Những pha ứng xử khó đỡ của ứng viên hoa khôi

Giáo dụcThứ Ba, 04/12/2012 01:42:00 +07:00

(VTC News)- Nếu mà em trả lời khéo léo quá mọi người sẽ nghĩ là em khôn, em trả lời khờ khạo quá mọi người sẽ cho là em ngu..."

(VTC News)- Không ít cuộc thi hoa khôi sinh viên, người xem phải lắc đầu ngán ngẩm khi nghe những phần trả lời ứng xử của những ứng viên hoa khôi sinh viên.

Những phần thi ứng xử “bất hủ”
Đêm chung kết Duyên dáng sinh viên Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (Miss Uneti) 2010 khiến hàng trăm khán giả vẫn còn nhớ mãi với phần trả lời ứng xử của các thí sinh. 
Duyên dáng sinh viên Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (Miss Uneti) 2010 có khá nhiều phần ứng xử "bất hủ" 
Trước câu hỏi "hiện nay, tình trạng học sinh nữ đánh nhau trong các nhà trường đang thực sự là vấn đề gây nhức nhối cho xã hội. Vậy, bạn sẽ làm gì để góp phần làm cho tình hình được tốt hơn? "
Thí sinh Nguyễn Thị T. (SBD 075) đã có một phần chào hỏi khiến hàng trăm khán giả không nhịn được cười.  “Em nghĩ, chắc thầy và các bạn sẽ không hài lòng lắm về câu trả lời của mình (…) Nếu mà em trả lời khéo léo quá mọi người sẽ nghĩ là em khôn, em trả lời khờ khạo quá mọi người sẽ cho là em ngu, nên em sẽ trả lời suy nghĩ của chính mình, một sinh viên khối kỹ thuật”.
Sau khi nghe thí sinh này đưa ra một câu trả lời khá vòng vo, ban giám khảo tiếp tục hỏi thêm để làm rõ ý trả lời. Bất ngờ hơn, cô nữ sinh này lại tiếp tục chia sẻ rất “tâm tình” : “Cũng may, em không phải là nạn nhân (…) Cuộc sống này có biết bao điều tốt đẹp, sao mọi người lại phải đánh nhau làm gì? Em nghĩ những người có hành động đánh người kia chắc chắn là…có vấn đề về thần kinh?!”
Cũng đầu năm 2010, trong cuộc thi Tài sắc nữ sinh báo chí (Press Beauty 2010),  nữ sinh X.T đã rất tự tin khi bước vào phần thi ứng xử của top 5.
Trước câu hỏi của ban giám khảo “Lợi thế của sắc đẹp trong công việc của người nữ phóng viên”, cô nữ sinh này không ngần ngại chia sẻ: “Phóng viên báo phát thanh - truyền hình mới cần phải đẹp còn phóng viên báo viết không thể hiện được cái đẹp của mình nên không cần phải đẹp”.
Câu trả lời của nữ sinh X.T ngay lập tức đã khiến khán giả trong hội trường rộng lớn cười ồ thích thú.
Cuộc thi Tài sắc nữ sinh báo chí 2010 cũng nhiều "sạn" trong phần ứng xử 
Cũng trong cuộc thi này, khi ban Giám khảo đưa ra câu hỏi: “Vì sao em thi vào trường Học viện Báo chí?”, một nữ sinh lọt vào top 5 đã thành thật khai: “Thật ra, mơ ước của em khi còn là học sinh đó là trở thành một sinh viên của Học viện Cảnh sát, nhưng đáng tiếc là em không vượt qua vòng kiểm tra sức khỏe.

Sau đó, em đã nộp hồ sơ dự thi vào trường Học viện Báo chí và đã may mắn trở thành một sinh viên của trường. Em gửi đến Ban giám khảo những lời tâm sự chân thành nhất của mình”.
 
Em nghĩ, chắc thầy và các bạn sẽ không hài lòng lắm về câu trả lời của mình (…) Nếu mà em trả lời khéo léo quá mọi người sẽ nghĩ là em khôn, em trả lời khờ khạo quá mọi người sẽ cho là em ngu, nên em sẽ trả lời suy nghĩ của chính mình, một sinh viên khối kỹ thuật”.
Thí sinh Nguyễn Thị T. (SBD 075)
 
Đặc biệt, trong năm đầu tiên tổ chức Miss ĐH Bách Khoa Hà Nội, nữ sinh T.D đã để lại ấn tượng trả lời ngây ngô khi nói về Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Ngoài việc cho rằng đây là trường đại học đầu tiên của nước ta, cô nữ sinh này không quên bổ sung “đây là nơi có phong cảnh đẹp, có tượng và rùa đá để các bạn trẻ có thể chụp ảnh”.
Thậm chí, nhiều thí sinh đã bốc được câu hỏi khá quen thuộc “Nếu đêm nay bạn là người giành được ngôi vị cao nhất của cuộc thi, bạn sẽ làm gì?” cũng khiến nhiều thí sinh khá lúng túng. 
Nhiều nữ sinh, do quá hồi hộp trước những tràng pháo tay rền rã của các khán giả lại “chết đứng” trên sân khấu một lúc lâu.

Sau khi định thần được, nữ sinh này chỉ lắp bắp một câu “kinh điển” hơn cả câu hỏi “Nếu được trở thành hoa khôi trong cuộc thi ngày hôm nay, em hứa sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng cha mẹ và thầy cô”.
Thí sinh rụt rè kết thúc phần trả lời của mình còn hàng trăm khán giả phía dưới vẫn còn tròn mắt không tin phần thi ứng xử đã kết thúc.
 Phần thi ứng xử được xem là "trả bài" khô khan

Không chỉ những thí sinh có phần trả lời ứng xử ngây ngô, nhiều phần trả lời được xem là học thuộc từ trước của các thí sinh cũng khiến khán giả không có thiện cảm.
Trong cuộc thi Hoa khôi Đại học Lao động Xã hội 2011, thí sinh Nguyễn Hà Phương đã có một phần trả lời trôi chảy như một lần “trả bài” học thuộc trên lớp.
Khi được hỏi về “Suy nghĩ của bạn về tà áo dài truyền thống của dân tộc”, Hà Phương đã nói liên tục không ngừng nghỉ nhưng lại không hề có giọng điệu nhấn nhá hay truyền cảm xúc vào trong phần trả lời ứng xử của mình. Cô nữ sinh này sau đó cũng giành được ngôi vị Á khôi 1 của cuộc thi.
Ứng xử kém là phông văn hóa sinh viên kém?
Khi các nữ sinh tỏ ra ngây ngô trong các phần thi ứng xử, nhiều ý kiến cho rằng do tiêu chí của các cuộc thi quá dễ dàng, các thí sinh có phông văn hóa kém nên việc ứng xử lỗi là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, bên cạnh những phần trả lời ứng xử ngây ngô của một số các thí sinh trong các cuộc thi hoa khôi sinh viên còn có rất nhiều phần thi thể hiện được trí tuệ và tâm hồn của các nữ sinh dự thi.
Trong cuộc thi Miss Nhân văn 2011, trước câu hỏi: "Nếu được giới thiệu về hoạt động của sinh viên trường Nhân văn, em sẽ nói gì và tại sao?" Nguyễn Thanh Ly trả lời: "Sinh viên Nhân văn có rất nhiều hoạt động mới mẻ và thu hút. Nhưng để giới thiệu thì em sẽ nói về đêm thi hôm nay. Tại cuộc thi này, các thí sinh không chỉ thể hiện được nét đẹp của nữ sinh Nhân văn về ngoại hình mà cả trí tuệ". Câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ ý đã đưa Thanh Ly trở thành Miss nhân văn 2011.
 
Hay như cuộc thi Tài sắc Phương Đông 2012 cũng được khán giả đánh giá cao khi phần thi ứng xử gắn liền với mái trường các sinh viên theo học.
“Bằng ba tính từ hãy miêu tả bản thân bạn trong mối quan hệ với trường Đại học Phương Đông”, Hoa khôi Nguyễn Thị Dung đã chọn lựa đó là Tự hào, Chân thành và Nhiệt huyệt.
Cô giải thích: "Tự hào vì đến bây giờ đứng trên sân khấu Tài sắc Phương Đông thì tôi thực sự thấy mình có sự lựa chọn đúng đắn khi bước chân vào trường. Chân thành, từ năm đầu tới giờ tôi sẽ dành tình cảm chân thành, cống hiến hết mình cho trường Phương Đông. Nhiệt huyết, còn hai năm nữa tôi sẽ cố gắng hết mình để giới thiệu trường Phương Đông.
Một chuyên gia tâm lý chia sẻ: “Việc thí sinh đứng trên sân khấu với những ánh đèn chói lòa, trong những bộ trang phục cầu kỳ và đang có hàng trăm, hàng nghìn người đưa ánh mắt dõi theo mình thì việc các nữ sinh hồi hộp, ăn nói có lắp bắp, không rõ ý cũng là chuyện bình thường. Vì các thí sinh không được đào tạo để có thể hoàn toàn tự tin trước đám đông”.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng không phải nữ sinh nào trong các cuộc thi sắc đẹp sinh viên đều có kinh nghiệm và tài hùng biện qua các cuộc thi trước đó. Vì vậy những điểm yếu mà các “người đẹp sinh viên” bộc lộ trên sân khấu cũng là do các bạn đang thiểu những kỹ năng ứng xử cần thiết.
Hiện nay, rất nhiều các cuộc thi sắc đẹp học đường đã đưa thêm vào phần trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông nên những tình huống “dở khóc dở cười” trong phần thi ứng xử đã không còn xuất hiện nhiều như trước.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn