Mua bất động sản: Mất tiền không biết hỏi ai

Kinh tếThứ Ba, 16/08/2011 02:18:00 +07:00

(VTC News) - Tại sao giữa lúc thị trường BĐS đang ảm đạm thì các căn hộ và biệt thự tại dự án Vân Canh lại "đắt khách" một cách kỳ lạ?

(VTC News) - Sau vụ Oanh “Xã Đàn” lừa đảo hàng loạt nhà đầu tư có nhu cầu mua nhà tại dự án Vân Canh những tưởng việc giao dịch sẽ trở nên minh bạch, rõ ràng hơn. Vậy nhưng, giao dịch tại đây vẫn trong tình trạng “mờ mờ, ảo ảo”. Nguy cơ mất tiền, chịu quả đắng vẫn đang rình rập bất người mua nào.

Chênh lệch hàng tỷ đồng rơi vào túi ai?

Dự án KĐT Vân Canh hiện đang là điểm nóng trong việc bán "suất ngoại giao". Ảnh minh họa internet

Bất chấp vụ Oanh “Xã Đàn” bị phanh phui, trên các diễn đàn, trang thông tin, mua bán bất động sản vẫn tràn ngập tin rao bán căn hộ liền kề, căn hộ biệt thự tại khu đô thị Vân Canh. Giá bán từ 40 – 43 triệu đồng/m2. Ngạc nhiên hơn là người bán đều công khai đưa ra thông tin đây là “suất ngoại giao”

Trong khi đó, PV VTC News tìm đến sàn giao dịch bất động sản Thái Minh Quang (Trung Yên - Cầu Giấy) – nhà phân phối độc quyền cho dự án căn hộ liền kề và biệt thự Vân Canh thì không còn căn hộ nào bán nữa. Tất cả đã được bán vào đầu tháng 6/2011. Câu hỏi được đặt ra là giữa lúc thị trường bất động sản đang ảm đạm, tại sao căn hộ tại dự án này lại “đắt khách” đến vậy?

Thực tế tại các trung tâm môi giới bất động sản nằm sát khu đô thị Vân Canh lại hoàn toàn khác. Trong vai nhà đầu tư có nhu cầu mua căn hộ liền kề, chúng tôi được một “cò” môi giới ở trung tâm giao dịch bất động sản ngay cạnh cổng vào khu đô thị Vân Canh chào đón niềm nở và hướng dẫn rất cụ thể.

Tay “cò” này khẳng định, hiện giờ không đào đâu ra suất chính thức tại dự án này, nếu muốn chỉ có thể mua “suất ngoại giao”. Thấy chúng tôi tỏ ra lo ngại khả năng sẽ bị lừa như các nạn nhân của Oanh “Xã Đàn”,  ‘cò” môi giới này phân tích: Thực ra Oanh “Xã Đàn” cũng có nhiều “quan hệ”, đã bỏ lượng tiền đáng kể ra để chạy “suất ngoại giao” nhưng do trục trặc “kỹ thuật” chưa có nhà để giao, lại cộng thêm lãi suất leo thang nên dẫn đến cảnh vỡ nợ.

Thêm vào đó, thời điểm Oanh “Xã Đàn” ký hợp đồng với nhà đầu tư (từ tháng 1-6/2010) giá chỉ từ 20- 28 triệu đồng/m2 thì một vài tháng sau lên tới 32-38 triệu đồng/m2, cộng thêm tiền lãi vay nên Oanh không cầm cự nổi. Nếu Oanh không bị bắt thì có thể đã khắc phục được (!?

Một cách khác để mua “suất ngoại giao” chắc chắn hơn và khách hàng sẽ được ký hợp đồng với sàn giao dịch bất động sản Thái Minh Quang. Tuy nhiên, muốn được ký hợp đồng với sàn giao dịch này, trước tiên, khách hàng phải ký hợp đồng đặt cọc với người có “suất ngoại giao” ở dự án nhà liền kề, biệt thự Vân Canh.

Số tiền đặt cọc là 100 triệu đồng. Đồng thời, khách hàng phải nộp số tiền chênh lệch lên đến hơn 1 tỷ đồng/suất so với giá giao dịch tại sàn Thái Minh Quang. Sau một tuần, khách hàng sẽ nhận được thông báo nộp tiền, ký hợp đồng chính thức với chủ đầu tư của sàn Thái Minh Quang.

Tất nhiên, hợp đồng đặt cọc và giấy giao tiền chênh lêch đều được viết tay, không có bất cứ chứng thực của cơ quan chức năng dù số tiền này lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Tìm hiểu được biết, giá căn hộ liền kề và biệt thự Vân Canh được quyết toán là gần 30 triệu đồng/m2, một căn hộ liền kề 110m2, ba tầng có giá là gần 3,3 tỷ đồng.

