HN đề xuất mức học phí cao nhất là 40.000 đồng/tháng/HS

Giáo dụcThứ Tư, 04/07/2012 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Theo đề xuất của Sở Giáo dục – Đạo tạo, tới đây sẽ chỉ có hai mức học phí: 20.000 đồng/tháng/HS vùng nông thôn, 40.000 đồng/tháng/HS ở thành phố.

(VTC News) – Theo đề xuất của Sở GD&ĐT, tới đây sẽ chỉ có hai mức học phí ở tất cả các cấp học của học sinh (HS) tại Hà Nội như sau: 20.000 đồng/tháng/học sinh vùng nông thôn, 40.000 đồng/tháng/học sinh ở thành phố.


Tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội diễn ra chiều 3/7, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Thị Hồng Nga tiết lộ: “Hà Nội đang xây dựng tờ trình về cơ chế miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và thu, quản lý học phí mới nhằm thống nhất mức thu học phí của 4 địa phương sau khi hợp nhất về Hà Nội”.


“Hiện nay xu hướng mức học phí các trường công lập đang giảm dần. Phía sở đã làm Tờ trình về cơ chế thu và quản lí sử dụng học phí để trình Hội đồng Nhân dân thành phố (HĐND TP) trong cuộc họp 10/7 tới”, bà Nga nhấn mạnh.

Mức học phí tất cả các cấp học của HS tại Hà Nội dự kiến ở mức thấp nhất theo quy định của Chính phủ (Ảnh: Internet) 

Theo đó, mức thu học phí mới ở các cấp học về cơ bản sẽ theo chiều hướng giảm. Học sinh tiểu học có thể sẽ không phải đóng học phí nữa.


Bà Nga cho biết thêm, trước đây có cấp học thành phố thu tới 70.000 đồng/tháng/học sinh hoặc cao hơn, nhưng giờ cũng chỉ thu 40.000 đồng/tháng/học sinh mà thôi, và sẽ thống nhất mức thu này trong toàn thành phố.

Trong khi đó, chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ như trước đây các xã của Hòa Bình thu học phí  7.000 đồng/tháng/học sinh thì nay tăng lên 20.000 đồng/tháng/học sinh theo đúng như quy định của Chính phủ về mức học phí thấp nhất trên cả nước.


Do vậy, Sở GD - ĐT đề xuất mức học phí tất cả các cấp học của học sinh (HS) tại Hà Nội sẽ ở mức thấp nhất theo quy định của Chính phủ và chỉ có hai mức: 20.000 đồng/tháng/học sinh vùng nông thôn, 40.000 đồng/tháng/học sinh ở thành phố.

Đặc biệt khối nhà trẻ, mức học phí giảm đi đáng kể. Riêng các học sinh địa bàn miền núi sẽ được miễn học phí hoàn toàn.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã tham mưu cho thành phố thống nhất mức thu học phí ở các địa phương sau khi sáp nhập vào Hà Nội (huyện Mê Linh - trước thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hà Tây cũ, 4 xã của Hòa Bình) theo khung học phí được quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất lãnh đạo thành phố (TP) xem xét, hỗ trợ ngân sách cho những nhà trường do điều chỉnh mức học phí mà bị ảnh hưởng tới nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động dạy - học và sinh hoạt của đơn vị.

N
ếu được HĐND TP Hà Nội phê duyệt, mức học phí mới này sẽ được áp dụng chung kể từ năm học 2012-2013.

Quá tải ở mầm non công lập: Mỗi năm tăng 38.000 cháu

Quá tải ở mầm non công lập: Bắt thăm chỉ là giải pháp tình thế (Ảnh: Internet) 

Bà Nga khẳng định: "Hà Nội không thiếu chỗ học cho trẻ mầm non. Tuy nhiên, tại Hà Nội, trong một năm toàn thành phố tăng tới 38.000 trẻ. Dù số trường mầm non công lập được xây thêm đã tăng đáng kể (thêm 29 trường), nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Nhất là khi phần lớn phụ huynh trên địa bàn TP đều có nhu cầu gửi con theo học tại các trường công lập. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về mức học phí giữa trường công lập và trường ngoài công lập là khá lớn. Chính vì vậy, phụ huynh chịu áp lực phải cho con vào học trường công lập, nhất là khi hiện nay học phí tại các trường công lập đang có xu hướng giảm dần gây ra tình trạng quá tải cục bộ ở một số trường". Trước thực trạng này, bà Lan Hương, một vị lãnh đạo khác của Sở GD - ĐT khẳng định: “Năm học trước, khi có hiện tượng trường mầm non Thành Công có phụ huynh thức trắng đêm chờ nộp hồ sơ cho con, chúng tôi đã xem xét, đưa ra giải pháp tổ chức bắt thăm. Nhưng không phải trường nào cũng bắt thăm.

Chỉ nơi nào vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh, chúng tôi mới tổ chức bắt thăm. Hiện nay chưa có trường nào tổ chức bắt thăm cả. Các trường mới chỉ đang nhận hồ sơ tuyển sinh. Chúng tôi cũng chỉ xem việc bắt thăm là giải pháp tình thế hiện nay".

Khi được hỏi, hiện tượng "bắt thăm" đến bao giờ sẽ chấm dứt, bà Lan Hương nói: "Sở GD-ĐT đã trình TP phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo lộ trình, đến năm 2020, mỗi xã, phường phấn đấu xây dựng ít nhất từ 1-2 trường mầm non công lập; mở rộng diện tích; nâng tầng ở những trường có điều kiện, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của phụ huynh".
"Để tránh gây bức xúc cho phụ huynh ngay từ việc thông báo tuyển sinh, bắt đầu từ năm học này, chúng tôi đã đề nghị các phòng giáo dục là phải duyệt từng thông báo tuyển sinh của các trường mầm non.

100% các phòng giáo dục, nhất là các quận nội thành có điểm nóng và các huyện như Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm phải duyệt từng thông báo của các trường. Do vậy, tính tới thời điểm này, trong năm nay chưa có trường nào đưa ra thông báo gây bức xúc cho phụ huynh có con theo học tại các trường mầm non tại Hà Nội", bà Lan Hương nhấn mạnh.

Học phí của học sinh trên địa bàn Hà Nội hiện có 3 mức khác nhau. Mức thu học phí trước đây của Hà Nội (đơn vị tính theo 1 học sinh/tháng):

Bậc Mầm non : Học sinh có cha và mẹ làm nông nghiệp: 15.000 đồng; Học sinh có cha và mẹ làm nông nghiệp thuộc huyện Sóc Sơn: 10.000 đồng; Học sinh có cha hoặc mẹ làm các ngành nghề khác: Mẫu giáo: 50.000 đồng; Nhà trẻ: 70.000 đồng.

Bậc Trung học cơ sở: Cha mẹ làm nghề nông: 15.000 đồng; Cha mẹ làm nghề nông ở Sóc Sơn: 10.000 đồng; Các thành phần khác: 20.000 đồng.

Bậc Trung học phổ thông: Cha mẹ làm nghề nông: 25.000 đồng; Cha mẹ làm nghề nông ở Sóc Sơn: 20.000 đồng; Các thành phần khác: 30.000 đồng; Học phí hệ B: Không quá 90.000 đồng; Cha mẹ làm nghề nông: Không quá 60.000 đồng.

Theo quy định sử dụng học phí, 80% học phí chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, 20% chi cho các khoản khác: Hà Nội dùng 75% học phí chi cho lương, 25% còn lại chi cho các khoản khác (khối THCS trở về); khối THPT tỉ lệ này ở mức 70% và 30% để tăng chi phí cho các chuyên đề, ngoại khóa….nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh.



Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn