Di động chưa lên 11 số, người dùng đã lo

Kinh tếThứ Năm, 28/07/2011 02:59:00 +07:00

(VTC News) – Khách hàng sử dụng điện thoại di động bày tỏ những luồng ý kiến trái chiều trước thông tin nâng dãy số di động từ 10 số lên 11 số.

(VTC News) – Việc nâng dãy số di động từ 10 số lên 11 số mới chỉ là phương án đang được Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu. Nhưng khi thông tin đưa ra, ngay lập tức đã xuất hiện những luồng ý kiến trái chiều của các khách hàng sử dụng điện thoại di động.

LTS: Để rộng đường dư luận và cung cấp thông tin đến độc giả, VTC News sẽ khởi đăng loạt bài về vấn đề này. Cụ thể, người dân có ý kiến gì trước phương án này? Đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông là Bộ Thông tin - Truyền thông có kế hoạch như thế nào? Các nhà mạng liệu có ủng hộ chủ trương kéo dài dải số thay vì cấp thêm đầu số mới? 

Bài 1: Số di động chưa lên 11 số, người dùng đã lo xa

Trong buổi làm việc với Tổng Thư ký Liên minh Viễn Thông Thế giới mới đây. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu việc nâng dãy số di động từ 10 số lên 11 số.

Mặc dù, theo Bộ trưởng, Bộ mới chỉ đang nghiên cứu nhưng ngay lập tức ý kiến của Bộ trưởng đã tác động đến khách hàng của các nhà mạng. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ nhưng cũng có người lại bày tỏ băn khoăn việc kéo dài dãy số sẽ kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng đến công việc cũng như các dịch vụ tiện ích ... nếu Bộ áp dụng phương án này.

Người ủng hộ vì lợi ích chung

Gia đình chị Ngân (Quận Đống Đa – Hà Nội) gồm 4 thành viên, nhưng có tới 6 chiếc điện thoại đang sử dụng. Vợ chồng chị đều làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử, do  phải liên lạc nhiều với đối tác và khách hàng nên thường xuyên sử dụng sim khuyến mại.

Trước thông tin có thể tới đây, dãy số di động nâng từ 10 số lên 11 số, chị Ngân cũng như các thành viên khác không mấy lo lắng. Theo lý giải của chị Ngân, việc bất tiện là không tránh khỏi, vì mỗi một sự thay đổi chắc chắn sẽ kéo theo những vấn đề như làm mới danh bạ,  thông báo cho khách hàng, bạn bè … Nhưng, với sự bùng nổ của lĩnh vực viễn thông di động như hiện nay, không ai dám chắc chắn sẽ không có những nhà mạng mới nhảy vào thị trường.

Một khách hàng cho biết: Kéo dài dãy số di động là đi trước một bước để tránh rơi vào tình trạng cạn kho số sau này. Tôi nghĩ nên ủng hộ

Chị Ngân cho biết: “Một khi có quá nhiều nhà mạng tham gia thị trường, thì chắc chắn kho số sẽ bị khan dần. Như vậy, việc kéo dài dãy số di động là đi trước một bước để tránh rơi vào tình trạng cạn kho số sau này. Tôi nghĩ nên ủng hộ”.

Cùng quan điểm với chị Ngân, anh Vũ (nhân viên Marketing tại một công ty ở Hà Nội) cho rằng: “Người sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng, kho số chắc chắn cũng đến lúc sẽ bị thiếu. Trước sau gì cũng sẽ có lúc phải thay đổi, nên việc này chỉ là vấn đề thời gian. Theo tôi, mọi người cùng nên chia sẻ với cơ quan quản lý vì lợi ích chung".

Đối với nhiều bạn trẻ, quan điểm về chuyện thay đổi số di động càng “thoáng” hơn. Bởi vì, theo giải thích của nhiều bạn, việc này không làm xáo trộn đến cuộc sống quá nhiều.

Bạn Hà (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên tuyền) chia sẻ: “Với bản thân mình, số điện thoại di động đơn giản chỉ là một dãy số. Có thay đổi thì cuộc sống vẫn thế. Mình e là sẽ có những bất tiện trong một thời gian ngắn bởi, nhiều người có tâm lý ngại thay đổi nhưng rồi đâu lại vào đó thôi".

Hay một thành viên có nickname Olive_oyl bày tỏ trên diễn đàn Webtretho: “Với em thì chẳng có vấn đề gì cả, số chỉ để liên lạc thôi mà, nhất là việc nhớ số không phải việc của mình mà là việc của điện thoại. Do vậy, 10 số hay 11 số thì cũng như nhau nhưng ngại nhất việc phải lưu lại toàn bộ số trong danh bạ”.

Sim số “đẹp” thể hiện đẳng cấp hóa sim gì?

Diễn giả Nguyễn Duy Cương, chuyên gia nghiên cứu về phát triển tiềm năng con người cho rằng: “Mọi thứ ở trên đời đều vô nghĩa như nhau nếu không được xã hội, cộng đồng, dư luận thừa nhận. Từ một ý tưởng, thương hiệu đồ ăn nhanh McDonalds có giá trị hàng tỷ USD vì đã được cả thế giới biết đến. Số điện thoại cũng vậy, đầu tiên không có số đẹp, số xấu nhưng sau một thời gian sử dụng, có số lên đến cả tỷ đồng”

Ông Cương hiện đang dùng số di động 0978X16666. Theo thời giá, số di động này khoảng 50 triệu đồng. Hàng ngày, ông Cương liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hỏi mua số máy này.

“Không bao giờ tôi có ý định bán số máy này vì nó đem lại may mắn, thịnh vượng cho bản thân và đã gắn bó với bản thân trong một thời gian dài. Bây giờ nếu “tương” một con số nào đó vào số máy này thì chẳng khác nào việc xe ô-tô mình đang đi bị ai đó cào cho một phát hoặc bị dính một vệt sơn khác màu, giá trị sẽ bị mất đi rất nhiều.

Số điện thoại này là thuộc sở hữu của bản thân tôi, phải dùng chứng minh nhân dân để đăng ký. Ngoài ra còn là thương hiệu, bản quyền của tôi”- ông Cương nói.

Anh Lê Dũng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty IDT (hiện dùng số máy 098X888488) cũng phản đối ý định nâng số máy di động lên thành 11 số. Rất tự tin, anh Dũng khẳng định số máy này đã có người trả hàng trăm triệu đồng vì đây là dạng số “độc”, rất hợp với mệnh và công việc làm ăn của anh.

Theo anh Dũng, nếu số điện thoại này bị đưa lên thành 11 số thì không hiểu sẽ ra sao nữa vì thêm số có khi thay đổi cả “mệnh” người sử dụng.

Xét về khía cạnh kinh tế, thiệt hại cho xã hội là rất lớn. Phiền hà đầu tiên là doanh nghiệp, người dân, công chức sẽ phải đi in lại danh thiếp. Chỉ cần mỗi người in hai hộp danh thiếp thôi thì chi phí của toàn xã hội cho việc này cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Quan hệ làm ăn kinh doanh, trao đổi thông tin với bạn hàng, đối tác cũng bị đảo lộn, phá vỡ hết. Chẳng nhẽ bản thân lãnh đạo công ty phải gọi điện, nhắn tin chỉ để báo lại số máy di động cho hàng trăm khách hàng, đối tác? Còn những khách hàng đối tác người biết đến số máy  hiện nay của  mình mà mình không biết họ thì phải làm thế nào?

Giống như hàng vạn người, anh Nguyễn Thanh Trà (hiện đang dùng số máy 09X2721976) rất tâm đắc, gắn bó vì đây là số máy theo ngày tháng năm sinh. Bây giờ nếu phải thêm một số bất kỳ vào thì sẽ hỏng hết, chẳng có ý nghĩa gì!

“Nếu bắt buộc thì tôi đành phải chấp nhận còn bản thân không đồng tình với việc đưa tất cả các số di động hiện nay thành 11 số.”- anh Trà cho hay.

Còn chị Khương, nhân viên ngân hàng nói: "Tháng trước, tôi đã bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua sim “đẹp” từ một người bạn với mong muốn sẽ được nhiều may mắn trong sự nghiệp. Thông báo hết cho những người quen cũng đủ bở cả hơi tai rồi. Giờ lại thay đổi, vừa mất công mà thấy tiền mình bỏ ra uổng quá”.

Thành viên Misaki0129 của diễn đàn Webtretho cũng cho rằng: "Thay đổi từ 10 số thành 11 số đâu có phải đơn giản là mọi người chỉ việc lưu lại danh bạ là xong. Còn bao nhiêu cái liên quan nữa chứ như in lại card visit, các thông tin đăng ký với ngân hàng, đăng ký với các loại dịch vụ này nọ đều phải thay đổi hết”.

Đối với nhiều người, dãy số di động đơn giản chỉ là một dãy số vô tri vô giác, nhưng không ít người đã phải lặn lội thậm chí đợi cả tháng trời, chưa kể việc bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để “tậu” một sim điện thoại phù hợp với tuổi tác, công việc làm ăn.

Anh Vũ Hoàng, nhân viên kinh doanh bất động sản, đã gắn bó với chiếc sim “đẹp” từ 2 năm nay. Theo lời anh Hoàng, chiếc sim này được mua theo quan điểm phong thủy từ lời khuyên của một “thầy” chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này.

“Mình là dân làm ăn nên cũng hay quan niệm về số điện thoại hay biển số xe. Bây giờ chưa rõ là việc thêm số cụ thể như thế nào, nhưng gần như chắc chắn sim “đẹp” của mình sẽ bị “hỏng” hoàn toàn”, anh Hoàng chia sẻ.

Một thành viên khác của diễn đàn Webtretho có nickname 3012 cũng phàn nàn: “Thế thì số điện thoại của hai vợ chồng mình chả còn ý nghĩa gì nữa. Hai vợ chồng đổi số theo ngày, tháng, năm sinh của hai đứa trẻ con nhà mình, giờ mà chèn thêm số thì thế nào đây?”.

Người dùng điện thoại băn khoăn khi nâng số di động từ 10 số lên 11 số xã hội sẽ mất khoản chi phí lớn.   

Không chỉ giới doanh nhân, dân làm ăn, buôn bán, nghệ sỹ khoái dùng số đẹp mà ngay cả sinh viên cùng rất quan tâm đến việc này. Nguyễn Phương Oanh, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho biết: "Sinh viên ít tiền không có khả năng dùng di động 10 số thì đi tìm 11 số. Bản thân em phải dành dụm 500k (500.000 đồng) để mua cái số “còi” 016X2232888. Em đang định dành dụm thêm ít nữa để mua số đẹp 10 số nhưng bây giờ đành tạm gác lại".

"Đang dư số việc gì phải làm thế"?

Theo Luật sư Lê Đắc Thắng, Văn phòng Luật sư Lê và đồng sự (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng,  việc quy tất cả các số di động về thành 11 số không chỉ gây bất tiền, phiền hà, thiệt hại cho người dân và xã hội mà về mặt pháp lý cũng không ổn.

"Số điện thoại liên quan đến vấn đề sở hữu, quyền về thông tin, là tài sản của cá nhân và doanh nghiệp. Xét cho cùng, chính các nhà mạng là người tạo ra thị trường số đẹp, số độc như hiện nay. Có những số được rao bán hàng tỷ đồng, nhiều số không rao bán nhưng được trả hàng chục tỷ. Nhiều đại lý sim số đang có một lượng sim số đẹp có giá thị trường từ vài tỷ đến vài chục tỷ. Bây giờ đánh đồng hết tất cả thì thua thiệt ai sẽ phải chịu?", Luật sư Thắng chia sẻ.

Anh Lê Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty IDT cũng phản đối ý định nâng số máy di động lên thành 11 số.

Số điện thoại còn có ý nghĩa phong thủy
"Trước khi nghĩ đến việc đưa di động về 11 số thì các nhà mạng, cơ quan quản lý hãy tính toán, rà soát nghiêm túc lượng sim “rác” (cả 11 và 10 số). Thực tế hiện nay, số lượng sim “rác” là rất khổng lồ, đa phần khách hàng đều gọi hết tiền rồi vứt đi. Các nhà mạng không phải không biết điều này nhưng vì lợi nhuận, cạnh tranh vẫn cứ tiếp tục tung ra hàng loạt dãy số mới. Ngay cả di động 10 số cũng còn một lượng lớn là “rác” hiện đã bị vứt bỏ", anh Dũng bức xúc nói.

Anh Dũng khẳng định, số máy anh đang dùng  rất hợp với mệnh và công việc làm ăn của anh và đã có người trả hàng trăm triệu đồng để mua số “độc” này.

Diễn giả Nguyễn Duy Cương, đặt câu hỏi: "Đã hết số đâu mà phải làm thế? Vài năm nữa các ông nhà mạng  nâng di động lên thành 15 số thì làm sao? Nhiều nước trên thế giới mỗi người chỉ được quyền sử dụng một biển số xe, một số di động nên họ mới quản lý được".

Theo giới kinh doanh sim số, lượng sim “rác”, số ảo hiện nay ước tính từ 30-50% lượng sim đã được tung ra thị trường. Đặc biệt là loại sim 11 số, thường được gọi là sim khuyến mại dùng hết tiền rồi bỏ. Như vậy, quy ra sẽ vào khoảng vài chục triệu sim rác, số ảo.

Được biết, mới đây, cơ quan an ninh Bộ Công an qua rà soát sơ bộ, đã đưa ra con số hàng triệu số máy của một mạng di động lớn hiện đang trong tình trạng liên tục “ò í e”. Số thuê bao này trên thực tế đã không được sử dụng nhưng vẫn tồn tại trong báo cáo thành tích, kết quả, chiến lược kinh doanh của nhà mạng.

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.

Gia Bảo - Vĩnh Tuấn

 


 
 

 


Bình luận
vtcnews.vn