Nghị lực phi thường của chàng thủ khoa câm điếc

Giáo dụcThứ Hai, 28/05/2012 01:56:00 +07:00

Một cơn sốt đã cướp đi vĩnh viễn khả năng nói và nghe của đứa trẻ mới hơn một tuổi khi cậu bé vừa bập bẹ những tiếng bi bô chưa tròn vành.

Một cơn sốt đã cướp đi vĩnh viễn khả năng nói và nghe của đứa trẻ mới hơn một tuổi khi cậu bé vừa bập bẹ những tiếng bi bô chưa tròn vành. Thế giới xung quanh tưởng như tắt lịm, bao trùm lên cuộc sống của cậu.
Lớn lên trong muôn vàn khó khăn, nhưng không khuất phục trước thực tế phũ phàng, không đầu hàng trước số phận hẩm hiu, bất hạnh, chàng trai quyết tâm đi theo con đường học vấn để thay đổi cuộc đời mình. Anh đã biến cái không thể thành có thể khi đậu thủ khoa ngành hội họa của trường đại học Mỹ thuật TP.HCM và trở thành sinh viên câm điếc đầu tiên của Việt Nam học Đại học chính quy cùng với những người bình thường.
Đoàn Phạm Khiêm hướng dẫn ngôn ngữ ký hiệu cho sinh viên Khoa giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm TP.HCM. 

Nỗi đau câm lặng

"Xin đừng gọi những người điếc - câm như chúng tôi là khiếm thính vì chúng tôi sinh ra đều là những con người bình thường. Chúng tôi không mất mát thứ gì của cha mẹ sinh ra. Chúng tôi là người Việt Nam không có khả năng nói tiếng Việt nhưng có ngôn ngữ, ký hiệu riêng. Nếu người bình thường chịu lắng nghe, quan sát thì họ sẽ hiểu được" - Đó là lời yêu cầu đầu tiên khi tôi tiếp xúc với Đoàn Phạm Khiêm. Một chàng trai lanh lợi và hồn nhiên hơn cái tuổi 30 của anh rất nhiều.
Cuộc gặp gỡ giữa tác giả và Đoàn Phạm Khiêm không giống với bất cứ cuộc gặp nào. Họ nói chuyện với nhau bằng giấy bút và một người "phiên dịch" đặc biệt. Đó là mẹ của Khiêm, bà Phạm Cao Phương Thảo. Từ đây, cuộc đời của hai mẹ con dần được hé mở với những giọt nước mắt không ngừng tuôn rơi.
Đoàn Phạm Khiêm là con độc nhất của gia đình có ông bố sớm chiều bạo lực với vợ con. Tình yêu của bà Thảo được ví như đôi đũa so le vì gia đình bà thuộc diện khá giả còn gia đình chồng lại nghèo rớt mồng tơi. Nhiều chàng trai đem lòng yêu thương muốn kết duyên nhưng bà đều từ chối. Duyên phận trớ trêu thay, bà lại "cảm thương" một người đàn ông nghèo nàn cùng làm trong xí nghiệp chiếu bóng.
Biết chuyện, cả gia đình bà Thảo phản đối kịch liệt, họ dứt khoát từ bỏ đứa con không biết nghe lời. Bà Thảo phải một mình gom góp số tiền ít ỏi của mình tích góp vài năm trước cùng với sự hỗ trợ của bạn bè đứng ra tổ chức "cưới chồng" cho mình. Cưới xong, bà may mắn được cơ quan cấp cho một phòng ở tập thể.
Người đời thường bảo, vợ chồng "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" cũng chỉ vì nguyên nhân nghèo khổ, đói ăn. Điều này quả đúng với gia đình bà Thảo, bởi sau khi cưới bà phải lo thêm một miệng ăn. 
Chồng bà vốn thói trăng hoa lại tính vũ phu, thường dội những trận đòn "thừa sống thiếu chết" lên vợ. Người đàn bà một nách con nhỏ, một nách cắp giỏ xách chạy trốn trong đêm, giữa trời giông bão mịt mùng, nước mắt hòa cùng nước mưa mặn chát. Hậu quả của những trận đòn của chồng là bà Thảo phải nằm viện 5 năm trời và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật.
Bà tâm sự: "Ông ấy đánh tôi bầm giập, tím tái. Có lần tôi bị đánh gãy xương, rách thịt phải đi cấp cứu trong đêm. Tội nhất là cái đầu của tôi, ông ấy hành hạ đến mức tôi bị thần kinh, để lại di chứng tới tận bây giờ".
Không thể sống được với người chồng bạc ác, bà Thảo xin ly hôn nhưng chồng quay về năn nỉ, khóc lóc bà lại động lòng. Trái tim người phụ nữ thường mềm yếu và rất dễ đồng cảm tha thứ nên mãi gần 10 năm sau, bà mới chính thức giải thoát được ngục tù.
Từ đây, bà lao vào làm việc như quên thời gian chỉ mong sao kiếm tiền nuôi con và trang trải cuộc sống. Đang làm kế toán ở cơ quan cũ, bà phải xin ra làm bảo vệ làm đêm để ban ngày có thời gian chăm sóc con và làm thêm công việc khác. 
Tất cả những đau thương cùng cực, nước mắt và máu của người mẹ phải chịu cảnh chồng hành xác nhiều năm như bức tranh ố vàng trước mặt đứa con. Khiêm câm nín chịu đựng nỗi đau và biến hận thù thành quyết tâm học tập.
Năm Khiêm được gần 2 tuổi thì bất hạnh ập đến. Khiêm bị sốt, tiêu chảy cấp. Từ một đứa bé bụ bẫm, trắng trẻo, qua một thời gian chống chọi với những liều thuốc kháng sinh cực mạnh, Khiêm trở nên còm nhom, ốm yếu. 
Mẹ Khiêm cho biết, nếu lúc ấy bà không làm giấy cam kết với bác sĩ tiêm thuốc thì Khiêm cũng như những đứa trẻ khác, đều không thể qua khỏi. Trải qua cơn nguy kịch, các bác sĩ đã giữ lại được mạng sống cho Khiêm nhưng không giữ được giọng nói và tai nghe cho anh. Những tiếng bi bô gọi mẹ chưa tròn tiếng tắt lịm từ đây.
Bất hạnh hơn, cả hệ thống thần kinh thính giác của Khiêm đều hỏng. Vợ chồng bà Thảo từng bế con đi khắp nơi chữa chạy nhưng tất cả đã không mỉm cười với con họ. Người ta gọi Khiêm là đứa trẻ câm điếc từ đó.
Khiêm thường tự mình lên mạng tìm kiếm tư liệu để học. 

Biến cái không thể thành có thể
Bù lại phần thiệt thòi của bản thân, ngay từ nhỏ, Khiêm đã thể hiện là một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm học và có chí sáng tạo độc đáo. Thời gian này, chưa có trường chuyên dành cho những đứa trẻ câm điếc nên bà Thảo đã phải chạy ngược chạy xuôi tìm người dạy cho con.
Năm 1992, hay tin có trường Hy Vọng nhận dạy trẻ câm điếc, vậy là bà Thảo liền tìm đến cho Khiêm theo học. Để thích nghi và nói chuyện được với con, bà Thảo cũng phải tới trường học cách múa dấu, chỉ trỏ. Ở đây, Khiêm bắt đầu làm quen với những con chữ, những ký hiệu ngôn ngữ bằng cử chỉ. Năng khiếu hội họa bắt đầu nhen nhóm trong căn nhà tập thể chỉ rộng chưa đầy 20m2 của hai mẹ con Khiêm.
Khiêm học hết phổ thông thì không còn trường dạy cho những học sinh như anh nữa. May mắn trong thời gian này, một dự án ngôn ngữ dấu và phổ thông dành cho người câm điếc tổ chức ở Đồng Nai mở một lớp tuyển chọn ứng viên cho dự án. Khiêm đăng ký tham gia và trở thành 1 trong 5 người xuất sắc nhất được chọn giúp dự án biên soạn cuốn từ điển ngôn ngữ ký hiệu dành cho người câm điếc.
Tài năng của Khiêm sớm khẳng định ở trường cũng như trong cuộc sống. Sau khi hoàn thành khóa học, Khiêm quay về TP.HCM với quyết tâm sẽ ôn thi vào trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM. Nhiều người ái ngại và khuyên Khiêm nên dừng việc học ở đây để tập trung vào công việc giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu cho những người cùng cảnh ngộ.
Nhưng Khiêm quan niệm: "Người câm điếc cũng là người bình thường, chúng tôi muốn có sự công bằng. Xã hội phải cho chúng tôi cơ hội để khẳng định và thể hiện chính mình. Tôi ôn thi vào Đại học vì tôi muốn khẳng định rằng, người câm điếc có thể làm được những việc như người bình thường".
Năm đầu tiên, cánh cổng đại học đã khép lại với Khiêm nhưng anh không nản chí mà dường như quyết tâm càng nhân lên. Kỳ thi năm sau, Khiêm xuất sắc đậu thủ khoa với số điểm rất cao 29, 5 điểm. Khiêm trở thành sinh viên câm điếc đầu tiên của Việt Nam theo học hệ đại học chính quy.
Bà Thảo cho biết, Khiêm có ước mơ và hoài bão rất lớn. Ngay từ nhỏ, cậu đã tỏ ra là người có bản lĩnh khi phản ứng  gay gắt trước trước câu nói của mọi người là "câm điếc thì làm được gì? ". 
Tuy không nghe, không nói được như qua nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của người khác, Khiêm có thể đoán biết được họ đang nói gì về mình. Khiêm ức chế đến độ cứ lấy tay đấm mạnh vào ngực mình, miệng ú ớ kêu gào. Chứng kiến cảnh mẹ bị bạo hành, Khiêm đã khóc rất nhiều. Chính vì thế mà anh dành tình thương trọn vẹn cho mẹ.
Những lúc Khiêm được mời đi nói chuyện hay nhận học bổng đều có mẹ bên cạnh. Mẹ là "phiên dịch" duy nhất của Khiêm, thay Khiêm nói ra những gì anh suy nghĩ...     


Theo Nguoiduatin

Bình luận
vtcnews.vn