Gặp người thầy viết bằng miệng

Giáo dụcThứ Tư, 21/11/2012 07:32:00 +07:00

Cuộc đời của người thầy giáo chưa một lần đứng trên bục giảng này chính là cổ tích về nghị lực sống mãnh liệt.

Cuộc đời của người thầy giáo chưa một lần đứng trên bục giảng này chính là cổ tích về nghị lực sống mãnh liệt.

Tìm về thôn Nhân Lý (Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội), không mấy khó khăn để chúng tôi tìm được nhà thầy Phùng Văn Trường. Sau giờ học sinh nghỉ, thầy đang tự lo việc tắm rửa, giặt giũ cho bản thân để gia đình đỡ phải vất vả.

Người đàn ông ngoài ba mươi, ngồi trên chiếc xe lăn, cả tứ chi đều bị liệt, tự lập những việc nhỏ nhất trong cuộc sống dễ khiến nhiều người cảm phục.

Cùng phóng viên trò chuyện với thầy Phùng Văn Trường để hiểu rõ hơn về cuộc sống và gia cảnh của người thanh niên nghị lực này.

Chào thầy Trường! Chúc thầy có thật nhiều sức khỏe!

Dù mọi người tôn trọng gọi tôi là thầy, nhưng bản thân tôi cảm thấy mình chưa đủ trình độ để nhận cái chữ thiêng liêng đó. Tôi không có bằng cấp, nghiệp vụ, chưa một lần đứng lớp, chỉ dạy các em với niềm yêu thích của mình, mong các em tiến bộ mà thôi. Dù sao cũng cảm ơn mọi người đã nhớ tới.

Người thầy giáo liệt tứ chi đầy nghị lực 
Thầy bị căn bệnh liệt gân này bao lâu rồi?

Tôi có nghe bố tôi nói, từ lúc tôi còn nhỏ lắm, sau một trận ốm tưởng chết đi sống lại, mãi tôi mới biết đi. Nhưng khi biết đi rồi thì chân lại cứ yếu dần, và không đi được nữa.

 

Tôi muốn học trực tuyến môn Tiếng Anh. Chắc người đầu óc bình thường là học được thôi. Biết đâu học, biết được cái mới, tôi lại bảo ban được chúng nó.

Thầy Phùng Văn Trường
 
Lúc nhỏ, đi học, tôi vẫn cố tự lê đôi chân nặng nhọc tới trường, nhưng sau này, hai chân yếu, hai tay cũng yếu, tôi được các bác sĩ chẩn đoán bị liệt gân, cơ không phát triển được. Tứ chi cứ thế teo dần.


Lúc đó còn nhỏ, tôi không nghĩ được nhiều, chỉ cảm thấy tủi phận với các bạn cùng trang lứa. Tôi khao khát được lành lặn như các bạn, để được đi học cao hơn nữa.

Gia đình tôi đông anh em, nhà nghèo, bố mẹ phải chạy vạy mãi mới đủ tiền đưa tôi xuống bệnh viện mổ, mổ 2 lần nhưng vẫn không đỡ được. Đành chấp nhận số phận vậy thôi. Nghĩ cũng buồn nhiều, nhưng thôi, tôi lạc quan là trời không lấy đi của ai tất cả.

Ngày đó, thầy đi học như thế nào?


Tôi tự lê tới trường, trường cũng cách nhà có hơn 1 cây số. Nói thì dễ, nhưng cũng khá khó khăn, có lần tôi chống nạng đi, hai chân đã teo, tay cũng bị teo cơ nốt, không gá được vào nạng nên bị ngã.
Thầy kể, ngậm bút sâu quá dễ bị buồn nôn, nhưng ngậm bút cao quá lại viết rất khó vì lực yếu. Nhưng luyện tập một thời gian, thầy đã viết thạo 
Tưởng chừng như một cái cây đổ vậy, tôi không làm thế nào để tự đứng dậy được. Lúc đấy thấy khổ vô cùng. Quần áo tôi suốt thời gian đi học không bao giờ lành lặn, vì chỉ mặc được lần đầu, bị ngã là rách hẳn gối.

Tôi học được hết năm lớp 8, sau đó lớp 9 các học sinh trong lớp bỏ học nhiều, lớp chúng tôi phải học ghép với điểm trường trên, cách nhà khá xa. Tôi phải nghỉ học.

Thời điểm đó tôi rất tiếc, vì chỉ còn 1 năm học nữa là tốt nghiệp cấp 2, và trong suốt mấy năm qua, năm nào tôi cũng là học sinh giỏi. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ nếu bố mẹ cố đưa đón đi học, tôi cũng học được hết cấp 2, cấp 3 rồi học trung cấp, cao đẳng như bạn bè cả.

Và thầy bắt đầu dạy học từ khi nào?


Cuối năm nay là được 3 năm, ban đầu tôi chỉ nghĩ bảo mấy đứa cháu họ hàng, anh em tới kèm cặp thêm thôi. Sau bố mẹ các cháu nhờ ngày càng nhiều, tôi cũng vui vẻ nhận, mình biết gì thì chỉ cho các cháu. Tôi cũng chỉ dạy chương trình cấp 1 được thôi, và cũng không dạy trước, chỉ ôn luyện, củng cố lại kiến thức trên lớp cho thật chắc.

Được biết, trước đó, bố mẹ từng mở hàng tạp hóa cho thầy bán, nhưng vì sao thầy lại “đổi nghề” và học viết chữ bằng miệng?
Biết bao nhiêu cây bút giúp thầy khổ luyện 
(Cười) Có khá nhiều lý do đấy. Thứ nhất tay chân tôi thế này, không tự viết được bằng tay, hoặc bằng chân, chỉ còn viết bằng miệng mà thôi.

Khi bán tạp hóa, mọi người mua hàng hay chịu, không làm thế nào nhớ hết nổi, mà tôi cũng không viết được nên rất bực.

Hơn nữa là khi dạy học cho các cháu, đến lúc bảo chúng làm tính thì được, nhưng viết chữ đẹp để chúng viết theo mẫu tôi lại không làm được. Và thứ ba nữa là do một người họ hàng động viên khích lệ, nên tôi bắt đầu học viết chữ bằng miệng.

Ban đầu khi chọc bút vào miệng tôi toàn bị nôn ọe. Bút chì còn đỡ, chứ bút bi thì trơn lắm.Tôi ngậm bút sâu, chỉ cách khoảng 5 phân so với mặt giấy, khi viết xong rồi ngẩng lên thì lóa hết mắt.

Tôi nghĩ luyện được chữ chắc mình cũng hỏng mắt mất thôi. Nên tôi đành ngậm cây bút xa ra. Chỉ ngậm 5 phân cuối bút. Cách hẳn 15 phân so với mặt giấy thì lực đẩy yếu, viết càng khó hơn.

Nhưng mỗi ngày luyện 1 ít, mãi cũng thành quen, sau 1 tháng thì tôi viết được thành thạo, còn viết được đẹp như bây giờ thì phải có thời gian rèn lâu hơn.

Hiện tại, lớp học của thầy có bao nhiêu học sinh?
Quyển vở học trò mà thầy chấm 
Khoảng 10 em, các em sau giờ học ở trường thì tạt qua, tôi xem bài và củng cố kiến thức, giao thêm bài tập mới. Tôi không muốn nhận đông học sinh vì sợ không bảo ban kỹ càng cho các em được.

Sắp tới, thầy có dự định gì không?

Tôi không có dự định gì nhiều, chỉ đang tích góp tiền mua máy tính xách tay, tôi muốn nối mạng. Thấy bọn trẻ con học được tiếng Anh trên lớp, về nhà cũng có nói vài chữ mà tôi không hiểu, dân ở đây thì nghèo, không ai biết tiếng Anh.

Tôi muốn học trực tuyến bộ môn này, chắc người đầu óc bình thường là học được thôi, biết đâu học, biết được cái mới, tôi lại bảo ban được chúng nó.

Hơn nữa kiến thức ở đấy là bao la, tôi muốn học nhiều hơn, biết nhiều hơn, đi xa hơn với cái máy tính. Tôi muốn học để người ta phải phục mình!

Cách đây không lâu, niềm vui lớn lao đã đến với thầy Trường. Người phụ nữ thương yêu, khâm phục nghị lực của thầy đã đồng ý làm vợ thầy. Chị hiền lành và nhút nhát, luôn là nguồn động viên, là niềm vui lớn đối với thầy Trường.

Tuy liệt tứ chi, nhưng trong cuộc sống, những việc gia đình nhỏ thầy đều tự làm giúp vợ, không muốn vợ mình vất vả thêm. Cặp vợ chồng đang hy vọng một thiên thần nhỏ bé sẽ đến gõ cửa vào một ngày gần đây. Có con, như thầy Trường bảo: “Những ước mơ của tôi không làm được, con tôi sẽ thay tôi làm tất cả. Tôi sẽ dạy dỗ nó nên người”.

Theo Tiin.vn

Bình luận
vtcnews.vn