Gặp người cha đi 500km/ngày để... dạy con

Giáo dụcThứ Bảy, 12/01/2013 06:20:00 +07:00

Mặc dù đã 62 tuổi người cựu binh già Trần Đình Thắng vẫn ngồi trên chiếc xe máy cùng những bao tải hàng chất đầy phía sau lưng rong ruổi khắp nơi.

Mặc dù đã 62 tuổi người cựu binh già Trần Đình Thắng vẫn ngồi trên chiếc xe máy cùng những bao tải hàng chất đầy phía sau lưng rong ruổi khắp các bản làng, con đường, ngõ ngách trên khắp miền Bắc để đi "đổ hàng". Ông chia sẻ: "Đó là một cách để dạy con cái và là thú vui khó bỏ".

Trên từng cây số

Tình cờ tôi gặp ông trong cơn mua tầm tã trên QL 6 đoạn qua phố Lồ huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ông ngồi trên chiếc xe máy đi trước tôi chậm rãi, từ tốn cùng với lô hàng khoảng 6 bao tải chứa bỏng ngô, quẩy...

Tôi rú ga vượt lên rồi phi tít. Ít lâu sau, tôi rẽ vào một quán cơm ven đường ăn trưa, từ trong cơn mưa, bóng ông già cũng xuất hiện và bẻ lái vào quán cơm.
Thấy ông vẻ mặt tái đi vì mưa lạnh tôi hỏi: "Cháu thấy ông đi khá xa, ông có tuổi rồi sao không để con cháu làm việc thay, ông một mình vất vả thế này làm gì?".

Ông nhìn tôi cười khà khà rồi bảo: "Chuyện bình thường. Tôi ở tít tận thị trấn Vôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cơ. Tao đi từ Vụ Bản lúc 3 - 4 giờ sáng, đến 7 rưỡi đã có mặt ở đây rồi".
Nghe ông nói, những người dân đang tụ tập uống trà quanh quán cơm quay đầu lại nhìn ông. Có người bảo ông "nói phét" vì tuổi già như ông làm sao có thể lái xe đi xa như thế được.

Nghe xong ông lại cười khà khà rồi kể về hành trình đi hàng trăm cây số mà cứ như đi chợ: "Mỗi ngày tôi đi khoảng 400 - 500 cây số là chuyện bình thường. Sáng nay tôi đi từ Vụ Bản, Nam Định, sang huyện Nho Quan, Ninh Bình rồi lên huyện Yên Thủy qua Lạc Sơn lên Tân Lạc, Mai Châu, Mộc Châu...

Tôi đi từ 4 giờ sáng lên đến Tân Lạc, Hòa Bình mới có 7 rưỡi, đó là đi chậm. Lên Tân Lạc tôi mất 30 phút đi vào kho lấy hàng rồi đem đi "đổ" cho các quán, cửa hàng trên khắp các huyện của Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên... Vì địa bàn trên này phải di chuyển khá xa nên nếu tính ra mỗi ngày tôi phải đi quãng đường 400 - 500 cây số là chuyện không có gì ngạc nhiên".
Ông Thắng bảo rằng, từ chân đèo Hải Vân cho đến các tỉnh Tây Bắc, chưa có nơi nào mà ông chưa đặt chân đến. Năm 1987, ông được về chính sách, ngồi một chỗ không yên, vậy là ông xin vào làm nhân viên bán hàng của một công ty chuyên sản xuất bỏng ngô, bánh kẹo, quẩy...
Ông Thắng bên chiếc xe máy rong ruổi hàng trăm cây số/ngày đi "đổ hàng".  
Ông chở hàng đi đến những vùng sâu vùng xa để bán. Ông cảm thấy thoải mái với việc này không phải vì kiếm thêm đồng tiền bòn mót được mà vì được thả hồn bên những cung đường chông chênh dốc núi, được tận hưởng cái cảm giác phiêu bạt, ngang tàng, chính vì thế mà đến nay, ông vẫn tiếp tục giữ cái chân nhân viên bán hàng cho công ty bánh kẹo.
Tôi hay "bo"

Chúng tôi vừa ăn cơm xong thì một thanh niên xuyên qua màn mưa vào quán cơm, người thanh niên này cùng với ông Thắng đều làm công việc đi phân phối hàng tại các quán nhỏ lẻ cho công ty bánh kẹo.

Trông thấy ông Thắng, người thanh niên này tròn mắt hỏi: "Hôm nay bác "đổ hàng" nhanh thế? Bác thì sắp hết rồi mà cháu thì mới đổ được vài bao quẩy". Ông Thắng đáp: "Mấy quán trên Mai Châu họ lấy hàng tao quen rồi, tao đem hàng lên đó bán tí là hết".
Theo ông Thắng thì một tháng một mình ông có thể bán được lượng hàng bằng ba nhân viên trẻ cộng lại. Bí quyết để bán được nhiều hàng là phải biết "bo", nghĩa là mình phải san sẻ một chút lợi nhuận của cá nhân cho các cửa hàng nhỏ lẻ...

Nhiều khi người bán gặp phải những người mua khó tính, cáu gắt... thì nhân viên phải có mẹo vừa bán được hàng vừa không bị gây sự dẫn đến đánh chửi nhau. Nhiều người bán hàng trẻ tuổi khi gặp những trường hợp này thì bỏ đi chỗ khác thậm chí có người còn cãi cọ với khách hàng... 
Ông Thắng nhớ lại: "Cách đây vài hôm khi đi rao hàng ở một quán tạp hóa ở trung tâm huyện Mai Châu, tôi dừng xe hàng bênh cạnh đường rồi vào quán, chủ quán khinh khỉnh không chào hỏi câu nào, thậm chí bà chủ quán còn gắt lên là "mấy ông hay bán giá đắt", rồi thì "dựng xe chình ình giữa cửa chướng mắt"...

Tôi chưa nói gì vội mà vào nhà xin nhà chủ chén nước ấm uống cho đỡ lạnh. Tôi bảo bà chủ cứ lấy hàng bán thử và cho bà ấy giữ lại một số tiền nhỏ để làm tin, nếu bà ấy không bán được hàng thì số tiền đó coi như tôi bù lỗ cho chủ quán.

Ông Thắng cho rằng còn sức khoẻ thì còn làm việc.  

Chỉ mất vài phút suy nghĩ, bà chủ quán chấp nhận mua của tôi hai bao bỏng ngô với giá 105 ngàn đồng. Bà ấy mua xong tôi lại bớt lại cho bà ấy 5 ngàn đồng để bà ấy bán hàng lấy may. Thấy có lợi, những lần sau đó cứ bán hết hàng bà chủ quán lại gọi tôi đem đến vì thế nên tôi bán hàng rất nhanh".
Đi làm để dạy con

 

Tôi muốn các con của tôi học tập tính cần cù, chăm chỉ và tinh thần làm việc không mệt mỏi để giúp ích cho gia đình, xã hội.

 
Ông Thắng tâm sự: "Lương hưu mỗi tháng của tôi hơn bốn triệu, mỗi tháng tôi đi làm thêm được 2 triệu nữa. Nhưng tôi đi làm không phải vì tham tiền mà đó là một cách để dạy con cái.

Tôi còn sức khoẻ thì còn làm việc chứ không ngồi một chỗ. Tôi quen với việc đi lại nhiều, nếu cho ngồi một chỗ thì cứ chồn chân, tâm trí rối bời, sức khoẻ suy kiệt, đi làm cũng là một cách để rèn luyện sức khoẻ.

Hồi tôi mới đi làm, đứa con trai cả của tôi phản đối dữ dội lắm, nó là sĩ quan trong quân đội nó sợ mang tiếng là con cái không nuôi nổi bố mẹ. Nhưng tôi giải thích để nó hiểu và nó nghe theo, bây giờ nó không phản đối chuyện tôi đi làm hàng trăm cây số một ngày nữa mà còn hay gọi điện động viên tôi trong mỗi chuyến đi xa".
Qua hơn chục năm đi bán hàng trên khắp các làng, bản ở phía Bắc, ông Thắng tích cóp được một khoản tiền gần 50 triệu đồng. Số tiền này ông dùng mua cổ phần của công ty bánh kẹo, nơi ông đang làm, sau này khi ông không còn đi làm được nữa thì số cổ phần ở công ty sẽ được chia đều cho các con.
"Tôi muốn các con của tôi học tập tính cần cù, chăm chỉ và tinh thần làm việc không mệt mỏi để giúp ích cho gia đình, xã hội", ông Thắng cho biết.
 Năm 1969, Nguyễn Đình Thắng nhập ngũ vào Tiểu đoàn 36, Trung đoàn 141. Năm 1970, ông được điều động sang Trung đoàn 66 thuộc Binh đoàn Tây Nguyên và tham gia chiến dịch Tây Nguyên giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1987, ông được về phục viên và bắt đầu đi bán hàng rong, “ngao du” khắp các tỉnh phía Bắc.

Quách Dương/ Kiến thức
Bình luận
vtcnews.vn