Ngắm kỷ vật kháng chiến được làm từ xác máy bay, vỏ đạn

Tổng hợpThứ Hai, 20/12/2010 10:56:00 +07:00

(VTC News)- Từ những vật dụng đơn giản như những chiếc lược, chiếc đĩa, đến chiếc quạt, bộ đồ phẫu thuật...đều được làm từ xác máy bay hay vỏ pháo sáng.

(VTC News) - Những vật dụng đơn giản như những chiếc lược, chiếc đĩa, chiếc phích đến những đồ dùng phức tạp hơn như chiếc quạt, bộ đồ phẫu thuật, chiếc cup được chạm khắc tinh vi, tất cả đều được làm từ xác máy bay, vỏ pháo sáng. Đó chỉ là số rất ít trong hàng nghìn những kỷ vật kháng chiến đang được trưng bày tại triển lãm "Những kỷ vật kháng chiến - Dấu ấn thời gian".

Bao nhiêu kỷ vật được trưng bày là chừng ấy những câu chuyện cảm động... Nó nhắc nhở người về quá khứ hào hùng của dân tộc ta. 

VTC News đã ghi lại hình ảnh những kỷ vật mang trong mình cả bề dày lịch sử của dân tộc qua các cuộc kháng chiến:

Chiếc quạt được làm từ mảnh xác máy bay AC130. 
Chiếc chân giả này được đồng chí Nguyễn Bằng Phi, huyện đội Dĩ An, tỉnh Bình Dương (thương binh 1/4) làm từ mảnh xác máy bay và vỏ pháo sáng để vào chiến trường tiếp tục chiến đấu từ năm 1967 – 1971. 
Một số phích nước tự tạo do bộ đội và thanh niên xung phong làm từ mảnh xác máy bay Mĩ bị bắn rơi và ống pháo sáng của địch thả xuống đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mĩ. 
Chiếc bếp dầu tự tạo do đồng chí Nguyễn Ngọc Sinh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 252 thuộc Bộ tư lệnh Phòng không làm từ mảnh xác máy bay AC130 bị bắn rơi tại trọng điểm Tha Mé. Đồng chí Sinh đã sử dụng chiếc bếp ở Trường Sơn từ năm 1972 – 1975. 
Tấm phù điêu Bảng vàng ghi công được làm bằng mảnh xác máy bay AD-6, Trung đội Dân quân gái xã Hoàng Trường và Hoàng Hải, tỉnh Thanh Hoá bắn rơi ngày 16/11/1967. 
Những bộ đồ phẫu thuật cũng được làm hoàn toàn từ vỏ xác máy bay địch
Chiếc mũ sắt của 1 trong 200 chiến sỹ đã hy sinh tại chiến trường Chư tan Kra ngày 25/03/1968 
Những cuốn sổ tay sống sót kỳ diệu qua bom đạn. 

"Em hương đã nói được rồi, gọi bố luôn và chỉ lên ảnh bố, con rất khoẻ và lớn, con sắp đi học lớp 1, con hứa với bố con sẽ học giỏi để bố yêu".Bức thư của Thanh Hà gửi bố ngoài mặt trận

Trạm hộ sinh Đống Đa, Hà Nội đã dùng chiếc đèn này để đỡ cho 8 cháu bé chào đời ngay dưới hầm trong đêm 26/12/1972.
Cờ ăn xin của Mỹ với nội dung: "Tôi là một người Mỹ. Tôi không nói được tiếng Việt. Gặp bước không may tôi phải nhờ quý ông giúp đỡ, kiếm thức ăn, chỗ ở và nhờ quý ông bảo vệ tôi. Rồi tôi muốn nhờ quý ông đưa tôi đến một người nào có thể che chở tôi và đưa tôi về nước. Chính phủ chúng tôi sẽ đền ơn quý ông". Bức thư được viết bằng 14 thứ tiếng và được quân và dân Hà Nội tìm thấy trong người tên phi công lái máy bay B52 bị bắn rơi vào tháng 12/1972 
Để có được hòa bình, người dân Việt Nam phải đổi bằng máu và nước mắt


Phạm Thịnh(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn