Đột nhập lớp học kỳ lạ tại Hà Nội

Thời sựThứ Hai, 06/08/2012 12:08:00 +07:00

"Cuồng"; "Tự sướng"; "Ngẫu hứng"; "Tôi là ai" và trước kia có cả "Thoát xác"… là những khóa học tại lớp học này tại Hà Nội.

"Cuồng"; "Tự sướng"; "Ngẫu hứng"; "Tôi là ai" và trước kia có cả "Thoát xác"… là những khóa học tại lớp học này tại Hà Nội.

16 học viên (gồm 5 nam, 11 nữ) được đưa vào một căn phòng rộng chừng 50 m2. Phòng trống trơn, không có một đồ vật trang trí nào cả. Nó giống như một phòng tập múa hoặc yoga, ngoại trừ được lắp khá nhiều đèn trên trần.

Khi mọi người đã vào hết, chiếc rèm đen được kéo lại. Theo thuật ngữ chuyên ngành, căn phòng này có thể được gọi là một "Không gian nghệ thuật Black Box" (chiếc hộp đen). Thường thì đây là không gian dùng để thử nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn do nghệ sĩ điều hành một cách độc lập và chủ động.

"Cuồng"; "Tự sướng"; "Ngẫu hứng"; "Tôi là ai" và trước kia có cả "Thoát xác"… là những khóa học mà chỉ mới nghe tên người ta đã thấy tò mò. Quang cảnh miêu tả ở trên là một lớp học "trải nghiệm" tại Hà Nội.

Một bài học trong lớp "tự sướng". 
Huấn luyện viên là một người đàn ông tầm 35-40 tuổi, tên Hồ Ngọc Bảo Khiêm. Học viên được yêu cầu xếp thành một vòng tròn, để "thu hẹp khoảng cách, mọi người đều bình đẳng như nhau, không phân biệt sang hèn, người nhiều tuổi hay ít tuổi…".

Tiếp đó, huấn luyện viên yêu cầu mọi người vỗ tay theo hiệu lệnh của anh ta. Tất cả đều phải vỗ tay nhanh dần, to dần rồi lại nhỏ dần, chậm dần và cuối cùng là phải vỗ một cái thật to, đều. Tập đi tập lại cho đến khi tiếng vỗ cuối cùng phải thật đều thì mới thôi.

Sau màn giới thiệu tên, nơi làm việc/học tập, biết đến lớp học từ đâu và mong muốn gì về khóa học, học viên bắt đầu vào cuộc trải nghiệm bằng việc… đi bộ trong phòng. Huấn luyện viện yêu cầu không được đi theo vòng tròn, và đi phải với tốc độ nhanh/chậm khác nhau.

Tiếp đó, mỗi lần anh ta vỗ tay mọi người phải dừng lại ngay lập tức. "Phải frezze (đông cứng)" ngay lập tức, trong mọi tư thế. Mặc dù chẳng hiểu màn đi lại rồi đông cứng giật cục theo nhịp vỗ tay này là để làm gì, song trò kỳ cục này vẫn được lặp lại khá nhiều lần.

Phần hai của buổi học được bắt đầu bằng màn chạm tay và nhìn vào mắt nhau. Các học viên được yêu cầu dùng lòng bàn tay của mình giơ lên trước mặt và tiến đến một học viên khác, áp tay vào người đó. Cùng lúc phải nhìn thật thẳng, thật sâu vào mắt nhau, cấm không được quay đi hoặc nhìn ra chỗ khác.

Tiếp là đến màn sờ má. Mọi người có thể cảm nhận được những ánh mắt e dè khi học viên khác phái tiến đến gần nhau, và cả cái vuốt má rụt rè của nhiều học viên khác. Dường như chỉ một số học viên trẻ (có hai em đang là học sinh lớp 11) là có vẻ mạnh dạn hơn cả.

Cao trào của màn chạm là đến phần ôm. Mỗi học viên được yêu cầu phải ôm đủ 15 học viên còn lại, mỗi cái ôm phải kéo dài ít nhất một phút. Huấn luyện viên kéo một học viên nữ đến để làm mẫu.

Khác với những màn trước, có lẽ cảm giác ngại ngần ôm một người lạ còn thường trực nên các học viên nữ thường chọn nhau để ôm. Cái ôm của hai học viên khác giới thường rất hờ hững, đến nỗi người dạy đi vòng quanh kiểm tra phải đề nghị "ôm, ôm chặt vào".

Và đến lúc này, một học viên nữ đành… xin về sớm. Bạo dạn nhất là hai học sinh lớp 11 cũng bớt dạn dĩ hơn. Trên nền nhạc du dương, học viên còn được hướng dẫn "vần vò" nhau. Nghĩa là một người nhắm mắt thả lỏng hoàn toàn để cho người kia dùng hai tay điều khiển.

Những động tác như đưa hai tay lên cao, ôm bạn diễn rồi tạo hình giống kiểu hai diễn viên chính trong phim Titanic cho đến xô nhau về phía trước và giật người về phía sau… Người đứng phía sau gần như được "thích làm gì thì làm" với bạn diễn của mình.

Phần ba của buổi học, học viên được yêu cầu viết tên của mình lên một cái bảng tưởng tượng (cũng trên nền nhạc du dương), nhưng không được sử dụng bàn tay hay các ngón tay. "Các bạn có thể dùng đầu, mũi, lưỡi, cùi chỏ, chân… để viết. Tuyệt đối không dùng tay, phải viết thế nào để cho người xem biết rõ là mình đang sử dụng bộ phận ấy".

15 học viên, mỗi người phải dùng một bộ phận khác nhau để viết. Lần lượt các bộ phận như cùi chỏ, vai, đầu, mũi, lưỡi được các học viên sử dụng để viết. Cho đến học viên thứ 9 (nữ) thì đành phải dùng… mông để viết.

Cuối cùng, vị huấn luyện viên yêu cầu mọi người phải viết đầy đủ tên họ, cũng bằng các bộ phận khác nhau trên cơ thể lên một không gian tưởng tượng. Nghĩa là viết vào đâu cũng được. Thầy biểu diễn trước bằng một màn múa bút trong tưởng tượng.

Có lẽ đây chính là màn cao trào nhất của buổi học, khi thầy biến thành một… diễn viên múa. Anh ta vung những nét vẽ bằng cùi chỏ, đầu gối, mũi chân và các bộ phận khác loạn xạ theo kiểu "rồng bay phượng múa".

Kết thúc buổi học, huấn luyện viên đề nghị mọi người cho biết cảm giác về những điều vừa trải qua, và anh ta đánh giá từng người thông qua thái độ của họ trong buổi học. Người nhiệt tình nhất được khen bằng những mỹ từ.

Đặc biệt học viên được khuyến khích tham gia viết "Notes" (một dạng bài cảm nhận) về buổi học lên mạng xã hội Facebook. Nếu như bài viết nào được nhiều likes (thích - một dạng khung đánh giá) thì người viết sẽ nhận được suất học bổng là một khóa học miễn phí.

Huấn luyện viên Hồ Ngọc Bảo Khiêm cho biết, những bài học/động tác sử dụng trong buổi học thực chất là phương pháp dùng ngôn ngữ cơ thể giúp các học viên khám phá đến từng ngóc ngách khó ngờ tới trong cơ thể mình, làm những điều mà mình chưa từng làm để biết yêu quý, trân trọng bản thân mình hơn.

Đến với khóa học, các học viên sẽ nhận thấy cơ thể của mình rất kỳ diệu, và mỗi chúng ta là một thiên tài, chỉ có điều chúng ta có tự khám phá ra hay không mà thôi.

Theo bà Phan Ý Ly, Giám đốc Công ty TNHH Sáng tạo và phát triển cộng đồng, những khóa học như "Tự sướng", "Cuồng"… ra đời sau một loạt dự án sử dụng nghệ thuật trong phát triển con người bà thực hiện cùng Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và với cộng đồng người yếu thế.

Nhận thấy mọi người đang chủ yếu tiếp nhận thông tin thay vì được tạo cơ hội trải nghiệm và chiêm nghiệm, từ đó đối mặt với những câu hỏi của chính mình và tự trả lời, những khóa học như vậy ra đời để tạo không gian an toàn cho các cá nhân trải nghiệm và khám phá.

Mỗi khóa học "Cuồng"; "Tự sướng"… dành cho người lớn và "Cái tôi bí ẩn"; "Khám phá tuổi thơ qua chuyển động"… mỗi học viên đều phải trả học phí là 1.790.000 đồng.

Cũng theo bà Phan Ý Ly, giáo trình của các khóa học được xây dựng dựa trên phương pháp sử dụng “Nghệ thuật để phát triển con người”.

Lý luận chính của phương pháp này dựa trên triết lý giáo dục cấp tiến của Paulo Freire và Augusto Boal.

Họ chú trọng việc ứng dụng các bài tập sử dụng trong đào tạo sân khấu, âm nhạc, hội họa, chuyển động... những bài tập giúp cho nghệ sĩ kết nối sâu hơn với nội tâm, cơ thể, trí óc.

Còn trong phương pháp sử dụng nghệ thuật để phát triển con người, những bài tập này hỗ trợ người học tự kết nối với chính mình, hiểu về mình hơn và từ đó đưa ra các quyết định thuộc về mình, dẫn đến những thay đổi lâu bền hơn.

Giải tích hành động ôm "partner" thật chặt, để cảm nhận "nhịp tim, hơi thở" của nhau (mặc dù trước đó hai người chưa hề quen biết), bà Phan Ý Ly cho biết: "Mục đích của bài tập này là để mọi người trải nghiệm sự tin cậy và chân thành giữa mình và người xa lạ.

Trong cuộc sống vốn có quá nhiều rào cản và định kiến, con người dần có nhiều sự đề phòng và che đậy. Cái đích không phải là "học viên phải ôm được", mà chỉ để thấy điều gì còn khó, điều gì dễ với bản thân mình và những người khác, từ đó người học tự hiểu mình hơn".

Tuy nhiên, Nga một nữ sinh viên Trường đại học Ngoại thương nói rằng sau một buổi học với hàng loạt "trải nghiệm" mới lạ, chưa từng có, thì điều đọng lại trong bạn chỉ là những điều khó hiểu, rối rắm.

Và mặc dù đã cố "phiêu" để ôm ấp, để "vần vò" bạn diễn thì Nga cũng không hề nhớ nổi tên của người bạn ấy là gì.

Tiến Dũng (nhà ở phố Huế, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ: Dũng đã từng được quan sát một buổi học "Cuồng" tại nơi này và được chứng kiến những động tác "điên" của học viên; như người thì đi như say rượu, người đầu cắm xuống sàn tập kiểu trồng cây chuối, người co quắp thể hiện sự đau đớn, người ngồi thẫn thờ một góc, rồi thi thoảng đưa mắt ngước nhìn xa xăm, đầu tóc rũ rượi, cười, khóc điên dại.

Theo An ninh Thế giới

Bình luận
vtcnews.vn