Năm 2010, hơn 60% người ngộ độc thực phẩm do hóa chất

Kinh tếThứ Sáu, 17/12/2010 10:45:00 +07:00

(VTC News)- 10 tháng đầu năm 2010, cả nước có 45 vụ ngộ độc lớn, trong đó số người ngộ độc do hóa chất tăng cao, chiếm hơn 60%.

(VTC News) - Tổng kết về tình hình ngộ độc thực phẩm năm 2010, 10 tháng đầu năm, cả nước có 45 vụ ngộ độc lớn (trên 30 người mắc bệnh), trong đó số người ngộ độc do hóa chất tăng cao, chiếm hơn 60%.

Tổng kết thực trạng VSATTP  năm 2010, cả nước có 45 vụ ngộ độc thực phẩm lớn (số người mắc trên 30 người) - năm 2009 là 49 vụ. TS Nguyễn Công Khẩn cho rằng, số vụ ngộ độc đã giảm 4 vụ nhưng TS Khẩn tỏ ra lo ngại vì số lượng vụ ngộ độc đang tiếp tục tăng lên, việc loại bỏ ngộ độc thực phẩm vẫn là một điều nan giải và hoàn toàn không dễ dàng ngay cả đối với những nước hiện đại.

 Việc loại bỏ ngộ độc thực phẩm vẫn là một điều nan giải và hoàn toàn không dễ dàng ngay cả đối với những nước hiện đại.

Cách đây 10 năm, ngộ độc chủ yếu chưa rõ nguyên nhân (chiếm 71%). Đến năm 2010, con số này giảm xuống chỉ còn 50%. 4 lý do chưa thể xác định được nguyên nhân các vụ ngộ độc là: Lấy mẫu chậm, không lấy được mẫu, không có cách nào điều tra được hoặc còn phải xét nghiệm.

Ngoài ra, TS Khẩn cũng đánh giá: Nếu như năm 2000, ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 70%) thì tới năm 2010, ngộ độc vi sinh vật thấp đi (<50%), ngộ độc chủ yếu do hóa chất, chiếm tới trên 60%. “Điều này cho thấy, xu thế ngộ độc cho hóa chất càng ngày càng tăng lên, ngộ độc do vi sinh vật có xu hướng kiểm soát tốt hơn nhưng không có nghĩa là nguy cơ giảm đi. Từ đó, đòi hỏi chúng ta phải có năng lực kiểm soát một cách tốt hơn”, TS Khẩn nhấn mạnh.

Riêng trong quý IV năm 2010, cả nước xảy ra 18 vụ ngộ độc làm 4 người tử vong do độc tố cá nóc tại các tỉnh Phú Yên, Bến Tre, Bình Thuận, trong đó có 3 vụ ngộ độc lớn từ 30 người trở lên. Số người bị ngộ độc là 323 người với 242 người nhập viện.

So với cùng kỳ năm 2009, số người mắc giảm 189 người, số người đi viện giảm 186 người. Tuy nhiên số người tử vong lại tăng lên 2 người. Số vụ ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn (trên 30 người) giảm 3 vụ, số người mắc giảm 215 người, số người đi viện giảm 174 người.


Năm 2010, số vụ ngộ độc do hóa chất là chủ yếu, chiếm trên 60%.

Nguyên nhân chính là do vi sinh (gồm 4 nhóm vi khuẩn chính là Salmonella, Streptoccocus, E.Coli và Staphylococcus); do độc tố tự nhiên và hóa chất. Có 5/18 vụ ngộ độc không xác định được nguyên nhân do không lấy được mẫu thực phẩm lưu tại cơ sở.

TS. Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục ATVSTP - nhận xét: Các vụ ngộ độc thực phẩm được chẩn đoán, xác định nhanh nguyên nhân và xử lý kịp thời, thông tin ghi nhận nhanh chóng, chính xác hơn. Công tác quản lý ngộ độc thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thời gian vừa qua, không có vụ ngộ độc nào xảy ra trong suốt thời gian diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Mặc dù vậy, ông Hùng cũng khuyến cáo người dân trước tình trạng ngộ độc thực phẩm tại gia đình chiếm gần 60% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước, đặc biệt là ngộ độc cá nóc. Điều đó cho thấy: Các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra tại khu vực hộ gia đình có xu hướng tăng, ý thức người dân chưa cao trong việc thực hiện ATVSTP.

Phương Hạ
Bình luận
vtcnews.vn