Đề văn về thần tượng: Từ 'thảm họa' có quá nặng?

Giáo dụcThứ Sáu, 13/07/2012 07:06:00 +07:00

(VTC News)- Hiện đang có một cuộc tranh cãi xảy ra khi nhiều người cho rằng liệu mê muội thần tượng là thảm họa. Từ thảm họa dùng ở đây liệu có quá nặng?

(VTC News)- Hiện đang có một cuộc tranh cãi xảy ra khi nhiều người cho rằng liệu mê muội thần tượng có phải là thảm họa? Từ thảm họa dùng ở đây liệu có quá nặng?

Mê muội thần tượng là thảm họa?

Trên mạng xã hội Facebook, một thành viên nick Hiếu Orion đã dành cả một trang viết dài để chứng minh rằng việc mê muội thần tượng không nên được xem là thảm họa.

Nick Hiếu Orion tâm sự: “Tôi viết bài này không phải để bênh những thứ "mê muội" - tôi viết dưới góc nhìn một người cha với một đứa con gái: Bông Chua của tôi ! Nó cũng sẽ lớn, tôi sẽ dạy nó không liếm ghế thần tượng, nhưng tôi cũng hy vọng nó sẽ “Ngưỡng mộ” một thần tượng nào đó - và rất có thể đến một mức nào đó sẽ "mê muội" - nhưng tôi sẽ không gọi nó là Thảm Họa. Vì tôi sẽ ở bên nó!  
 
Tranh cãi không ngừng giữa các hội nhóm về đề văn khối D của Bộ GD-ĐT 

VTC News xin trích đăng toàn bộ những chia sẻ của Hiếu Orion để chứng minh cho việc mê muội thần tượng không nên xem là một thảm họa. Hiện tại, đã có gần 1.000 người yêu thích bài viết của Hiếu Orion và có gần 200 người chia sẻ bài viết này.

"Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa"... Đề văn năm nay thật "LẠ". Nếu các thầy cô được ví như những người cha người mẹ của học sinh, thì tôi thấy đây không phải là một cách Giáo Dục, nó giống như một lời "Chê bai" đứa con hư...
 
Đến đây, tôi chợt nhớ một câu chuyện: Tại một chủ đề về Giáo Dục, sau nhiều lời phê bình giới trẻ, một diễn giả đứng lên diễn đàn mở đầu bằng ba câu: "Giới trẻ không thể chấp nhận được, chúng không vâng lời" , "Giới trẻ bây giờ chúng quá nông nổi " "Giới trẻ bây giờ thiếu sự sâu sắc"... khán phòng ồ lên vỗ tay.

Nhưng sau đó ông nói tiếp: "Đây là 3 câu nói ở 3 thời điểm: Thời kỳ Hy Lạp cổ đại, Thời thập niên 30, và thời hiện tại... Và ở thời điểm nào cũng vậy, cũng có những thế hệ Không vâng lời - và nó mới tạo nên sự phát triển"
 
Không phủ nhận, Ngưỡng mộ là nhu cầu của xã hội, và cái ranh giới giữa "Ngưỡng mộ" với "Mê muội" theo tôi chỉ là sự "Không vâng lời"
 
Và giống như câu chuyện trên, dường như giới trẻ thời điểm nào cũng có một chút "không vâng lời"... như lứa của chính tôi (bố của lứa tuổi 200x) cũng đã từng mê muội với những giai điệu Rock, đã từng "không vâng lời" để đi xé những chiếc quần bò, để tóc dài... và cuồng say với những âm thanh Heavy Metal - và đó là những kỷ niệm đẹp.

Ba tôi - trung tá cảnh sát về hưu (lứa tuổi ông của những học sinh kia) thời trẻ cũng đã từng "mê muội" với những lời văn của Pautopsky và trốn ông nội tôi đi lang thang ra biển Hải Hậu một mình... ông đã có một tuổi thơ đầy tự hào để kể cho tôi.

Và ông nội tôi (từng là p.trưởng ban đối ngoại TW Đảng) trong nhật ký để lại ông cũng từng "mê muội" với một số thần tượng của ông, và "không vâng lời" cha đẻ để đi theo con đường riêng... con đường Cách Mạng. Và ông chưa bao giờ hối hận về sự "mê muội" đó!
 
Câu chuyện "mê muội" tại Mỹ thập niên 70. Khi mà giới Cú Diều đang mải mê với cuộc chiến Việt Nam, và tuyên truyền về những sức mạnh Tư Sản... thì có một lứa với những chiếc quần bò xé, với những giai điệu Rock cuốn hút đến.. mê muội.

Dĩ nhiên trong số đó có những thứ có thể gọi là tai họa (chưa đến nỗi gọi là thảm họa) - những tệ nạn, những cái chết bởi shock ma túy... nhưng cũng từ những làn sóng ngầm đầy mê muội đó, có những phong trào vì hòa bình, chống chiến tranh Việt Nam. Như lễ hội Woodstock 69 với 500.000 thanh niên Mỹ cùng với và những cái tên đi vào lịch sử âm nhạc Thế giới như Jimi Hendrix, Santana, The Who... tất cả cùng với Rock đã lên tiếng lên án chiến tranh Việt Nam.

Và nói cách nào đó, chính những sự "mê muội" và "không vâng lời" của giới trẻ Mỹ đã giúp Việt Nam không cô độc.
 
Vậy đó! Không phủ nhận "mê muội" nó có thể gây nguy hiểm cho bản thân và có một số ảnh hưởng không tốt, nhưng nếu chúng ta đơn giản nghĩ sự "Mê muội" nó là một phần của cuộc sống, một phần của giới trẻ... thì ta sẽ phải học cách Sống chung với chúng!

Điều tôi muốn nói ở đây, là ngoài việc "mắng mỏ" đổ trách nhiệm cho chúng (bọn trẻ), thì đôi khi chúng ta đang quên đi việc chúng liếm ghế thần tượng... hình như cũng do chúng ta!
 
Không thể trách chúng "mê muội" thần tượng khi khi trên tivi vào những giờ vàng là những khuôn mặt các ngôi sao thị trường được mài đi mài lại một cách nhẵn thín. Các thầy không thể trách chúng thích nhạc Hàn, khi trên âm nhạc ra rả nhạc Hàn, trên các diễn đàn âm nhạc... những album nhạc Hàn được đặt lên top.
 
Tác giả bài viết trên trang cá nhân: Hiếu Orion 

Và lại nói về âm nhạc, cách đây vài chục năm... chúng ta cũng đã từng lên án những giai điệu nhạc Vàng là  sến, cười nhạo những kẻ mê muội theo những giai điệu ủ ê vàng vọt... nhưng giờ đây Live show của Chế Linh được bán với giá 5 triệu/vé và khán phòng chật ních chỗ - với sự có mặt rất rất nhiều những quý ông quý bà thành đạt, có chức tước...
 
Và đến giờ nếu con gái tôi nó "mê muội" một thần tượng nào đó, thì tôi cũng sẽ không cấm (mà cấm cũng không được) - vì còn hơn là cả tuổi trẻ nó không yêu thích cái gì. Nhưng chắc chắn tôi sẽ phải đi cùng chúng, giúp chúng có được một cuộc sống "mê muội" an toàn nhất !  
 
Quay lại cái cái đề văn này, tôi chợt thấy tội tội cho các bạn trẻ, các bạn đã bị Bộ Giáo Dục đưa ra làm một chủ đề “hot”, ngẫm thấy Bộ Giáo Dục giờ cũng biết giật tít không kém gì các tờ báo lá cải hiện nay...
 
Các thầy cô ở Bộ Giáo Dục  - cũng giống như các bác ở Bộ Văn Hóa - đều là người lớn cả, và việc Bộ Giáo Dục giáng một cái roi xuống đầu giới trẻ, trong cái môi trường của Bộ Văn Hóa thả rông như vậy, khác gì giống như việc hai bố mẹ người cho tiền trẻ, người mắng trẻ về tội tiêu tiền. Các thầy, các bác già rồi mà lại hùa vào nhau để bắt bí trẻ thế sao?
 
Giáo Dục Việt Nam, đã quá lạc hậu với những mớ lý thuyết sáo rỗng - với những điểm kém vì viết sai bài văn mẫu, với những điểm kém vì không vẽ đúng mặt trời mầu đỏ, lá cây mầu xanh...

Và những người lớn lại vừa chiều chuộng chúng, làm hư chúng... và sau đó quay lại mắng mỏ chúng như vậy - phải chăng chỉ để chứng tỏ với hàng xóm là gia đình chúng ta là một gia đình... có Giáo Dục !?
 
Thảm họa không phải chỉ là một vài hành động liếm ghế quá khích... Thảm họa là việc giới trẻ đang bị thờ ơ giữa muôn vàn thảm họa !

 
Đề Văn không nhằm vào nhóm nào

Trao đổi với báo chí, vị đại diện của tổ ra đề Văn kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012 cho biết từ năm 2009, phần nghị luận xã hội trong đề Văn đều ít nhiều mang tính thời sự, tránh ra những đề có tính muôn thuở nhàm chán mà tập trung vào những vấn đề đang là mối bận tâm thực sự trong lòng mỗi người trẻ hôm nay, đồng thời cũng là vấn đề đang nổi cộm trong xã hội.

Các thí sinh sẽ vẫn được chấm điểm những ý không giống đáp án nhưng có lập luận chính xác 

Vị đại diện này cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã cân nhắc nhiều khi chọn từ "thảm họa". Đã mê muội thần tượng, thì dù ở phạm vi một cá nhân hay phạm vi một cộng đồng cũng đều là thảm họa. Sự mê muội ấy có thể khiến cho con người mù quáng trong nhận thức, thái quá trong tình cảm và điên rồ trong hành động. Từ đó mà gây ra những hậu quả khôn lường.

Những gì truyền thông hằng ngày vẫn đưa tin, cả trong nước lẫn trên thế giới, về những thảm họa xuất phát từ việc mê muội thần tượng, sùng bái thần tượng, chẳng nhẽ còn ít hay sao? Mọi sự mê muội thần tượng đều có thể tiềm ẩn một thảm họa, dù đó là thần tượng nào đi nữa”.

Vị đại diện này cũng đưa ra lí do đơn giản, một khi đã mê muội tức là chủ thể đã đánh mất lý trí. Không còn sự dẫn dắt của lý trí, con người ta sẽ phạm sai lầm cả trong nhận thức lẫn hành động. Mà mê muội thần tượng là dạng say mê, tôn sùng một cách mù quáng, thiếu tỉnh táo, có khi còn đến mức cuồng tín thì thảm họa từ nó là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng khẳng định: “Khi ra đề thi, chúng tôi quan tâm đến lợi ích của toàn bộ xã hội, hướng đến việc bồi đắp những giá trị bền vững cho toàn thể giới trẻ. Cho nên, thật là ngộ nghĩnh khi cho rằng đề ra ám chỉ vào một nhóm nào đó, hay một nơi, một lúc nào đó”.

Ban ra đề thi môn Văn đưa ra quan điểm rằng mỗi đề Văn sẽ tạo một cơ hội cho người viết được đối diện với chính mình, sống với con người thực của mình, nói lên tiếng lòng của riêng mình. Và hướng dẫn chấm cũng rộng mở để chào đón những ý kiến riêng, những sáng tạo độc đáo khác với đáp án.

Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012, ông Trần Văn Nghĩa- Cục phó Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định: “Việc ra đề thi năm nay đảm bảo tính chất phân hóa, học sinh trung bình cũng có thể được 4 đến 5 điểm. Và có những phần khó để phân loại học sinh”.

Ông Nghĩa cho rằng với đề thi Văn thì chính việc đúng hay sai của ý kiến trong đề thi chắc chắn sẽ có những ý kiến bình luận ngược lại. Thí sinh có quyền lập luận ngược những ý mà đề đưa ra.

Lãnh đạo Cục khảo thí Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: “Bộ khuyến khích những bài không giống đáp án của Bộ, sáng tạo. Nếu các em trình bày khác ý trong đáp án nhưng có đầy đủ lí lẽ xác đáng vẫn sẽ được điểm”.

Bạn đọc chia sẻ xung quanh câu chuyện "văn hóa thần tượng" xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!



Khởi Nguyên(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn