Ấn Độ chi 25 tỷ USD chế tạo máy bay thế hệ thứ 5

Thế giớiThứ Năm, 07/10/2010 01:30:00 +07:00

(VTC News) - Ấn Độ dự định sẽ đầu tư hơn 25 tỷ USD để trang bị cho Không quân nước này 250 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 dựa trên phiên bản máy bay T-50.

(VTC News) - Ấn Độ dự định sẽ đầu tư hơn 25 tỷ USD để trang bị cho Không quân nước này 250 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 dựa trên phiên bản máy bay chiến đấu tầm xa PAK FA T-50 của Nga.

 


Ấn Độ chi 25 tỷ USD để mua 250  tiêm kích thế hệ 5 FGFA dựa trên phiên bản máy bay tiêm kích tiền phương PAK FA T-50 của Nga. 

Dự án chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 trên phiên bản máy bay chiến đấu tầm xa PAK FA T-50 giữa Nga và Ấn Độ là một trong những chương trình quân sự đắt tiền nhất trong lịch sử Ấn Độ.


Theo lời Tư Lệnh Không quân Ấn Độ, Nguyên soái Pradeep Vasanta Naik cho biết, bắt đầu từ năm 2017 Ấn Độ có thể sẽ trang bị cho Không quân từ 200-250 chiếc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5.

 

Mặc dù hiện nay máy bay tiêm kích tầm xa PAK FA T-50 mới chỉ kết thúc lần bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 1 vừa qua, song Ấn Độ và Nga đã quyết định nghiên cứu, phát triển máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 trên phiên bản của T-50  có tính đến những yêu cầu của Không quân Ấn Độ.

 

Tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Cube.

Theo thiết kế, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 dành cho Không quân Ấn Độ sẽ được thiết kế với hai phiên bản (một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi). Đây là dòng máy bay chiến đấu đa dụng được trang bị các thiết bị điện tử trên khoang mới nhất, có khả năng tàng hình trước các phương tiện radar hiện đại của đối phương, có hỏa lực mạnh, độ chính xác cao khi tiêu diệt mục tiêu, có khả năng quan sát 360 độ và được trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, công nghệ mới nhất.

 

Hiện nay, phía Ấn Độ đã rót vào chương trình nghiên cứu, chế tạo chung máy bay chiến đấu hiện đại với Nga khoảng 8-10 tỷ USD. Trong khi trước đó nhiều nguồn thông tin đại chúng cho rằng, tham gia vào dự án này, Hãng Hindustan Aeronautics của Ấn Độ sẽ chỉ phải chi khoảng 25% tổng trị giá dự án.

 

Ngày 31/8/2010 Hãng Sukhoi của Nga đã thực hiện chuyến bay trình diễn PAK FA T-50 trước Bộ Quốc phòng Ấn Độ cùng đại diện Tổ hợp công nghiệp quốc phòng của nước này tại sân bay ngoại ô Ramenski.

Tổ hợp tên lửa phòng không 9K33 Osh. 

Đặc tính kỹ-chiến thuật của dòng máy bay tiêm kích tiền phương PAK FA T-50 đến nay vẫn chưa chính thức được tiết lộ, chỉ biết là dòng máy bay này có khả năng cất và hạ cánh trong phạm vi hẹp (300-400 m), có thể tham gia hoạt động tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết. Loại máy bay này cho phép đạt đến tốc độ tối đa 2.600 km/h, được trang bị pháo 30 mm và 10 giá treo bom.

 

Liên quan đến các phương tiện tác chiến đường không trong tương lai, Tư lệnh Không quân Ấn Độ, Nguyên Soái Praddep Naik thừa nhận, gần nửa số phương tiện bay tác chiến, không chỉ máy bay và máy bay trực thăng mà ngay cả hệ thống tên lửa phòng không đang có trong biên chế cũng đều đã “già nua”.

 

Hiện nay, Ấn Độ đang sở hữu một vài loại tổ hợp tên lửa phòng không như: 9M33 và 9K33 Osh, 2K12 Cube và S-125 Pechora, tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Igla. Đa số các tổ hợp tên lửa này đều được xuất xưởng từ thời Liên Xô nên đến nay gần như không còn phù hợp.

 

 Tổ hợp tên lửa phòng không Akash.

Để khắc phục tình trạng này, một mặt Ấn Độ tăng cường công tác tự nghiên cứu, chế tạo tên lửa cho quân đội, đồng thời xúc tiến quá trình mua một vài phương tiện tác chiến mới, trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không Akash thay thế cho tổ hợp Cube.

 

Vào tháng 2 vừa qua, Không quân Ấn Độ đã mua của Hãng Bharat Electronics trong nước 750 tên lửa phòng không Akash với tổng trị giá 42,79 tỷ rupee (925 triệu USD) mặc dù trước đó Không quân Ấn Độ cũng đã đặt mua 250 tên lửa loại này dự kiến sẽ hoàn tất cung cấp vào năm 2015.

 

Đến tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố gói thầu cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp để thay thế cho tổ hợp Osa và Cube.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-125 Pechora.

Cần phải nhấn mạnh rằng, hiện nay vũ khí tên lửa là một trong những khâu yếu nhất của Không quân Ấn Độ. Phần lớn máy bay chiến đấu như Mig-21, Mig-23, Mig-27, Mig-29, Sepecat Jaguar, Dassault Mirage 2000 và máy bay trực thăng Mi-8, Mi-26 của Không quân Ấn Độ đều đã cũ, trong khi số phương tiện bay tác chiến mới được trang bị chưa nhiều.

Dự kiến từ nay đến năm 2020 Không quân Ấn Độ sẽ được trang bị khoảng 272 máy bay tiêm kích Su-30MKI và từ năm 2017 máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 FGFA sẽ bắt đầu hiện diện trong lực lượng Không quân nước này.

 

Gần nửa số phương tiện bay tác chiến và tổ hợp tên lửa phòng không của Nga đã cũ chưa kịp thay thế. 

Hữu Kỷ - Nhật Minh
(Theo Lenta)

Bình luận
vtcnews.vn