Hợp lực đưa hàng Việt sang Nga

Kinh tếThứ Hai, 13/07/2015 09:25:00 +07:00

Hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015” diễn ra từ 12/11 - 12/12/2015 là cơ hội giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Nga và khu vực Liên minh để giới thiệu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015” diễn ra từ 12/11 - 12/12/2015 là cơ hội giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Nga và khu vực Liên minh để giới thiệu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Hội chợ do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga và công ty INCENTRA phối hợp tổ chức nhằm hưởng ứng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (Hiệp định FTA) vừa kí kết tháng 5/2015.

‘Sức nóng’ từ cuộc chơi thương mại mới

Ông Lê Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty Incentra, chủ đầu tư dự án Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva là một trong số những người cảm thấy hồ hởi nhất với tin tốt lành này. Hồ hởi là bởi, sau nhiều năm đầu tư một cách nghiêm túc, Tổ hợp Hà Nội Mátxcơva của công ty ông đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành cầu nối cho hàng Việt Nam tại một thị trường 180 triệu dân với rất nhiều lợi thế về thuế quan.

eurowindow
“Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam tiếp cận thị trường Liên bang Nga và Liên minh kinh tế Á Âu nói chung. Qua đó quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối giao thương, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, từng bước xây dựng mạng lưới đại lý, phân phối tại chỗ, tìm hiểu thị hiếu, thói quen tiêu dùng và sức mua của khách hàng cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp phân phối ở khu vực này”, ông Sơn nhấn mạnh.

Với vai trò là cầu nối giao thương giữa danh nghiệp Việt Nam với Liên bang Nga và các nước trong khu vực, trong thời gian tới, Incentra sẽ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục pháp lý tại Nga, như thủ tục đầu tư ra nước ngoài, giấy phép thành lập công ty, mở văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc showroom, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các đối tác, đại lý có tiềm năng và đáng tin cậy trong quan hệ làm ăn tại thị trường Nga.
eurowindow
Bên cạnh đó, Incentra cũng tiếp nhận các doanh nghiệp Nga muốn làm ăn với Việt Nam tới đặt văn phòng hoặc mở gian hàng buôn bán. Ngoài ra, Incentra cũng sẽ thường xuyên tổ chức các Hội thảo xúc tiến đầu tư và thương mại, các cuộc tọa đàm, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao nhằm giới thiệu và giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin và cơ hội để nâng cao vị thế của hàng Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, Hiệp định FTA sẽ giúp mở cửa và tự do hóa 90% số dòng thuế và 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên tính mốc từ năm 2014.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, tận dụng được cơ hội này thì hợp tác thương mại đầu tư của Việt nam với các nước khác của Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ có quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn trong thời gian tới. Chẳng hạn, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga chỉ hiện chỉ đạt 4 tỷ USD/năm, nhưng nếu thực hiện theo Hiệp định thì dự kiến đến năm 2020, kim ngạch này dự kiến sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD.

Cơ hội thực sự bán hàng Việt Nam


Theo thông tin từ Ban tổ chức, sau 2 hội nghị do Sở Công thương TP.HCM tổ chức đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia hội chợ như: Tổng công ty dệt may Phong Phú, Tổng công ty May Nhà Bè, Công ty may Đồng Nai, Công ty Cá sấu Việt Phong…

Bên cạnh đó các tỉnh thành khác cũng đang tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia và đang hoàn tất các thủ tục cần thiết. Ngoài các doanh nghiệp đăng ký, các Sở Công thương cũng sẽ cử các đoàn tham gia Hội chợ.

Theo bà Hà Phương, Trưởng phòng marketing của công ty Incentra tại Việt Nam, trong khoảng thời gian từ nay đến trước khi diễn ra hội chợ, công ty Incentra sẽ xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký tham gia hội chợ khảo sát trước thị trường như hỗ trợ chi phí ở tại khách sạn Hà Nội - Mátxcơva, chi phí đi lại nội địa... Hiện công ty cũng đang xúc tiến tìm kiếm, kết nối những đối tác cho những doanh nghiệp tham gia Hội chợ này.

eurowindow
Theo phân tích của các chuyên gia, điểm khác biệt lớn nhất chính là việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể thực sự bán hàng Việt Nam chứ không phải là hàng gia công cho các thương hiệu khác như đối với thị trường Âu Mỹ, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp vừa có thể thu lợi nhuận cao hơn, vừa có thể chủ động hơn về thị trường.

“Việc phát triển sang thị trường Nga sẽ tận dụng được lợi thế, kinh nghiệm, xây dựng được thương hiệu của chính doanh nghiệp, bán hàng trực tiếp cho các nhà phân phối. Đồng thời, việc tận dụng được cơ hội khi Hiệp định FTA đi vào có hiệu lực với một loạt thuế suất giảm về 0% sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, không còn tình trạng xuất hàng với lợi nhuận thấp bởi sản xuất ở giá gốc, bán hàng ở giá cành”, một chuyên gia giàu kinh nghiệm về thương mại quốc tế cho biết.

Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, lý do khiến các doanh nghiệp dệt may hào hứng với Hiệp định mới chính là những cơ hội mà hiệp định mang lại, cho dù thách thức là không ít.

Trong khi đó, theo ông Bùi Hồng Minh, Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, bên cạnh dệt may, các mặt hàng khác như da giày, thủy sản, đồ gỗ, nhựa… đều có cơ hội lớn. Vấn đề còn lại, theo ông Minh, chính là việc các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động vượt qua các trở ngại hiện nay về thị trường như vấn đề thanh toán, các điều kiện vệ sinh thực phẩm đối với hàng hóa… để nắm lấy cơ hội này.

Theo: Nhật Anh/VietNamNet
Bình luận
vtcnews.vn