GS Ngô Bảo Châu: Đừng để danh hiệu thủ khoa là sức ép!

Giáo dụcThứ Hai, 22/08/2011 06:30:00 +07:00

(VTC News)- Những câu hỏi giao lưu thông minh và phần trả lời chân thành, hóm hỉnh của GS Ngô Bảo Châu chính là điểm nhấn trong buổi lễ vinh danh thủ khoa ĐH.

(VTC News)- Những câu hỏi giao lưu thông minh và phần trả lời chân thành, hóm hỉnh của GS Ngô Bảo Châu chính là điểm nhấn trong buổi lễ vinh danh thủ khoa ĐH tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.


 Dương Thành Long, thủ khoa ĐH FPT đặt câu hỏi mở đầu cho buổi giao lưu (Ảnh: Phạm Thịnh)

- GS làm cách nào để luôn giữ được niềm đam mê với khoa học qua nhiều năm như vậy? GS có thể chia sẻ về vấn đề phát triển khoa học và tuổi trẻ Việt nam hiện nay?
  (Dương Thành Long, thủ khoa ĐH FPT)
 
Quả thật trong làm khoa học, khó nhất là làm được lâu. Nó được gọi tên là niềm đam mê. Cội nguồn của niềm đam mê là nhãn quan của người làm khoa học. Dù đã là một người từng trải nhưng phải giữ cho mình cách nhìn nhận thế giới của một đứa trẻ.

Trước đây các nhà triết học cổ đại và triết gia Platon đã nhận định: Cội nguồn của niềm đam mê chính là con mắt của trẻ thơ". Bởi lẽ, khi là một người từng trải, hiểu rõ mọi việc như thế nào, ta không còn con mắt trẻ thơ, con mắt luôn muốn tìm hiểu vạn vật. Như trong truyện cười Việt Nam, người lớn thường hay trả lời "Trời sinh ra thế" trong khi đối với đứa trẻ thì nó luôn tò mò, thắc mắc và không chấp nhận việc "trời sinh ra thế”.
 GS Ngô Bảo Châu chia sẻ tâm sự cùng các bạn thủ khoa ĐH

-Liệu trong quá trình nghiên cứu của GS, đã bao giờ GS cảm thấy bế tắc và muốn bỏ cuộc nửa chừng chưa và trong những lúc như vậy thì GS đã làm gì để bản thân có thể vượt qua được?"
( Nguyễn Ngọc Dũng – thủ khoa ĐH Mỏ - Địa chất).
 
Con đường khoa học có rất nhiều rủi ro và trong đời ai cũng có lúc gặp phải những khó khăn. Khi đã dấn thân vào con đường này và đặt ra những kì vọng thì luôn muốn biết có đến đích hay không.
 
Nhưng đối với nghiên cứu khoa học nhiều rủi ro, cũng không thể đặt ra chỉ tiêu 5 năm hoàn thành chưong trình này, 10 năm chương trình kia. Tuy nhiên, chính vì vậy mà cảm giác thất bại trong quá trình như lao động như vậy khá là thường xuyên...
 
Nhiều bạn của tôi nói vui, làm toán rất là khổ sở, làm 100 ngày thì 99 ngày là khổ sở. Chỉ đúng một ngày vui nhất. Nhưng ngay sau ngày vui ấy lại phải tìm nỗi khổ sở tiếp theo. Nhưng trong nỗi gian nan trong quá trình làm khoa học mình luôn phải thành thực đối diện với thất bại.
 
Để rồi sau khi đã có những thất bại thì sẽ có những mầm mống của sự thành công. Cùng với một chút may mắn, các bạn sẽ thành công. Vì thế, các bạn luôn cần chuẩn bị nắm lấy cơ hội cho thành công.
 Phạm Ngọc Huyền - thủ khoa xuất sắc đến từ HV Hành chính

- GS đã được vinh danh rất nhiều lần nhưng khi đang đặt chân trên ngôi trường ĐH đầu tiên của Việt Nam, GS cảm thấy điều gì?
(Phạm Ngọc Huyền - thủ khoa xuất săc đến từ HV Hành chính)
 
Những giá trị cấu thành nên con con người Việt Nam có yếu tố yêu chân lí, yêu đạo đức con người, tôn thờ thẩm mĩ. Đối với tôi sự công nhận về các giá trị trên phương diện toán học là chuyên môn thôi.
 
Còn điều khiến tôi vui chính là câu chuyện giống như là tình yêu. Nó dấy lên niềm hi vọng, như các bạn thủ khoa. Mong các bạn cũng có một niềm tin vào tương lai và cả bản thân mình. Mong rằng năm hay mười năm nữa vẫn có thể gặp lại các bạn với ánh mắt như thế này".

- Giáo sư thường xuyên công tác ở nước ngoài và luôn bận rộn. Giáo sư thu xếp thời gian như thế nào để cống hiến cho đất nước?"
(Nguyễn Thị Huyền Trang – thủ khoa Học viện An Ninh)

Phần thời gian tôi sống ở bên Mỹ, làm việc tại ĐH Chicago. Nhận trọng trách của nhà nước giao cho làm Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về Toán nên hàng năm, tôi sẽ về nước làm việc trong 3 tháng hè. Trong năm học, tôi thường xuyên liên lạc với Viện để cố gắng hoàn thành trọng trách của mình.
 
GS Ngô Bảo Châu trong vòng vây của các thủ khoa ĐH xin chữ ký
 (Ảnh: Phạm Thịnh)


Ngoài ra, hiện tại, tôi đang xúc tiến thành lập quỹ tiếp sức, ủng hộ cho nhiều nhà khoa học tại VN với tên gọi Quỹ Hạt vừng. Hạt vừng tuy nhỏ bé nhưng sẽ mở ra một chân trời mới, như câu "Vừng ơi, mở cửa ra". Tôi hy vọng cánh cửa tri thức của Việt Nam sẽ có tầm cao hơn.
Hãy coi những vinh danh của danh hiệu thủ khoa hôm nay như một cái mình thấy tự tin, đem niềm tin cho mình. Cái niềm tin đó giúp cho bạn rất nhiều trong tương lai chứ không nên coi đó như một sức ép là phải làm được gì đó để xứng với danh hiệu thủ khoa. Cái sức ép ấy không giúp được cho các bạn vì cuộc sống thì muôn hình muôn vẻ.

Cái chuyện mình  học giỏi và thành công trong cuộc sống là khác nhau. Để thành công thì cần rất nhiều sự ham học, biết vượt qua thách thức. Phía trước các bạn là một con đường mở, các bạn hãy để những cái đã qua như hành trang giúp mình vượt qua khó khăn chứ đừng coi đó như môt gánh nặng
(GS Ngô Bảo Châu)



Phạm Thịnh (ghi)
Bình luận
vtcnews.vn