Chàng cử nhân thiếu 1 bàn tay vẫn chơi Taekwondo

Giáo dụcThứ Bảy, 24/11/2012 06:38:00 +07:00

(VTC News) – Dù không có bàn tay phải, nhưng Nghĩa đã tốt nghiệp cử nhân Kinh tế và là vận động viên Taekwondo và từng đoạt 13 giải thưởng.

(VTC News) –  Dù sinh ra không có bàn tay phải, nhưng Nghĩa đã tốt nghiệp cử nhân khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế. Không chỉ thế, Nghĩa là vận động viên môn võ Taekwondo và từng đoạt 13 giải thưởng các loại.

Mẹ là Lê Thị Cúc (45 tuổi, ở P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM), còn con trai là Lê Minh Nghĩa (22 tuổi, hiện là cử nhân kinh tế Trường đại học Kinh Tế TP.HCM). Em Nghĩa sinh ra đã bị mất đi bàn tay phải nhưng suốt thời gian học tập, em luôn là học sinh giỏi, được thầy cô quý mến cũng như là niềm tự hào của ba mẹ. Còn chị Cúc là người phụ nữ đã 25 năm đi bán chè, nuôi chồng, nuôi con ăn học thành tài.


Lấy chồng không được mặc áo cưới

Chị Cúc cho biết, chị sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông anh em nhưng bố mẹ chị vẫn cố gắng để nuôi các con ăn học. Còn chị thì khác, từ nhỏ đã ham chơi, thích được đi gánh nước thuê lấy tiền tiêu xài và đưa cho bố mẹ. Những ngày đi học với chị là một cực hình.

Học đến lớp 9, dù bố mẹ có đánh đập, chửi mắng, khuyên giải thế nào chị vẫn nhất quyết đòi nghỉ học. Rời ghế nhà trường, chị phải ở nhà trông em cho mẹ đi làm nhưng vẫn lén đi gánh nước thuê, lấy tiền đi chơi cùng nhóm bạn.

Lớn hơn một chút, chị đi làm thuê đủ nghề. Lúc đi gánh nước thuê, lúc đi bán vé số, lúc đi lượm ve chai…kiếm từng đồng bạc lẻ. Nhưng cuộc sống với chị như thế lại vui.

“Tui chẳng biết nữa, hồi đó ham chơi, chứ không biết nghĩ gì cho tương lai cả. Thấy nhóm bạn có tiền đi chơi, mình phải ở nhà, tui thấy buồn. Chắc có lẽ, tuổi trẻ nông nổi, bồng bột”. Chị Cúc tâm sự.

Gánh chè của chị Cúc nuôi sống cả gia đình chị 


Năm 21 tuổi, chị đang đi làm thuê thì gặp anh Lê Thanh Sơn (hiện 47 tuổi, chồng chị Cúc) cũng đang đi làm giống mình. Hai người mới gặp nhau nhưng đã trở nên thân thiết. “Chúng tôi gặp nhau 2,3 lần gì đấy thì anh ấy bắt đầu ngỏ lời yêu tôi. Chẳng suy nghĩ gì cả, tui liền gật đầu đồng ý.

“Hôm dẫn anh ấy về ra mắt, mọi người trong gia đình tôi, ai cũng không đồng ý, nhất là bố mẹ, cũng bởi vì thấy cánh tay trái của anh ấy bị tật, người ốm yếu thì sau này sẽ làm khổ vợ con. Nhưng tôi vẫn cứ yêu, mặc dù bố mẹ đe không bỏ thì lấy hết quần áo ra đốt và sẽ không bao giờ nhìn mặt”.

Nhiều lần lấy tình yêu và sự quan tâm của anh ra thuyết phục, bố mẹ chị vẫn không đồng ý. Thế nhưng anh chị vẫn dọn về sống chung bằng một bữa tiệc nhỏ ra mắt anh em trong gia đình. “Ngày cưới, phía gia đình anh cũng nghèo, bố mẹ tôi lại không đến dự nên không tổ chức rình rang như những cặp đôi khác. 

Chiếc “áo cưới” tôi mặc về nhà chồng là bộ áo dài đã cũ, mượn của chị dâu anh Sơn”. Nhưng ngôi nhà chị đến nay vẫn đầy ắp tình thương anh dành cho chị, mặc dù, ông bà bên ngoại không nhìn mặt.

Gánh chè, nuôi sống một gia đình

Về sống chung một nhà, anh thường xuyên đau ốm, một mình chị phải làm đủ nghề kiếm sống. Lúc chị đi làm thuê, lúc đi bán hàng dạo, cũng có lúc chị phải xuống tận sông Đồng Nai nhặt ve chai đi bán… Thế nhưng, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ, khó khăn chồng khó khăn.

