Các trường top trên sẽ ra đề như thế nào?

Giáo dụcThứ Năm, 18/08/2011 06:30:00 +07:00

(VTC News) – Có thể thi quanh năm, dựa theo các chuẩn của nước ngoài, hoặc thi khối D kết hợp với môn chuyên ngành – PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, ĐHQG Hà Nội đề xuất.

(VTC News) – Có thể thi quanh năm, dựa theo các chuẩn của nước ngoài, hoặc thi khối D kết hợp với môn chuyên ngành – PGS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất.

 

Thí sinh thi vào ĐH FPT theo phương thức mới từ nhiều năm nay: Trắc nghiệm Toán - Logic và Tự luận. Ảnh: Hoài Anh. 

Đề thi nhẹ nhàng, đánh giá được tố chất thí sinh

Nếu không có gì thay đổi, dự kiến năm 2012, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tiến hành đổi mới kỳ thi vào trường này – PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo trường này cho biết.

Hiện nay, nhà trường đang tiến hành xây dựng ngân hàng câu hỏi dựa theo các chuẩn GMAT, GRE, SAT… của nước ngoài. Theo ông Nhã, có nhiều phương án đổi mới thi được đưa ra nhưng trường phải làm cẩn thận, sau đó mới nhân rộng.

Có thể tất cả các thí sinh đều thi chung một khối D (là khối được đánh giá là đòi hỏi thí sinh khá toàn diện) với những câu hỏi rất cơ bản, sau đó sẽ thi một môn chuyên ngành. Hoặc đề thi sẽ ra theo các chuẩn GMAT, SAT, GRE…của nước ngoài, kết hợp với phỏng vấn - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho hay.

Với cách ra đề như vậy, theo nhiều chuyên gia giáo dục của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH FPT, thí sinh sẽ không phải nhồi nhét những kiến thức cao siêu như “tích phân”, “vi phân”…mà lại đánh giá được tố chất của thí sinh. Vì thế, các em sẽ không phải luyện thi nặng như trước, mà có nhiều thời gian học ngoại ngữ và các kiến thức xã hội ngay từ bậc phổ thông.

Mặt khác, cách ra đề như vậy sẽ khiến các trường thi quanh năm, chứ không tập trung vào một khoảng thời gian nhất định, tránh được cảnh ùn tắc ở Thủ đô. TS Nguyễn Xuân Phong, ĐH FPT còn cho biết, thi như thế, thí sinh dễ chuyển đổi ngành nghề khi thấy mình không phù hợp.

Chuyển đổi giữa các khối, các trường thế nào?

Ủng hộ việc các trường tốp trên tự chủ tuyển sinh, Đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, có thể thi chung theo cách thức đổi mới như trên và ứng với mỗi nhóm ngành, có thể nhân hệ số các môn khác nhau. Ví dụ ngành Công nghệ thông tin thì nhân hệ số môn Toán – Tư duy logic cao hơn các môn khác. Như thế, thí sinh cũng dễ chuyển đổi các ngành, để lựa chọn nghề phù hợp với mình nhất.

“Tuy nhiên, việc chuyển đổi giữa các trường phải cần sự điều tiết chung của Bộ GD&ĐT. Vì thí sinh khi thi đề riêng của ĐH Quốc gia Hà Nội, nếu không đỗ thì các trường khác sẽ công nhận kết quả thi thế nào?” - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo trường này phân tích.

Trước mắt, nếu tách thi riêng thì kỳ thi vào các trường “tốp trên” có thể thi khác ngày với kỳ thi chung, để đảm bảo nhiều lựa chọn cho thí sinh – Đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất.

 

Thay đổi cách nghĩ về đổi mới tuyển sinh

“Người ta thường đặt vấn đề đổi mới tuyển sinh ĐH là để tiết kiệm, là để giảm bớt gánh nặng cho các gia đình, cho thí sinh. Như vậy có đúng hướng hay không? Theo tôi phải đặt đổi mới tuyển sinh là để nâng cao chất lượng thì bài toán mới được đặt đúng tầm của nó: đổi mới tuyển sinh là để chọn đúng người có năng lực phù hợp nhất, tốt nhất để vào học ĐH, CĐ, sau ĐH…” – GS Mai Trọng Nhuận, GĐ Quốc gia Hà Nộiphát biểu trên báo Tiền Phong.

Các trường năng khiếu cũng cần tự chủ tuyển sinh

Trao đổi với VTC News, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. GS Thuyết lấy ví dụ, các trường thể dục, nhạc – họa…sẽ có yêu cầu khác với các ngành kinh tế, kỹ thuật…nên không thể áp dụng đề thi chung cho tất cả các trường.

Hoàng Tuân

Bình luận
vtcnews.vn