So với giá mà các “cò” bán “suất ngoại giao’, mỗi căn hộ chênh lệch đến hơn 1 tỷ đồng. Vậy, số tiền chênh lệch hơn 1 tỷ đồng/căn hộ này sẽ rơi vào túi ai? Liệu các sàn giao dịch bất động sản (có chức năng phân phối độc quyền căn hộ tại dự án Vân Canh như sàn Thái Minh Quang) có liên quan đến điều này?

Muốn lấy lại tiền góp vốn: Khó như "leo lên trời"

Có lẽ, chuyện lợi dụng dự án bất động sản để ăn chênh lệch, bỏ túi hàng tỷ đồng đã và đang diễn ra phổ biến ở khắp các dự án. Cũng ngay tại khu đô thị Vân Canh, dự án CT1, CT2 dù mới chỉ có đất nền, đang thử  tải nhưng chủ đầu tư đã huy động cả nửa tỷ đồng/căn hộ.

Mới đây, khi chúng tôi đến Công ty AZ Land – đơn vị nhận chuyển nhượng dự án CT1, CT2 tại khu đô thị Vân Canh từ HUD thì được biết, sàn giao dịch của công ty này vẫn đang tiến hành giao dịch bán căn hộ tại dự án CT1. Tuy nhiên, quá trình mua bán cũng rất “lòng vòng”, rối rắm và khách hàng cũng phải nộp số tiền chênh lệch lên đến 400 triệu đồng/căn hộ.

Đại diện sàn giao dịch của  AZ Land cho biết thời điểm này AZ Land không tiến hành huy động vốn của nhà đầu tư cho dự án CT1, CT2 nữa. Tuy nhiên, sàn giao dịch của AZ Land vẫn môi giới để khách hàng của thể mua lại căn hộ CT1 mà những nhà đầu tư đã góp vốn trước đó.

Để giao dịch, khách hàng phải nộp trước 20% tổng giá trị căn hộ, nộp trước mức chênh lệch khoảng 300- 400 triệu đồng/căn hộ. Giá gốc ở dự án này là 11 triệu đồng/m2 nhưng giá bán ra thời điểm này là 15 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, phải mất khoảng 1 năm nữa thì khách hàng mới có thể ký hợp đồng mua bán căn hộ với AZ Land. Nguyên nhân là đến thời điểm đó mới có thể hoàn thiện việc xây móng công trình.

Một dấu chấm hỏi đặt ra là AZ Land lấy cơ sở gì để tiến hành môi giới, bán căn hộ cho khách hàng hay việc mua bán này thực chất chỉ là trên giấy và thông qua hình thức cho công ty vay tiền, đổi lại nhà đầu tư được quyền mua căn hộ? Đây thực sự là hình thức huy động vốn trá hình. Đáng ngại hơn là việc thu chênh lệch lên tới gần nửa tỷ đồng/căn hộ vẫn ngang nhiên diễn ra.

Với hình thức mua bán này, khi dự án gặp rủi ro, bị chậm tiến độ thì người chịu thiệt chính là khách hàng vì AZ Land chưa ký kết bất cứ điều gì về cam kết tiến độ dự án trong các loại giấy tờ mua bán.

Đặc biệt, dư luận cũng như nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra hoài nghi, lo ngại về tính pháp lý của dự án CT2 mà AZ Land đang triển khai.

Mặc dù đã có hợp đồng chuyển nhượng dự án với HUD nhưng dư luận đang lo ngại dự án này nằm trong chỉ giới quy hoạch trục Hồ Tây – Ba Vì, thuộc diện rà soát và phải điều chỉnh công năng, mật độ xây dựng cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố Hà Nội mới được công bố. Vậy tại sao khi chưa làm rõ vấn đề này AZ Land vẫn tiến hành giao dịch, huy động vốn của nhà đầu tư?

Hiện, nhiều nhà đầu tư đang rất bức xúc và yêu cầu lấy lại tiền góp vốn cho AZ Land. Tuy nhiên, phía AZ Land lại trả lời: Chúng tôi chỉ hoàn trả tiền gốc, còn tiền chênh lệch (300-400 triệu đồng/căn hộ) thì nhà đầu tư tìm đến người môi giới mà đòi!

Mời độc giả theo dõi Bài 3: Ý kiến của các chuyên gia, luật sử lý giải tại sao NĐT dễ bị lừa và cách tránh mắc bẫy.

Vĩnh Tuấn

Bình luận
vtcnews.vn