Siêu cúp Olympic Tin học và nỗi lòng người khởi xướng

Giáo dụcThứ Bảy, 05/02/2011 08:20:00 +07:00

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống toán học, từng đoạt giải ba Toán Quốc tế năm 1975, TS Nguyễn Long lại có niềm say mê lớn nhất là tin học.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống toán học, từng đoạt giải ba Toán Quốc tế năm 1975, TS Nguyễn Long lại có niềm say mê lớn nhất là tin học. Nhân dịp xuân mới, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam về lĩnh vực này…

TS Nguyễn Long sinh ra trong một gia đình có truyền thống toán học, bố anh là nhà giáo Nguyễn Thương, tác giả sách giáo khoa lượng giác dành trong trường phổ thông trong những năm 60-80. Anh từng đoạt giải ba Toán Quốc tế năm 1975, cùng lứa với Nguyễn Minh Đức và Phan Vũ Diễm Hằng. Tuy nhiên, niềm say mê lớn nhất của anh lại là lĩnh vực tin học. Năm 1984, anh đã từng tham gia viết phần mềm quản lý cho Bộ Quốc phòng và sau đó là phần mềm tính dung tích bể xăng dầu, quản lý ngành xăng dầu. Nguyễn Long cũng là người may mắn được sử dụng một trong 40 máy tính quả táo APPLE II đầu tiên về Việt Nam do các nhà khoa học Mỹ tặng Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu. TS Nguyễn Long hiện là Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam. Nhân dịp xuân mới, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn anh về lĩnh vực này. 

Rất muốn tin nhưng không thể!...

Là người khởi xướng Siêu cúp Olympic Tin học, đưa sinh viên Việt Nam tới sân chơi quốc tế, Anh đánh giá như thế nào về trình độ sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực này?

TS Nguyễn Long: Tôi tin vào số lượng nhưng hoài nghi về chất lượng. Mà trong khoa học và ngay cả thực tế, chỉ có chất lượng mới có tính quyết định 
Qua nhiều năm theo dõi, tôi nhận thấy có một điều nghịch lý. Đó là sinh viên Việt Nam rất thông minh, nhanh nhạy, tức là rất giỏi và hội nhập rất nhanh. Đã 6 năm liền, ngay từ đầu nhập cuộc với kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC họ luôn nằm trong TOP 100/gần 1 vạn trường đại học tham gia thi đấu trong đó có tất cả các trường danh tiếng từ những cường quốc lớn như Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ... Ở khu vực, duy nhất Việt Nam duy trì được thành tích này.

Còn nghịch lý là gì?

Vị trí tin học Việt Nam so với thế giới lại nằm ở mức trung bình yếu.

Vì sao vậy thưa anh?

Có nhiều lý do. Thứ nhất, cái này nhiều người nói rồi nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại, đó là chúng ta làm giáo dục vẫn theo tư duy bao cấp, hết sức trì trệ. Thứ hai, theo tôi đây là nguyên nhân mấu chốt. Có lẽ chúng ta chưa chọn đúng hướng đi cho mình. Muốn chọn đúng, trước hết lại phải nhìn nhận thật trung thực, khách quan mình là ai, mình có ưu thế gì, điểm yếu gì và sẽ phải làm gì. Nghĩa là nên chọn đúng với tầm của mình.

Theo anh thì chúng ta nên chọn hướng đi nào?

Theo tôi, chúng ta nên chú trọng đến đầu tư phát triển theo hướng làm dịch vụ công nghệ thông tin. Đó có lẽ là mặt mạnh của ta nhưng tiếc rằng chúng ta chưa thích và chưa sẵn sàng cho việc lựa chọn này. Thời gian 10 năm qua, chúng ta luôn ước mơ mình sẽ mạnh và cố đi theo hướng kiểu tạo nền công nghiệp phần mềm có lẽ là không thích hợp.

Tại sao, thưa anh?

Khoa học cũng như mọi lĩnh vực khác, muốn vươn cao thì điểm xuất phát phải cao, tức là phải có cái nền cao. Những người giàu nhất thế giới thường phải là công dân của những nước giàu nhất thế giới. Cầu thủ giỏi nhất thế giới phần lớn cũng ở các cường quốc bóng đá. Trong khoa học cũng tương tự như vậy. Liệu với môi trường khoa học Việt Nam như hiện nay, chúng ta có thể đi theo con đường khoa học sáng tạo để đọ với các phát minh sáng chế và phần mềm bao trùm cả thế giới?

Nhưng trên thực tế, đã có doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực sáng tạo như FPT chẳng hạn?

Đó chỉ là những thành công nhỏ lẻ và thời điểm. Thành công của FPT cũng là hướng dịch vụ, họ làm dịch vụ phát triển phần mềm cho một việc cụ thể trong thời điểm cụ thể ở một dự án rất cụ thể chứ không thể mang áp dụng toàn cầu. Giới tin học gọi đó là "phần mềm may đo".

Anh có tin vào kế hoạch một triệu nguồn nhân lực từ công nghệ thông tin?

Tin. Tôi tin vào số lượng nhưng hoài nghi về chất lượng. Mà trong khoa học và ngay cả thực tế, chỉ có chất lượng mới có tính quyết định.

Anh có vẻ bi quan?

Nói thật là tôi rất muốn tin nhưng chắc phải có sự thay đổi mạnh mẽ kể cả nhận thức... Tôi lo sợ khi có một triệu người sống nhờ tin học thì sẽ có cuộc tháo chạy khỏi ngành này một cách ồ ạt.

Xuất hiện tâm lý thỏa mãn

Đã 6 năm nay, anh đều được mời làm Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo cuộc thi Nhân tài Đất Việt ở lĩnh vực CNTT. Anh thấy công việc đó thế nào?

Tôi nghĩ về thành tựu Nhân tài Đất Việt đã được các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể và nhất là cộng đồng tin học Việt Nam khẳng định rồi. Tôi chỉ muốn nói về những nuối tiếc của mình.

Vâng, đó là những điều gì, thưa anh?

Có một số sản phẩm được giải cao, ý tưởng tốt nhưng đã không thể lấy đó làm cú huých để phát triển rộng rãi. Có thể là các thí sinh là dân kỹ thuật không phải dân kinh doanh hoặc có thể do xuất hiện tâm lý thỏa mãn và đó chính là kẻ thù của sáng tạo bởi bản chất của sáng tạo là luôn luôn khao khát chinh phục những đỉnh cao không ngừng nghỉ. Dừng lại, thỏa mãn là tự sát.

Anh có thể ví dụ cụ thể?

Nhiều chứ. Như sản phẩm Skydoor.net năm 2008 hoặc như sản phẩm "Giải pháp cung cấp thông tin trực tuyến tích hợp cổng thông tin mvnFORUM và mvnCMS" của nhóm My VietNam năm 2005 cũng vậy. Rất tiếc cho đến nay cả hai sản phẩm này đều không phát triển được thành sản phẩm thương mại ứng dụng rộng rãi, có thương hiệu và thị trường. Duy nhất có thể là sản phẩm Hoctructuyen.vn có vẻ chớp được cơ hội và hình như đang được triển khai ứng dụng rộng rãi.

Và đó là điều đáng tiếc.

Nhưng tôi vẫn mơ ước và kỳ vọng sẽ có sản phẩm Nhân tài Đất Việt thực sự chắp cánh cho trí tuệ Việt Nam.

Xin cám ơn anh!

Theo Dân trí

Bình luận
vtcnews.vn