“Sát thủ đầu mưng mủ”: Chắc gì đã "ngoa"?

Giáo dụcThứ Hai, 24/10/2011 02:52:00 +07:00

(VTC News)- Vừa mới xuất bản được mươi ngày, cuốn sách tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” tập hợp những thành ngữ hiện đại đang được giới trẻ sử dụng lập tức gây chú ý

(VTC News) - Vừa mới xuất bản được mươi ngày, cuốn sách tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” tập hợp những thành ngữ hiện đại đang được giới trẻ sử dụng lập tức gây chú ý lớn. Các ý kiến ủng hộ có nhiều, song cũng có các ý kiến chê trách là “nhảm nhí”, “không có lợi cho giáo dục”…

Để rộng đường dư luận, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam, đơn vị liên kết với NXB Mỹ Thuật để xuất bản cuốn sách.


- Thưa ông, ông suy nghĩ gì về những lời “chê” gần đây đối với cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”?

   

Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam 


Mặc dù sách mới ra, song đã có một vài ý kiến lẻ tẻ trên báo nói cuốn sách có giá trị giải trí, xả stress, nhưng còn “nhảm nhí”, hoặc có ý kiến cho rằng “không lợi cho giáo dục”, khi cuốn sách tập hợp những câu như “Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”… Theo tôi, đây chỉ là những nhìn nhận thoáng qua và bề ngoài, không thực sự đi vào bản chất của thành ngữ, tục ngữ dân gian và hiện đại.

Xin hãy công bằng và khách quan, đừng đem cái phán xét cá nhân để áp đặt lên ngôn ngữ! Ngôn ngữ là của chung, mình không thích thì có người khác thích. Cá nhân tôi cũng không thích nhiều lối nói, lối diễn đạt của nhiều người khác, nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận. Bởi cuộc sống là thế. “Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ” tại sao lại không hiểu là đó chính là lối giễu nhại, qua đó thể hiện thái độ phê phán ngầm?

“Ăn chơi sợ gì mưa rơi” với câu thoại của người mẹ là “Há mồm ra” mà bảo là không lợi cho giáo dục thì tôi e là suy diễn quá xa vời. Sao không thấy đấy là cái nhìn hài hước nhưng cảm thông… với vô số những bà mẹ ở đô thị khổ sở vì cho con ăn rất khó?

Tôi có anh bạn Việt kiều nói rằng trẻ con Việt Nam cho ăn khổ nhất thế giới. Hàng xóm anh ấy mỗi lần cho con ăn là rồ ga xe Dream ầm ĩ trong nhà để cho đứa bé nó cười nó mới chịu há mồm cho!

- Với những "thành ngữ teen "vô thưởng vô phạt, như kiểu “ngất trên cành quất”, “oách xà lách”… hay gây sốc như “Đã xấu lại còn xa/Đã si đa còn xông pha hiến máu”?

Tôi thì không nghĩ thế. Nếu giữ nguyên cái nhìn như thế thì có thể thấy vô số những thành ngữ, tục ngữ dân gian cổ truyền của cha ông ta là “nhảm nhí” và “không có lợi” và “sốc”. Tôi đơn cử: “L… đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” hay “Văn chương chữ nghĩa bề bề/Thần l… ám ảnh vẫn mê mẩn đời” có lẽ cũng gây sốc cho không ít người đâu.

Riêng câu “Đã xấu mà lại còn xa” thậm chí còn có cả mẫu trong tục ngữ của các cụ đấy nhé. Đó là “Đã gian lại còn ngoan/Đã đi làm đĩ lại toan cáo làng!”… Thế còn chê là nhảm thì “Im ỉm như gái ngồi phải cọc”, “uống rượu ngồi dai, d… mài xuống đất” hẳn cũng khá là nhảm; rồi những câu như “Không ăn được thì đạp đổ” hay “Không chồng mà chửa mới ngoan/Có chồng mà chửa thế gian sự thường” đều có thể quy là không lợi cho giáo dục được!

Thành ngữ tục ngữ là sản phẩm của xã hội, của nhiều người, bao gồm nhiều cái nhìn của nhiều giai tầng. Không thể đơn giản lấy cái nhìn chủ quan của cá nhân mình để áp đặt mà được. Cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” rõ ràng là tập hợp của những thành ngữ mới ấy, có phủ nhận cuốn sách cũng không thể phủ nhận được sự thông dụng và thực tế sử dụng phong phú và thông dụng của chúng của cả giới trẻ lẫn người lớn ở ngoài kia! Các thành ngữ, các lối diễn đạt trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” hầu hết đều có tần suất sử dụng rất lớn.


 Cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" mới ra được vài ngày đã gây xôn xao dư luận


- Tuy nhiên, vẫn còn đó một số ý kiến cho rằng cuốn sách sẽ làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt với những lối nói vặn vẹo, phá cách, ông nghĩ sao?

Xung quanh cuốn Sát thủ đầu mưng mủ, đã có hai giáo sư ngôn ngữ học giải thích về trào lưu thành ngữ mới này trên tờ Tuổi Trẻ rất là xác đáng. Nhân đây tôi xin gửi lời cám ơn đến các ông, vì không có ý kiến của các ông thì chúng tôi cũng đến khổ! Cá nhân tôi thì cho rằng lo lắng đến sự trong sáng của tiếng Việt là không cần thiết, mà ngược lại với đúng.

Thành ngữ mới cho thấy tiếng Việt quá phong phú, có thể biến hóa đa dạng và sản sinh từ mới, lối nói mới nhanh, linh hoạt không kém tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung. Chúng ta chẳng nói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” đấy ư.

Đấy chính là bão táp đấy! Phải nói giới trẻ có những lối diễn đạt sáng tạo và độc sáng: “Đã ngu còn cố tỏ ra nguy hiểm”, hay “Xấu xí còn cố gây chú ý” đều rất hài hước và thâm trầm, chẳng kém gì những châm ngôn kiểu “Sự ngu dốt của bọn có học” trong văn của Nguyễn Huy Thiệp!

Tôi còn nghĩ đó là đóng góp của thế hệ trẻ bây giờ! Nếu không có tuổi trẻ và sự hài hước của họ thì cuộc sống thật là nghèo nàn. Chúng ta quá thừa sự suy diễn và trầm trọng hóa vấn đề, đến nỗi một tập hợp những cuốn sách về tiếng lóng thôi cũng khó làm, khó phát triển.

Tiếng Việt sẽ giàu có về đâu, khi tiếng mới thì ngại không cập nhật, tiếng cũ thì vay mượn không ít? Tại sao lại quá nhạy cảm với một cuốn sách giải trí nhẹ nhàng, trong khi sách giáo khoa sai, nhà đài nói sai (ví dụ, ai đi xe đều thấy nhan nhản những lối dùng sai kiểu “mật độ phương tiện rất đông”) thì chẳng thấy có vấn đề gì? Dùng sai mãi thành quen chẳng lẽ không ảnh hưởng đến tiếng Việt?


 Nhiều nội dung gây tranh cãi trên các diễn đàn mạng

 

- Tôi hiểu ý ông, song, nếu có độc giả e ngại cuốn sách gây ảnh hưởng không tốt đến những học sinh ngoan, không quen lối nói “sành điệu củ kiệu” thì sao? Và, liệu có nên làm sách giải trí với những thành ngữ còn quá “mới” như thế này?

Cuốn sách được thiết kế cho lứa tuổi trên 15, nghĩa là các em đã có tương đối đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá được đúng sai, phải trái, biết suy nghĩ tự lập và biết sống! Không thể trút hết áp lực về giáo dục cho một cuốn sách nhỏ chỉ có mục đích là sưu tập ngôn ngữ và giải trí như cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” được!

Còn với các lứa tuổi nhỏ như mẫu giáo và tiểu học, chúng tôi và NXB Mỹ Thuật cũng mới ra một sê-ri 3 cuốn “Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” rất đầy đủ và có nhiều ý nghĩa giáo dục với những câu như “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Chẳng qua là không ai chú ý mà thôi!

Và tôi cũng xin nói là những thành ngữ này không quá “mới” đâu, giới trẻ dùng nhiều rồi. Người lớn cũng biết không ít. Ai trong chúng ta chẳng đôi lần dùng, kiểu “chuyện nhỏ như con thỏ”... Cuốn sách khiến người ta cười, xả stress là đáng hoan nghênh chứ, chẳng lẽ không tốt hơn những tin tức cướp giết hiếp tai nạn giao thông ngày nào cũng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến cuộc sống của chúng ta thường trực căng thẳng và u ám?



Xin cảm ơn ông!

Khởi Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn