Thư Việt Nam: Cho tôi được xếp hàng, em nhé!

Bạn đọc viếtChủ Nhật, 20/03/2011 02:33:00 +07:00

(VTC News) - Trong hoàn cảnh tưởng như ngày tận thế, sao đứa trẻ 9 tuổi ở nước Nhật kia có thể làm nên “huyền thoại"?

(VTC News) -  "Cậu ơi! Cháu cũng muốn được xếp hàng" - đứa cháu tôi thốt lên khi nó nhìn thấy tấm ảnh chụp hàng trăm người Nhật Bản nối nhau để lấy nước trên một sân trường ở thành phố Sendai. Câu nói vu vơ của cháu chợt khiến tôi gợn nhiều suy nghĩ.

1. Ngày bé, từ lúc học mẫu giáo đến lúc học tiểu học, tôi luôn phải xếp hàng. Trước giờ vào lớp là để cô giáo kiểm tra xem có bạn nào đi chân đất, mặc quần đùi, áo phông đến lớp hay không. Nhân tiện đó, cô sẽ thu mũ nan của từng bạn, xếp lại thành một chồng trên tay và đặt xuống cuối lớp. Còn sau giờ học, xếp hàng là để phát lại mũ và hô khẩu hiệu.

Bây giờ nhiều nơi, học sinh mầm non hay tiểu học đến lớp không còn phải xếp hàng hai bận mỗi ngày như thế nữa. Cuộc sống gấp gáp hơn, bận bịu hơn, phụ huynh đưa con đến lớp là cô giáo đón ngay tại cửa rồi dắt vào, thế là xong. Trẻ con bỗng dần thiếu đi cái thói quen xếp hàng tự động.


 Xếp hàng vào lớp đang vắng dần ở nhiều trường mẫu giáo và tiểu học

Xếp hàng là để bé biết hòa đồng với các bạn, biết gạt đi cái tôi luôn coi mình là trung tâm, bắt bố mẹ chiều chuộng vốn tồn tại ở tâm lý trẻ con. Và như thế, xếp hàng là màng lọc, gạn đi sự ích kỷ trong tâm hồn trẻ thơ. Hơn tất cả, xếp hàng là để có trật tự, để trẻ khi nhập thân văn hóa phải biết trên - dưới, trước - sau. Ngoài ra những câu khẩu hiệu mỗi giờ tan học luôn dạy cho trẻ một ý thức chào hỏi lễ phép từ ngoài đường đến lúc về nhà. Trẻ có mau quên, thì hô nhiều lần mỗi ngày rồi cũng tự ăn sâu, bén rễ vào trong đầu và rồi gặp ai cũng khoanh tay chào như một phản ứng, bất kể là trẻ đã tự ý thức được hay chưa.

2. Trong lễ trao giải bài hát Việt Năm 2010, Ca khúc “Lá cờ” của tác giả Tạ Quang Thắng đã giành giải thể nghiệm sáng tạo của năm. Một phần thưởng ý nghĩa cho một giọng hát, một người viết nhạc đang chập chững vào nghề.

"Lá cờ" của Tạ Quang Thắng gây ấn tượng với người nghe bởi những ca từ dung dị và là câu chuyện rất thật về người cha với những giấc mơ dở dang, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, về người mẹ một thời gian khó đảm đang, mang tiếng hát át tiếng bom.

"
Lá cờ" của Tạ Quang Thắng cũng gợi lại ký ức trong bao người về những tháng tháng phải lo phiếu tem, phải ăn bo bo và phải xếp hàng. Xếp hàng để mua gạo, mua thịt. Xếp hàng để ăn sáng, ăn trưa tại các cửa hàng mậu dịch ăn uống. Xếp hàng để lấy nước từ máy nước công cộng...

 Xếp hàng thời bao cấp

Không biết có phải chuyện xếp hàng ngày ấy đã trở thành nỗi ám ảnh hay không, mà đến tận bây giờ thay vì xếp hàng, người ta lại có thói quen thích chen ngang? Có lẽ không! Bởi nếu ám ảnh, sao người già vẫn giữ thói quen ấy, trong khi đám thanh niên ngày nay lại vô ý thức với thứ tự hàng lối.

Dẫu là thời gian khó, nhưng rõ ràng xếp hàng là một nét văn hóa thể hiện sự tôn trọng người khác, tôn trọng cộng đồng. Đất nước hôm nay phát triển hơn, đời sống sinh hoạt cũng tiện lợi hơn rất nhiều so với thời bao cấp thì chuyện xếp hàng càng phải là thói quen mới đúng chứ. Từ thời bao cấp đến đổi mới là cả một khoảng cách lớn giữa vất vả và tiện lợi, sao lại xuất hiện một khoảng cách nghịch lý từ cực này sang cực nọ là XẾP HÀNG và CHEN NGANG?

3. Nhật Bản vừa, đang và còn phải trải qua những ngày kinh hoàng do thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân. Trong những hình ảnh truyền đi khi động đất làm rung chuyển quốc gia này, người ta thấy hình ảnh những đứa trẻ Nhật Bản chui xuống gầm bàn trong lớp học, tay cầm những vật che đầu một cách đầy trật tự, hay hình ảnh những đứa trẻ Nhật Bản xếp hàng đi xuống những cầu thang mà không hề chen lấn xô đẩy. Sao giữa cuộc chiến của sự sống cái chết, trẻ con Nhật vẫn kỷ luật, hàng lối đến vậy?


 Trẻ con Nhật Bản chui xuống gầm bàn khi có động đất

Sau động đất, người ta lại thấy người Nhật xếp hàng lấy nước, nhận hàng cứu trợ. Và mới đây nhất, câu chuyện về một đứa bé 9 tuổi xếp hàng được một cảnh sát người Nhật Bản gốc Việt kể lại trên Blog của Nguyễn Đình Đăng càng khiến hàng triệu người rơi nước mắt và thêm phần cảm phục.

Đó là đứa bé chỉ mặc một chiếc áo thun và quân đùi giữa trời giá lạnh, xếp ở hàng cuối cùng trong cái hàng rồng rắn tới cả nghìn người và nếu đến lượt em được phát thức ăn, thì có thể đã không còn chút nào. Em đã kể cho người cảnh sát rằng: Em đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần ập đến, cha của em làm việc gần đó đã chạy tới. Từ ban công tầng 3 của trường, em nhìn thấy chiếc xe và cha bị nước cuốn trôi. Còn mẹ và em của em ở ngôi nhà gần biển, chắc cũng đã không thể chạy kịp.

Trong cơn rét run từng trận, em được người cảnh sát khoát lên tấm áo quân phục, rồi được người cảnh sát cho một bao lương khô là khẩu phần ăn của mình. Vậy mà em đã không ăn dù đang rất đói. Em cầm bao lương khô chạy tới chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng thực phẩm rồi quay lại xếp hàng khiến người cảnh sát ngạc nhiên sửng sốt.

Những đứa trẻ ở Nhật Bản từ tấm bé đã được ông bà, cha mẹ, thầy cô dạy cho cách bảo vệ mình và bảo vệ người khác trước thiên tai. Chúng sớm ý thức được rằng sự chen lấn xô đẩy càng làm mọi thứ thêm hỗn loạn. Che đầu, xếp hàng để sơ tán khi xảy ra động đất đã thành một phản xạ của trẻ con Nhật Bản. Và cũng từ cách biết xếp hàng ấy, một đứa trẻ 9 tuổi đã biết góp khẩu phần ăn vừa được tặng để chia đều cho mọi người khi em ý thức được rằng sẽ là không công bằng nếu em ăn một mình, bởi còn nhiều người cũng đói như em.

4.“Cậu ơi! Sao người ta không xếp hàng thẳng?” - đứa cháu tôi lại hỏi. “Ừ! Xếp rồng rắn để học sự kiên trì” – tôi trả lời cháu.


Bức ảnh của lòng kiên nhẫn Nhật Bản 

Nhìn vào bức ảnh trong màn hình máy tính và câu chuyện của đứa bé 9 tuổi lại ùa về trong đầu, bỗng tôi trào nước mắt. Trong hoàn cảnh tưởng như ngày tận thế, người Nhật vẫn có thể bình thản, kiên nhẫn đến tột cùng. Một đứa bé chỉ bằng tuổi cháu tôi cũng có thể làm nên “huyền thoại” tâm hồn.

"Nào, cậu cháu mình cùng xếp hàng nhé!" - Tôi cầm tay cháu và đứng lên. Cháu tôi cười thích thú...

Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn