Hiến kế: 2 phương án, 6 giải pháp "sống chung với lũ"

Bạn đọc viếtThứ Sáu, 12/11/2010 06:05:00 +07:00

(VTC News) - Sau khi ý tưởng đăng tải và độc giả phản hồi, gọi điện thoại, cán bộ hưu trí Đỗ Linh Cường tiếp tục gửi những dòng tâm huyết vì miền Trung.

(VTC News) – Ý tưởng phòng nổi cho vùng lũ của độc giả Đỗ Linh Cường - một cán bộ đã nghỉ hưu không chuyên về xây dựng hay thủy lợi - đã gây hiệu ứng bất ngờ sau khi được đăng tải. Xuất phát từ tấm lòng đau đáu vì miền Trung ruột thịt, bản phác thảo đơn giản nhưng mang khá nhiều yếu tố khả thi này đã trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi trên Trang Bạn đọc VTC News, cũng như một số diễn đàn mạng khác. 


Hết lòng với “đứa con tinh thần” của mình, bác Cường không chỉ luôn theo dõi và thu nhận ý kiến thảo luận, mà còn tiếp tục nghiên cứu và cập nhật những thông tin, ý tưởng liên quan để từng bước hoàn thiện dự án của mình, cũng như tích cực trao đổi với những người quan tâm; tấm nhiệt thành vô tư đó thật khiến những người trẻ phải cảm phục và suy nghĩ.

Dưới đây là ý tưởng mới nhất trong dự án “sống chung với lũ” mà bác Cường gửi về.

 

Qua góp ý của các bạn đọc và tìm hiểu tình hình lũ lụt miền Trung, có thể nêu ra một số ý sau đây để chúng ta cùng nhau tiếp tục bàn cách sống chung và hạn chế dần tác hại của lũ lụt ở miền Trung.

 

I. Phương án căn cơ, lâu dài

 

1. Bố trí lại chỗ ở cho dân cư tránh xa đường đi của lũ trong những năm qua

 

Cần phân biệt vùng ảnh hưởng trực tiếp của những cơn lũ xối xả, hung dữ chảy qua, cuốn phăng tất cả với vùng chỉ bị ngập do nước lũ  lan tới dâng cao. Diện tích vùng bị ngập do nước dâng cao lớn hơn nhiều so với  vùng trực tiếp hứng dòng lũ. Vùng bị ngập là vùng đất canh tác và sinh sống của bà con khi nước rút.

 

Chúng ta hãy xem lại tin trên Thanh niên online 20/10/2010: “Hàng ngàn người dân đang sống trên mái nhà, ngọn cây, bờ đê. Tại Hà Tĩnh đến chiều tối qua toàn tỉnh có 200/262 xã với hàng trăm ngàn hộ dân ở hầu hết các huyện, thị, thành trong tỉnh ngập sâu trong nước”. Người dân đành phải chấp nhận tìm cách trụ lại ở vùng ngập này bằng mọi cách với thiệt hại ít nhất (mỗi năm phải chịu đựng ngập chừng hai lần với 5-7 ngày mỗi lần). Biện pháp đầu tiên là di chuyển nhà lên vùng đất cao và  chủ động đắp nền nhà càng cao càng tốt.

 

2. Nhà cộng đồng:

 

Mỗi cụm dân cư chừng 30 - 40 nhà dân (150-200 nhân khẩu) nên xây một nhà cộng đồng ,một trệt một lầu, bê tông mái bằng, diện tích xây dựng chừng 300-400m2. Kinh phí xây dựng được huy động từ nhiều nguồn: tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt của Chính phủ ( số tiền này hành năm thực tế đã chi có thể lớn hơn kinh phí xây nhà cộng đồng), tiền góp của dân, tiền từ các Quỹ của các tổ chức, các nhà hảo tâm v.v…

 

3. Nhà có phòng nhỏ kiên cố 2 tầng cho từng hộ dân:

 

Những hộ dân nếu chưa đủ tiền để làm nhà 2 tầng toàn bộ thì ít nhất cũng nên đổ bê tông 1 phòng hai tầng, mái bằng, diện tích chỉ cần 2 x 3 m = 6m2, mỗi tầng cao khoảng 3m. Đây là chỗ trụ lại an toàn khi bị ngập trên 3m. Sân thượng mái bằng không lo bị tốc mái.

 

Phương án căn cơ lâu dài này cần được tính toán để có kế hoạch dần thực hiện khi điều kiện tài chính cho phép.

 

II. Phương án làm được ngay:

 

1. Phòng nổi - giường nổi trong nhà

 

Cần bố trí lại vị trí nhà cho phù hợp với nội dung đã nêu ở mục I.1 nêu trên, tức là phải tránh xa đường đi của lũ, chấp nhận chỗ ở nằm trong vùng ngập, nhưng nền nhà được đắp càng cao càng tốt.

 

Cơi thêm một gian nhà chứa phòng nổi – giường ngủ (PN - GN) cạnh nhà theo sơ đồ dưới đây, trong đó A là nhà hiện hữu, B là gian nhà cơi thêm, trong gian nhà cơi thêm này một nửa gian dùng để đặt PN-GN gồm 4 phuy nhựa 200 lít có kết cấu như đã giới thiệu trước đây (có thể làm 3 cọc sắt, có hàn gắn kết các cọc ở sát mặt đất để chắc chắn thêm).

 

 Phác thảo phòng nổi - giường nổi (Click để xem ảnh phóng to)


Suốt cả năm PN-GN được gian nhà cơi thêm bảo vệ và được dùng làm chiếc giường rộng rãi (2x2m), chắc chắn (khung sắt  L 30x30, trên có giát giường và chiếu) nên không còn lo dầm mưa dãi nắng ngoài trời, cũng không lo nó chiếm chỗ vô ích trong nhà.

 

Cấu tạo của nửa mái tôn gian cơi thêm hơi đặc biệt: nó có thể lật ngửa lại nửa kia của mái nhờ trục bản lề ngay đỉnh mái. Phần hai mép mái tôn nơi có 2 ống thép xuyên qua được nẹp bằng vải bạt PVC dày để không cản trở chuyển động quay của mái tôn mà vẫn kín nước mưa. Nhờ vậy PN-GN có thể dễ dàng trồi lên khỏi mái nhà khi  nước ngập lên cao.

 

2. Vườn cây sống chung với ngập do lũ và tích trữ lương khô nước uống mùa lũ

 

Mỗi nhà nên trồng ngay ít nhất 4 gốc tre Bát Độ (còn gọi là Điền Trúc), 4 cây dừa ( loại dừa cây cao chứ không phải dừa lùn, các cây được trồng ở đỉnh hình vuông 3x3m), một số cây chuối tùy theo diện tích đất có.

 

Tre Bát Độ dễ trồng, mọc nhanh, mau cho thu hoạch măng. Măng Bát Độ là thức ăn nhóm rau giá trị dinh dưỡng cao (đang xuất khẩu đi TQ, Đài loan, Nhật…) Cây tre chịu được ngập lụt một thời gian . Sau khi trồng 1 năm tre Bát độ đã có thể cho măng, nhưng quan trọng hơn là sau 3 năm cây cao 7-8m, tùy vùng đất và cách chăm bón, từ một gốc phát triển thành một bụi, bám chặt vào đất, chống xói lở, khi cần có thể neo buộc chuồng gà, thậm chí thuyền bè nhỏ.

 

Cây dừa chống chọi rất tốt với bão, lũ. Kinh nghiệm qua đợt đại sóng thần lịch sử 2004 ở các nước Nam Á cho thấy cây dừa đã cứu sống nhiều người vì cây cao to, dẻo dai, bám chặt vào đất, chịu được cả sóng thần. Khi cây dừa lớn chừng 3 - 4 m là có thể tin cậy để treo vào thân cây những chiếc ghế tre ngồi tránh ngập chờ ứng cứu. Ghế tre được đan đặc biệt để lưng ghế ôm chặt nửa thân cây, còn chỗ ngồi thì như cái rọ to nông đáy. Các ghế này chỉ nên đeo vào cây 1-2 tháng cao điểm của mùa lũ, sau đó bảo quản trong nhà.

 

Bốn cây dừa lực lưỡng ở 4 đầu của mảnh đất  hình vuông 3x3m là 4 cột chắc chắn để làm nhiều “công trình” tùy theo ý thích và nhu cầu của mỗi người, từ đơn giản như mắc võng chống ngập đến làm hẳn chiếc sàn treo chuồng cho gà vịt. Ngoài tác dụng “cơ bắp” của cây dừa thì không nên quên cơm dừa (cùi dừa) và nước dừa là những sản phẩm dinh dưỡng rất giá trị. 

 

Ngoài ra, dưới tán dừa có thể trồng các loại rau không đòi nhiều ánh sáng.

 

Cây chuối, ngoài việc cho trái rất thông dụng thì thân chuối và củ chuối có thể làm thức ăn cho người và gia súc khi trên mặt đất sau khi nước ngập rút chẳng còn cây rau nào. Điểm “đặc sắc” của cây chuối đã được VTV1 giới thiệu thông qua kinh nghiệm của các lão nông vùng lụt: Khi vườn bạn ngập nước, bạn hãy chặt ngang một thân cây chuối to, ở trên mực nước ngập một chút rồi dùng dao khoét thân chuối một hốc hình phễu, bạn sẽ có ngay nước uống vô trùng do rễ và thân cây chuối lọc và hút lên cho bạn, không phải dùng cloramin B, phèn nhôm hay các hóa chất khác.

 

Sau đợt lũ này mong các Trung tâm khuyến nông các tỉnh lo giống tre Bát Lộ, dừa thân cao cho bà con. Hãy mang giống cây và cách trồng đến với bà con thay vì để bà con phải tìm đến mình và định kỳ nên đến kiểm tra xem bà con có gì cần giúp đỡ thêm.

 

3. Về tích trữ lương khô, nước uống mùa ngập lũ:

 

Đến mùa lũ bà con nên chủ động tích trữ mì ăn liền, cháo ăn liền, kẹo bánh, nước uống cho khoảng tối thiểu 10 ngày. Nước uống nên chứa vào các can nhựa PE loại 10 lit chỉ đựng 70% dung tích can, đậy chặt nút, nắp (như vậy can nước luôn nổi) rồi buộc chặt can vào cột nhà dùng dần.

 

 

Hãy hình dung rồi đây trên khắp các nẻo đường  khúc ruột Miền Trung, chỉ trừ đường đi của những dòng lũ giận dữ của Mẹ Thiên nhiên trừng phạt con người đã bừa bãi phá rừng, còn thì những nơi nước ngập mươi ngày một năm con người vẫn phải trụ lại, đắp đất thành những vùng cao, xây nhà cộng đồng, trồng những vườn tre, dừa, chuối, xây những nhà có một phòng kiên cố 2 tầng 6m2, cơi thêm gian nhà có PN-GN ngày thường làm giường, khi ngập thì tự động nổi làm chỗ nương thân.

 

Cả một vùng miền học sống chung với lũ lụt sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho nhau qua hệ thống thông tin điện tử hiện đại và đầy ắp tình người. Cần khẩn trương trồng lại rừng, từ đồng bằng cho tới tận thượng nguồn, tới tận biên giới, để chặn bớt sự hung dữ của lũ. Đừng bao giờ sợ thừa cây xanh. Hãy giao đất hoang hóa cho dân trồng rừng và hưởng lợi từ rừng. Đấy là văn hóa Việt để dân tộc này mãi trường tồn!

 

Đỗ Linh Cường

 


Ý tưởng mới của bác Cường đã thực tế và khả thi chưa? Có điểm nào được và chưa được? Có phù hợp với điều kiện tự nhiên của miền Trung không? Nếu phù hợp, thì làm sao để triển khai hiệu quả? 

Bạn hoặc đơn vị, tổ chức của bạn muốn tham gia cùng bác Cường và VTC News trong việc triển khai kế hoạch này?


Bạn có những ý tưởng, kế hoạch khác mà theo bạn có ý nghĩa trong việc khắc phục, hạn chế hậu quả những cơn bão lũ hàng năm ở miền Trung, giảm thiểu đau thương mất mát cho đồng bào?

Một gói mì cứu trợ có thể giúp đồng bào qua cơn đói một bữa, nhưng một ý tưởng thiết thực mới là kế bền lâu cứu được hàng triệu đồng bào tránh cơn nước lửa! Đừng ngần ngại gửi ý kiến qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected] để chung tay cùng miền Trung ruột thịt!


 

Bình luận
vtcnews.vn