Hàng Việt và lòng yêu nước

Kinh tếThứ Tư, 15/06/2011 02:43:00 +07:00

Vào những năm đầu thế kỷ XX, dưới ách cai trị của thực dân Pháp những doanh nhân yêu nước đã phát động phong trào “Chấn hưng nội hoá, bài trừ ngoại hoá”...


Vào những năm đầu thế kỷ XX, dưới ách cai trị của thực dân Pháp những doanh nhân yêu nước đã phát động phong trào “Chấn hưng nội hoá, bài trừ ngoại hoá”, coi việc dùng hàng nội, bài trừ hàng hoá Pháp là một hành động yêu nước.

Một thế kỷ sau, Đảng và Nhà nước ta phát động phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Dùng hàng nội không đơn giản chỉ là hành động tiêu dùng. Đó còn là biểu hiện của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí tự lực tự cường mà bao đời nay ông cha ta đã dày công vun đắp.

Hãy thể hiện lòng yêu nước bằng việc dùng hàng trong nước sản xuất. Ảnh: SGTT 

Đành rằng trong thế giới phẳng, trong nền kinh tế thị trường mà ở đó, sự giao thương hàng hoá giữa các quốc gia, sự chuyên môn hoá trong sản xuất kinh doanh là điều tất yếu, chúng ta không đứng ngoài cuộc.

Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế mở, không còn thời tự cấp tự túc. Tuy nhiên, một khi thói quen tiêu dùng hàng ngoại đã ăn sâu vào trong tiềm thức nhiều người thì cùng với thói quen ấy, tinh thần tự tôn dân tộc cũng bị ăn mòn.

Mỗi người Việt Nam hằng ngày mua hàng nội địa, đó không đơn thuần chỉ là hành động ủng hộ phong trào, vì đơn giản, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” không chỉ là một lời cổ động, không chỉ là một phong trào như bao phong trào khác, nghĩa là chỉ ào lên như một đợt sóng rồi lại lặng im, có khi mất hút. Chúng ta đã chứng kiến nhiều phong trào kiểu như vậy.

Lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc là một mạch ngầm chảy xuyên suốt trong tiến trình lịch sử đất nước ta. Yêu nước là một khái niệm bao trùm, nhưng nó phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Mỗi ngày ta dùng chiếc tăm do đồng bào làm ra thay vì dùng hàng nhập ngoại là một hành động yêu nước.

Người cha mua cho con trẻ món đồ chơi do các nghệ nhân dân tộc làm ra thay vì mua hàng nhập ngoại dù đẹp nhưng độc hại mà lại không mang trong nó giá trị văn hoá dân tộc là người cha có hành động yêu nước. Nhiều mặt hàng Việt Nam đã khẳng định chất lượng trên thị trường thế giới, nhưng chúng ta không dùng, chúng ta lại sính hàng nhập ngoại cùng loại dù chất lượng kém hơn, giá cả cao hơn, đó là hành động không yêu nước.

Yêu nước là giúp đồng bào mình cùng phát triển. Khi đồng bào cùng phát triển thì đất nước sẽ phồn vinh. Dùng hàng nội địa sẽ kích cầu cho các nhà sản xuất trong nước đi lên. Các nhà sản xuất đi lên sẽ dẫn tới việc giao thương rộng mở và từ đó, chất lượng hàng hoá sẽ ngày càng được cải thiện, nâng lên. Người tiêu dùng có quyền đòi hỏi chất lượng hàng hoá trong nước phải tốt, giá thành phải hợp lý so với hàng ngoại nhập, nhưng chính người tiêu dùng cũng phải có ý thức để kích thích nền sản xuất trong nước.

Nhiều mặt hàng Việt Nam đã khẳng định chất lượng trên thị trường, kể cả thị trường thế giới. Ảnh: Internet 


Mỗi nhà sản xuất hãy thể hiện lòng yêu nước bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất ra những mặt hàng mang trong nó tinh thần văn hoá dân tộc. Thay vì đặt những cái tên nước ngoài đủ kiểu khó hiểu, đặt tên cho sản phẩm bằng tiếng mẹ đẻ cũng là cách thể hiện lòng tự hào dân tộc. Cách đây 100 năm, doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã thể hiện tinh thần dân tộc bằng cách đặt tên các con tàu mua lại từ đối thủ nước ngoài bằng những tên Việt như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi. Sao các nhà sản xuất trong nước ngày nay không làm như thế?

Hãy tưởng tượng mỗi sáng thức dậy, nhìn trong căn phòng, ngoài hành lang, dưới bếp, ngoài sân vườn… đâu đâu cũng thấy vật dụng, hàng hoá do đồng bào mình làm ra ta sẽ cảm thấy yêu đất nước, tự hào dân tộc biết bao nhiêu. Bởi mỗi vật dụng, món hàng đều chứa đựng trong nó hồn cốt của dân tộc, mồ hôi của đồng bào mình. Ta dùng nó, trân trọng nó nghĩa là ta đang từng ngày đắp xây nghĩa đồng bào, tình yêu tổ quốc!   

TheoXuân Hùng/Báo Lao Động
Bình luận
vtcnews.vn