4 ca ghép tạng một đêm: Tim, gan không 'vừa' người nhận, giáo sư 'bàn tay vàng' xử lý thế nào?

Sức khỏeThứ Sáu, 29/07/2016 15:29:00 +07:00

Kích thước gan của người hiến lớn hơn ổ bụng người nhận, kích thước tim lại lọt thỏm vào hố tim người nhận khiến êkip phẫu thuật bất ngờ, nhưng tất cả đã được xử lý kịp thời, cả 4 ca ghép tạng trong đêm đều kết thúc thành công.

Đêm 27/7, tại bệnh viện 103 và bệnh viện Việt Đức diễn ra đồng loạt 4 ca phẫu thuật ghép tạng cho nhiều bệnh nhân.

Người hiến tạng là nam thanh niên 30 tuổi chết não do rơi từ tầng 2 xuống đất. Tim, thận, gan và giác mạc của anh được hiến cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh nguy kịch.

traitimdapsaughep

Trái tim được ghép từ người cho tạng.

GS - TS Nguyễn Hữu Ước, trưởng khoa phẫu thuật tim mạch, lồng ngực, bệnh viện Việt Đức được bệnh viện 103 mời đến tham gia ghép tạng cho biết: "Lá gan được mang ghép cho một bệnh nhân lớn tuổi ở Bệnh viện Việt Đức. Ca mổ thành công dù lúc đưa gan vào kích thước gan hơi nhỉnh hơn so với ổ bụng người nhận nên chúng tôi phải xử lý để có thể khiến lá gan ‘vừa’ với người nhận".

ML7A1546

 Những bàn tay vàng tham gia ghép tạng.

Không những ca ghép gan gặp vấn đề như vậy mà ca mổ ghép tim cũng có chút bất ngờ ngoài dự đoán là trái tim của người hiến bị dị tật bẩm sinh lành tính, bệnh nhân có tới 2 tĩnh mạch chủ trên, còn người nhận chỉ có 1 tĩnh mạch, đây là điểm lạ. Không chỉ thế, khi đặt tim của người hiến vào hố tim thì trái tim lọt thỏm bởi hố tim người nhận bị bệnh cơ tim thể xốp suy tim độ 4 rộng gấp 4 lần.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm lâu năm, kỹ thuật chuyên nghiệp và ‘bàn tay vàng’ khéo léo, GS Nguyễn Hữu Ước cùng các cộng sự đã xử lý được các vấn đề trên, kết thúc thành công các ca mổ ghép tạng. ‘Chúng tôi đã sử dụng một số kỹ thuật xử lý để kéo dài cuống tim’, GS Ước nói.

DSC09574

 GS- TS Nguyễn Hữu Ước, trưởng khoa phẫu thuật tim mạch, lồng ngực, bệnh viện Việt Đức (phải) và Thiếu  tướng GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc học viện Quân y: Hai trong số những người có đóng góp rất lớn giúp các ca ghép tạng thành công.

Có mặt tại bệnh viện từ chiều 27/7 đến trưa 28/7, PV VTC News được cảm nhận không khí khẩn trương chuẩn bị cho ca ghép tạng của các y bác sỹ nơi đây. Trong khu mổ, các bác sỹ và nhân viên y tế đi ra đi vào với những dụng cụ y tế phức tạp, ai cũng căng mình trước trọng trách lớn.

Chia sẻ về quá trình chuẩn bị cho 3 ca mổ ghép tạng đồng thời, Thiếu tướng, GS - TS Đỗ Quyết, Giám đốc học viện Quân y kể lại: "Người thì trực tiếp tham gia ca mổ, người chỉ đạo thực hiện phối hợp. Chúng tôi chạy từ phòng này sang phòng kia lo lắng cho bệnh nhân. Lúc ấy, bệnh nhân chẳng khác gì người nhà mình, mọi trọng trách của chúng tôi đặt vào đó.

Trước lúc lấy tạng, chúng tôi đã có phút tri ân với người hiến tạng. Đây là nghĩa cử cần được nhân rộng. Sự ra đi của anh ấy rất có ý nghĩa, giúp được nhiều người. Một bệnh nhân không may mắn ra đi để lại tạng là nghĩa cử cao đẹp và cần được tôn vinh hơn nữa. Bản thân tôi cũng đã đăng ký hiến mô, tạng".

Trả lời về thời gian sống sau ghép tạng của bệnh nhân, các bác sỹ cho biết thời gian sống được dài hay ngắn phụ thuộc vào khâu quan trọng nhất là chăm sóc sau mổ. Sau khi ghép tạng, bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt, 2 tuần sau ghép phải dùng thuốc ức chế miễn dịch cao nên nguy cơ nhiễm trùng rất cao, cần phải bảo đảm vô trùng cho người bệnh.

Có người sau ghép tim sống được 5 năm, người ghép gan sống 8 năm. Trong những người ghép tạng phải ra đi sớm có 1 trường hợp là thải ghép. Còn lại do không giữ gìn như hút thuốc lá, uống rượu đến mức phải đi cấp cứu.

Video: Trái tim người được hiến đập trong lồng ngực chiến sỹ cảnh sát biển

Nguyễn Tâm
Bình luận
vtcnews.vn