Còn uẩn khúc trong vụ án Lê Văn Luyện?

Pháp luậtChủ Nhật, 15/01/2012 10:11:00 +07:00

Nhiều nghi vấn về các tình tiết trong vụ án vẫn chưa sáng tỏ. Chính vì vậy luật sư bảo vệ cho các nạn nhân đã yêu cầu HĐXX trả hồ sơ, điều tra lại.

Kết thúc 2 ngày xét xử, HĐXX đã tuyên Lê Văn Luyện tổng cộng 18 năm tù. Tuy nhiên, nhiều nghi vấn về các tình tiết trong vụ án vẫn còn chưa được làm sáng tỏ. Chính vì vậy, trước khi tòa nghị án, luật sư bảo vệ cho các nạn nhân đã yêu cầu HĐXX trả hồ sơ, điều tra lại.

Luật sư Thanh 
Luyện có đồng phạm hay không?


Theo luật sư Trần Chí Thanh (Văn phòng luật sư Tâm Đức - Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho đến bây giờ, ông vẫn không tin là Luyện gây án một mình.

Bởi vậy, trong suốt phần tranh tụng trong ngày xét xử thứ 2 (11/1), luật sư Thanh luôn đưa ra những chứng lý yêu cầu HĐXX cần phải làm rõ.

Thứ nhất, theo lời khai của cháu Bích, nhân chứng duy nhất của vụ án, cháu Bích đã nhìn thấy hai thanh niên đã ép sát bố cháu vào bờ tường. Cháu Bích và Lê Văn Luyện đều là trẻ em dưới tuổi vị thành niên. Vậy tại sao bản cáo trạng chỉ có lời khai của Luyện mà không căn cứ vào lời khai cháu Bích?

Cháu Bích khai đã nhìn thấy có 2 người tham gia đột nhập và gây án. Thậm chí, cháu Bích còn khai nhìn rõ 2 đối tượng đó đầu xanh đầu đỏ.

Điều mà cháu Bích khai nhận không phải là không có căn cứ. Ngay sau khi xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng này, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã thông báo nhận dạng về hung thủ gây án.

Theo đó, vụ án mạng nghiêm trọng này có ít nhất 2 đối tượng: 1 đối tượng độ tuổi từ 17 đến 30, cao khoảng 1,70m; dáng người gầy, mặt xương, tóc cắt ngắn, mặc quần bò và áo kẻ sọc xanh màu tối kiểu thể thao.

Đối tượng còn lại cũng ở độ tuổi từ 17 đến 30, cao từ 1,60 đến 1,65m; tóc phía trước cắt trọc, sau gáy để đuôi dài; mặc quần áo cộc tay màu tối.

Thứ 2, theo như lời khai của Luyện, khi xuống tầng 1 thấy có camera nên đã ngắt cầu dao điện nhưng sau đó lại kéo actomat khiến còi báo động kêu mới hoảng sợ dập actomat.

Điều này mâu thuẫn, bởi chỉ có khi Luyện đã dập cầu dao, đồng phạm không biết mới kéo actomat khiến chuông kêu. Luyện khai xuống tầng 1 căn nhà, Luyện lấy đèn pin soi ở quanh tủ trưng bày vàng nhưng thấy bị khóa.

Vậy tại sao hệ thống camera lại không có hình của Luyện?

Thứ 3, việc Lê Văn Luyện đột nhập, sát hại các nạn nhân, cướp vàng, thoát ra và xử lý vết thương…rất thành thục và bình tĩnh khác với tâm lý tội phạm thông thường. Và việc Hồng chở Luyện về trạm y tế xã Thanh Lâm băng bó vết thương gặp cả mẹ Luyện và mẹ Hồng ở đó có thực sự vô tình không?

Việc Bị cáo Hồng nhận điện thoại có hẹn trước và hẹn khi nào xong thì gọi ra đón Luyện là trường hợp có sự không minh bạch trong nội dung này. Vì vậy, hoàn toàn có thể, Luyện gây án khi có sự hậu thuẫn về tâm lý từ trước.

Từ những lý do trên, luật sư Thanh khẳng định: có thể có đồng phạm với Lê Văn Luyện trong vụ án này. Bởi vậy, gia đình nạn nhân mới quyết định kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Thực nghiệm hiện trường có vấn đề?

Cũng theo luật sư Thanh, việc thực nghiệm hiện trường có “vấn đề”. Lí giải điều này, luật sư Thanh viện dẫn: Điều 153 BLTTHS ghi rõ: việc thực nghiệm bắt buộc phải có sự tham gia chứng kiến của bị can, người bị hại, người làm chứng…

Theo luật sư Thanh, việc thực nghiệm hiện trường có “vấn đề”. 

"Trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, Luật sư chúng tôi tham gia với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại lại không được thông tin và bị giấu kín về việc thực nghiệm hiện trường" - ông Thanh nói.

Mặt khác, trong lần thực nghiệm đột nhập tiệm vàng, cơ quan điều tra đó cử một phó công an phường có vóc dáng giống Luyện để diễn lại việc trèo vào và thoát ra khỏi tiệm vàng là "chưa khách quan".

Giả sử người “đóng thế” trèo cây giỏi nên dễ dàng trèo được lên ban công tầng 3 của tiệm vàng rồi cạy cửa đột nhập, còn Luyện phải sử dụng sự trợ giúp của đồng bọn hoặc các phương tiện khác thì kết quả thực nghiệm sẽ không thể kiểm chứng được tính chính xác lời khai của Luyện về hành vi đó.

Chính vì cho rằng vụ án này còn rất nhiều “vấn đề” nên trước khi HĐXX tuyên án với các bị cáo, các luật sư đại diện cho bị hại đã yêu cầu tòa trả hồ sơ, điều tra lại từ đầu. Yêu cầu đó không được chấp nhận, nên ngay sau khi kết thúc phiên tòa, gia đình nạn nhân tuyên bố sẽ kháng cáo.

Đại tá Nguyễn Văn Dư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang khẳng định: Việc thực nghiệm hiện trường vụ án, CQĐT đã thực hiện đúng quy định pháp luật. Không nhất thiết vụ nào cũng phải dựng lại hiện trường nếu đã đủ căn cứ khẳng định tội phạm. Việc khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm hiện trường được tiến hành rất khách quan, thận trọng theo đúng pháp luật.


Hoàng Sang/ VietNamNet

Bình luận
vtcnews.vn