Thấy chị phải đi làm thuê vất vả, anh bàn với chị nấu chè đi bán. Thấy chồng nói có lý và gia đình chồng có gia truyền nấu chè đi bán, chị Cúc đồng ý. 

Đầu tiên, anh Sơn phải mày mò đi học lại cách nấu chè của gia đình rồi về sáng kiến ra những món mới, nấu cho chị Cúc đi bán. Lúc mới đi bán, một ngày bán hết số lượng chè nấu ra là một “cực hình” với chị. Chị phải gánh đến các khu trường học, khu chợ để bán. “Có hôm từ 10 giờ sáng cho đến 9 giờ tối, tôi mới về đến nhà. Ngày mai, lại phải quảy gánh đi bán nữa”. 

Bố mẹ Nghĩa vui mừng khi nhìn thấy con biết vượt qua được số phận 

Có những lúc, gánh chè của chị bị…lỗ, nhưng hai anh chị vẫn động viên nhau theo nghề. Đến nay, hai anh chị đã có thâm niên 25 năm nấu chè đi bán. Hằng ngày, anh dậy lúc 3 giờ sáng, ngâm đậu, chuẩn bị gia vị để nấu chè. Còn chị, cứ 9 -10 giờ sáng là bắt đầu đẩy xe chè đi bán, quanh con đường Nguyễn Du, P.7, Q.Gò Vấp.

Mỗi một ngày, anh chị tiêu thụ được hơn 150 gói chè, các loại: chè đậu đen, chè chuối, chè bà ba, chè bắp, chè xôi nước…có giá 5000 đồng/ gói. Chị Cúc vui vẻ cho biết, nhờ có gánh chè này mà gia đình chị mới được như ngày hôm nay. Mọi chi phí trong gia đình cũng như tiền con ốm, con đau, con đi học đều nhờ vào…gánh chè.

Mẹ đốt sách, con là mọt sách

Ngày nào, hai vợ chồng chị cũng phải thức khuya dậy sớm nấu chè đi bán nhưng không lúc nào anh chị cảm thấy mệt vì điều đó. Bởi phía sau anh chị có một nguồn động lực mà khi nhìn vào anh chị rất tự hào và hãnh diện.

Chị Cúc cho biết, năm 1990, Nghĩa chào đời, nặng 3,6 kg nhưng lại không có bàn tay phải. Mới nhìn con, chị ngất đi vì choáng váng. Nhưng khi được chồng và bác sĩ động viên chị đã vượt qua. Dù Nghĩa bị khiếm khuyết nhưng lại là một đứa trẻ thông minh. 

Từ từ chị mới lấy lại được tinh thần. Năm Nghĩa bắt đầu đi học, về đến nhà lúc nào em cũng chỉ biết chui vào một góc nhà để tự kỷ. Nhìn con, anh Sơn chỉ biết động viên “cơ thể con không được đầy đủ như các bạn thì con phải tự tin để học thật giỏi, từ đó, con mới được nhiều người yêu quý”.

Nghe ba và ngày ngày nhìn thấy mẹ vất vả gánh chè đi bán nuôi cả gia đình, Nghĩa tự mình học thật chăm chỉ. 12 năm liền Nghĩa là học sinh giỏi.

Đến nay, Nghĩa đã tốt nghiệp cử nhân khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế. Không chỉ thế, Nghĩa là vận động viên môn võ taekwondo và từng đoạt 13 giải thưởng các loại khác nhau.

Trao đổi với chúng tôi, Nghĩa vui vẻ cho biết, “hiện nay rất nhiều bạn nể phục em”. Sau khi xin được việc làm, em sẽ học thêm bậc thạc sĩ để là niềm tự hào của bố mẹ và sẽ phấn đấu để mở cho mẹ một cửa hàng bán chè tại gia.

Chị Cúc cũng vui vẻ nói, trước kia do ham chơi, chị đã chống đối bố mẹ để được nghỉ học, dù bố mẹ chị động viên như thế nào.
Thậm chí, chị lấy toàn bộ sách vở của mình đi đốt để chỉ mong cho bố mẹ cho nghỉ học. Còn Nghĩa thì khác, “tui chẳng bao giờ chỉ cho nó điều gì, nó vẫn chăm học và học rất giỏi.

Vừa rồi một người thầy dạy tui cũng như dạy nó bây giờ, thầy bảo “ngày xưa mi đốt sách, còn giờ con mày thì mọt sách”. Chị Cúc cười mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, dù phía trước còn nhiều điều phải lo cho cả chồng và con trai.


Ngọc Thân





Bình luận
vtcnews.vn