Giáo sư Lê Văn Lan: Tết Dương lịch chỉ là 'món ăn thêm'

Giáo dụcThứ Năm, 10/01/2013 06:28:00 +07:00

(VTC News) - "Chúng ta ngồi đón Tết Dương lịch, uống rượu sâm-panh, cùng nhau hô vang 'Happy New Year'… tất cả chỉ là những thứ thêm vào chứ không hề sâu sắc".

(VTC News) - "Chúng ta ngồi đón Tết Dương lịch, uống rượu sâm-panh, cùng nhau hô vang 'Happy New Year'… tất cả chỉ là những thứ thêm vào chứ không hề sâu sắc".

Xung quanh ý tưởng của GS Võ Tòng Xuân về việc nên tổ chức ăn Tết cổ truyền theo dương lịch, đã có những ý kiến đồng tình và cũng có ý kiến phản đối. Hôm nay, VTC News tiếp tục nhận được những chia sẻ của GS Sử học Lê Văn Lan.

Chúng tôi xin đăng nguyên văn bài viết của vị Giáo sư Sử học này:

GS Lê Văn Lan: "Nếu phải bỏ Tết cổ truyền thì tôi tiếc lắm"  (Ảnh: Hoàng Hà)
Tôi cũng đã từng có lúc nghĩ tới chuyện trong hai cái Tết là Tết Dương lịch và Tết Âm lịch nên chỉ ăn một Tết. Nhưng sau khi nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần thì thấy rằng Tết Dương lịch chẳng qua cũng chỉ như một “món ăn” thêm vào thôi chứ cái Tết cổ truyền đã ăn sâu vào máu thịt mình rồi.

Bây giờ nếu chúng ta chuyển sang ăn Tết Dương lịch thì không thể nào tiễn ông Táo về trời, không thể nào có chuyện ngồi quây quần bên nồi bánh chưng đón Giao thừa.


 

Tết Dương lịch chẳng qua cũng chỉ như một “món ăn” thêm vào thôi chứ cái Tết cổ truyền đã ăn sâu vào máu thịt mình rồi.

 
Tất cả những hình ảnh đó đã gắn liền tiềm thức, trở thành một nét văn hóa cổ truyền của dân tộc rồi. Bây giờ nếu phải bỏ tất cả những điều đó đi thì tôi tiếc lắm.

Những hình ảnh đó đã ăn sâu vào máu thịt của tôi rồi. Cũng chính là những hình ảnh đó đã tạo ra biết bao hạnh phúc, biết bao kỷ niệm và hy vọng.

Bây giờ chúng ta ngồi đón Tết Dương lịch, uống rượu sâm-panh, cùng nhau hô vang “Happy New Year”… tất cả chỉ là những thứ thêm vào, đó là những thứ hời hợt chứ không hề sâu sắc.

Ngày Tết Âm lịch là dịp cả gia đình tụ họp bên nhau, đùm bọc nhau, chia sẻ cho nhau những câu chuyện trong một năm qua trong không khí đầm ấm. Tất cả những hình ảnh đó đã tạo ra những nét rất Việt Nam cố hữu rồi.

Tôi chỉ sống với những kỷ niệm, thói quen đã ngấm vào máu thịt của mình từ lâu. Gia đình tôi là một mẫu mực trong việc ăn Tết Âm lịch. Tôi có rất nhiều con cháu, và cũng chỉ tới dịp Tết Âm lịch chúng mới về với tôi được, và khi đó tôi mới thể hiện sự chăm sóc của mình với chúng được.

Cả năm lụi hụi mỗi người một phương, dịp Tết cổ truyền của dân tộc chính là dịp duy nhất trong năm tất cả các thành viên trong gia đình có thể đoàn tụ.

Ý nghĩa đoàn tụ trong ngày Tết cổ truyền quan trọng lắm.

Tết cổ truyền là dịp hiếm hoi trong năm các thành viên trong gia đình được đoàn tụ sau một năm xa cách 
Trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc có phong tục lì xì rất quan trọng, số tiền tuy không nhiều nhưng lại mang ý nghĩa tượng trưng rất lớn. Việc lì xì đầu năm lấy may thể hiện mọi người muốn được chăm sóc nhau, trao yêu thương cho nhau.

Bản thân tôi cũng vẫn nhận được lì xì mừng tuổi của các con các cháu và tôi cũng mừng tuổi lại các con các cháu của mình. Tuy số tiền không đáng là bao nhiêu nhưng tất cả mọi người đều rất mong đợi giây phút ấy để thể hiện sự quan tâm nhau. Chính vì những giây phút đó mà các thành viên trong gia đình như gắn bó với nhau hơn sau một thời gian dài xa cách.

Khoảnh khắc Giao thừa của Tết cổ truyền trầm lắng lắm, sâu sắc lắm và hội tụ về đây biết bao nhiêu là ý nghĩa. Từ những chuyện có vẻ hơi buồn cười như những điều kiêng kỵ, đến những việc chúng ta cùng tin rằng vào thời khắc đó sẽ có những ông thần, ông thánh, tổ tiên cũng hòa đồng vào cuộc sống của con người ở hiện tại.
Từ lâu nay, người dân nước ta đều mong muốn đào, quất, mai nở vào đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Mong muốn này không chỉ gắn với yếu tố thời tiết mà còn là yếu tố tâm lý, tâm linh đã ăn sâu vào mọi người.

Tôi cũng đã nghe qua ý kiến của GS Võ Tòng Xuân đề xuất nên tổ chức ăn Tết cổ truyền theo dương lịch.

GS Võ Tòng Xuân ở Nam Bộ, chỗ ấy là đất mới được mở mang từ thế kỷ 17 với cư dân miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp. Ở đó sự bảo lưu tính cổ truyền của dân tộc không được đậm đà bằng ở ngoài miền Bắc và miền Trung.

Vùng đất mà GS Võ Tòng Xuân đang sống lại đang xảy ra quá trình giải thể hóa các giá trị truyền thống rất nhanh do ảnh hưởng của phương Tây, từ thời chủ nghĩa thực dân mới đưa vào. Điều đó nó đang phá các giá trị cổ truyền. Trong khi ở miền Bắc và miền Trung, các giá trị cổ truyền được bảo lưu vững.

Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập hóa hiện nay, vùng đất mà GS Võ Tòng Xuân đang sống cũng đang diễn ra quá trình hội nhập rất mạnh.

Đấy là 2 điều kiện chính để GS Võ Tòng Xuân đưa ra ý kiến nên nhập Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch.

Tuy nhiên, trên cả nước có những nơi điều kiện lịch sử và xã hội hơi khác khi có sự bảo lưu khá bền vững những giá trị cổ truyền của ngày Tết Âm lịch.
Những hình ảnh đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc 
Ý kiến cá nhân của tôi về vấn đề này xin được thể hiện qua câu chuyện sau đây tôi kể với các bạn.

Đó là vào khoảng những năm 1969-1970, ở Hà Nội khi đó cuộc sống của người dân cũng vô cùng khó khăn khi vừa phải kháng chiến chống Mỹ và cũng đang phải sống trong thời kỳ bao cấp.

 

Việc lì xì đầu năm lấy may thể hiện mọi người muốn được chăm sóc nhau, trao yêu thương cho nhau.

 
Tôi còn nhớ một người dân cũng có nêu ra ý kiến nên gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch như ý kiến của GS Võ Tòng Xuân. Thậm chí, tôi nhớ ý kiến này còn được nêu ra chính trên báo Nhân dân.

Theo sự chỉ dẫn trên báo, tôi đến phố Cống Chéo, Hàng Lược tìm hiểu. Người đề xuất ý kiến này là một người sửa chữa xe đạp, nhà của ông này là một căn nhà cổ.

Tôi thấy trước cửa nhà người đàn ông này người ta viết nguệch ngoạc lên đó chữ bằng phấn trắng rất to: “Nhà này mà ăn Tết thì tao giết”.

Đó là phản ứng của những người muốn giữ cái Tết cổ truyền của dân tộc. Ý của họ muốn nói rằng, anh cứ đề xuất bỏ Tết Âm lịch là việc của anh còn chúng tôi vẫn bền bỉ giữ lấy Tết cổ truyền. Nếu mà anh lại ăn theo Tết cổ truyền như của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ đến trừng phạt đấy.  

Câu chuyện này cũng đã thể hiện quan điểm của tôi. Người Hà Nội nói riêng và người miền Bắc nói chung trong thời kỳ gian khổ khó khăn như thế nhưng người ta vẫn muốn giữ cái Tết cổ truyền của dân tộc.

Đó cũng là một bài học từ quá khứ và truyền thống.



GS. Lê Văn Lan
Bình luận
vtcnews.vn