Thanh Ngoan dạy con bằng... gạo mốc

Giáo dụcThứ Tư, 25/01/2012 07:00:00 +07:00

Thanh Ngoan có thể cho con vài trăm đến vài triệu nhưng luôn dạy con phải tiết kiệm...

Thanh Ngoan có thể cho con vài trăm đến vài triệu nhưng luôn dạy con phải tiết kiệm. Dù không có nhiều thời gian bên con nhưng luôn dạy bọn trẻ phải biết quý trọng mồ hôi công sức mình làm ra.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng biển Thái Thụy, Thái Bình, gia đình người nghệ sĩ không ai theo chèo một cách chuyên nghiệp nhưng người nào cũng yêu và hát chèo rất hay.

Trời phú cho chị một giọng hát nghe thanh mà lạ. Giọng ca nghe thanh thoát nhưng tha thiết, đa đoan và tình tự với nhiều cung bậc khác nhau.

Đã từng ăn gạo mốc

9 tuổi hát chèo, 13 tuổi một mình lên Hà Nội học theo nghiệp chèo. Cuộc sống với chị khi ấy có nhiều khó khăn không?

Học xong cấp 2 ở quê (chị học trước tuổi một năm – PV) mình lên đây học, 17 tuổi thì ra trường. Còn nhớ hồi ấy xe cộ khó khăn, người nhà mình phải thức cả đêm để đưa con ra bến xe, lấy chỗ cho con. Ở quê lên Hà Nội mình bỡ ngỡ lắm nhưng môi trường lại có nhiều thuận lợi.

Mình bé nhất lớp, các anh chị hơn tuổi mình 5-7 tuổi. Họ cũng từ ở quê ra nên sống rất tình cảm, giúp đỡ đứa em út nhiều. Thời ấy, có khi nhớ nhà nhưng mình không biết làm thế nào vì điện thoại hiếm lắm.

NSUT Thanh Ngoan

Khó khăn là thế song lúc ấy mình đi học không quan tâm tới tiền đâu. Chỉ nghĩ được nuôi ăn học là tốt rồi. Và chỉ có học và học, càng không có chuyện đua đòi.

Mình vẫn nhớ khi khó khăn còn phải ăn cả gạo mốc. Con gái, con trai yêu nhau, quan tâm nhau bằng cách đơn giản là nhường bát cơm hay cái bánh mỳ khi đói cho nhau thôi.

Có lẽ cũng vì sớm sống với sự khắt khe nên mình mới giữ được nghề.

Ở chị, người ta vẫn thường quen thấy một cô đào tính cách chua ngoa, đanh đá trên sân khấu. Vậy ngoài đời thì sao?

Một tính cách ghê ghớm trên sân khấu thì không ảnh hưởng đến cuộc đời mình ở bên ngoài. Có thể mình là người nghệ sĩ nổi tiếng hay nhà quản lý đấy, nhưng mình không mang những cái đó về nhà. Trong gia đình mọi người đều có vị trí.  Chồng là chồng, vợ là vợ. Mẹ vẫn dạy dỗ và trao đổi với con như người bạn.

Ở chồng mình học được tính điềm đạm. Nhiều khi mình hay nói to do bị ảnh hưởng từ sân khấu, rồi áp lực công việc nên nóng tính. Nhưng bây giờ người ta không thấy một Thanh Ngoan như vậy nữa (cười).

Đã hơn 40 tuổi, đi khắp đây đó mình càng hiểu và tâm niệm phải sống biết chia sẻ. Như thế đời sống sẽ tươi đẹp hơn.

Luôn sẵn sàng giúp đỡ thế hệ trẻ


Tham gia trong nhiều vai trò, từ quản lý, diễn viên đến các tổ chức đoàn hội. Chị có quá tham lam không?

Ngày còn đi học mình thích diễn nhiều vai nên học tất cả. Những vai dành cho nam giới như phù thủy do NSND Tống Văn Ngũ dạy hay vai hề do thầy Mạnh Tuấn dạy mình đều theo được. Người lười họ sẽ bảo bận, không chịu ôn luyện. Mình rảnh rỗi chỉ có việc học thôi.

Làm công tác xã hội bởi mình là người năng động, không muốn ngồi một chỗ. Công việc là tự nguyện, có khi mình tự bỏ tiền túi ra để lo thêm. Mình không quan trọng chuyện chức danh, ai yêu cầu, mình thấy hợp thì sẵn sàng thôi.

Bao nhiêu kinh nghiệm mình đều truyền lại cho thế hệ đi sau. Có người giỏi nhưng họ không đào tạo, muốn giữ cho riêng mình thôi. Mình thì không như vậy. Về chuyện quản lý, khi quen rồi mình có khi chỉ chỉ đạo gián tiếp chứ không cần trực tiếp.

Không bắt con phải đứng đầu lớp

Là nghệ sĩ nay đây mai đó, ít thời gian cho con. Vậy quan điểm dạy con của chị là gì?

Mình không ép cho con phải theo mình. Không bắt con phải đứng đầu lớp nhưng mình luôn nhắc con từ "bài học" từ mẹ - bởi ngày trước mình học chưa bao giờ bị thầy nhắc. Con có thể vừa học vừa chơi nhưng không được ảnh hưởng việc học.

Có thời gian con thích game, mình không cấm ngay mà lân la hỏi chuyện. Nếu cấm ngay chắc chắn không thể làm được.

Lớp 11 mình vạch ra cho con 3 định hướng: đi du học, theo nghiệp bố (học quay phim) hoặc đường cùng thì theo nghiệp mẹ. Nói thế là bởi chèo dành nhiều đất hơn cho phụ nữ.

Hơn nữa cháu có khả năng về âm nhạc nhưng không hát hay. Mà làm nghề này phải có tài năng. Thậm chí mình biết nhiều người có khả năng nhưng không có đam mê thì cũng khó thành công.

Chị quan tâm con bằng những cách nào?


Mình luôn chủ động sắp xếp lịch để ít nhất một tuần gia đình có một bữa ăn chung. Nếu rảnh mình sẽ về nhà nấu ăn cho bố con.

Nhiều lúc cũng xót xa khi con thiếu tình cảm vì mẹ hay vắng nhà. Cũng bởi thế mà mình không sinh thêm con, không nhờ người giúp việc, từ nhỏ đến lớn hết bà cháu rồi đến bà trẻ thay mình chăm sóc cháu.

Khi ở nhà mình hay dành thời gian cho con. Không thể dạy con bằng cách phải thế này thế kia. Mỗi khi đi với con, thấy những chuyện đập vào mắt mình lại dùng lời khuyên con cái này đúng sai thế nào.

Con trai mình từ bé thích đọc sách nên vợ chồng hay mua sách giáo dục cho con đọc. Con cũng hiểu bố mẹ đưa cuốn sách là có dụng ý. Cũng may là dù là con trai nhưng cháu rất tâm lý và rất hiểu ý, dù có đôi lúc làm mếch lòng mẹ.

Cháu rất đúng giờ và thi thoảng vẫn nhắc mẹ từ chuyện này đến cách ăn mặc nữa (cười tươi). Đôi lúc phải nhìn con để soi lại mình...

Con trai đến tuổi 18, yêu đương bố mẹ không thể cấm đoán. Là mẹ mình vẫn thường nhẹ nhàng nói, gợi ý cho con nếu là bạn thật thì nên đưa về nhà để qua bạn biết mẹ biết con là người như thế nào.

Về chuyện tiền bạc, mình có thể cho cháu vài trăm đến vài triệu nhưng không bao giờ làm thế. Đi lên từ khó khăn, là cha mẹ mình giáo dục cho con biết tiết kiệm và quý trọng đồng tiền....

Cảm ơn chị về buổi trò chuyện!


Theo Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn