"Công nghệ" tẩy trắng lòng, móng giò heo giá giật mình

Kinh tếThứ Sáu, 10/09/2010 06:08:00 +07:00

(VTC News) – Chỉ 25.000 - 35.000 đồng, người chế biến thực phẩm dễ dàng mua được túi chất tẩy đường hoặc axit chanh để tẩy lòng lợn, thịt gia cầm... trắng nõn

(VTC News) – Chỉ với 25.000 - 35.000 đồng, người chế biến thực phẩm dễ dàng mua được túi chất tẩy đường hoặc axit chanh tại chợ Đồng Xuân. Điều đáng nói là, các chất tẩy này được dùng để tẩy trắng lòng, dạ dày lợn, tẩy hoa chuối, ngó sen, gà, vịt làm sẵn, móng giò… bán cho người tiêu dùng sử dụng.



Nửa thìa tẩy đường, axit chanh tẩy được cả cân thực phẩm

Anh Trung Thành, sống tại thị trấn Phùng, Đan Phượng (Hà Nội) là dân nghiền món lòng lợn, tiết canh nhưng từ khi vô tình phát hiện bà chủ bán món này trong thị trấn có dùng thuốc bột để tẩy trắng lòng, anh Thành đã  "cạch" không dám "động đũa" đến món khoái khẩu này. Và nếu có thèm, anh mua lòng ở chợ về làm ăn cho... đỡ nhớ.

Gà, vịt làm sẵn còn được người bán ngâm bằng thuốc tẩy để làm nhanh sạch và trông thịt trắng nõn. 

Qua tìm hiểu những thông tin từ anh Thành, phóng viên VTC News có dịp mục kích và được hướng dẫn cặn kẽ các loại chất tẩy dùng cho lòng, dạ dày lợn cũng như để tẩy các thực phẩm khác như măng, hoa chuối, móng giò, gà, vịt…

Khi pv hỏi mua chất tẩy về để tẩy hoa chuối trắng, chị Phương bán hàng khô tại chợ Thái Thịnh, Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Không lấy hàng này vì dùng chất tẩy loại làm trắng này rất hại. Nói vậy, nhưng chị Phương vẫn gợi ý: “Nhưng chị biết có loại thuốc người ta vẫn dùng để tẩy thực phẩm đấy. Hôm nọ có bà bán hoa chuối ở chợ hỏi mua nhưng chị không có. Để hôm nào chị đi lấy về bán cho”.

Hoa chuối được thái sẵn bán ở chợ cũng có nguy cơ bị tẩy trắng bằng axit chanh.

Chúng tôi tìm đúng bà chuyên bán hoa chuối đã thái lát ở chợ Thái Thịnh, nói dăm ba câu chuyện về việc dùng hóa chất để tẩy cho trắng hoa chuối. Bà cụ bán hàng khẳng định: Hàng của bà không dùng chất tẩy vì ăn vào rất độc hại. Vừa nói, vừa như chứng minh hoa chuối của bà là sạch, bà nhón tay lấy hoa chuối cho vào mồm nhai. Lúc sau, bà vỗ vai tôi tiết lộ: Chỉ có hàng nào bán thân chuối trộn với rau sống họ mới dùng thuốc tẩy trắng thôi.

Để tìm được loại thuốc tẩy được nhắc tới, chúng tôi đã tìm đến chợ đầu mối Đồng Xuân (Hà Nội).

Trong vai người đi mua chất tẩy để tẩy lòng cho nhanh sạch và trắng, chúng tôi được chị bán hàng tại quầy Huyền My cho biết: “Ở đây chỉ có tẩy đường, không có bột cho tẩy lòng. Nhưng chị cũng không rõ có tẩy được lòng hay không nữa, nhưng người ta dùng tẩy măng, tẩy vỏ dừa đấy. Vì công dụng chính là tẩy đường cho trắng nên gọi là tẩy đường”. Giá bán tẩy đường tại quầy Huyền My là 35.000 đồng/kg, không bán lẻ.

Măng cũng thường được tẩy và bảo quản bằng chất tẩy đường. 

Tại quầy Vân Đăng, khi được hỏi mua chất tẩy lòng lợn cho trắng, chị chủ cho biết có loại tẩy đường vẫn hay được khách hàng mua về để tẩy măng, tẩy hoa chuối, tẩy ngó sen để làm nộm.

Lúc này, chúng tôi mới định hình rõ chất tẩy mà nhiều người mua về để tẩy thực phẩm có tên là “tẩy đường”. Chị chủ đon đả lấy túi tẩy đường cho chúng tôi xem đó là gói bột màu hơi đục, đựng trong túi ni lông trắng, trên không hề có nhãn mác hoặc bất cứ thông tin gì. Đến khi chúng tôi hỏi mua, chị mới lấy bút dạ ra viết lên vỏ ni lông chữ “tẩy đường”.

Theo lời chị chủ: Chất tẩy đường được các cơ sở làm bánh kẹo mua về và tẩy đường cho trắng. Ngoài ra, dùng bột này có thể tẩy được lòng lợn, tẩy măng, tẩy hoa chuối cho đỡ bị thâm…

Theo TS Nguyễn Xuân Lãng nếu dùng chất tẩy công nghiệp để tẩy thức ăn, người ăn có nguy cơ bị nhiễm kim loại nặng và về lâu dài có thể bị ung thư.

Ngoài ra, ăn các thực phẩm như bánh, lòng lợn, giá sống, măng... được làm trắng bằng Sodium hydrosufite công nghiệp khi bị nhiễm qua đường khí quản sẽ gây khó thở, nghẹt thở.

Ngay phía trên gói tẩy đường là gói bột trắng có đề chữ axit I, bà chủ nói: “Tẩy axit này dùng để tẩy quần áo, thậm chí làm dấm, người ta không dùng để tẩy lòng đâu vì có mùi chua”. Giá cho túi bột tẩy đường là 35.000 đồng/kg, axit chanh có giá 25.000 đồng/kg.

Đi sâu vào phía trong chợ Đồng Xuân, chúng tôi tiếp tục hỏi mua tẩy đường. Khi đã gọi tên chính xác chất tẩy này, bà chủ quầy Lợi Nghĩa nói ngay: Hiện quầy này không  có loại tẩy đường và bà chủ quầy nhanh nhẹn giới thiệu sang loại axit chanh vì theo bà nó "đỡ độc hại" hơn.

Bà chủ quầy hàng nói thêm: Thuốc tẩy đường dùng để tẩy bột làm bánh, tẩy gạo. Tẩy đường này chỉ dùng được trong thời gian ngắn, giá cả lại đắt, nếu không dùng kịp sẽ có mùi thuốc tẩy, dễ bị phát hiện.

Nói xong, bà chủ nhiệt tình lôi ra gói axit chanh màu trắng và bảo chúng tôi lấy loại này mà tẩy lòng, ngoài ra còn tẩy được gà, vịt, tẩy măng, tẩy dừa, tẩy móng giò, tẩy bóng… thậm chí tẩy cả bát đũa. Thấy chúng tôi băn khoăn, liệu dùng axit chanh như vậy có độc không và có mùi chua thì khách hàng phát hiện ngay, bà Lộc nói ngay: “Gọi là axit vì nó tẩy chứ làm gì có mùi chua”.

Vừa lúc đó, một phụ nữ đến đổ buôn cho quầy này cũng chen vào nói: Dùng cái này lợi lắm, mỗi cân lòng chỉ cần cho nửa thìa vào sẽ rất sạch. Người ta còn mua về tẩy cả gà, vịt làm lông sẽ rất nhanh.

Đây là axit chanh được mua tại quầy Lợi Nghĩa, chợ Đồng Xuân với giá 25.000 đồng/kg.

Bà chủ Lợi Nghĩa hướng dẫn chi tiết: Các chủ hàng thường mua chất này  về hòa vào nước rồi thả móng giò vào làm, cứ gọi là sạch bong nhé. Nếu cô định dùng axit chanh này thì mua lòng về rồi cho vào nước, đổ lòng vào nhạo nhạo lên, lòng sẽ trắng và sạch, sau đó rửa lại bằng nước lạnh. Bà bán hàng còn khẳng định: Nhà nước cho phép dùng chất này!

Nói đến giá cả, bà chủ cho biết: “Nếu cô mua axit chanh nhiều, thùng 25 kg tôi sẽ bán giá 18.000 đồng/kg, nếu mua 1 yến, vì nó còn hao phải xúc ra nên giá đắt hơn là 19.000 đồng/kg, giá bán lẻ là 25.000 đồng/kg”. Với tẩy đường, bà chủ quầy Lợi Nghĩa nói thêm: Nếu mua cô cũng có. Giá tẩy đường bán lẻ là 35.000 đồng/kg. 

Khi chúng tôi hỏi về loại tẩy đường có giá 75.000 đồng/kg được một số chủ hàng cho biết trước đó, bà chủ Lợi Nghĩa khẳng định: “Họ lừa đấy, chỉ có loại tẩy đường duy nhất nhập từ Trung Quốc thôi, không có loại nào khác”.

Tiếp tục dạo thêm một vòng chợ, khi hỏi mua tẩy đường, có vài hàng nói giá 70.000đồng/kg. Chúng tôi thắc mắc sao giá đắt thế vì có hàng chỉ 35.000 đồng/kg, một chủ quầy hàng "phản pháo": “Tẩy đường có nhiều loại, loại 35.000 đồng/kg là loại của Trung Quốc, còn loại tôi bán cao cấp hơn".

Tại quầy Tâm Phương, chuyên kinh doanh các mặt hàng khô, các đồ gia vị cho nhà hàng... axit chanh có giá 23.000 đồng/kg nếu mua cả bao 25 kg. Tẩy đường có giá 30.000 đồng nếu mua cả yến, mua lẻ giá 35.000 đồng/kg. Theo lời chị chủ: “Tẩy lòng thì phải lấy loại "xịn", với 1 kg lòng thì chỉ dùng 1 thìa thôi, em cho vào nước bóp sạch rồi rửa lại sẽ rất sạch. Tẩy đường còn làm bánh, tẩy đường độc hơn axit chanh nên dùng axit chanh, em ạ”.

Sự thật về hóa chất khiến thực phẩm trở nên bắt mắt

Không chỉ ở chợ Đồng Xuân, mà nhiều công ty hóa chất khác cũng bán chất tẩy đường và axit chanh. Một người tự xưng là nhân viên  ở Công ty CP Phát triển và Ứng dụng công nghệ Toàn Cầu (Tầng 10, nhà H, Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, công ty anh chuyên bán hóa chất tẩy đường cho các dự án.

Theo quảng cáo, chất tẩy đường do công ty bán có xuất xứ từ Trung Quốc. Chất này dạng bột màu trắng đóng gói 50 kg/thùng. Người nhân viên Công ty Toàn Cầu nói: Công ty tôi chỉ bán hàng cho các dự án. Nếu muốn mua số lượng nhỏ, chị có thể ra phố Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội.

Hoa chuối thái bị thâm đen trước khi tẩy. 

Cũng chỗ hoa chuối bị thâm đen ở ảnh trước, đang được ngâm bằng axit chanh hòa trong nước sau 10 phút. 

Tại Công ty CP Hóa chất công nghệ mới Việt Nam (Số 1 ngõ 76/7 Tập thể Quân đội, phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng có bán hóa chất tẩy đường và axit chanh. Theo lời anh Dũng, nhân viên tại đây thì chất tẩy đường bán theo thùng 50kg, có xuất xứ từ Trung Quốc. Khách hàng mua nếu có hóa đơn VAT giá 1 tạ là 2,1 triệu đồng.

Anh Dũng cho biết: “Trên bao bì hàng của Trung Quốc, kể cả hàng của Đức, Ý cũng không ghi là có sử dụng cho thực phẩm hay không. Theo mình hiểu thì chất này chỉ dùng cho công nghiệp. Nhưng "quân nhà mình" thì dùng tất, vì chưa thấy ai bị cấp tính cả nên vẫn dùng. "Quân ta" cho chất này vào  tất cả các thực phẩm như măng, bánh... nên giờ trước khi ăn thì nhìn xem có tẩy đường hay không để tránh thôi. Chúng tôi bán tẩy đường cho nhà máy, cơ sở xuất, làng nghề... họ đều mua về dùng, mỗi nơi có một mục đích sử dụng riêng”.

Theo TS. Nguyễn Xuân Lãng, Trưởng Phòng Thí nghiệm trọng điểm, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam: “Tẩy đường hay còn gọi là Natri Hydrosulphite hay Sodium Hydrosulfite được dùng để tẩy đường cho trắng, nếu đường có màu, cho chút chất này vào đường sẽ trắng tinh. Nếu dùng tẩy thực phẩm ôi, thiu thì việc tẩy rửa này chỉ mang tính chất làm cho trắng sạch mà không làm mất mùi hôi thối, như vậy chỉ đánh lừa người tiêu dùng về màu sắc bên ngoài”.

Nhiều hàng khô ở chợ Đồng Xuân bán tẩy đường và axit chanh. 

TS Lãng phân tích, cùng chất Sodium Hydrosulfite nhưng dùng trong lĩnh vực công nghiệp khác dùng trong thực phẩm. Nếu dùng trong công nghiệp thì sẽ được phép có thêm tạp chất như kim loại nặng… Nhưng nếu cũng là chất đó nhưng dùng trong thực phẩm thì cần phải tinh khiết. Hơn nữa, giá thành của hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp sẽ rẻ hơn rất nhiều so với cùng một hóa chất đó nhưng được phép dùng trong thực phẩm.

Nếu bán thực phẩm mà dùng hóa chất này để tẩy thì không được. Đúng loại nào dùng loại ấy, nếu bán tràn lan mà không đề trên nhãn mác là có dùng cho thực phẩm hay không tức là không dùng để tẩy đồ ăn được. Trong quá trình tẩy, các chất tồn dư như kim loại nặng vẫn tồn dư trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng cho sức khỏe.

Axit chanh còn có tên là Axít citric, là một chất bảo quản và cũng được sử dụng để bổ sung vị chua cho thực phẩm. Tuy nhiên, TS Lãng vẫn nhấn mạnh, cùng chất đó nhưng chỉ được dùng trong thực phẩm khi trên bao bì chỉ định rõ, nếu không sẽ gây hại cho người vì Axít citric vốn chỉ dùng trong công nghiệp tẩy rửa.

Chất tẩy đường (Sodium Hydrosulfite) được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp như một chất tẩy màu và được dùng trong cả lĩnh vực thực phẩm. Điều đáng nói là nhiều người mua tẩy đường về dùng nhưng cố tình hay vô ý mà không phân biệt đó là tẩy đường dùng cho công nghiệp hay thực phẩm.

Nếu tẩy đường đủ tiêu chuẩn dùng trong thực phẩm có thể dùng trong trái cây đóng hộp để ngừa bị hóa nâu do bị oxi hóa và để tiêu diệt vi khuẩn.

Sodium Hydrosulfite còn được cho thêm vào các chai rượu để ngăn sự hình thành giấm chua nếu có mặt vi khuẩn và để giữ màu, hương vị và mùi của sản phẩm khỏi bị oxi hóa. Ngoài ra, chất này còn được thêm vào rau xanh trong salad và để bảo quản được độ tươi ngon. Tuy nhiên, nếu nồng độ cao có thể gây dị ứng mạnh.

Trong những năm 1980, tẩy đường bị cấm sử dụng trên rau quả sống ở Mỹ sau cái chết của 13 người mà vô tình sử dụng những sản phẩm được xử lí bằng chất này có lượng tồn dư cao.





Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn