GS Ngô Bảo Châu: Tôi đã nhận nhiều rồi

Giáo dụcThứ Năm, 01/09/2011 12:05:00 +07:00

(VTC News)- "Tôi suy nghĩ rằng bản thân đã nhận được rất nhiều thứ rồi, từ điều kiện giáo dục trong gia đình, điều kiện học tập, làm việc nên..."

(VTC News)- Duy có điều, tôi suy nghĩ rằng bản thân đã nhận được rất nhiều thứ rồi, từ điều kiện giáo dục trong gia đình, điều kiện học tập, làm việc nên không muốn nhận thêm bất cứ món quà nào của ai. Cái gì cho được thì cho chứ tôi không muốn nhận lại của mọi người.

Ngay sau buổi lễ nhận căn biệt thự 3 triệu USD dành cho Viện nghiên cứu cấp cao về Toán, GS Ngô Bảo Châu đã có những chia sẻ với VTC News xung quanh quyết định này.

 GS Ngô Bảo Châu cho rằng: món quà cá nhân của ông Đào Hồng Tuyển tặng cho Viện nghiên cứu cao cấp về toán lại là việc rất ý nghĩa.
(Ảnh: Phạm Thịnh)



- Tháng 8/2010, sau khi giành giải thưởng Fields, ông Đào Hồng Tuyển từng có nhã ý tặng riêng GS căn biệt thự “triệu đô” nhưng ông đã từ chối. Với quyết định lần này, chắc hẳn GS cũng có nhiều trăn trở?

Trước đây, khi ông Đào Hồng Tuyển có nhã ý tặng biệt thự này cho tôi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và thấy rằng đây là một tấm lòng rất chân thành. Duy có điều, tôi suy nghĩ rằng bản thân đã nhận được rất nhiều thứ rồi, từ điều kiện giáo dục trong gia đình, điều kiện học tập, làm việc nên không muốn nhận thêm bất cứ món quà nào của ai. Cái gì cho được thì cho chứ tôi không muốn nhận lại của mọi người.

Tuy nhiên, khi món quà cá nhân của ông Đào Hồng Tuyển tặng cho Viện nghiên cứu cao cấp về toán lại là việc rất ý nghĩa. Tôi hoàn toàn ủng hộ và cảm ơn ông Đào Hồng Tuyển về món quà ý nghĩa.

- Đối với GS, căn biệt thự 3 triệu USD mà ông Đào Hồng Tuyển dành cho Viện nghiên cứu cao cấp về Toán mang ý nghĩa tinh thần hay vật chất nhiều hơn?

Cái này bạn nên hỏi ông Đào Hồng Tuyển sẽ rõ hơn! Riêng cá nhân tôi, quà tặng này có cả ý nghĩa vật chất, tinh thần. Không ai có thể phủ nhận được giá trị vật chất của căn biệt thự này, còn giá trị tinh thần ở đây là việc thế hệ đi trước, một người lính như ông Tuyển trao tặng biệt thự làm từ công sức, mồ hôi của ông cho các nhà khoa học. Tôi vô cùng trân trọng điều đó.

 GS Ngô Bảo Châu trên tầng 3 căn biệt thự 3 triệu USD
( Ảnh: Phạm Thịnh)



- Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ sử dụng biệt thự 3 triệu USD tại Tuần Châu vào mục đích như thế nào thưa giáo sư?

Biệt thự là quà tặng giá trị mà ông Đào Hồng Tuyển dành cho Viện. Vì vậy, Viện sẽ dùng căn biệt thự phục vụ cho nhu cầu hoạt động của Viện. Cụ thể, sẽ để cho các nhà khoa học trong và ngoài nước về đây làm việc, nghỉ ngơi. Đây là cách sử dụng thường xuyên nhất.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm việc sử dụng căn biệt thự như  một nơi tổ chức thường xuyên những buổi hội thảo nhỏ về toán học hoặc các ngành khoa học khác nữa. Đó mới chỉ là những dự kiến.

 - Liệu rằng, nếu Viện nghiên cứu cấp cao về Toán nhận được số tiền 3 triệu USD, tương đương với trị giá căn biệt thự thì các lãnh đạo của Viện sẽ sử dụng số tiền này như thế nào?

Nhà nước cũng đã có chương trình Quốc gia về phát triển toán học với 1 kinh phí tương đối lớn. Dự kiến là 600 tỉ trong vòng 10 năm. Số tiền đó khá nhiều so với hoàn cảnh đất nước hiện tại. Khó khăn mà toán học Việt Nam gặp phải là vấn đề về cách chi tiêu, nhưng hy vọng điều đó sẽ sớm hết.

 GS Ngô Bảo Châu tâm sự với VTC News xung quanh quyết định nhận căn biệt thự 3 triệu USD cho Viện nghiên cứu Toán cao cấp (Ảnh: Phạm Thịnh)



- Công việc và cuộc sống của GS có bị xáo trộn nhiều khi hàng năm ông sẽ phải dành thêm 3 tháng để trở về Việt Nam làm việc?

Tôi sẽ về Việt Nam trong 3 tháng. Bên cạnh việc tổ chức hoạt động ở Viện, tôi cũng tham gia vào công tác khoa học, nghiên cứu cùng với cả các cán bộ nghiên cứ Toán học.

Riêng về hoạt động của Viện là quanh năm, nhưng tôi không nhất thiết tôi phải có mặt ở Việt Nam thường xuyên. Tôi sẽ tham gia vào các cuộc họp chính để xây dựng kế hoạch công việc cho Viện. Còn việc điều hành của Viện đã có GS Lê Tuấn Hoa.

- Theo quan điểm của GS, hiện nay Toán học Việt Nam đang thiếu mất điều gì để có thể phát triển mạnh mẽ hơn so với tiềm năng mà nó vốn có?

Sự thiếu thốn nhất của toán học nước ta bây giờ có lẽ là niền tin! Niềm tin của con người với nhau và niềm tin của con người với chính bản thân mình. Điều tôi cố gắng làm là dùng uy tín cá nhân có được để củng cố, khơi dậy niềm tin đó. Không có niềm tin, chúng ta sẽ không sống được.

Xin cảm ơn GS!

Phạm Thịnh( thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn