Tòa nhà Sakura Tower xây không phép: Quyền năng Bộ Xây dựng đến đâu?

Bạn đọcThứ Tư, 09/07/2014 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Bộ Xây dựng có đủ quyền năng yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ và cưỡng chế phá dỡ tòa nhà Sakura Tower xây không phép.

(VTC News) - Bộ Xây dựng có đủ quyền năng yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ và cưỡng chế phá dỡ tòa nhà Sakura Tower xây không phép.

Như đã đưa tin, công trình Sakura Tower ở 47 phố Vũ Trọng Phụng (phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) từng thi công không có giấy phép trong suốt một thời gian dài. Hành vi này của chủ đầu tư chỉ bị phạt 500 triệu đồng. Tới khi gần hoàn thành thì công trình mới được cơ quan chức năng cấp Giấy phép xây dựng.

>>>Tòa nhà Sakura Tower xây không phép: Bộ Xây dựng phải 'chạy theo' cấp phép

Liên quan đến vấn đề “cấp phép ngược” nói trên, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng.  
- Theo ông, việc xây dựng trái phép gây ra hậu quả như thế nào, đặc biệt là một công trình lớn như Sakura Tower?
Ở trường hợp này thì có thể khẳng định rằng chủ đầu tư, nhà thầu công trình Sakura Tower đã vi phạm Luật xây dựng, cụ thể là vi phạm Khoản 2 Điều 10 của Luật xây dựng. Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, xây dựng công trình sai với nội dung giấy phép. Hành vi này đã bị thanh tra Bộ xây dựng xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất là 500 triệu đồng.
Đối với các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình lớn như Sakura Tower sẽ là nơi ở, sinh hoạt và làm việc thường xuyên của hàng ngàn người.

Do đó, về mặt kỹ thuật, công trình phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về xây dựng từ việc lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, cho đến việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình Sakura Tower.
Do không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng theo quy định nên có thể chất lượng, quy chuẩn các hạng mục của công trình không chịu sự quản lý, giám sát thường xuyên, liên tục của các cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này khiến dư luận có phần lo ngại về chất lượng công trình có thể chưa phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng của Việt Nam. 
Việc Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn thực hiện nhiều hoạt động xây dựng tại Sakura Tower mà không có giấy phép theo luật định, sau đó đã được cấp phép là “quy trình ngược” không chỉ đối với chủ đầu tư mà cũng là điều không bình thường của cơ quan cấp phép. Nếu chúng ta không làm rõ được điểm này sẽ dẫn đến việc tổ chức, người dân hiểu sai các quy định của Nhà nước về hoạt động xây dựng, đồng thời tạo tiền lệ không tốt về sau.  
 

Trường hợp tự ý xây dựng công trình tới khi gần hoàn thành mới được cấp phép như Sakura Tower có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt như tạo tiền lệ xấu, khó khăn trong hoạt động quản lý Nhà nước ở địa phương nơi có công trình vi phạm, không đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng
 
- Thanh tra Bộ Xây dựng quyết định xử phạt chủ đầu tư Sakura Tower 500 triệu nói trên có phải là quá nhẹ?

Nặng hay nhẹ là do cảm tính của mỗi người. Tại thời điểm ra quyết định xử phạt, cơ quan thanh tra chuyên ngành đã căn cứ Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị này trong hoạt động xây dựng. 
Đối chiếu theo quy định trên đây thì việc xử phạt chủ đầu tư của công trình Sakura Tower với mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng là phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm, ra quyết định xử phạt.
Sau này thì mức xử phạt hành chính cao nhất đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đã được điều chỉnh tăng lên 1 tỷ đồng theo nội dung tại Nghị định 121/2013 của Chính phủ. 
- Luật Xây dựng hiện nay còn có điểm nào bất cập liên quan đến vấn đề cấp phép xây dựng hay không?

Tôi cho rằng Luật xây dựng ban hành 2003 điều chỉnh tương đối toàn diện các hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng từ đối tượng quản lý đến đối tượng bị quản lý. 
Có điều, tôi cảm thấy băn khoăn khi vừa qua Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2014 có hiệu lực từ ngày 02/04/2014. Thông tư này có nội dung quy định về công trình xây dựng sai phép, không phép “được phạt tiền cho tồn tại”. 
Thực tiễn hoạt động quản lý Nhà nước đã có một số trường hợp vận dụng những khe hở của Thông tư này để thực hiện các hoạt động xây dựng các công trình không phép hoặc sai nội dung giấy phép, điển hình là các trường hợp tổ chức, cá nhân không có quyền sở hữu đầy đủ về đất đai. Xu hướng này đang có nguy cơ trở nên phổ biến mặc dù Thông tư mới có hiệu lực hơn 1 tháng.

>>>Tòa nhà Sakura Tower xây không phép: Bộ Xây dựng phải 'chạy theo' cấp phép

- Vậy tại sao tòa nhà Sakura Tower có thể thi công không phép trong một thời gian dài như vậy? Trách nhiệm này thuộc về ai, cơ quan nào?
Theo quy định Nghị định số 180/2007 của Chính phủ thì trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư công trình xây dựng, tiếp đến là cơ quan có thẩm quyền quản lý, xử lý phạt vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. 
Tòa nhà Sakura Tower. 
Chủ đầu tư thì đã nộp phạt, còn báo chí phản ánh thì khi phát hiện có hành vi sai phạm xảy ra thanh tra viên, cán bộ quản lý xây dựng của phường, quận đã thực hiện chức trách của mình tuy nhiên đã đủ và kịp thời chưa thì cần xem xét thận trọng để có kết luận chính xác đúng pháp luật. 
Ở đây, có một loạt vấn đề cần phải làm rõ như: Cơ quan thẩm quyền đã lập biên bản ngừng thi công xây dựng công trình? Đã yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình vi phạm?  Có chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ thi công xây dựng? hoặc quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm? 
Chủ đầu tư không ngừng thi công theo biên bản, quyết định thì đã ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng chưa? Đã buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị? Đồng thời, đã áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình hay chưa? Đã chỉ đạo, phối hợp với công an cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, yêu cầu công nhân không vào thi công xây dựng chưa?...
Nếu đã thực hiện đúng, đủ hành vi hành chính, quyết định hành như trên theo đúng quy trình thì các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền được loại trừ trách nhiệm pháp lý.
- Việc “cấp phép ngược” nói trên của Sở Xây dựng TP Hà Nội có hợp lý hay không? Việc chủ đầu tư được cấp phép dễ dàng như Sakura Tower có thể dẫn tới hệ lụy gì?
Mặc dù công trình Sakura Tower về sau này đáp ứng đủ điều kiện được cấp giấy phép xây dựng theo Điều 65 Luật Xây dựng. Nhưng khoản 1 Điều 62 Luật Xây dựng quy định: “Trước khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng”. Như vậy, tiến hành cấp phép cho Sakura Tower như trên là không tuân theo trình tự thủ tục mà luật pháp đã quy định, thể hiện sự mất trật tự, và bất hợp lý.
Trường hợp tự ý xây dựng công trình tới khi gần hoàn thành mới được cấp phép như Sakura Tower có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt như tạo tiền lệ xấu, khó khăn trong hoạt động quản lý Nhà nước ở địa phương nơi có công trình vi phạm, không đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Thêm nữa, việc cấp phép không đúng quy trình, trình tự còn ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị và mức độ giám sát Nhà nước đối với chất lượng công trình như tôi đã nói ở trên. 
- Vào thời điểm phát hiện tòa nhà Sakura Tower không có giấy phép, Bộ Xây dựng có thể và có nên chỉ đạo cưỡng chế phá dỡ công trình hay không?
Căn cứ Khoản 8 Điều 11 Nghị định số 23/2009 của Chính phủ thì: “Ngoài hình thức xử phạt quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều này, chủ đầu tư công trình xây dựng có hành vi vi phạm còn bị buộc khắc phục hậu quả và bị xử lý theo quy định tại các Điều 12, 13, 14, 15 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.”  
Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng tại thời điểm ra Quyết định xử phạt hành chính 500 triệu đồng, Bộ Xây dựng có đủ quyền năng để yêu cầu Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ và cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng không phép, sai phép.

>>>Tòa nhà Sakura Tower xây không phép: Bộ Xây dựng phải 'chạy theo' cấp phép

Tuy nhiên, thì ở khía cạnh kinh tế - xã hội và tại thời điểm hiện tại, việc đình chỉ hay cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm cần được cân nhắc thận trọng. Bối cảnh nhiều công trình xây dựng “đắp chiếu” như hiện nay thì có lẽ sẽ khó có chuyện đình chỉ, cưỡng chế phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép xây dựng. 
Bộ xây dựng và các cơ quan hữu quan cần áp dụng đúng, đủ các quy định của pháp luật để đảm bảo xử lý trường hợp này một cách khách quan, đúng pháp luật có tính răn đe phòng ngừa chung, nhưng cũng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan, hài hòa các lợi ích xã hội.
- Xin cảm ơn ông!

VTC News sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Mọi thông tin phản ánh xin gửi về email: [email protected] hoặc liên hệ trực tiếp đến đường dây nóng 01255.911.911.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn