ý kiến vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!

Hoàng Anh(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn