Người Trung Quốc nói về tàu sân bay Trung Quốc

Thế giớiChủ Nhật, 29/05/2011 03:46:00 +07:00

(VTC News) - Thực hư sức mạnh tàu sân bay thế nào? Trung Quốc có coi đó là "định hải thần châm"?

(VTC News) - Những động thái của Trung Quốc trong việc tăng cường sức mạnh quân sự đang trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nước khác trên thế giới; trong đó phải kể đến thông tin về cuộc chạy đua tàu sân bay khiến cả Mỹ và Nga phải để mắt. Thực hư sức mạnh tàu sân bay thế nào? Trung Quốc có coi đó là "định hải thần châm"?

Hãy cùng nghe phân tích của chính người Trung Quốc, chuyên gia quân sự Trần Hổ, Tổng biên tập tạp chí Quân sự thế giới của Tân Hoa Xã. Bài viết trên được đăng trên mục “Trần Hổ điểm binh” của trang điện tử Xinhua.

Thời gian gần đây, trên mạng xuất hiện không ít những hình ảnh về tàu sân bay Varyag do Liên Xô cũ chuyển nhượng cho Ukraine và sau đó được Trung Quốc mua lại. Những hình ảnh cho thấy chiếc tàu đã bước vào giai đoạn cuối cùng của quá trình lắp đặt các trang thiết bị. Một số phương tiện truyền thông nước ngoài dựa vào điều này đưa ra suy đoán rằng chiến tàu có thể được hạ thủy vận hành thử nghiệm trong năm nay, và thậm chí còn có hãng truyền thông lấy điều này làm cơ sở để khẳng định rằng năm 2011 là "năm khai sinh tàu sân bay" của Trung Quốc.

 Tàu sân bay Varyag cập cảng

Trong bối cảnh đó, bản thân nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng thu thập lại gần như tất cả các bài viết về tàu sân bay Varyag của các hãng truyền thông nước ngoài để dịch và đăng tải. Việc này đã làm dấy lên một làn sóng mới quan tâm đến tàu sân bay trong thời gian vừa qua.

 

Đối với Trung Quốc, việc phát triển các tàu sân bay trong bối cảnh hiện nay là một nhu cầu thiết yếu, và cũng là việc nằm trong khả năng. Phải nói rằng Trung Quốc phát triển tàu sân bay cũng là chuyện hết sức bình thường.

Tuy nhiên, có được tàu sân bay không có nghĩa là đã trở thành một cường quốc hải quân, không có nghĩa là tất cả các vấn đề như an ninh, quyền lợi hàng hải đều có thể được giải quyết.

 

Trên thực tế, tàu sân bay bản thân nó rất "mong manh". Có người có thể sẽ nói, từ sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc đến nay, không một tàu sân bay nào bị đánh chìm, đó không phải là để chứng minh rằng tàu sân bay là loại tàu chiến cỡ lớn có khả năng sinh tồn mạnh mẽ hay sao?

Kỳ thực, việc tàu sân bay chưa từng bị đánh bại từ sau Chiến tranh thế giới II, vấn đề quan trọng nhất là trong vài thập kỷ trở lại đây, tàu sân bay chưa bao giờ gặp được đối thủ xứng tầm. Nhung trong thời buổi mà vũ khí tấn công tầm xa và trang thiết bị thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, phải nói rằng loại hình vũ khí chiến đấu cỡ lớn như tàu sân bay đã trở nên tương đối yếu thế.

 

Ví dụ, nếu một tàu sân bay đi vào một vùng biển cụ thể và người ta có thể xác định và truyền đi trực tiếp các thông tin về vị trí, hướng di chuyển, tốc độ của tàu, vậy thì tất cả thành viên trên tàu, bao gồm chỉ huy tàu, nhất định phải lo lắng cho tính mạng của mình, bởi vì như thế cũng có nghĩa là sự sinh tồn của con tàu đang phải đối mặt với một vấn đề lớn.

Và đối với một số nước lớn hiện nay, đặc biệt là với những cường quốc vũ trụ, đây hoàn toàn là điều có thể làm được. Vì vậy, nhìn từ góc độ này, số phận của tàu sân bay thực sự là khá mong manh.

Coi tàu sân bay là "định hải thần châm", là "bảo bối" để giải quyết mọi vấn đề, rõ ràng là không thực tế.

 

Nhìn từ góc độ sự phát triển của các trang thiết bị, bất cứ loại vũ khí nào, cũng giống như con người đều trải qua quá trình ra đời, phát triển và chết đi, tàu sân bay cũng không phải là ngoại lệ. Xây dựng tàu sân bay, đầu tiên cần phải xác định, rằng hiện nay tàu sân bay đó đang ở vào giai đoạn nào, là giai đoạn vị thành niên, thanh niên, trung niên hay giai đoạn tuổi già. Nếu nó đang ở trong giai đoạn tuổi già, phát triển thứ vũ khí này rõ ràng không phải là một điều khôn ngoan.

Xác định tình trạng của việc xây dựng tàu sân bay, tôi không dám nói rằng nó đang ở giai đoạn tuổi già, là thứ vũ khí của “buổi hoàng hôn”, nhưng ít nhất có thể khẳng định rằng các tàu sân bay đã bước qua tuổi vị thành niên và tuổi thanh niên. Bây giờ, nếu nó không phải đang trong thời kỳ tuổi già, thì ít nhất cũng là thời kỳ trung niên.

 

Do đó, phát triển thứ vũ khí lớn này cần phải xem xét đến rất nhiều vấn đề, chứ không phải chỉ xem nó là thứ vũ khí mang tính tượng trưng cho sức mạnh hải quân hay sự trỗi dậy của quốc gia.

Liệu cách nhìn nhận này về các tàu sân bay có quá bi quan? Trên mạng, những người đam mê về quân sự đã tranh luận rất quyết liệt về vấn đề này, thậm chí còn phân thành 2 phe gọi là “hàng phái” và “tiềm phái”. Phe “hàng phái” ủng hộ việc xây dựng tàu sân bay, trong khi phe “tiềm phái” thì phản đối việc này, đồng thời lựa chọn việc phát triển tàu ngầm.

 

Trong thực tế, người viết không đứng về phe nào cả. Sở dĩ bây giờ phải nói về những nhược điểm của tàu sân bay, khẳng định tàu sân bay không phải là "định hải thần châm", vì tôi nghĩ rằng khi mọi người đang quá "máu lửa" với tàu sân bay như vậy thì bắt buộc phải dội chút nước lạnh để hạ nhiệt, bởi vì bất cứ quá trình phát triển vũ khí quy mô lớn nào, nếu không có những tiếng nói phản đối thì là bất bình thường, thậm chí là một tình trạng rất nguy hiểm.

Tác giả: Trần Hổ(Tân Hoa Xã)
Vũ Mạnhdịch

Bình luận
vtcnews.vn