Tết những năm bom đạn

Bạn đọcThứ Sáu, 31/01/2014 09:53:00 +07:00

(VTC News) - Những năm chiến tranh ấy, gia đình tôi đón Tết mang một hương vị đặc biệt khác - PGS.TS Văn Giá,

Những năm ấy anh cả tôi đi bộ đội chiến trường miền Nam, gọi là đi B. Suốt từ năm 1968 đến 1975 anh mới trở về. Trong ngần ấy năm, nhà được nhận chỉ có vài bức thư anh gửi từ chiến trường ra. Không phải anh lười viết. Sau này anh bảo: viết rất nhiều, hễ cứ có người ra Bắc là gửi, có năm gửi đến cả chục lần, nhưng chắc trên đường đi thất lạc.
Những năm chiến tranh ấy, gia đình tôi đón Tết mang một hương vị đặc biệt khác.
Khác nhất là lũ trẻ bọn tôi. Năm nào có thư của anh cả gửi về từ trước Tết, thể nào bố tôi cũng xoay được con lợn, dù to dù nhỏ mổ ra đón Tết. Năm ấy là dịp đón Tết tưng bừng lắm.

Những ngày Tết xưa...

Có năm, bố tôi bảo năm nay anh cả các con không có thư về, nhà không mổ lợn nữa. Cả bọn mấy đứa  lít nhít chị em tôi được phen tưng hửng. Không mổ lợn, chúng tôi lại kéo nhau sang nhà khác xem. Ở quê có tục ‘đụng lợn’, nghĩa là ăn chung với lợn nhà người khác.
Mổ lợn ở quê có được mấy thứ vui. Vui nhất là được xem chọc tiết lợn. Mổ lợn từ rất sớm. Bọn trẻ con chúng tôi đang ngủ, bỗng nghe tiếng lợn kêu eng éc là vùng dậy.
Nhìn mấy người đàn ông trong đó có bố tôi dội nước sôi làm lông lợn. Loáng một lát, con lợn đã bị phanh trên những tàu lá chuối trải giữa sân gạch. Khói bốc lên từ những tấm thịt. Thế rồi tiếng dao chặt, thái, băm, tiếng giã giò vang động cả góc sân.
Cái giống giã giò là phải giã ngay từ lúc miếng thịt đang còn bốc hơi, sờ tay vẫn còn nóng rực. Mà đã giã phải giã liền tay, không được nghỉ. Đoạn cuối, trước khi mẻ giò đã nhuyễn, đã quánh lại như cối bánh dầy, lúc đó người ta mới cho mắm nguyên chất vào thúc, sau khi thúc xong là vét ra để gói trên lá chuối tươi đã hơ qua ngọn lửa rơm cho mềm dễ gói.
 

 Giã giò ngày Tết

Niềm vui thứ hai của con trẻ ở quê tôi là được cho cái bong bóng lợn để làm bóng đá. Ngày ấy nghèo khó, có được trái bóng là niềm mơ ước của bất cứ đứa trẻ nào. Mấy đứa chúng tôi đem rửa sạch cái bong bóng lợn, sau rồi thổi căng hơi lên, tròn như trái bưởi.
Thế là bọn trẻ con có niềm vui đến sớm. Tất cả ùa ra sân đình tung bóng, tranh cướp bóng. Vì thành bóng mỏng, được cái dai, nhưng nhẹ quá, chỉ để tung lên rồi tranh cướp làm vui, thế thôi, chứ không đá được. Tuy thế, quả bóng làm từ bàng quang lợn đã là một mơ ước lớn của một thời con trẻ.
Niềm vui thứ ba của những nhà mổ lợn là được ăn cháo lòng. Ngoài gia đình nhà chủ, thường có mặt tất cả những thành viên các nhà ăn đụng. Nhất là trẻ con các nhà thì không thiếu đứa nào.
Bữa cháo lòng bao gồm lòng lợn, tiết canh, thịt thủ luộc thái rối. Vậy thôi. Không mâm cao cỗ đầy. Còn để dành đủ cho ba ngày Tết. Tuy thế, mâm cỗ ăn cũng thoải mái. Thịt thủ luộc đố ai ăn được quá nhiều, mặc dù ngày ấy có khi hàng tháng mới được ăn thịt.
Vui nhất là mâm ‘các cụ’. Các cụ ngồi uống rượu, bình phẩm tiết canh. Bát tiết canh lên màu đỏ chói, bên trên đặt mấy cọng rau mùi, mấy lát hành tươi chẻ mỏng, trước khi ăn lại rắc một lượt lạc rang giã giập. Các cụ nâng cốc chúc nhau đón Tết vui, nắc nỏm khen tiết canh hãm giỏi, đông đét, vị vừa.
Vẫn câu chuyện năm nảo năm nào cũng giống nhau, ấy thế mà khi được ai đó nói ra vẫn rộ lên những tràng cười khoái chá: ‘Tiết canh này xâu lạt xách đi biếu bố vợ chục cây số cũng không vỡ’. Ha ha…

 PGS.TS, nhà văn Văn Giá

Có một năm gia đình tôi đón một cái Tết đầy lo âu. Chắc cũng giống như biết bao gia đình khác. Đó là năm 1968, nghe nói miền Nam đánh mạnh. Mà đánh mạnh thì thể nào cũng có thương vong. Trong năm, làng đã có ba giấy báo tử. Không ai nói với ai, nhưng các gia đình có con đi bộ đội đều lo thắt ruột.

Bố tôi bảo: ‘Năm nay nhà không mổ lợn nữa’. Ông tôi thì chốc chốc lại hỏi: ‘Mà sao không thấy thư thằng cả nhỉ…Hay là đứa nào chạy lên xã gặp cái người bưu tá xem thế nào’.
Chúng tôi tuy còn bé nhưng cũng cảm nhận được nỗi lo âu của bố mẹ, của họ hàng làng xóm về những đứa con đang ở chiến trường mù mịt. Tự nhiên mấy anh em tôi như ngoan hơn, không dám đùa nhiều làm cho ông, bố mẹ rức đầu.
Chị gái tôi phân công đứa rửa bát, đứa quét nhà, đứa phụ giúp bố lau ban thờ, sắp đặt ban thờ đón Tết. Tất cả con cón làm công việc trong im lặng với nhiều âu lo không ai nỡ nói ra.
Còn nhớ, tôi là đứa duy nhất bao giờ cũng được ông tôi chọn để đọc thư của anh cả cho cả nhà nghe. Ông tôi bảo tôi là cái thằng đọc dõng dạc nhất, nghe rõ nhất. Mỗi lần như vậy mặt tôi nở ra hãnh diện.
Không ít lần đọc đến quãng nào đó, tôi nghẹn lời lại không đọc tiếp được nữa, phải hắng giọng nhiều lần mới đọc xong thư. Vừa đọc vừa nghe tiếng thút thít của u tôi ngồi bên cạnh. Bố tôi mắng át đi: ‘Ơ cái bà này, làm gì phải khóc. Có im đi không. Cả nhà đang vui thì lại…’.
U tôi chạy ra ngoài sân hỉ mũi rồi lại quay vào để nghe hết bức thư. Đọc xong, ông tôi lại hỏi: ‘Thế nó không bảo khi nào được về phép à cháu?’. Tôi hồn nhiên bảo chả thấy gì ông ạ.
Tết xưa ấm áp
Nhớ nhất một Tết. Năm ấy có thư anh cả từ chiến trường về. Bố tôi quyết định mổ lợn đón Tết. Lại bong bóng. Lại giã giò. Khi bố tôi giã sắp xong, ông tôi sai anh hai tôi chạy lên nhà trên lấy chai nước mắm ra để thúc giò. Ông tôi mở chai ra rót trực tiếp độ nửa bát mắm vào cối giò.
Tự nhiên ông tôi thất thanh: ‘Thôi chết rồi. Dầu ma-dút rồi. Cha bố tông môn chúng mày. Thằng kia đâu rồi. Cho mấy roi vào đít cho tao’. Cả nhà hốt hoảng. Từ bấy trở đi ông tôi vừa rên rẩm vừa loay hoay chữa cối giò để may ra vẫn còn ăn được, may ra không phải đổ đi.
Ông tôi nặn giò to như cái đĩa, xong thả vào nồi nước sôi. Vớt ra vẫn nồng nặc mùi. Xong rồi ông lại đem vào rán. Vẫn nặng mùi. Ông tôi xắt giò ra bảo cả nhà nếm thử. Cắn một cái, ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Ném cho chó nó cũng phải quay đi. Cuối cùng đành đổ bỏ mất mấy cân giò.
Suốt Tết năm ấy, thỉnh thoảng ông tôi lại rên rẩm vì xót của. Ngày ấy ai cũng nghèo. Mất giò, Tết mất vui. Bọn trẻ chúng tôi năm ấy sợ ông khiếp vía, im thin thít như rắn mùng năm, chẳng đứa nào dám đùa như mọi khi sợ ông tôi mắng. Rõ khổ. Cái Tết có thư anh cả gửi về mà lại không được vui trọn vẹn.
Tuy nhiên thì cái nghi lễ đọc thư vẫn diễn ra. Năm ấy, anh cả không gửi thư về. Nhưng không sao. Không có thư mới thì giở thư cũ ra mà đọc. Người đọc thư vẫn là tôi do ông tôi chọn. U tôi vẫn lại thút thít. Bố tôi vẫn mắng át u tôi bằng cái câu mắng như mọi lần…
 Hương vị Tết xưa
Tết năm 1975 anh cả tôi mới từ chiến trường miền Nam trở về trong niềm vui háo hức. Đúng là Mùa xuân đầu tiên”, mùa hòa bình, mùa theo chim én về…(Văn Cao). Tết năm ấy ông tôi đã không còn. Cụ đã gắng sống nhưng vẫn không thể chờ được thằng cháu trai kịp trở về. Có lẽ đó là niềm tiếc nuối duy nhất trước khi ông tôi khép mắt.
Tết năm ấy bố tôi mổ con lợn rất to. Lại chọc tiết, pha thịt, giã giò, lòng lợn tiết canh. Nhắc lại cái Tết năm nọ còn mồ ma ông nội có mẻ giò dầu ma-dút ‘nổi tiếng’  khắp làng, mọi người cười vang nhà.
Sau đấy chả ai bảo ai, tất cả chìm vào im lặng. Ai cũng nhớ về ông nội theo cách của mình…Anh cả ngồi bên cạnh, tủm tỉm cười. Gương mặt bố tôi, u tôi, tất cả mấy anh chị em tôi ngời lên hạnh phúc. Đó là mùa hòa bình đầu tiên của nhà tôi, làng tôi, đất nước tôi…
                    Áp Tết Giáp Ngọ
Bình luận
vtcnews.vn