'Hỏi xoáy đáp xoay' với thủ khoa xuất sắc nhất 2012

Giáo dụcThứ Sáu, 28/09/2012 09:00:00 +07:00

(VTC News)- Đúng 9h sáng nay, 4 thủ khoa xuất sắc nhất năm 2012 đã có mặt tại tòa soạn báo điện tử VTC News để giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc cả nước.

(VTC News)- Đúng 9h sáng nay, 4 thủ khoa xuất sắc nhất năm 2012 đã có mặt tại tòa soạn báo điện tử VTC News để giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc cả nước.

Đến thời điểm này, đã có hàng trăm câu hỏi gửi về cho các thủ khoa xuất sắc nhất năm 2012 trong cuộc Giao lưu trực tuyến Nghị lực và Bí quyết thủ khoa 2012 do Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội và công ty Cổ phần MH Việt nam, báo điện tử VTC News phối hợp tổ chức.

Nhiều độc giả đã gửi những câu hỏi rất thú vị về cuộc sống hiện tại của các thủ khoa. Liệu rằng, đằng sau những thành tích học tập xuất sắc, các thủ khoa ở ngoài đời có điểm gì thú vị?


Bốn thủ khoa đã có mặt và nhận những bó hoa tươi thắm từ nhà tổ chức 

Mời bạn đọc xem phần giao lưu với các thủ khoa xuất sắc nhất năm 2012 tại đây:

Phùng Thúy Hạnh:Rất vui được giao lưu với các bạn thủ khoa. Trước hết xin gửi tới các bạn lời chúc sức khỏe.

Xin được có câu hỏi gửi bạn Thùy Dung: Bạn thật xinh đẹp và giỏi giang. Cũng là sinh viên, sao tôi thấy lúc nào thời gian của tôi cũng eo hẹp. Vậy mà bạn làm được bao nhiêu việc. Tham gia các hoạt động từ thiện, dạy thêm cho các em học sinh nghèo... Bạn sắp xếp thời gian của mình như thế nào? Bạn có thể kể cho mình nghe 1 ngày của bạn?


Nguyễn Thị Thùy Dung, thủ khoa đầu vào năm 2008 và thủ khoa đầu ra năm 2012 của ĐH Ngoại Thương: Sắp xếp thời gian tùy từng giai đoạn, công việc từ thiện diễn ra trong những khoảng thời gian rảnh, còn trong thời gian thi cử, mình sẽ tập trung nhiều hơn vào việc học.

Kinh nghiệm để làm được nhiều việc đó là mình phải ưu tiên những việc quan trọng trước, đôi lúc phải hy sinh một số sở thích cá nhân, giải trí.

Ví dụ như hiện nay, buổi sáng mình dành thời gian cho việc học chuyên ngành, tìm hiểu về các trường có chương trình học bổng, buổi chiều mình dạy các lớp IELTS và TOEIC, buổi tối mình dành thời gian soạn giáo án và các chương trình giảng dạy.

Hiền Lương:Là thủ khoa của một trường đại học thuộc hàng danh tiếng nhất, bạn có cảm thấy áp lực gì trong một ngôi trường toàn học sinh học được, chơi được?

Trần Thị Hạnh, thủ khoa đầu vào của Đại học Ngoại thương năm 2012: Ban đầu em cũng có suy nghĩ như vậy, bởi trong trường rất nhiều người giỏi thông minh , năng động, mình chỉ là một hạt cát nhỏ bé.

Thủ khoa Trần Thị Hạnh 

Lúc ấy em cũng cảm thấy đôi chút tự ti, tuy nhiên, sau đó em đã nghĩ một cách tích cực hơn, rằng hãy xem đó là một môi trường nhiều thử thách, thay vì coi đó là áp lực, hãy xem đây là một động lực lớn giúp mình cố gắng hơn và phấn đấu không ngừng.


Diệu Thúy (18 tuổi, Đồng Tháp): Cũng đã được gần 1 tháng kể từ ngày khai giảng năm học mới, bạn đã quen với môi trường học tập ở trường đại học chưa? Bạn đã gặp những khó khăn gì trong những ngày đầu làm sinh viên?

Đỗ Thị Loan là thủ khoa đầu vào trường đại học Nông nghiệp Hà Nội: Còn nhiều điều bỡ ngỡ những em cũng đang cố gắng thích ứng với môi trường mới. Khi học ở trường, em thấy run khi phải đứng phát biểu trước đám đông. Ở đại học đòi hỏi sinh viên phải chủ động tìm tòi, không được hướng dẫn cụ thể như hồi phổ thông.

Đây là lần đầu tiên em phải sống xa gia đình nên nhiều khi còn thấy cô đơn. Điều ấn tượng đối với em về trường Nông nghiệp là có nhiều hoạt động ngoại khóa, em rất thích tham gia.


Hiền Thi (18 tuổi, Nghệ An):Lộ trình học tập và hoạt động xã hội của tân thủ khoa Trần Xuân Bách là gì trong những năm tháng trước mắt dưới ngôi trường ĐH Y Hà Nội?

Thủ khoa Trần Xuân Bách ĐH Y Hà Nội: Em sẽ hoàn thành tốt công việc học tập, bên cạnh đó, nếu có điều kiện sẽ tích cực tham gia các hoạt động đoàn và hoạt động xã hội khác.

Khi ở trường cấp 3 em từng là lớp phó học tập. Vậy nên khi bước chân vào đại học, em hy vọng mình sẽ phát huy những kinh nghiệm có được khi ngồi trên ghế nhà trường.

 

Hà My (20 tuổi, Hà Nội): Có nhiều thủ khoa đầu vào rồi lại thủ khoa đầu ra. Bách có dự định sẽ chinh phục thử thách đó cho chính mình?

Thủ khoa Trần Xuân Bách ĐH Y Hà Nội:
Em nghĩ rằng việc trở thành thủ khoa đầu vào chỉ là bước khởi đầu cho cả một chặng đường dài trước mắt.

Và thủ khoa đầu ra cũng là một ước mơ mà em muốn vươn tới, tuy nhiên để chinh phục được nó hay không thì còn là cả một quá trình nỗ lực không ngừng.


Song Đào (22 tuổi, Hà Nội):Có một thực tế cho thấy nhiều bạn học phổ thông rất tốt, thi đỗ đại học với điểm số cao nhưng khi lên học đại học không còn giữ được thành tích như cũ. Hạnh có tự tin mình sẽ giữ được kết quả học tập cao trong suốt quá trình học đại học?

Trần Thị Hạnh (Thủ khoa ĐH Ngoại thương Hà Nội): Trong học tập, quan điểm của em đối với ai cũng vậy, không có gì là khó khăn. Đừng để nỗi sợ hãi và lo lắng chi phối mình.

Em sẽ dành thời gian nhất định để làm quen với môi trường mới, đặt mục tiêu cụ thể trong những năm học, sau đó sẽ nỗ lực không ngừng để hoàn thành mục tiêu mà mình đã đặt.

Em tự tin là mình sẽ tiếp tục kết quả học tập cao trong suốt quá trình học đại học.

Đỗ Thanh Huyền (20 tuổi, Nghệ An):Có nhiều bạn sinh viên là thủ khoa thi đại học của các trường nhưng không phải ai cũng trở thành thủ khoa tốt nghiệp, thậm chí có bạn còn có thành tích học tập không tốt tại trường đại học.

Vậy theo bạn, lý do nào khiến những bạn sinh viên đó không thể giữ vững được nền tảng và học tập hiệu quả sau khi đã đỗ đại học? Và đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp các bạn giữ được 'phong độ' trong suốt quá trình học đại học để có kết quả cuối cùng như ngày hôm nay?


Nguyễn Thị Thùy Dung, thủ khoa đầu vào năm 2008 và thủ khoa đầu ra năm 2012 của ĐH Ngoại Thương: Thực ra, mình nghĩ là có nhiều nguyên nhân khiến một số bạn thủ khoa đầu vào không giữ vững được phong độ học tập, lý do là bạn đã quá chủ quan và hài lòng với thành tích học tập khi đó.

Hơn nữa bạn chưa thích ứng được với môi trường học ở đại học, đôi khi bạn bị cuốn vào các hoạt động khác mà không chú tâm vào việc học.

Đối với mình, việc học tập luôn là ưu tiên hàng đầu phải quan tâm, và mình luôn đặt ra mục tiêu học tập cần đạt trong ngắn hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, mình có phương pháp học tập khá khoa học để dành được thành tích như ngày hôm nay. Thông thường, các bạn sinh viên thường chỉ tập trung học vào cuối kỳ thi, nhưng mình đã tập trung học trong suốt kỳ học, cố gắng vận dụng liên hệ với thực tế để thu thập thêm kiến thức không có trong sách vở, cộng với việc tìm tòi, đọc thêm các giáo trình của nước ngoài để nâng cao kiến thức cũng như nâng cao khả năng tiếng Anh.

Phùng Minh Hằng (19 tuổi, Thái Nguyên): Bách có sợ… máu không?

Thủ khoa Trần Xuân Bách ĐH Y Hà Nội: Không, em không sợ máu. Vì khi xác định bước chân vào nghề Y nghĩa là em đã chuẩn bị cho mình sự mạnh mẽ rồi.

Ngọc Hà (27 tuổi, Đà Nẵng):Những lúc rảnh rỗi, một cô gái trẻ trung như bạn sẽ làm gì? Sở thích của bạn là gì?

Thủ khoa Ngoại thương Trần Thị Hạnh: Giống như các bạn gái khác, em thích đi mua sắm, đặc biệt là mua những vật dụng trang trí dễ thương. Ngoài ra em có sở thích đến các hiệu sách, nơi em có thể tìm mua những cuốn tiểu thuyết trinh thám và các loại sách nói về tư duy mà mình yêu thích. Em cũng dành khá nhiều thời gian để đi chơi với bạn bè.

Sở thích của em rất nhiều, nhưng đặc biệt là nghe nhạc, đi du lịch. Đặc biệt, em rất thích ngồi một mình ở một nơi cao, đầy gió, nghe nhạc và ngắm nhìn phong cảnh xung quanh, điều này khiến cho em cảm thấy tâm hồn mình được thoải mái, bớt căng thẳng.

Lê Khanh (20 tuổi, Nam Định):Theo bạn yếu tố nào giúp bạn đạt được số điểm tuyệt đối 30/30 trong kỳ thi ĐH vừa qua?

Thủ khoa Trần Xuân Bách ĐH Y Hà Nội: Em nghĩ đó là sự cố gắng của mình trong quá trình học tập. Bên cạnh đó không thể thiếu yếu tố may mắn. Vì em biết rằng còn rất nhiều bạn có thành tích học tập cao nhưng chỉ vì một chút sơ suất mà không đạt được số điểm tuyệt đối.

Song Hương (23 tuổi, Thừa Thiên Huế): Bạn có dự định gì khi mới bắt đầu năm học mới ở bậc đại học? (như đặt ra cho mình một mục tiêu để phấn đấu, muốn học thêm một cái gì đó hoặc sẽ tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tình nguyện...)

Thủ khoa Đỗ Thị Loan(đeo kính, bên phải)

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Em sẽ cố gắng học tập tốt để đạt kết quả cao, đồng thời sẽ tích cực tham gia các hoạt động để nâng cao kỹ năng mềm. Em cũng đang theo học một lớp tiếng Anh với mong muốn sẽ đạt được chứng chỉ loại tốt.

Lê Quý Hải (33 tuổi, Thái Bình): Bạn cho rằng việc giữ vững phong độ học tập từ khi là thủ khoa tuyển sinh cho tới những năm sau trong trường đại học có khó không? Bạn có nghĩ rằng phương pháp học tập hồi phổ thông còn phù hợp với bậc đại học?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Em nghĩ là rất khó vì đỗ đại học chỉ mới là bước đầu tiên, chặng đường 4 năm sau này còn nhiều khó khăn. Nhưng em tin chắc là mình sẽ làm được, sẽ duy trì được phong độ học tập.
Hồi phổ thông, em có khả năng tự học rất cao.

Em không đi học thêm nhiều nên với cách học đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo như ở bậc đại học, em nghĩ mình sẽ bắt nhịp tốt.


Hải Nam (19 tuổi, Hải Phòng):Mình hình như bị nghiện game. Được biết có thời gian bạn rất mê chơi game. Bạn làm thế nào để từ bỏ game và quyết tâm có được một thành tích học tập đáng nể như vậy?

Thủ khoa Trần Xuân Bách cười dí dỏm với câu hỏi ngộ nghĩnh của độc giả

Thủ khoa Trần Xuân Bách ĐH Y Hà Nội: Người ta có thể chuyển từ niềm đam mê này sang niềm đam mê khác. Nếu như chuyển từ niềm đam mê game sang việc học tập thì sẽ hứng thú hơn rất nhiều.

Việc giải trí là cần thiết cho công việc học tập, game là một cách giải trí, nhưng quan trọng là biết điểm dừng và biết rằng sự lựa chọn nào tốt cho tương lai của mình hơn.

Đỗ Hường (34 tuổi, Thanh Hóa):Ấn tượng đầu tiên của bạn khi bắt đầu cuộc sống sinh viên?

Thủ khoa Trần Thị Hạnh: Ấn tượng đầu tiên của em về cuộc sống sinh viên khá thú vị, đó là các thầy cô gọi sinh viên bằng số thứ tự trong danh sách, thay vì tên thật. Điều này khiến em khá hụt hẫng, bởi đối với mỗi người, tên mình là một âm thanh hay nhất.


Cũng từ điều này, em nhận ra một điều, ở trường phổ thông, các thầy cô luôn quan tâm đến từng học sinh, giáo viên để ý và nhớ từng tên, từng sở trường của từng người.

Tuy nhiên, khi lên đại học, mỗi sinh viên cần có sự tự lập cao, luôn phải biết tự học hỏi, nỗ lực, hoàn thiện mình, như vậy mới tránh được việc bị “chìm” trong môi trường đại học.

- Đào Hồng Hải (35 tuổi, Nghệ An):
Chuyện sinh viên ra trường làm trái ngành nghề là rất phổ biến, đối với bạn - là một thủ khoa tốt nghiệp đại học, hiện tại bạn đã đi làm chưa? Công việc đó có đúng sở trường của bạn không? bạn thấy điều gì là cần thiết nhất đối với 1 sinh viên mới tốt nghiệp để có được công việc như mình mong muốn?

Thủ khoa Nguyễn Thị Thùy Dung 

Thủ khoa Nguyễn Thị Thùy Dung: Hiện tại, mình vẫn đang chờ đi du học và tập trung vào việc giảng dạy. Trước đó, mình có làm ngành xuất nhập khẩu khá đúng với chuyên ngành học Kinh tế đối ngoại trong trường đại học.


Theo mình thấy, một số bạn sinh viên khi mới vào đại học chưa hiểu rõ các ngành học và niềm yêu thích của mình, đôi khi chọn ngành học theo mong muốn của bố mẹ hoặc theo xu hướng, vì vậy dẫn tới việc các bạn ra trường làm trái ngành trái nghề.


Theo mình, yếu tố quan trọng sau khi ra trường tìm được công việc như mình mong muốn là phải chọn ngành học theo đam mê của bản thân, từ đó cố gắng học tốt chuyên ngành, luôn có tinh thần học hỏi và hoàn thiện bản thân, không ngại khó ngại khổ khi mới băt đầu đi làm.


Hải Hằng (Hải Phòng):Xin chào Thùy Dung, mình rất ngưỡng mộ bảng thành tích học tập của bạn. Bạn có thể cho biết, bí quyết để có được bảng thành tích này không?

Thủ khoa Nguyễn Thị Thùy Dung: Như mình đã nói ở trên, học tập luôn là ưu tiên số 1 đối với mình, cộng với phương pháp học tập khoa học đã đóng góp quan trọng vào bảng thành tích của mình.

Thực ra, trong quá trình học, mình không quá chú trọng vào thành tích, mà mình đề cao việc tích lũy những kiến thức và kỹ năng học được trong suốt quá trình học tập và tham gia các hoạt động,  đây chính là yếu tố giúp mình đạt được thành tích như ngày hôm nay.


Hải Lê (18 tuổi, Quảng Nam): Bạn có nghĩ mình trở thành thủ khoa chỉ là may mắn hay không? Bí quyết học của bạn là gì khi bạn cho rằng mình không phải là quá nổi bật ở trường chuyên Nguyễn Huệ?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Việc đỗ thủ khoa một phần nhỏ là do may mắn, nhưng em nghĩ, điều cơ bản nhất là sự nỗ lực của bản thân.

Bí quyết quan trọng nhất có lẽ là sự tự học. Việc học thêm tất nhiên cũng có tác dụng, nhưng nếu theo học quá nhiều lớp, với nhiều thầy cô bằng những phương pháp dạy khác nhau sẽ khiến học sinh bị lúng túng.


Thậm chí, sẽ làm cho các bạn bị thụ động, quá phụ thuộc vào thầy cô. Hơn nữa, học thêm quá nhiều còn khiến các bạn bị áp lực, căng thẳng khi không còn thời gian tham gia các hoạt động khác nữa.


Nam Trần (22 tuổi, TP.HCM):Với lực học của mình, Loan hoàn toàn có thể thi vào các trường lớn. Tại sao cậu lại chọn nông nghiệp? Cậu nghĩ sao khi ngày càng ít bạn chọn thi vào nông nghiệp?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Vì em có niềm đam mê với khoa học. Sau này em muốn được đi du học, tiếp thu những tri thức của nhân loại về đóng góp cho đất nước. Nếu thi trường khác, có thể em sẽ không đạt được kết quả cao nhưng thế vì không có động lực để phấn đấu.

