95% DN chăn nuôi vừa và nhỏ sẽ phá sản vì tỷ giá?

Kinh tếThứ Năm, 17/02/2011 01:00:00 +07:00

Ngay sau khi tỷ giá được điều chỉnh tăng, nhiều công ty xuất nhập khẩu phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó có phần lớn DN chăn nuôi vừa và nhỏ

Ngay sau khi tỷ giá được điều chỉnh ngày 11/2, nhiều công ty xuất nhập khẩu đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó có phần lớn DN thức ăn chăn nuôi vừa và nhỏ.

90 – 95% DN chăn nuôi nhỏ và vừa sẽ phá sản!?

Anh Đào Đình Nguyên, Trưởng phòng kinh doanh, công ty xuất nhập khẩu và thương mại Phú Đạt (Thái Bình) tính toán, nếu trước đây một tháng công ty anh nhập về khoảng 3 triệu USD, thì lần điều chỉnh tỷ giá này, mỗi USD tăng 1.400 đồng, tức là số tiền chi phí để nhập khẩu hàng hóa sẽ tăng thêm gần 300 nghìn USD (khoảng trên 6 tỷ đồng).

Với một công ty chuyên xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản như công ty anh Nguyên thì đây là một số tiền không nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ phá sản. Ảnh: Chinhphu.vn  

“Khó khăn nhất cho doanh nghiệp là khi ký hợp đồng với khách hàng nội, theo quy định quản lý ngoại hối là không được ký bằng giá đô la mà ký trên giá nội (giá trong nước) để xác định một mức giá cố định. Nhưng khi điều chỉnh tỷ giá, dẫn đến tiền tính thuế và chi phí nhập khẩu gia tăng, khi trả hàng, doanh nghiệp bị lỗ rất nhiều”, anh Nguyên phân tích.

Cùng chung khó khăn, mấy ngày nay anh Lương Duy Toản, Giám đốc thu mua của công ty TNHH Sữa cho tương lai cũng đang phải đau đầu với bài toán tăng giá.

85% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của công ty anh đều phải nhập khẩu, vì vậy việc điều chỉnh tỷ giá lần này đã khiến công ty anh gặp không ít khó khăn. Vài ba ngày nay, tất cả các nguyên liệu này đều đã rục rịch tăng giá. Cụ thể, giá khô đậu tương (nhập khẩu từ Ấn Độ) trước đây có giá 10.400 – 10.500 đồng/kg, nay đã tăng lên 11.200 – 11.300 đồng/kg.

Tương tự, sản phẩm chiết xuất từ ngô (nhập khẩu từ Mỹ), trước đây có giá 7.200 – 7.300 đồng/kg, nay là 7.700 – 7.800 đồng/kg. Nhìn chung, các sản phẩm đều tăng 10 – 12%. Anh Toản nhẩm tính, với mức tăng như vậy, nếu trước đây mỗi tháng mất 5 tỷ đồng tiền nhập khẩu nguyên liệu, thì nay số tiền sẽ tăng lên 5,4 – 5,5 tỷ đồng.

“Với mức lỗ lớn thế này, 90 – 95% các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành thức ăn chăn nuôi sẽ phá sản. Chỉ có tập đoàn, công ty lớn nước ngoài mới đứng vững được”, anh Toản nói.

Để không bị lỗ, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu rục rịch tăng giá. Ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng kinh doanh gas của Saigon Petro cho hay, việc tăng tỷ giá đến 9,3%, đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh gas buộc phải tăng giá bán lẻ để bù đắp sự chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán hiện nay.

Các công ty kinh doanh gas cũng cho biết việc mua gas trong nước và nước ngoài đều phải tính bằng USD, cho nên khi tỉ giá tăng, phải điều chỉnh giá bán tăng ngay.

Nếu tăng theo tỉ giá thì mỗi bình gas 12 kg phải tăng khoảng 30.000 đồng. Tuy nhiên, để cân đối nguồn hàng (đã nhập, đang nhập và sắp nhập) cũng như lượng hàng trên thị trường nên giá bán chỉ tăng hơn 5% (tức tăng 17.000 đồng/bình 12 kg).

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cũng cho rằng, 2 lần điều chỉnh tỉ giá trước đây (trong năm 2010) đã làm cho doanh nghiệp lỗ 800 tỉ đồng. Lần điều chỉnh tỉ giá này làm đơn vị lỗ rất nặng, tức mỗi lít xăng dầu lỗ gần 1.000 đồng.

Hiện Petrolimex đang nợ ngân hàng với lượng USD khá lớn để nhập khẩu xăng dầu. Theo tính toán từ Saigon Petro, đặc thù mua bán của ngành xănh dầu là hàng nhập về sau 30 ngày mới thanh toán với ngân hàng. Như vậy nếu tính theo tỉ giá mới này, mỗi tháng đơn vị tiêu thụ khoảng 80 triệu lít xăng, dầu thì trong tháng 1 vừa qua, họ bị lỗ khoảng 70 tỉ đồng. Và đương nhiên trong tháng 2 này cũng có mức lỗ tương tự.

Các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cũng cho biết họ không chỉ lỗ do tỉ giá mà còn lỗ khoảng 300 đồng/lít xăng dầu do giá thế giới tăng cao, cho dù được giảm thuế nhập khẩu còn 0% cũng như sử dụng tối đa quỹ bình ổn. Điều đáng lo lắng hơn là đến đầu tháng 2 này, quỹ bình ổn của họ cũng sắp cạn kiệt.

Xuất khẩu cũng… lo lắng

Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Agrifish An Giang, cho rằng về lý thuyết, NHNN vừa điều chỉnh tỷ giá theo hướng có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng nguyên liệu thức ăn nuôi thuỷ sản phải nhập chiếm 70%, khiến chi phí tăng.

“Suy cho cùng thì đâu cũng vào đó”, ông Ký nói. Khủng hoảng xảy ra từ đầu 2008, nhưng đến năm 2011, doanh nghiệp ngành thủy sản mới thật sự phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Bằng chứng là ngay từ những ngày đầu năm mới, tình hình nguyên liệu đã khá căng thẳng. Giá cá tra liên tục tăng, đến nay lên mức 25.000 đồng/kg, tăng 60% so với đầu năm ngoái. Dự báo, năm nay sản lượng cá sẽ hụt tới 50% và chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, tự đứng ra tổ chức nuôi mới may ra duy trì công suất nhà máy. Nhưng thực tế, đối với ngành thuỷ sản, nhất là cá tra hiện nay, thì số doanh nghiệp kể trên chỉ đếm đầu ngón tay.

Còn ông Trần Thành, Giám đốc doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến bánh mè thì cho biết, vì nguyên liệu sản xuất bánh mè đa phần phải nhập khẩu, do đó, khi tỷ giá tăng lên 20.693 VND/USD, tức là tăng 9,3% thì các nguyên liệu nhập khẩu này dĩ nhiên là đội giá thêm 9,3% nữa chưa tính đến biến động giá thế giới.

Mặt khác,  nhân công họ tiêu dùng các sản phẩm khác với giá cao hơn thì họ sẽ yêu cầu mức lương cao hơn, rồi điện cũng đòi tăng, xăng cũng đòi tăng. Trên thương trường lại không dễ gì tăng giá bán sản phẩm. Vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá lần này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng không mấy “mặn mà”.

Giải pháp… nằm ở đâu?

Bị lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp cũng không biết phải “xoay sở” thế nào để đảm bảo nguồn thu chi cho hợp lý. Cách duy nhất là đàm phán với khách hàng để tăng giá xem ra cũng chỉ là “giải pháp tình thế” vì đa số khách hàng sẽ không chấp nhận. Tăng giá sẽ tác động dây chuyền khiến cho kế hoạch kinh doanh của công ty họ sẽ bị phá vỡ.

Theo Đào Đình Nguyên, Trưởng phòng kinh doanh, công ty xuất nhập khẩu và thương mại Phú Đạt (Thái Bình), vấn đề cần phải giải quyết trước mắt là giảm số lượng nguyên liệu phải nhập khẩu, để tránh tình trạng “phình” tài chính.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, về lâu về dài cần phải giải quyết vấn đề “gốc rễ” của nền kinh tế là chấm dứt tình trạng đô la “hai giá” như hiện nay (đô la ngân hàng và đô la chợ đen). Do nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng VN chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, nên nhiều doanh nghiệp vẫn phải tìm đến giá đô la ngoài chợ đen để có tiền nhập khẩu hàng hóa. Chính điều này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng lỗ nặng hơn nữa khi điều chỉnh tỷ giá.

Còn theo ông Lương Duy Toản, Giám đốc thu mua của công ty TNHH Sữa cho tương lai thì vấn đề do VN đang bị “đô la hóa” quá trầm trọng. Muốn giải quyết được vấn đề này thì không còn cách nào khác phải “bắt bệnh” từ chính nền kinh tế, tức là tăng năng lực sản xuất trong nước, giảm tỷ lệ nhập siêu.

Mặt khác, cũng cần lưu ý, trong cơ cấu nhập siêu của VN, chiếm phần lớn tỷ lệ là từ Trung Quốc. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải nâng giá đồng nhân dân tệ để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc hoặc những nguyên vật liệu cần mua từ Trung Quốc thì sẽ thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất tại VN.

Ai cũng… lo
 
Là doanh nghiệp chuyên về thể thao, ông Minh Tâm, trợ lý giám đốc điều hành một CLB Bóng đá ở TP.HCM, cho hay: tỷ giá mới khiến hầu bao của đội bóng mất thêm khoản tiền không hề nhỏ cho chuyện trả lương. Với 1 huấn luyện viên trưởng, 1 huấn luyện viên thể lực đều là người nước ngoài, phải trả lương bằng USD cùng 3 cầu thủ ngoại, cộng với chuyện phía CLB phải chịu luôn cả thuế thu nhập cá nhân cho 5 “ngoại binh” này, tổng chi lương từ tháng 2/2011 tăng xấp xỉ 10%; con số không hề nhỏ khi quỹ lương lâu nay đến trên 1 tỷ đồng/tháng cho cả đội bóng.

Bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Trưởng phòng Du lịch nước ngoài Công ty Bến Thành Tourist, nói: “Đối với các khách hàng đã đăng ký từ trước thì doanh nghiệp buộc phải chịu lỗ, đối với các khách mua giá tour theo tỷ giá mới thì chúng tôi cố gắng điều chỉnh để không tăng quá cao”. Nhìn chung giá sẽ mới sẽ tăng từ 5-7% so với giá cũ. Công ty Dã ngoại Lửa Việt cho biết gặp khó khăn khi không mua được đô la theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng nên doanh nghiệp này buộc phải tính giá tour theo tỷ giá thị trường tự do. Theo đó, toàn bộ giá tour du lịch nước ngoài mới sẽ phải điều chỉnh tăng khoảng 10%.


Theo Khoa học&Đời sống

Bình luận
vtcnews.vn