Nữ thí sinh đặc biệt ước mơ thành bác sĩ thú y

Giáo dụcThứ Năm, 03/07/2014 05:16:00 +07:00

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, năm lên 11 tuổi, Nhi xuất hiện triệu chứng rụng tóc và một năm sau đầu em không còn một sợi tóc dù gia đình đã tìm cách chữa

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, năm lên 11 tuổi, Nhi xuất hiện triệu chứng rụng tóc và một năm sau thì đầu em không còn một sợi tóc dù gia đình đã tìm cách chữa trị khắp nơi.

Tại điểm thi trường THCS phường Hưng Dũng, TP Vinh của cụm thi Vinh (Nghệ An) có một nữ thí sinh khá đặc biệt. Em là Trần Thị Nhi (18 tuổi, ở xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), đầu bị rụng hết tóc, dự thi vào ngành bác sĩ thú y, đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội.
 Nữ thí sinh Trần Thị Nhi.
Nữ thí sinh Trần Thị Nhi. 
Sáng 3/7, sau chặng đường dài từ huyện Cẩm Xuyên ra thành phố Vinh, Nhi đã hoàn tất thủ tục đăng ký dự thi. Luôn sát cánh bên em là người mẹ Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi).

Chị Hoa chia sẻ, chị và anh Trần Văn Thanh cưới nhau năm 1995, sinh được 2 người con là Nhi và cháu Trần Văn Quang (15 tuổi). Từ lúc sinh ra, hai chị em Nhi phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa.

Đến năm 2007, lúc đó Nhi đang học lớp 6 còn Quang học lớp 3 thì bỗng dưng đổ bệnh, mắt bên phải của Quang mờ dần còn Nhi thì xuất hiện chứng rụng tóc.

Dù được gia đình đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình của hai chị em vẫn không có gì tiến triển. Một năm sau đó, đầu Nhi không còn một sợi tóc, gia đình phải bán hết những tài sản có giá trị để đưa em đi điều trị ở Bệnh viện Da liễu Trung ương và nhiều nơi khác.

Cứ mỗi lần nghe người ta bảo có thầy nào giỏi là hai vợ chồng chị Hoa lại lặn lội khăn gói lên đường mong chữa khỏi bệnh cho con nhưng tất cả đều lắc đầu vô vọng.
Chị Hoa luôn ở bên động viên con.
Chị Hoa luôn ở bên động viên con. 
Nói về căn bệnh của mình, Nhi cho biết, thời gian đầu mới bị em rất tự ti, không dám tiếp xúc với bạn bè. Sau đó, nhờ sự quan tâm của các bạn, thầy cô giáo nên em mạnh dạn hơn.

“Mỗi lần tóc rụng là đầu em ngữa kinh khủng, da mẩn đỏ. Dù đã đi khắp nơi nhưng bác sĩ bảo chưa phát hiện ra được bệnh gì. Em chỉ mong sao mình khỏi bệnh để yên tâm học tập, tự tin khi tiếp xúc với mọi người”, Nhi tâm sự.

Nói về nguyện vọng thi vào ngành bác sĩ thú y, Trần Thị Nhi bộc bạch, gia đình vốn làm nông, chăn nuôi nhiều. Từ đó em mong muốn nếu thi đậu, sau khi ra trường sẽ về giúp đỡ người nông dân, trở thành người bác sĩ giỏi cống hiến cho xã hội.

“Em thấy nghề bác sĩ thú y ở nước ta còn kém phát triển, nhất là những vùng quê nghèo. Nếu có chuyên môn tốt em không chỉ giúp được bố mẹ, bà con trong vùng mà còn giúp người nông dân yên tâm phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập”, Nhi thổ lộ.

Ông Dương Ngọc Đức, xóm trưởng xóm Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch (nơi gia đình em Nhi sinh sống) cho biết, hoàn cảnh gia đình của anh Thanh, chị Hoa cũng khá khó khăn. Mới đây hai vợ chồng họ vay mượn cũng đã xây cất được căn nhà. Tuy nhiên, do tiền chữa trị cho hai đứa con bị bệnh nên vẫn còn nợ nhiều.

Bản thân anh Thanh cũng chỉ ở nhà làm ruộng, mỗi khi có ai thuê gì làm nấy nên không có thu nhập thêm ngoài mấy sao ruộng khoán. Ở quê, hai cháu Nhi và Quang đều rất ngoan ngoãn, chăm học, được mọi người trong làng quý mến.

Cô Trang Dung, giáo viên chủ nhiệm ba năm cấp 3 của em Nhi chia sẻ, Nhi là học sinh có học lực khá, ngoan ngoãn, được thầy yêu, bạn mến. Dù đang mang trong mình bệnh tật nhưng Nhi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thậm chí còn nhiệt tình giúp đỡ bạn bè.
Mẹ con chị Hoa tỏng căn phòng trọ ở phường Hưng Dũng, Tp Vinh.
Mẹ con chị Hoa tỏng căn phòng trọ ở phường Hưng Dũng, Tp Vinh.
“Với nghị lực vượt qua hoàn cảnh để học tập, Nhi nhận được nhiều học bổng của các đơn vị. Bản thân tôi đánh giá cao lực học của Nhi và hi vọng em sẽ đạt được kết quả cao trong kỳ thi Đại học năm nay”, cô Dung nói.

Theo con ra thành phố Vinh dự thi, chị Hoa cho biết phải vay mượn tiền để đưa con đi. “Để có tiền lo cho con tôi phải vay mượn hàng xóm, sau khi trở về sẽ bán thóc trả lại cho người ta. Gia đình làm nông nên mỗi lần có việc là phải nhìn vào đó. Tôi đang lo năm nay sẽ thiếu gạo ăn vì ngoài lo cho con đi thi thì còn tiền thuốc men, chữa trị hàng tháng nữa”, chị Hoa nghẹn ngào nói.

Theo Phạm Hòa/ Zing
Bình luận
vtcnews.vn