Ngọc Khánh (Hà Nội): Bố mẹ, thầy cô, bạn bè của Loan nói gì khi cậu quyết định thi vào nông nghiệp? Lúc đầu tớ cũng rất thích ngành công nghệ sinh học của nông nghiệp, nhưng sau do gia đình, bạn bè khuyên rằng sẽ rất khó kiếm việc sau này nên lại không thi nữa.

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Đầu tiên, gia đình định hướng cho em thi ĐH Dược, em đỗ cả trường Dược nhưng cuối cùng quyết định học nông nghiệp.

Em nghĩ, điều quan trọng nhất là có thể tự tin làm cho bố mẹ tin tưởng vào con đường của mình đã chọn. Và chắc chắn, bố mẹ sẽ ủng hộ sự lựa chọn của em. Em sẽ quyết tâm chứng minh bằng hành động để bố mẹ hài lòng.

Về phía bạn bè, nhiều người khuyên em không nên thi Nông nghiệp vì lý do sau này khó xin việc, nhưng theo em, tất cả là do bản thân mình. Ngành nghề nào cũng có cái khó riêng, điều cơ bản là mình có đủ đam mê và nghị lực để vượt qua khó khăn. Em tin vào sự lựa chọn của mình.

Hạnh Lê (18 tuổi, Thanh Hóa): Loan có nghĩ sau này mình sẽ phải “chân lấm tay bùn” với sự lựa chọn của mình?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: ‘Chân lấm tay bùn’? Phải chăng mọi người có phần chưa nhận thức đúng về ý nghĩa của ngành nông nghiệp? Theo em, ngành công nghệ sinh học sẽ mang tới nhiều cơ hội để tiếp xúc với khoa học và công nghệ, đóng góp được nhiều cho ngành nông nghiệp nói riêng và nên kinh tế nước nhà nói chung. 

Hơn nữa, ngành của em thiên về nghiên cứu,  không phải đi lại nhiều nhưng nếu cần thiết phải ‘lăn lộn’ thực tế nhằm phục vụ cho công việc, em cũng sẵn sàng.

Minh Yến (23 tuổi, Hải Phòng): Thùy Dung ơi, học giỏi như thế này, chắc bạn chẳng có thời gian để chơi thể thao đâu nhỉ?

Thủ khoa Nguyễn Thị Thùy Dung:
Thực ra, từ lâu mình đã ý thức tầm quan trọng của thể dục, thể thao, nó không chỉ giúp mình rèn luyện sức khỏe, mà còn giúp tinh thần sảng khoái, từ đó học tập và làm việc tốt hơn. Vì vậy,trong suốt 4 năm qua, mình cố gắng mỗi ngày dành một tiếng để tập thể dục, thường mình hay chạy bộ, hay tập aerobic.

Nguyễn Yến (30 tuổi, Lạng Sơn): Là chủ nhiệm khối D Câu lạc bộ Gia sư thủ khoa bạn có đi dạy thêm nhiều không? Một tháng bạn kiếm được bao nhiêu tiền từ việc này?

Thủ khoa Nguyễn Thị Thùy Dung: Hiện tại, mình cũng dạy khá nhiều, chủ yếu là mở các lớp ôn thi chứng chỉ TOEIC, IELTS tại gia. Ngoài ra, mình cũng là chủ nhiệm khối D Câu lạc bộ gia sư thủ khoa chịu trách nhiệm chuyên môn môn tiếng Anh trong các kỳ thi tuyên sinh đại học. Còn về chuyện tiền bạc mình cũng không quá coi trọng (Dung cười).
Thủ khoa kép Thùy Dung (bên trái) trả lời câu hỏi độc giả

Lê Hạnh (Nghệ An): Là thủ khoa kép cả “đầu vào” và “đầu ra” trường ĐH Ngoại Thương, Thùy Dung có phải chịu áp lực nào sau khi ra trường, ví dụ như không kiếm được công việc lương cao, vị trí đẹp?

Thủ khoa Nguyễn Thị Thùy Dung:
Thực ra, mình không chịu bất kỳ áp lực nào kể cả ở phía bản thân hay gia đình phải tìm được một công việc lương cao, đãi ngộ tốt. Về gia đình, bố mẹ Dung luôn khuyến khích tìm được công việc đúng với chuyên ngành và sở thích của Dưng hơn là lương cao. Mới ra trường nên mình coi trọng môi trường làm việc, cơ hội học tập và phát triển hơn là lương bổng, vị trí đẹp  (Dung cười)

Chu Thủy (20 tuổi, Hà Nội): Môi trường ĐH Ngoại thương rất năng động và có rất nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ. Bạn có dự định tham gia vào hội nhóm hay câu lạc bộ nào không? Vì sao?

Thủ khoa Trần Thị Hạnh: Các hội nhóm và câu lạc bộ là điểm thu hút rất lớn đối với em khi bước chân vào Đại học ngoại thương. Nó được ví như một thanh nam châm khiến cho em bị “hút” lại gần ngay từ những ngày đầu tiên.

Cũng như nhiều bạn sinh viên khác, em nghĩ rằng, bên cạnh việc học tập, mình cũng phải trang bị cho bản thân nhiều kĩ năng mềm. Những câu lạc bộ ấy là một môi trường tốt giúp mình hoàn thiện bản thân.

Tại đại học ngoại thương, có rất nhiều câu lạc bộ như câu lạc bộ tiếng, câu lạc bộ những nhà kinh doanh trẻ tương lai, hội sinh viên đại học ngoại thương… Hiện tại em đang trong quá trình dự tuyển, hi vọng thời gian tới em có thẻ trở thành thành viên của các câu lạc bộ này.

Vũ Trưởng (15 tuổi, Đồng Tháp):Việc học tập ĐH đòi hỏi sinh viên phải năng động và phát huy tính tự học cao. Chị có gặp phải khó khăn gì khi hòa nhập vào môi trường học tập này không?

Thủ khoa Trần Thị Hạnh: Khó khăn đầu tiên là trong chương trình đại học có một số môn học khác hẳn so với phổ thông, ví dụ như Mác Lê nin, pháp lý, những môn này khá khô khan và khó hiểu, bởi mình đang quen với tư duy học phổ thông - tư duy logic nên gặp khó khăn trong việc tiếp thu những kiến thức mới lạ này.

Khó khăn thứ hai của mình là việc phải học tập trên giảng đường thay vì học lớp nhỏ như phổ thông, nếu như mình không tập trung thì sẽ không tiếp thu được kiến thức.

Kiến thức được học trên đại học hầu như là kiến thức mở, đòi hỏi phải chủ động tìm tòi, thu thập. Sinh viên năm đầu như mình còn chưa có nhiều kinh nghiệm để tìm ra những nguồn tài liệu hay và bổ ích nhất.

Trần Thảo (19 tuổi, Lào Cai): Bạn đã từng quay cóp? Bị điểm kém? Bị thầy cô la rầy?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Em cũng từng như thế, học sinh mà (cười). Hồi đi học phổ thông, môn thể dục là môn em sợ nhất và thường xuyên bị điểm kém nhất. Đối với kỳ thi đại học vừa rồi, môn Hóa có lẽ em được mong đợi sẽ đạt kết quả cao hơn nhưng vì tâm lý, em chưa làm cô giáo thực sự hài lòng. Nhưng sau khi biết em đỗ thủ khoa, cô đã rất vui.

Mai Mai (17 tuổi, Vĩnh Phúc): Hồi học phổ thông, chị Loan thích học môn nào nhất? Ghét môn nào nhất?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan:Chị thích nhất là môn Toán. Sợ nhất là môn thể dục vì chị thấy nó khó. Hơn nữa, như môn bóng chuyền đòi hỏi chiều cao thì chị lại…

Thủ khoa Đỗ Thị Loan khá nhỏ nhắn, xinh xắn (bên phải)

Nguyễn Hải Nam (Hà Nội): Những lớp dành cho học sinh nghèo có được thủ khoa Thùy Dung duy trì sau khi ra trường không?

Thủ khoa kép Nguyễn Thị Thùy Dung:
Trong 3 năm học ở Đại học Ngoại thương, mình đã mở lớp dạy tiếng Anh cho các em học sinh nghèo vào kỳ nghỉ mùa hè, mình rất muốn duy trì lớp dạy này.

Tuy nhiên, nếu đi du học mình sẽ lên kế hoạch kêu gọi các em khóa dưới đồng hương có chuyên môn và đam mê giống như mình tiếp tục duy trì các lớp học như thế.

Bùi Huyền Trang (30 tuổi, Nghệ An): Nhiều người cho rằng, kết quả ở trường đại học không hẳn đã nói lên tất cả, mà quan trọng là những kiến thức và kĩ năng mình học được trong quá trình làm việc. Nên đôi khi, thủ khoa chỉ là cái “danh”. Thùy Dung nghĩ sao?

Thủ khoa kép Nguyễn Thị Thùy Dung: Để làm tốt một công việc thì cần phải có chuyên môn và kỹ năng, mà chuyên môn và kỹ năng đó hoàn toàn được học trong trường đại học.

Trong quá trình làm việc, chúng ta sẽ phát triển và bồi dưỡng nó, vì vậy cũng không thể phủ nhận những kiến thức học trong trường. Do đó, các bạn sinh viên phải có ý thức học tốt các môn chuyên ngành.

Với mình, danh hiệu “thủ khoa” chỉ là thành tích đạt được ban đầu, mình cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa trong quá trình học tập và làm việc sau này.

Chị Lan Anh (30 tuổi, Ba Đình, Hà Nội): Những lúc gặp chuyện buồn, Bách thường làm gì để nhanh chóng vượt qua? Nếu sau khi ra trường bạn được điều về 1 bệnh viện vùng sâu vùng xa bạn có sẵn sàng "lên đường" hay không?

Thủ khoa Trần Xuân Bách, ĐH Y Hà Nội: Những lúc gặp chuyện buồn em thường nghe nhạc hoặc chơi thể thao, nói chuyện với bố mẹ hoặc bạn bè để quên đi những lo lắng mà mình gặp phải.

Thủ khoa Trần Xuân Bách với chiều cao trên 1m80 đã khiến các bạn nữ thủ khoa còn lại ngưỡng mộ

Nếu sau khi ra trường nếu được điều về một bệnh viện vùng sâu vùng xa thì em sẵn sàng lên đường.

Vì em nghĩ mình còn trẻ, và còn rất nhiều nhiệt huyết, đam mê cho con đường mà em đang theo đuổi. Và những nơi vùng sâu vùng xa còn cần sự nhiệt huyết đó của mình hơn rất nhiều.

Nhiều người sẽ nghĩ rằng lời đó là sáo rỗng, nhưng với em, thực sự, được đến những vùng xa xôi của Tổ quốc để chữa bệnh, là điều em luôn sẵn sàng.

Nguyễn Ánh Ngân (20 tuổi, Đồng Tháp): 9 năm làm lớp trưởng, 12 năm HSG liên tiếp, không biết đã bao giờ Hạnh  bị điểm kém chưa nhỉ?

Thủ khoa Trần Thị Hạnh: Có chứ ạ, em cũng bị khá nhiều điểm kém (Cười). Điểm kém mà em nhớ nhất là điểm 1 môn Vật lý năm lớp Sáu, cảm giác lúc đó của em là hơi sợ và không hiểu vì sao mình lại nhận điểm kém như vậy.

Ngoài ra những môn xã hội như lịch sử, địa lý… đối với em cũng khá hóc búa nên em không thường đạt điểm cao trong những môn học này.

Hải Hiền (18 tuổi, Bắc Giang): Thất bại lớn nhất mà Hạnh từng phải chịu trong học tập là gì? Cậu đã vượt qua như thế nào?
Thủ khoa Trần Thị Loan (bên phải) chụp ảnh lưu niệm

Thủ khoa Trần Thị Hạnh: 
Nói thực là trong suốt 12 năm học tập đã qua, mình chưa gặp một thất bại nào quá lớn, đó đơn giản chỉ là mình chưa đạt được mục tiêu học tập mà mình đặt ra cho bản thân.

Sau mỗi lần như vậy, mình thường ngồi nhìn lại, xem xét mình đã làm được những gì, chưa làm được gì và đặt ra mục tiêu cũng như kế hoạch mới để đạt được thành tích tốt hơn.

Nguyễn Thị Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An): Hạnh có đặt ra mục tiêu cho mình sẽ là thủ khoa tốt nghiệp giống thủ khoa kép Thùy Dung không?

Thủ khoa Trần Thị Hạnh: Khi nói chuyện với chị Thùy Dung, mình cảm thấy ngưỡng mộ và cũng có mong muốn được như chị ấy. Song đó không phải là mục tiêu lớn nhất của mình trong quá trình học đại học.

Danh hiệu thủ khoa không phải là yếu tố quan trọng nhất để quyết định đến bước đi của mình sau này khi tốt nghiệp đại học. Chính vì thế, hiện tại, mình chỉ đặt mục tiêu là cố gắng, nỗ lực hết mình, đạt kết quả học tập tốt nhất có thể. Còn chuyện dành danh hiệu thủ khoa kép như chị Thùy Dung thì thực sự mình chưa nghĩ đến. (Cười).

Nguyễn Xuân Tuyến (30 tuổi, Hà Nội): Hiện nay, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đang thực hiện chính sách thu hút nhân tài, “trải thảm đỏ” mời thủ khoa về công tác tại các cơ quan của thành phố. Tuy nhiên không nhiều thủ khoa đồng ý đi trên thảm đỏ. Dung có được mời không? Nếu có, quyết định của bạn là gì? Tại sao?

Thủ khoa kép Nguyễn Thị Thùy Dung (bên trái) chăm chú trả lời câu hỏi

Thủ khoa kép Nguyễn Thị Thùy Dung: Thực ra, chính sách ưu tiên tuyển thẳng áp dụng với tất cả các thủ khoa để khuyến khích các bạn đóng góp công cuộc xây dựng đất nước. Như Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nói trong buổi thủ khoa tiếp kiến các thủ khoa: “Không nhất thiết phải làm trong các cơ quan hành chính sự nghiệp mới là đóng góp cho đất nước mà tham gia vào bất cứ thành phần kinh tế nào cũng là góp phần cho sự phát triển đất nước”.

Còn về phía mình, trước khi đạt danh hiệu thủ khoa, mình đã có kế hoạch đi du học để nâng cao thêm kiến thức cũng như những trải nghiệm các nền văn hóa khác khi trở về sẽ phục vụ cho đất nước.

Lê Thu Trang (22 tuổi, sinh viên ĐH Văn hóa):Sinh viên Ngoại thương thường bị cho là kiêu, là chảnh. Là thủ khoa, bạn có kiêu không vậy?

Thủ khoa kép Nguyễn Thị Thùy Dung: Thực ra, đó chỉ  là một số cá nhân khiến sinh viên ngoại thương bị cho là kiêu, là chảnh. Tuy nhiên, hầu hết các bạn sinh viên trong trường đều nhận thức được điểm yếu và điểm mạnh của mình, từ đó luôn có tinh thần học hỏi và hoàn thiện bản thân và mình cũng không ngoại lệ.

Ngọc Dương (20 tuổi, Thái Bình: Khi thi đại học xong, Loan có nghĩ  rằng mình sẽ  là thủ khoa?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Lúc thi xong, em  ước tính số điểm mình sẽ đạt được khá chuẩn so với giấy báo, nhưng không ngờ mình lại đỗ thủ khoa. Khi nhận được tin mình là thủ khoa, em rất vui và ngay trong hôm đó đã gọi điện báo với tất cả mọi người. Bố mẹ thì rất tự hào. Nhìn thấy bố mẹ vui, em thấy mình đã không phụ lòng tin của bố mẹ.

Lưu Vinh (18 tuổi, Hòa Bình): Những ngày đầu tiên của năm học mới của bạn thế nào? Là thủ khoa có áp lực gì không?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Những ngày đầu khá bận rộn. Khi mọi người biết em là thủ khoa, mỗi lần xuất hiện đều bị nhiều ánh mắt đổ dồn vê phía mình, em thấy mọi hành động của mình đều như bị ‘soi’ nên có phần không thoải mái cho lắm. Nhưng sau này, em cũng quen rồi.

Cường Vũ (23 tuổi, Nam Định): Mục tiêu của bạn trong những năm học sắp tới là gì? Có học tập chị Thùy Dung trở thành thủ khoa kép?
Chụp ảnh lưu niệm với VTC News và đơn vị tổ chức 

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: 
Ước mơ của em là được du học ở Nhật Bản vì em rất ngưỡng mộ tác phong làm việc kỷ luật và trách nhiệm của họ.

Hơn nữa, ngành công nghệ sinh học ở đây rất phát triển, em cho rằng mình sẽ học được nhiều điều bổ ích ở đất nước này. Để thực hiện được ước mơ đó, em sẽ cố gắng để đạt được 1 suất học bổng toàn phần tới Nhật Bản.

Còn về chuyện trở thành thủ khoa kép, đó là điều mà bất cứ thủ khoa tuyển sinh nào đều mong muốn.

Trần Khoa (25 tuổi, Hà Nội): Trong hình, Loan rất nhỏ nhắn, xinh xắn. Bạn có người yêu chưa? Bật mí hình mẫu lý tưởng của bạn nào?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: (Cười), em chưa có bạn trai vì chưa gặp được một người phù hợp. Về mẫu người lý tưởng, thứ nhất là phải cao trên 1.80m, phải là người tâm lý, chu đáo (là đại gia thì càng tốt! – cười). Mặc dù học xa nhà nhưng chuyện tình cảm bố mẹ cũng rất tin tưởng ở em và em biết khi nào là thích hợp cho chuyện yêu đương.

Tiểu Phượng (25 tuổi, Thái Bình):Khi trọ học ở Hà Nội, Bách đã thử đi thăm các con phố ở Hà Nội, ăn các món ăn nổi tiếng ở đây chưa? Trở thành sinh viên và bắt đầu cuộc sống ở một thành phố lớn cảm giác của bạn như thế nào?

Thủ khoa Trần Xuân Bách ĐH Y Hà Nội:
Do mới đi học được một thời gian ngắn nên em vẫn chưa có cơ hội đi thăm hết các phố phường và thử các món ăn nổi tiếng ở đây. Để đi hết và thử được hết những món ăn này chắc phải khi nào em có người yêu (cười).

Cảm giác khi trở thành sinh viên và bắt đầu một cuộc sống mới ở thành phố, cảm giác rất thú vị. Mặc dù thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ và gặp những khó khăn như hầu hết các sinh viên mới lên nhập học. Nhưng thời gian tới chắc chắn sẽ là những trải nghiệm còn thú vị hơn.

Xuân Đỉnh (Hà Nam): Thời gian học của trường ĐH Y thường dài hơn so với các trường khác 2 năm, bạn có dự định sẽ đi làm thêm để trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình không?

Thủ khoa Trần Xuân Bách ĐH Y Hà Nội: Nếu sắp xếp được thời gian học hợp lý, tìm được công việc phù hợp, hỗ trợ được cho công việc học tập thì chắc chắn em sẽ tham gia việc làm thêm. Vì nó chỉ cho em những kinh nghiệm quý giá, mà còn hỗ trợ em thêm kinh phí để học tập, phụ  giúp một phần cho bố mẹ.

Ngọc Mai (Hà Nội):Đã có bạn gái nào hâm mộ muốn làm quen khi biết bạn là 1 trong 2 thủ khoa tuyệt đối của kỳ thi đại học vừa qua không?

Thủ khoa Trần Xuân Bách ĐH Y Hà Nội:
(cười), câu này khó trả lời quá. Nói hâm mộ nghe to tát quá, chắc là các bạn chỉ quý mến vì em đạt được kết quả này thôi.

Ly Ly (TP.HCM):Nhiều bạn cho rằng, đỗ đại học là đã thành công 1 nửa trong cuộc đời và dành một thời gian nhất định để vui chơi. Hạnh có cho rằng như thế là hợp lý? Vì sao?

Thủ khoa Trần Thị Hạnh (bên phải) đến dự giao lưu với người mẹ thân yêu của mình

Thủ khoa Trần Thị Hạnh: Mình không nghĩ như vậy. Học đại học mới là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời, đây là bước khởi đầu cho một giai đoạn mới, nó có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, sự nghiệp, cuộc sống của mình sau này.

Học đại học không chỉ đơn giản là tiếp thu kiến thức, và cùng với đó là sự trải nghiệm, là “học đời”, chính vì thế, nên có sự kết hợp hài hòa giữa học và chơi. Không nên nghĩ đỗ đại học là đã thành công 1 nửa trong cuộc đời mà ngừng cố gắng.

Thịnh Vượng (29 tuổi, Hải Phòng):Một cô gái trẻ trung như bạn chắc hẳn cũng phải có mẫu bạn trai lý tưởng của mình? Nếu một bạn trai tỏ tình, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Thủ khoa Trần Thị Hạnh: Trong tưởng tượng của em thì người bạn trai mà em thích là một anh chàng vui tính, thông minh, có ngoại hình ưa nhìn, tâm hồn nội tâm phong phú và đặc biệt là có thể hiểu được tính cách cũng như con người em.

Nếu như có một anh chàng nào đó tỏ tình (tình huống này em chưa tưởng tượng ra bao giờ- cười), chắc em chỉ đứng cười và không biết nói gì (Cười). Nếu đó đúng là người mà em thích, có lẽ em sẽ nhẹ nhàng gật đầu đồng ý. Trong trường hợp ngược lại, có thể em sẽ trả lời bằng câu nói: “Mình là bạn tốt nhé!”

Bùi Anh (Hà Nam): Hiện nay giới sinh viên hình thành phong trào tình nguyện rất sôi nổi. Loan có dự định tham gia không? Loan đã từng tham gia hoạt động từ thiện nào chưa?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Rất đáng tiếc, hồi học phổ thông em không có nhiều điều kiện để tham gia các hoạt động tình nguyện vì thời gian eo hẹp. Nhưng lên đại học, em sẽ cố gắng tham gia thật tích cực vì em thấy những hoạt động đó rất ý nghĩa.

Thu Ngà (27 tuổi, Hà Tĩnh): Gia đình em có mấy chị em? Họ có ảnh hưởng như thế nào đối với em trong học tập và cuộc sống?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Nhà em có 3 chị em gái, em là út. Chị gái em là người kèm môn Sinh cho em trong suốt quá trình học tập. Chị cũng là người thường xuyên động viên em cố gắng. Hiện chị là sinh viên năm  thứ 5 của đại học Y Hà Nội, chuyên ngành đa khoa.

Chị thứ 2 học trường Nông Nghiệp và là người nói cho em nghe rất nhiều về ngôi trường này. Đối với em, 2 chị gái là người rất quan trọng, luôn bên cạnh để tiếp thêm sức mạnh cho em. Các chị cũng là người đã dạy em nhiều điều trong cuộc sống. Em rất biết ơn 2 chị của mình.

Thành Nam (32 tuổi, Đồng Nai): Hoàn cảnh gia đình em như thế nào? Em có nghĩ mình nên đi làm thêm thời sinh viên không?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan:Em thấy hoàn cảnh gia đình mình hiện khó khăn vì bố mẹ cũng có tuổi rồi mà công việc không ổn định lắm, lương thấp lại phải nuôi 3 chị em ăn học.

Vì điều kiện học tập rất vất vả, 2 chị gái em cũng không có nhiều thời gian để làm thêm phụ giúp bố mẹ, nhưng đều cố gắng học thật tốt để bố mẹ yên lòng.

Còn em, dù mới là sinh viên năm đầu nhưng em dự định mình sẽ làm thêm một công việc nào đó, một phần là vì thu nhập, nhưng chủ yếu vẫn là để học hỏi kinh nghiệm sống.

Tuấn Tú (33 tuổi, Cần Thơ): Môi trường học đại học có khiến Bách bỡ ngỡ gì không?

Thủ khoa Trần Xuân Bách ĐH Y Hà Nội:Cũng có một chút bỡ ngỡ, vì môi trường học tập ở đại học không giống với ngôi trường cấp 3 mà em từng theo học. Những giảng đường, phòng thí nghiệm, hội trường lớn… tất cả đều rất mới mẻ và hấp dẫn em. Nhưng em nghĩ rằng đây là môi trường rất tốt để em thực hiện ước mơ và đam mê của mình.

Hoàng Hải (Hà Nội):Sự tương đồng giữa game và y học là gì mà khiến một chàng trai mê game có thể chối bỏ sức hấp dẫn của nó để trở thành thủ khoa của ngôi trường ĐH Y danh giá?

Thủ khoa Trần Xuân Bách ĐH Y Hà Nội: Cả game và y học đều có thể trở thành niềm đam mê nếu ai đó say mê nó. Cả hai đều cần sự tập trung cao độ và dành nhiều thời gian công sức.

Tuy nhiên, khi bước chân vào năm cuối cấp, em đã nhận ra chỉ có việc học mới giúp em đặt một bước chân vững chắc vào tương lai, và em đã quyết định dành thời gian cho công việc học tập chứ không dành nhiều thời gian cho việc chơi game như trước đây.

Cũng có một sự tác động của gia đình, khi bố mẹ nói chuyện với em, về tương lai và ước mơ mà em muốn theo đuổi.

Từ đó, em nhận ra đâu mới là cái đích mình muốn vươn tới, và chơi game, chỉ là một cách giải trí bên cạnh việc học tập.

Xuân Diện (22 tuổi, Cà Mau): Bạn có nghĩ việc đạt kết quả thủ khoa đã là “to tát”, và bạn cho phép mình bằng lòng với nó?

Thủ khoa Trần Xuân Bách ĐH Y Hà Nội: Thật ra như em đã nói, việc đạt thủ khoa là kết quả của quá trình học tập và cả sự may mắn. Và kết quả này, chỉ là bước đầu cho cả một chặng đường dài trước mắt, mà em biết rằng chặng đường đó đòi hỏi nhiều trí tuệ và sự nỗ lực hơn rất nhiều những gì em đã làm được trước đó.

Thế nên không có chuyện em nghĩ rằng kết quả đó là to tát hay em tự bằng lòng với nó.

Hà Hồ (22 tuổi, Hà Nam):Đối với những bạn sinh viên năm thứ nhất như mình nhưng không có kết quả thi tuyển sinh cao lắm, em có điều gì muốn nói với các bạn không?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Các bạn nên tự tin vào bản thân và luôn có tinh thần cố gắng. Đừng quá coi trọng kết quả ban đầu, cần học hỏi và có niềm tin vào tương lai phía trước.

Như bản thân em, khi mới thi vào trường chuyên Nguyễn Huệ, điểm của em không cao nhưng chỉ sau 1 kỳ cố gắng, nỗ lực hết mình, em đã có được những kết quả khả quan và cho đến hôm nay, để trở thành một thủ khoa tuyển sinh, em nghĩ đó là minh chứng cho sự cố gắng không ngừng. Em tin rằng, chỉ cần có niềm tin vào bản thân, không bao giờ từ bỏ mục tiêu, các bạn đều có thể thành công!

Nguyễn Thị Hạnh (33 tuổi, Hải Phòng):Nhân dịp này, em còn muốn chia sẻ điều gì không?

Thủ khoa Đỗ Thị Loan: Nhân dịp này, em muốn gửi lời cảm ơn tới cha mẹ, chị gái và cậu mợ - là những người luôn bên cạnh, động viên và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em được học tập. Sau đó là thầy cô, bạn bè – những người luôn ủng hộ em, cho em những kiến thức quý báu và nhiều lời khuyên bổ ích để có được kết quả như ngày hôm nay.

Nguyễn Thị Hằng (42 tuổi, Sơn La):Tham gia cuộc giao lưu hôm nay cùng với Dung là 3 tân thủ khoa. Bạn có lời khuyên nào dành cho họ?

Thủ khoa kép Nguyễn Thị Thùy Dung:Hôm nay được gặp các em tân thủ khoa, mình nhớ lại hình ảnh mình về 4 năm trước, khi đó mình cũng đặt ra quyết tâm là sẽ phấn đấu trong 4 năm đại học để đạt được danh hiệu thủ khoa đầu ra như tâm nguyện của cô giáo chủ nhiệm cấp 3, và bây giờ mình rất vui vì đã đạt được thành tích đó.

Mình rất mong các em tân thủ khoa luôn giữ vững phong độ, cố gắng học tập, rèn luyện tốt để có thành tích xuất sắc hơn nữa sau 4 năm học ở bậc đại học.

Chương trình giao lưu trực tuyến cùng các thủ khoa đại học năm 2012 là một trong những sự kiện của chương trình “Ngày hội Tân sinh viên 2012 - Vững bước tương lai”. Chương trình do Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội và công ty Cổ phần MH Việt nam, báo điện tử VTC News phối hợp tổ chức.

Năm nay, Ngày hội Tân Sinh viên 2012 tổ chức cho gần 100.000 tân sinh viên tại tất cả 63 trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 19-22/10 tại khu vực quảng trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Ngày hội Tân sinh viên 2012- Vững bước tương lai” là chuỗi sự kiện bao gồm các Hội thảo giới thiệu kinh nghiệm học tập, nghiên cứu khoa học bậc Đại học, những kiến thức về tình yêu, tình bạn; triển lãm của các sản phẩm, dịch vụ thiết thực cho tân sinh viên; các sự kiện văn hóa, ca nhạc quy mô lớn, mang đến sự hứng khởi, tươi vui trước khi bước đi trên một chặng đường mới.


Ban Khoa giáo

Bình luận
vtcnews.vn