Hàng Việt "chiếm sân" tại các siêu thị

Kinh tếThứ Sáu, 26/08/2011 11:30:00 +07:00

(VTC News) - Tại các gian hàng trên hệ thống siêu thị cả nước, mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm từ 90-95%.

(VTC News) - Đẩy mạnh chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", tại các gian hàng trên hệ thống siêu thị của cả nước, mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm từ 90- 95%.

90%- 95% hàng Việt có mặt trong siêu thị

Hiện nay, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Fivimart, Co.op Mart, Intimex, Hapro…, hàng Việt chiếm đa phần ở các nhóm hàng như: thời trang, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, thực phẩm tươi sống.

Theo bà Bùi Thị Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Mart, khi mới thành lập siêu thị vào năm 1995, hệ thống siêu thị Co.op Mart chỉ phân phối gần 10% hàng Việt còn hơn 90% là hàng hóa ngoại nhập.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển, chiến lược kinh doanh của hệ thống đã chuyển dần sang hàng Việt. Đặc biệt từ năm 2009, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, hàng Việt đã thay thế vị trí của hàng ngoại trước đó.

"Đến thời điểm này, hàng Việt đã chiếm 90% trên hệ thống phân phối của 50 siêu thị và gần 20 cửa hàng Co.op food. Hệ thống Co.op Mart thường xuyên tổ chức các chương trình "Tự hào hàng Việt” về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa", bà Hạnh cho biết.

95% hàng hóa tại các gian hàng của siêu thị Big C Hà Nội là hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất

Không chỉ doanh nghiệp bán lẻ trong nước ưu tiên hàng nội địa mà các nhà bán lẻ nước ngoài như Big C, Metro... hiện nay đều đặt tiêu chí phát triển hàng Việt lên đầu trong hệ thống phân phối của mình.

Bà Thanh Huyền, Giám đốc truyền thông khu vực phía Bắc và miền Trung hệ thống siêu thị Big C cho hay, hiện nay có tới 95% các sản phẩm, tương đương với hơn 50.000 mặt hàng Việt Nam đang được bày bán tại Big C.

Số lượng khách mua hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vẫn tăng lên mỗi ngày. Do đó, thời gian tới, Big C vẫn trung thành với chiến lược ưu tiên hàng Việt.

Theo quan sát của PV, tại Big C Hà Nội, các mặt hàng tươi sống như đồ thủy, hải sản, hoa quả, rau xanh xuất xứ từ Việt Nam … chiếm từ 95- 97%. Các mặt hàng thời trang với sự góp mặt của các thương hiệu Việt như Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang cũng chiếm tới 90%.

Tại siêu thị Intimex, các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mỳ tôm, đường, sữa cũng chiếm tỷ lệ 90% sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Ở khu vực miền Trung, hầu hết các siêu thị tại TP Đà Nẵng đều có tỷ lệ hàng Việt cao từ 70 - 99% (tùy mặt hàng). Theo một giám đốc siêu thị tại đây, mấy năm vừa qua, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như bánh, kẹo, sữa, rau quả tươi... hầu hết người dân đều lựa chọn hàng Việt. Hàng ngoại chiếm tỷ lệ không đáng kể mà chủ yếu siêu thị nhập về để làm phong phú thêm sự lựa chọn cho khách hàng.

Cụ thể, tại Big C Đà Nẵng, nhóm hàng Việt chiếm ưu thế tuyệt đối, gần 100% là hàng tươi sống bao gồm rau - củ - quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản.

Lý do hàng Việt chiếm ưu thế tại đây được đại diện Big C cho biết, loại sản phẩm này có vòng quay ngắn trong khi nguồn cung trong nước dồi dào bởi gần các vùng chuyên canh như rau củ ở Đà Lạt, trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long...

Xu hướng tiêu dùng mới của người Việt

Với gần 87 triệu dân, trong đó 70% là dân số trẻ, Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng, nâng cao kỹ thuật sản xuất. Chưa kể, hệ thống các siêu thị và các nhà bán lẻ trong nước đã đẩy mạnh chiến lược tiêu dùnghàng Việt, do đó vô hình chung đã tạo nên một xu hướng tiêu dùng mới: người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Một điều có thể nhận thấy, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, người tiêu dùng luôn sẵn sàng ủng hộ hàng Việt.

Chị Thanh Tâm (Hà Đông, Hà Nội) đi siêu thị Co.op Mart, trong hóa đơn thanh toán của chị phải đến 98% là các mặt hàng Việt. Khi được hỏi, chị cho hay, tại các siêu thị bây giờ, tôi nhận thấy hầu hết là các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất mà hàng của mình giá rẻ, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Do vậy, tôi thường xuyên lựa chọn hàng Việt để phục vụ nhu cầu và sinh hoạt của cả gia đình.

 
Nhiều NTD Việt sẵn sàng lựa chọn và ưu tiêu sử dụng hàng Việt 

Còn chị Nguyễn Thị Hà (Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, chị hay đi siêu thị  Intimex ở ngay gần nhà. Khi mua sắm tại đây, chị lựa chọn 100% hàng Việt. Bởi theo chị Hà, hàng Việt hiện nay khá đa dạng từ mặt hàng thiết yếu đến hàng cao cấp. Thay vì mua hàng nhập khẩu như trước, trong mấy năm gần đây, chị sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao.

Theo chị Thúy Nga (Đống Đa, Hà Nội), hiện nay, khi đi mua sắm, chị thường bị thu hút bởi các mặt hàng Việt. "Tôi được mọi người trong cơ quan mệnh danh là người sính hàng ngoại. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, thói quen sử dụng hàng ngoại của tôi dường như biến mất. Thay vào đó, lựa chọn của tôi ưu tiên trước nhất là hàng nội. Bởi hàng Việt bây giờ có mẫu mã phong phú, chất lượng tốt và quan trọng hơn là giá cả phù hợp với túi tiền. Chưa kể, những mặt hàng của doanh nghiệp trong nước hay nằm trong danh sách bình ổn giá hoặc có chương trình khuyến mại", chị Nga vui vẻ cho biết. 

Chị Nguyễn Thị Mai (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) lại cho rằng, thú tiêu dùng hàng Việt của chị xuất phát từ hoạt động tăng cường kiểm tra chất lượng của các Sở, ban, ngành: "Số lượng các gian hàng Việt tăng lên trông thấy nhưng không phải sản phẩm nào cũng được các siêu thị bày bán. Tất cả, các sản phẩm khi được đưa vào tiêu thụ đã trải qua nhiều cuộc kiểm tra chất lượng chặt chẽ. Đây chính là điểm mấu chốt mà tôi quan tâm đến hàng Việt".  

Theo bà Thanh Huyền, đại diện siêu thị Big C, thời gian trước, người tiêu dùng không hứng thú với hàng của doanh nghiệp trong nước là do mẫu mã sản phẩm không đẹp, chất lượng chưa cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã khắc phục những hạn chế này, hàng hóa luôn được cải tiến về mâu mã, chất lương thì được nâng cao thường xuyên, do đó đã có thể "chiến thắng" ngay chính trên sân nhà.

Bà Huyền tiết lộ thêm, hiện nay, tại hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc, các nhóm hàng ngoại chỉ chiếm 5%, chủ yếu là hàng độc quyền của Pháp, Mỹ hay một số nước châu Á còn lại là hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và cung cấp.  Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước đã chú trọng phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh phân phối hàng hóa do vậy, người tiêu dùng Việt đang dần có thói quen dùng hàng nội.

Hiện không chỉ tại các siêu thị, tại các chợ tại địa bàn Hà Nội, người tiêu dùng cũng đang quay lưng lại với các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và  ưu tiên lựa chọn hàng Việt.

Thái Vy
 

 


Bình luận
vtcnews.vn