Đề án 70000 tỉ đồng đổi mới SGK: Sơ sài và không mới

Giáo dụcThứ Năm, 09/06/2011 09:00:00 +07:00

(VTC News)- GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: "Chỉ nên thay đổi CT, SGK phổ thông nếu thấy đó là một việc quá bức xúc, không làm không được...”.

(VTC News) - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội: “Tuy nhiên, trong hoàn cảnh dân còn nghèo, đất nước còn đang nhiều khó khăn, chỉ nên thay đổi CT, SGK phổ thông nếu thấy đó là một việc quá bức xúc, không làm không được”.

Xung quanh dự thảo đề án: "Đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015" vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, đang gây xôn xao dư luận, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội xung quanh vấn đề này.

 GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: "chỉ nên thay đổi CT, SGK phổ thông nếu thấy đó là một việc quá bức xúc, không làm không được” (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Ông nghĩ gì về việc Bộ GD&ĐT dự trù một số tiền tới 70.000 tỉ đồng để xây dựng đề án “Đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015”?

Đề án của Bộ GD&ĐT dự trù kinh phí tới 70.000 tỉ đồng nhưng trong số ấy đã có hơn 65.000 nghìn tỉ dự trù cho xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất trường học và mua sắm thiết bị dạy học. Số tiền biên soạn chương trình (CT), SGK chỉ là 962 tỉ đồng, hơn giá làm 1 km đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa ở Hà Nội một chút. Nhưng vấn đề ở đây là làm đã hợp lý chưa, đúng thời điểm chưa, có gì mới không - đó mới là những điều đáng bàn.

- Vậy theo ông việc đầu tư này đã thực sự hợp lý chưa?

Theo tôi, việc trình đề án đổi mới CT, SGK lúc này là chưa đúng thời điểm. Việc cần làm trước nhất là đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đổi mới không chỉ giáo dục phổ thông mà cả giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nữa. Khi đã có kế sách đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục thì tất yếu sẽ phải đổi mới CT, SGK phổ thông. Chưa biết việc lớn làm thế nào mà đã bắt tay vào sửa chữa một bộ phận nhỏ thì đó là quy trình ngược.

- Ở đây, cái lý của Bộ GD&ĐT khi đưa ra đề án này là gì vì chương trình SGK mới chúng ta đang thực hiện chỉ từ năm 2002?


Ở nhiều nước, chu kỳ đổi mới chương trình, SGK phổ thông chỉ khoảng 10 -15 năm. Ở nước ta, tính từ chương trình cải cách giáo dục năm 1981 đến lúc triển khai chương trình, SGK hiện hành là 21 năm. Bây giờ, nếu lấy năm 2002 (năm thực hiện đại trà chương trình, SGK hiện hành) làm mốc thì đến năm 2019 (năm dự kiến triển khai đại trà chương trình, SGK sắp xây dựng), tổng thời gian sẽ là 17 năm.

Như vậy, việc đổi mới sách giáo khoa cũng là một công việc bình thường. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh dân còn nghèo, đất nước còn đang nhiều khó khăn, chỉ nên thay đổi CT, SGK phổ thông nếu thấy đó là một việc quá bức xúc, không làm không được. Hợp lý nhất là trong thời điểm này chỉ điều chỉnh những nội dung mà các nhà chuyên môn thấy là nặng nề, hàn lâm, ít thiết thực và thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học.

Theo tôi, cái đáng lo nhất bây giờ là giáo dục ĐH và dạy nghề, chứ không phải GD phổ thông. Từ trước tới nay, chúng ta thực hiện 4 lần cải cách giáo dục thì cả 4 lần đều chỉ liên quan đến giáo dục phổ thông. Sẽ rất sai lầm nếu cứ luẩn quẩn mãi với GD phổ thông mà lơ là về chất lượng giáo dục ĐH và dạy nghề, bởi vì chính giáo dục ĐH và dạy nghề mới trực tiếp tạo ra những người lao động đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Việc đưa ra dự thảo về đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông lúc này được xem là chưa hợp lý và chưa đúng thời điểm  

- Ông đánh giá như thế nào về bản dự thảo đề án mà Bộ GD&ĐT đưa ra?

Bản dự thảo đề án còn tương đối sơ sài, có 30 trang nội dung. Đề án chỉ mới nêu ra được một số ý tưởng, kiểu “gạch đầu dòng”, chứ chưa có gì cụ thể. Nhiều vấn đề cụ thể về hệ thống giáo dục phổ thông vẫn chưa được nghiên cứu làm cơ sở cho đổi mới, do đó nội dung đề án đổi mới chưa có gì mới so với CT, SGK hiện hành.

Tôi chỉ lấy một ví dụ về số môn học trong nhà trường. Trước đây, thời tôi đi học thì chương trình tiểu học gộp luôn cả lịch sử, địa lý, vệ sinh,…vào môn quốc văn, thành  tập đọc Khoa – Sử - Địa, chứ không chia thành lắm môn như bây giờ. Nếu cứ có bao nhiêu ngành khoa học, trường phổ thông phải dạy bằng đấy môn thì trẻ em không thể học được.

- Thưa ông, với một số tiền lớn là 70.000 tỷ đồng cho đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015” khi chưa chắc chắc về hiệu quả thì dư luận xã hội sẽ đánh giá như thế nào?

Theo nghị quyết 49/2010/QH12 của Quốc hội, những dự án, công trình được đầu tư từ 35.000 tỉ đồng trở lên, trong đó có ít nhất 11.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, là công trình quan trọng quốc gia và phải trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đề án này dự trù kinh phí từ ngân sách nhà nước gấp sáu lần mức 11.000 tỉ đồng, chắc chắn phải đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Số tiền 70.000 tỉ đồng là một số tiền rất lớn.

Những người làm đề án gộp luôn việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK các cấp học, biên soạn tài liệu hướng dẫn giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị dạy học, triển khai thí điểm chương trình - SGK  nên đã dự trù một lượng kinh phí rất lớn là 70.000 tỉ đồng. Việc gộp cả hai loại việc và hai loại kinh phí vào một đề án cũng có sự hợp lý bởi  khi đã đổi mới về CT, SGK thì ắt phải đổi mới về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cho phù hợp.

Đề án này mới đang trong giai đoạn đưa ra xin ý kiến các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, đưa ra lúc này là không hợp thời. Người dân khi thấy đề án dự trù số kinh phí thực hiện lớn như vậy hẳn phải băn khoăn về hiệu quả. Bởi vậy, nếu cái mới và hiệu quả chưa chắc chắn thì không nên làm.

Xin cảm ơn ông!


Phạm Thịnh( thực hiện)


Bình luận
vtcnews.vn