Kết thúc đợt 2 kỳ thi ĐH-CĐ: Thí sinh hồ hởi

Giáo dụcThứ Ba, 10/07/2012 11:35:00 +07:00

(VTC News) – Đợt 2 tuyển sinh ĐH,CĐ 2012 đã kết thúc với môn Hóa khối B; Tiếng Anh khối D1, Địa lý khối C.

(VTC News) – Đợt 2 kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 đã kết thúc với môn Hóa khối B; Tiếng Anh khối D1 và Địa lý khối C. Được đánh giá là đề thi vừa sức, nên thí sinh ba miền rất vui vẻ.


Môn Hóa: Đề thi vừa sức, thí sinh phấn khởi

Tại hội đồng thi Trường Đại học Khoa học Huế, nhiều TS nhận định đề Hóa khối B dễ hơn khối A. Đề Hóa học khối B phần bài tập nhiều hơn so với phần lý thuyết, nhiều câu có tính phân loại TS khá cao và nội dung đề thi có phần nhẹ nhàng hơn khối A tại đợt 1.
 
TS Nguyễn Quang Phượng, quê huyện Thanh Chương (Nghệ An) dự thi tại hội đồng Trường Đại học Khoa học Huế vào ngành Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y Dược Huế, phấn khởi: “Đề Hóa khối B dễ hơn so với đề Hóa khối A. Bản thân em sáng nay hoàn thành khá tốt bài thi với khả năng từ 80-85%”.
Cùng chung niềm vui với Phượng, TS Hoàng Hữu Linh đến từ Quảng Trạch (Quảng Bình) dự thi vào ngành Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược Huế, cho rằng: “Tuy bài tập có phần nhiều hơn lý thuyết nhưng em nghĩ cũng không quá khó. Em làm được khoảng 80% bài thi”.
TS tại Hội đồng thi ĐH Y Hà Nội cũng hồ hởi cho biết, đề Hóa không quá phức tạp và rất dễ lấy điểm. Thí sinh Nguyễn Thị An, THPT Hải Hậu A, Nam Định, dự thi vào ĐH Y Hà Nội cho biết, trong các môn, Hóa em làm bài tốt nhất: “Em đã ôn luyện kỹ nên toàn bộ số câu hỏi trong đề ra đều làm được. Chỉ có 5 câu thuộc dạng nâng cao để phân loại thí sinh song em cũng đã xử lý được. Em làm thừa thời gian và đã rà lại từng câu một. 
Các thí sinh thi môn Hóa khối B tại cụm thi Quy Nhơn rời phòng thi cũng hết sức tự tin vì đề dễ. Thí sinh Trần Hoàng Lan (ở Gia Lai) thi vào ngành sư phạm sinh, Trường đại học Quy Nhơn, vui vẻ cho biết, đề hóa năm nay cân đối giữa lý thuyết và bài tập nên nhiều bạn làm được. Với kiểu đề này, nhiều bạn sẽ đạt điểm trung bình trở lên.
Các thí sinh tại Đà Nẵng cũng cho biết, đề năm nay vừa tầm và dễ đạt điểm cao. Tại điểm thi trường THPT Hoàng Hoa Thám thi vào trường ĐH Sư phạm, thí sinh Đức Duy cho biết, đề Hóa năm nay không khó nên Duy làm bài rất tốt. “Phần lý thuyết em làm tốt, phần thực hành có một số câu khó, đòi hỏi tính toán mất nhiều thời gian nhưng tính sơ bộ cũng được trên 8 điểm”, Duy tự tin chia sẻ.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Minh (HS trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, TP.HCM) nhận định: Đề thi môn Hóa đợt 2 năm nay tuy không khó nhưng khá dài. Cũng theo Minh, dù mình có điểm tổng kết môn Hóa cuối năm đến 8,0, nhưng môn Hóa năm nay làm cũng không hết được khi mà thời gian quy định quá ngắn.
Nhiều em nhận định, Hóa chính là môn gỡ điểm cho kỳ thi năm nay.
Tiếng Anh khối D: Dài, tận dụng hết thời gian

90 phút cho 80 câu, điều này khiến TS phải chạy maraton, tận dụng tối đa thời gian vì đề dài.
Tại điểm thi trường ĐH Hà Nội, TS cho biết, đề khó hơn đề tiếng Anh khối A1 song so với năm ngoái thì tương đương. HS khá giỏi có thể đạt 7, 8 điểm.

 

Tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhiều TS cho biết đề quá dài và chỉ làm 50-60%. Thí sinh Trương Thị Huyền (Vĩnh Phúc) than thở: “Hai bài đọc hiểu năm nay dài và khó, nhiều từ mới, đọc đi đọc lại cũng chỉ hiểu 30%”.
Cùng nhận định đề dài và khó, nhiều TS dự thi khối D1 tại nhiều hội đồng thi tại TP.Huế như Trường THPT Hai Bà Trưng hay THCS Nguyễn Chí Diểu còn cho biết, phần từ vựng khá mới mẻ nên gây rất nhiều khó khăn cho TS trong việc nhìn nhận ý nghĩa của câu. Đối với phần ngữ pháp và phần đọc hiểu cũng không hề dễ nên nhiều TS ra về với khuôn mặt đượm buồn vì không làm tốt bài thi.
TS Nguyễn Thị Hằng, quê Gia Lai dự thi ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Huế, cho biết: “Đề thi Ngoại ngữ năm nay quá khó nên em hoàn thành không tốt bài thi với chỉ khoảng 30-40% bài thi”.
Tại cụm thi Quy Nhơn, kết thúc 90 làm bài các môn Hóa, Ngoại ngữ, sĩ tử ùa ra khỏi phòng thi với tâm trạng vui vẻ. Theo nhận định của các thí sinh thì đề Ngoại ngữ khá dễ, nhiều thí sinh khẳng định chắc nịch mình đạt từ 8 điểm trở lên. 

Thí sinh Hoàng Thu Hương (ở Quãng Ngãi) thi khối D vào Trường Đại học Ngoại Thương TP.HCM, cho biết, đề Ngoại ngữ tương đối dễ, học lực trung bình là có thể làm 2/3 đề: "Riêng em làm không bỏ câu nào, có thể đạt 8.5 điểm".
Trường Sa, Hoàng Sa vào đề thi Địa lý
Trong khi đó, kết thúc 180 phút thời gian thi môn địa của khối C, nhiều thí sinh tại Cụm thi Quy Nhơn rời phòng thi trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn.

 

Thí sinh Lê Hoàng Tùng (ở Kon Tum) thi vào ngành sư phạm địa Trường đại học Quy Nhơn, cho biết, em rất thích câu hỏi về Hoàng Sa, Trường Sa nên làm rất tốt câu này. Tuy nhiên, đề thi dài, một số câu khó, nhất là câu vẽ biểu đồ khiến nhiều bạn trong phòng thi của em loay hoay mãi. Đề này chắc em chỉ đạt điểm trung bình trở xuống.
Tại Hà Nội: Đề thi mang tính thời sự về biển đảo cũng là cơ hội gỡ điểm cho nhiều TS vì được thầy cô ôn kỹ, thí sinh Trần Thị Thúy, trường THPT Giao Thủy A, Nam Định dự thi vào trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội nhận xét. 
Theo ghi nhận của PV VTC News tại hội đồng thi trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi môn Địa lý đã có rất nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi.

Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi môn Địa lý năm nay có phần dễ hơn năm trước khiến cho nhiều thí sinh vui mừng vì làm được bài.

Thí sinh tỏ ra thích thú với đề Địa lý năm nay liên quan đến chủ quyền huyện đảo Trường Sa-Hoàng Sa (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Thí sinh Giáp Thị Vân (Lục Ngạn, Bắc Giang) tỏ ra khá hài với bài thi môn Địa: “Đề môn Địa năm nay cũng tương đương năm trước. Phần kiến thức chung em làm được hết. Trong đó có câu về đặc điểm dân số và chứng minh tài nguyên du lịch của nước ta là em đã được ôn tập kỹ nhiều lần”.

Ở câu hỏi riêng, thí sinh Giáp Thị Vân cũng lựa chọn câu hỏi: “Chứng minh vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản biển và nguồn lợi sinh vật biển. Các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Cồn Cỏ, Vân Đồn thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào?”. 

Vân cho biết, đề thi Địa lý năm nay khá hay vì gắn liền với tính thời sự liên quan đến chủ quyền quần đảo Trường Sa- Hoàng Sa. Trong bài thi của mình, thí sinh này chỉ nhớ huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa còn không chắc chắn huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh nào”.

Cũng cùng những suy nghĩ này, Nguyễn Mạnh Hùng (Bắc Ninh) nhận xét: “Đề thi Địa lý năm nay rất là hay vì nó gắn liền với tính thời sự. Bản thân em thời gian vừa qua cũng nghe nhiều về vấn đề này. Tối hôm qua em cũng đoán sẽ có nội dung về Trường Sa và Hoàng Sa nên em đã tập trung ôn tập rất kỹ”.

“Đề môn Địa năm nay em làm tương đối tốt. Dự kiến em phải được từ 7 điểm trở lên. Tổng cộng ba môn chắc em cũng được khoảng 21 điểm”.  Mạnh Hùng vui vẻ chia sẻ.

Câu hỏi về chủ quyền biển đảo được nhiều thí sinh đánh giá là hay và sát với thực tế nhưng cũng gây ra sự lúng túng cho không ít thí sinh.

Một số thí sinh gặp khó với câu hỏi liên quan đến chủ quyền Huyện đảo Trường Sa-Hoàng Sa (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Triệu Văn Thuyền (quê Cao Bằng) thi vào Khoa chính trị cho biết làm không tốt lắm. Thiều kể chỉ biết huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa vì nghe thời sự nhắc khá nhiều, nhưng em không biết huyện đảo Vân Đồn, Cồn Cổ thì không biết tỉnh, thành nào? 

2 môn thi trước Thuyền làm cũng không tốt lắm “Đây là năm đầu tiên đi thi đại học nên nếu không đỗ em sẽ ôn thi lại để sang năm thi tiếp. Có lẽ em tính qua tết sẽ lên Hà Nội học ôn luôn” – Thuyền tâm sự.


Trần Thị Nhung (Hưng Yên) chia sẻ: “Đề Địa năm nay khá hay và không khó hơn năm trước. Ở câu cuối em chỉ làm được ý đầu. Các huyện đảo em không ôn tập nhiều nên em không dám ghi vào bài viết. Em chấp nhận bỏ đi 1 điểm của ý đó. Dự kiến 3 môn em được khoảng 18 điểm”.

Tại cụm thi TP.HCM, theo ghi nhận của VTC News, cũng như cả nước, các thí sinh tại đây cũng tỏ ra rất phấn khởi, hăng say viết về đề tài Trường Sa, Hoàng Sa trong môn Địa lý.

 

Vừa bước ra khỏi cổng trường thi, thí sinh Nguyễn Minh Tâm (thí sinh của TP Nha Trang) thi vào trường ĐH Luật TP.HCM đã nói rằng: Đây là 1 đề thi rất hay, rất hợp tính thời sự, và em đã viết rất nhiều cho chủ đề này.

 

Tâm cho rằng mình có thể đạt được điểm 7 với môn thi này. Khi ra khỏi cổng trường thi ở THPT Nguyễn Trãi (Q.4), Tâm đã thể hiện nét mặt rất hồ hởi.

 

Cũng như Tâm, nhiều thí sinh thi vào khối C ở trường ĐH Luật TP.HCM cũng nói với chúng tôi rằng đây là đề thi đòi hỏi các thí sinh phải theo dõi tình hình thời sự, nắm bắt được các kiến thức bên ngoài sách vở nhiều hơn.

 

Thí sinh nhận xét về đề thi sau giờ thi môn Anh văn sáng 10/7 (Ảnh: N.D) 

Tại Đà Nẵng, do là buổi cuối nên hầu hết thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá vui vẻ và thoải mái.

Trưa 10/7, hầu hết thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng thoải mái và vui vẻ 

Theo nhận định của các thí sinh, đề thi môn Địa lý khối C được các thí sinh và giảng viên đánh giá hay, có yêu cầu tư duy và mang tính thời sự cao. Tại điểm thi trường THPT Nguyễn Hiền, các thí sinh dự thi vào trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đều đánh giá đề Địa năm nay “dễ thở” hơn năm ngoái. Vì vậy, mặc dù còn hơn 30 phút làm bài nhưng đã có khá đông thí sinh làm xong và rời khỏi phòng thi.

Thí sinh Việt Nhân cho biết, đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái, các nội dung đều cơ bản trong sách giáo khoa và kiến thức hiểu biết nên làm khá tốt, riêng phần bài tập yêu cầu vẽ bản đồ dễ lấy điểm cao. Dự kiến cũng được 7-8 điểm môn này.


Nhóm PV

Bình luận
vtcnews.vn