Cải tiến “3 chung”, nên xét tuyển vào ĐH, CĐ

Giáo dụcChủ Nhật, 23/10/2011 08:58:00 +07:00

(VTC News)- Hầu hết các đại biểu đều cho rằng nên cải tiến kỳ thi “3 chung” và sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

(VTC News)- Vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp Hội các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập (NCL) đã tổ chức hội nghị Bàn về đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ. Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều cho rằng nên cải tiến kỳ thi “3 chung” và sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Với quan điểm thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo phương án “3 chung” (thi ĐH-CĐ chung đợt, chung đề, chung kết quả) hiện nay đã lạc hậu, Hiệp hội đề xuất Bộ GD&ĐT thay đổi cách thức tuyển sinh theo hướng kiểm tra, thi để bảo đảm chất lượng dạy và học cả phổ thông lẫn đại học. Sự lạc hậu của “3 chung” đã được thể hiện trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua khi cả các trường công lập và ngoài công lập đều không tuyển đủ chỉ tiêu.

Từ chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ nên phần lớn lãnh đạo nhiều trường đều cho rằng cần cải tiến “3 chung” chứ không bỏ “3 chung".

Từ năm sau sẽ cải tiến kỳ thi "3 chung" và xét điểm vào ĐH, CĐ ? 

Cụ thể, PGS.TS Lê Đức Ngọc, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL)  cho rằng cần triển khai đề án “Đánh giá trình độ học vấn phổ thông để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đào tạo sau THPT” do chính Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT đã đưa ra từ năm 2008.

 “3 chung” và “1 riêng”

PGS.TS Ngọc đưa ra phương án thi “3 chung” và “1 riêng” cho cuộc thi “Đánh giá trình độ học vấn phổ thông trung học” để xét tốt nghiệp THPT và để làm chuẩn tối thiểu cho tuyển sinh đào tạo sau THPT, cụ thể như sau:

Chung đề, vì là cuộc thi đánh giá trình độ học vấn nên phải thi nhiều môn, nhưng cần ghép lại thành 5 bài thi như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Sử - Địa (nhân hệ số 2); Lý - Hóa - Sinh (nhân hệ số 3). Định hướng 5 bài thi này hoàn toàn phù hợp với xu thế giáo dục tích hợp trong giáo dục phổ thông hiện nay trên thế giới : tích hợp Lý - Hóa - Sinh thành môn khoa học và Sử - Địa thành môn Xã hội.

Chung đợt: Mỗi đợt thi 3 ngày gồm 6 buổi (1 buổi làm thủ tục và 5 buổi làm 5 bài thi). Mỗi thí sinh có một đề thi trắc nghiệm riêng, chấm bằng máy. Công bố điểm đến từng thí sinh và công bố chung trên mạng.

Chung điểm sàn tốt nghiệp THPT: Từ 250 điểm trở lên là tốt nghiệp (ngoài ra cần có chính sách cộng điểm theo vùng miền và diện chính sách).

Một riêng cho tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT: Căn cứ vào chỉ tiêu được giao, kết quả các bài thi chung, chính sách chung về cộng điểm theo vùng miền và điểm thi tuyển năng khiếu tùy thuộc theo ngành nghề khi cần thiết, cơ sở đào tạo sẽ tự xây dựng điểm chuẩn để tuyển sinh chung hay cho từng ngành của cơ sở đào tạo.

Từ thực tế trên, các đại biểu đều cho rằng, đã đến lúc cần phải sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đưa ra đề nghị:  “Cần tổ chức kỳ thi phổ thông nghiêm túc để lấy chuẩn xét tuyển vào ĐH, CĐ”.

Cũng đồng tính với quan điểm này, GS.TS Hoàng Trọng Yêm cũng đề xuất: "Năm tới tuyển sinh nên thực hiện ở khía cạnh phân tầng ĐH, tức là quan niệm trường tốp trên thì cho thi, những trường tốp dưới tùy từng trường sẽ quy định điểm phổ thông là bao nhiêu rồi tuyển, tùy từng ngành học. Thí dụ, ngành Công nghệ thì xét môn Toán, ngành Xã hội nhân văn xét môn Văn…”

PGS.TS Phan Trọng Phức, hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam, cho rằng: Điểm thi thấp hiện nay là do cấu trúc đề thi có vấn đề.  Bộ cần cấu trúc lại đề thi, biên soạn đề thi tốt hơn nữa vì năm nào điểm sàn cũng 13. Cũng theo ông Phức, việc bỏ “3 chung” cũng cần phải có lộ trình và phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn