5 triệu yen trong loa thùng rác: 'Tỷ phú' ve chai bị làm khó

Thời sựThứ Hai, 04/05/2015 11:47:00 +07:00

Dù thời hạn 1 năm tìm chủ sở hữu của 5 triệu yen (khoảng 1 tỉ đồng) đã hết, nhưng 'tỷ phú ve chai' Huỳnh Thị Ánh Hồng vẫn chưa được nhận lại số tiền mà chị nhặt

Dù thời hạn 1 năm tìm chủ sở hữu của 5 triệu yen (khoảng 1 tỉ đồng) đã hết, nhưng “tỉ phú ve chai” Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú Q.Tân Bình, TP.HCM) vẫn chưa được nhận lại số tiền mà chị nhặt được.

'Tỷ phú ve chai' bị làm khó?

Những ngày cuối cùng trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ra thông báo công khai tìm chủ sở hữu của 5 triệu yen (28/4/2014 đến 28/4/2015), bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) bỗng nhiên xuất hiện, nộp đơn trình báo với Công an Q.Tân Bình cho rằng tài sản này là của chồng bà.

Chị Hồng hằng ngày vẫn đi mua ve chai và chờ đợi kết quả giải quyết 5 triệu yen Nhật - ảnh: Lam Ngọc  

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Ngọt cho biết bà và ông Afolayan Caleb (48 tuổi, quốc tịch Nam Phi) kết hôn vào năm 2012. Cuối năm đó, ông Caleb bệnh và có nói với bà rằng ông có 6 triệu yen Nhật cất trong chiếc thùng được để trong nhà, nhờ bà tìm giúp. Nhưng bà không tìm được.

Đến tháng 6/2013, ông Caleb phải trở về nước lo chuyện gia đình. Cuối tháng 3/2014, qua báo chí, bà biết được chị Huỳnh Thị Ánh Hồng - người mua ve chai đã nhặt được 5 triệu yen Nhật, nên bà nghi ngờ số tiền đó là của chồng mình.

Khi được hỏi những chứng cứ liên quan đến số tiền, bà Ngọt chỉ đưa ra được giấy đăng ký kết hôn của hai vợ chồng do Nigeria cấp và lý lịch tư pháp của ông Caleb.


Chuyển hồ sơ qua tòa án

Một lãnh đạo Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) cho rằng, Công an quận chỉ có nhiệm vụ xác minh bà Ngọt có thường trú đúng như địa chỉ như trong đơn không, sau đó chuyển hồ sơ qua cho tòa án để mời những người liên quan đến xác minh và đưa ra phán quyết cuối cùng “chủ nhân” của số tiền này. Cơ quan công an không có trách nhiệm điều tra xác minh, kết luận chủ sở hữu của số tiền nói trên. Sau khi TAND Q.Tân Bình đưa ra kết luận cuối cùng xác định số tiền thuộc về ai hoặc ai được hưởng một phần..., thì số tiền sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân của người được thừa hưởng để tránh bị xâm hại.

Đàm Huy
Người xuất hiện “phút 89” không đủ tư cách nhận tiền

Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Đỗ Văn Đại, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM, khẳng định: “Bà Ngọt chưa đủ tư cách làm đơn nhận lại tiền”.

Ông Đại phân tích: “Ngày cuối cùng để xem xét ai là chủ sở hữu của 5 triệu yen là 28/4/2015. Trước thời điểm trên, bà Ngọt đến nhận theo hướng đó là tài sản của chồng bà.

Theo thông tin từ Công an Q.Tân Bình, cơ quan này đang đợi và yêu cầu ông Caleb trong thời gian sớm nhất phải trực tiếp về VN hoặc ủy quyền hợp pháp cho bà này khai báo chứng minh mình là chủ của 5 triệu yen để cơ quan chức năng có cơ sở giải quyết. Điều đó có nghĩa, lúc nộp đơn và hiện tại bà Ngọt không có ủy quyền của ông Caleb”.


Cũng theo ông Đại, bà Ngọt chưa được coi là vợ chồng hợp pháp theo pháp luật VN nên bà không là chủ sở hữu khối tài sản trên theo pháp luật VN, ngay cả trong trường hợp có cơ sở để khẳng định đó là tài sản của ông Caleb.

Vì vậy, với những thông tin hiện có, bà Ngọt không có đủ tư cách làm đơn xin nhận số tiền trên cũng như khởi kiện nếu có tranh chấp. “Vì vậy, cơ quan công an có thể bác đơn của bà Ngọt và xử lý số tiền, trao trả cho chị Hồng theo quy định”, ông Đại nói.


Ông Quách Hữu Thái, Phó chánh tòa Dân sự TAND TP.HCM, cũng cho rằng giữa bà Ngọt và ông Caleb chỉ đăng ký kết hôn tại Nigeria mà chưa thực hiện thủ tục ghi chú tại Sở Tư pháp TP.HCM nên quan hệ hôn nhân giữa bà và ông Caleb chưa được công nhận tại VN.

Do đó, vấn đề tài sản chung vợ chồng là không được công nhận. “Muốn xin nhận lại hoặc chứng minh số tiền trên là của mình thì ông Caleb phải tự mình làm đơn hoặc có ủy quyền hợp pháp cho bà Ngọt thay mình khiếu nại hoặc khởi kiện, nhưng thời hạn để ông Caleb thực hiện các thủ tục trên không được quá ngày 28/4/2015.

Quá thời gian này mà ông Caleb không có mặt hoặc chưa hoàn tất việc ủy quyền thì công an sẽ phải làm thủ tục đề nghị Phòng Tài chính - Kế hoạch Q.Tân Bình xử lý số tiền trên cho bà Hồng theo quy định”, ông Thái nói.


“Không chứng cứ thì từ chối ngay”


Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: “Việc cơ quan công an thụ lý đơn của bà Ngọt thì không thể trách nhưng ngay sau khi nhận đơn, nếu nhận thấy không có cơ sở pháp lý vì toàn bộ tường trình của bà Ngọt chỉ là lời nói, không có chứng cứ, những giấy tờ bà Ngọt nộp công an không hề liên quan đến sự việc thì ngay sau đó bằng một văn bản hoặc cuộc họp phía công an phải từ chối nhận đơn của Ngọt, chứ không phải trả lời rằng cần xác minh.

Khi có chứng cứ mới cần xác minh, còn không chứng cứ thì từ chối ngay. Đó mới thể hiện việc cán bộ làm việc không ngại trách nhiệm và vững chuyên môn, nghiệp vụ”.


TS Đoàn Thị Phương Diệp, Khoa Luật - ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng để bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu thật sự số tiền trên nên vào “phút 89”, phía công an phải thụ lý là hợp tình.

Tuy nhiên, qua ngày 28/4/2015, nếu công an yêu cầu cung cấp chứng cứ, giấy tờ liên quan mà bà Ngọt không thể đáp ứng thì Công an Q.Tân Bình có quyền bác đơn của bà Ngọt. Và cũng phải tiến hành các thủ tục cần thiết để trao trả lại số tiền thuộc về chị Hồng theo luật định.

Người lạ mặt “gợi ý riêng”

Theo chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, chiều 27/4 có một người đàn ông ngoài 40 tuổi, xưng là nhân viên của một công ty nước ngoài có trụ sở tại Hà Nội, mang một phong bì bên trong có 5 triệu đồng và một lá thư tới nhà tìm gặp chị.

Nội dung bức thư đề nghị chị giao 5 triệu yen về cho đất nước Nhật Bản thông qua công ty của ông. Đổi lại, công ty sẽ hỗ trợ vốn cho chị làm ăn. “Tôi đã cảm ơn và xin gửi lại 5 triệu đồng cho người đàn ông lạ mặt ấy”, chị Hồng chia sẻ.


Trước đó, một người đàn ông tự xưng là tiến sĩ đang làm việc tại Hà Nội cũng thường xuyên gọi điện, nhắn tin cho chị với đề nghị như vậy.

Nguồn: Thanh niên
Bình luận
vtcnews.vn