Các nước 'cư xử' với chất tạo màu E102 thế nào?

Kinh tếThứ Sáu, 15/07/2011 06:28:00 +07:00

(VTC News)- Nhiều quốc gia đã đưa ra lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng đối với chất E102 trước đây vài thập kỷ.

(VTC News) - Từ năm 1978, việc sử dụng các chất tạo màu tổng hợp trong thực phẩm đã bị cấm ở Na Uy do nó có những ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.


Ngoài ra, tại quốc gia này, chất tạo màu tổng hợp được coi là không cần thiết trong thực phẩm. Khi Na Uy triển khai thực hiện Chỉ thị của Liên minh châu Âu về phụ gia thực phẩm năm 2001, thì việc sử dụng chất tạo màu trong thực phẩm đã có sự thay đổi.

Hiện nay, không có sự khác biệt giữa những quy định về việc sử dụng phụ gia thực phẩm ở Na Uy và các nước thành viên châu Âu, ngoại trừ các yêu cầu ghi nhãn.

Theo quy định của Uỷ ban châu Âu (EC) về việc ghi nhãn đối với những thực phẩm không phải hàng đóng gói sẵn, nếu sử dụng chất tạo màu không cần phải ghi nhãn.

Tuy nhiên, để hỗ trợ người tiêu dùng, Na Uy đã quyết định buộc tất cả các sản phẩm trên thị trường nước này phải dán nhãn có sử dụng màu thực phẩm dù được đóng gói sẵn hay không. Còn chất tạo màu Tartrazine (E102) đã bị cấm hoàn toàn ở quốc gia Bắc Âu này.

E102 và những tác hại

E102 là ký hiệu để chỉ chất tạo màu Tartrazine trong thực phẩm. Đây là chất bột màu vàng tan trong nước, thường được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Nếu sử dụng kết hợp với các chất E133 Brilliant Blue FCF hay  E142 Green S sẽ tạo ra màu xanh trên thực phẩm.

Tartrazine gây ra các dị ứng với những người mẫn cảm Aspirin và bệnh nhân hen. Số lượng không dung nạp Tartrazine ước tính khoảng 360.000 người ở Hoa Kỳ, chiếm khoảng 0,12% dân số nước này. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA), Tartrazine là nguyên nhân gây phát ban cho 1 trong số 10.000 người, tương đương 0,01%.

Ngoài mì gói, kẹo cũng là đối tượng hay được sử dụng chất tạo màu.(Ảnh minh họa: Internet)

Theo tờ CBS News, Tartrazine là một loại chất nhuộm màu thực phẩm được sử dụng trong kem, nước giải khát. Nó là một loại muối natri và có chứa nhiều muối hơn so với khả năng đào thải của cơ thể. Bên cạnh việc gây nên sự hiếu động thái quá ở trẻ em, E102 còn có liên quan với bệnh hen suyễn, gây phát ban da và đau nửa đầu.

Các triệu chứng do tác động của Tartrazine đối với người không dung nạp được chất này có thể xảy ra thông qua uống nước, ăn thực phẩm có chứa E102 hoặc qua tiếp xúc với da.

Phản ứng có thể bao gồm lo lắng, đau nửa đầu, trầm cảm lâm sàng, mờ mắt, ngứa, sốt từng đợt, cảm giác khó thở và rối loạn giấc ngủ. Trong một số trường hợp,  các triệu chứng của sự nhạy cảm với Tartrazine có thể được nhận thấy khi tiếp xúc với lượng rất nhỏ và có thể kéo dài đến 72 giờ sau khi tiếp xúc.

Trên thế giới, E102 được sử dụng trong các sản phẩm như: bánh pudding, bánh ngọt, đồ uống có ga...Trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực nghiệm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống nhất quy định mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI) của E102 là 0 - 7,5mg/kg thể trọng/ngày.

Một nghiên cứu năm 1994 tại Đại học Melbourne (Úc) đã nhận thấy, sự hiếu động của trẻ tăng lên thông qua các biểu hiện kích thích, bồn chồn và rối loạn giấc ngủ sau khi ăn thực phẩm có chứa E102.

Còn một nghiên cứu khác do Đại học Southampton (Anh Quốc) tiến hành cho thấy: Phẩm màu vàng E102 có trong chế độ ăn sẽ làm tăng sự hiếu động thái quá và gây kém tập trung ở trẻ 3 tuổi và 8-9 tuổi.

Tại Hoa Kỳ, một nghiên cứu khoa học đuợc công bố trên tạp chí "Dược học và độc dược" đã đưa ra những cảnh báo về việc chất Tartrazine có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng của nam giới.

Thông qua thí nghiệm tiến hành trên chuột đực được tiêm Tartrazine, kết quả cho thấy, số lượng tinh trùng giảm và gây những bất thường đối với chất lượng tinh trùng hay tinh trùng biến dạng.

E102 bị cấm sử dụng tại nhiều quốc gia

Tại Anh Quốc, hồi năm 2007, những báo cáo về tác hại đối với sức khoẻ từ những chất tạo màu thực phẩm đã dấy lên mối quan tâm của dư luận nước này. Đặc biệt, khi có thông tin về chất phụ gia tạo màu có thể liên quan đến sự hiếu động thái quá ở trẻ em, khiến không ít bậc phụ huynh phải lo lắng.

Cũng trong năm này, Cơ quan Giám sát thực phẩm Anh (FSA) đã bị cáo buộc đứng về phía doanh nghiệp lớn khi không hành động kịp thời. Bà Sally Bunday - Nhóm chuyên hỗ trợ những trẻ em hiếu động thái quá cho rằng: "Việc thiếu hành động can thiệp của FSA là không thể giải thích được. Tôi chỉ đơn giản không hiểu được khi FSA cho rằng, các hoá chất đó độc hại nhưng lại không đưa ra lệnh cấm cụ thể".

Giáo sư Eric tại Đại học Sussex (Anh) cho rằng: Cách tiếp cận của FSA là không đáp ứng yêu cầu.

Tranh cãi đã nảy sinh sau nghiên cứu mang tính bước ngoặt cho thấy rằng, trẻ em không có dấu hiệu hiếu động thái quá đã trở nên nghịch ngợm, nói to và bốc đồng sau khi dùng thực phẩm có chứa phụ gia.

Tuy nhiên, bất chấp những kết quả gây sốc, Cơ quan giám sát thực phẩm Anh (FSA) đã từ chối lời kêu gọi ban hành lệnh cấm sử dụng chất tạo màu thực phẩm của các bậc cha mẹ, các học giả, các chuyên gia an toàn thực phẩm và nhiều người tiêu dùng.

FSA tiến hành tham khảo ý kiến rộng rãi với các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp thực phẩm về nghiên cứu này trong nhiều tháng, nhưng đã có không có các cuộc họp với đại diện người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau đó cơ quan này đã có những động thái thích hợp để bảo vệ người tiêu dùng.

Tới tháng 4/2008, Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Vương Quốc Anh đã phát đi lời kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất tự nguyện ngưng dần việc sử dụng chất tạo màu Tartrazine cùng với 5 chất tạo màu khác, do có những báo cáo cho thấy mối liên quan giữa các chất này với sự hiếu động thái quá ở trẻ em.

Tại Nhật, ngay từ năm 2003, Bộ Luật Vệ sinh Thực phẩm đã nghiêm cấm việc sử dụng chất E102 trong thực phẩm, kể cả sản xuất mì. Cho đến nay, văn bản luật này vẫn có hiệu lực pháp lý, vì vậy quy định cấm sử dụng E102 vẫn nguyên giá trị.

Ngoài ra, chiếu theo bộ Tiêu chuẩn JAS do Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản của Nhật Bản ban hành năm 2009 thì chất Tartrazine không được sử dụng trong sản xuất mì.

Văn bản Quy định&Tiêu chuẩn Thực phẩm và Phụ gia Thực phẩm của Tổ chức Thương mại Hải ngoại Nhật Bản bàn hành tháng 4/2011 cũng quy định, phẩm màu Tatrazine bị cấm dùng trong nhiều loại thực phẩm, trong đó có mì đóng gói sẵn.

Tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng của nước này cũng đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng E102 trong sản xuất thực phẩm.


tôm đang là tâm điểm chú ý về chất E102. (Ảnh minh họa: Internet)
 

Liên minh châu Âu EU hồi năm 2008 đã cảnh báo về mối nguy hại của chất E102 và yêu cầu sản phẩm có sử dụng E102 phải ghi khuyến cáo: Có thể ảnh hưởng xấu lên hoạt động và sự chú ý của trẻ em.

Thấy rõ tác hại từ chất Tartrazine, cơ quan chức năng của Hoa Kỳ cũng yêu cầu việc sử dụng Tartrazine trong thực phẩm phải được sự cho phép của Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA).

FDA cũng đưa ra quy định, tịch thu các sản phẩm bán trên thị trường, nếu có chứa chất Tartrazine không thông báo trước với cơ quan chức năng, hoặc thông báo nhưng không được thử nghiệm mức độ cho phép sử dụng.

Ngày 30/6/2010, Trung tâm Khoa học Public Interest (CSPI) của Hoa Kỳ kêu gọi FDA cấm sử dụng chất Tartrazine. Giám đốc điều hành Trung tâm CSPI, ông Michael Jacobson cho biết: "Những hoá chất tổng hợp hoàn toàn không giúp cải thiện chất lượng dinh dưỡng hoặc nâng cao sự an toàn của thực phẩm, trong khi chúng lại gây rối loạn hành vi ở trẻ và có thể dẫn đến ung thư ở bất cứ ai".

Tổ chức vì sức khoẻ cộng đồng nước này cũng yêu cầu FDA bắt buộc các doanh nghiệp phải lưu ý cảnh báo trên nhãn các thực phẩm: "Màu nhân tạo trong thực phẩm (kể cả E102) gây nên những hành động thái quá và những vấn đề về hành vi ở một số trẻ em".

Hiện nay, trong danh mục sử dụng ở Anh, Hoa Kỳ, Canada, chất Tartrazine vẫn được phép sử dụng tuy nhiên, phải trong  ngưỡng cho phép.

Việc sử dụng  Tartrazine cũng đã bị cấm tại Áo, Đức và Phần Lan. Còn tại Newzealand và Australia thì được sử dụng trong ngưỡng quy định.

Gia Bảo(Theo Dailymail, FSA, FDA, Wiki....)

 


 
 

Bình luận
vtcnews.vn